Những người luôn về đích... sớm

Đó là những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) tổ công tác thuộc Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT (Bộ Công an) trực tiếp làm nhiệm vụ dẫn đoàn và bảo đảm an toàn phục vụ Cuộc đua xe đạp 'Về Điện Biên Phủ-2019, Cúp Báo Quân đội nhân dân'.

"Thành tích" về đích sớm nhất của họ không hề được trọng tài tính điểm, cũng chẳng được hoạt náo viên Lý Mạnh Hùng xướng tên, thậm chí cũng rất ít người dân tham gia cổ vũ cuộc đua để ý tới, nhưng sau mỗi chặng đua các anh đều rất vui. Sau mỗi lần cán đích an toàn, họ lại “tự thưởng” cho nhau bằng những cái bắt tay siết chặt với ánh mắt rạng ngời và nụ cười tươi rói.

 Đại tá Phùng Kim Lân, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó trưởng Ban tổ chức trao đổi với lực lượng Cảnh sát giao thông và thành viên CLB Mô tô thể thao Hà Nội về phương án bảo đảm an toàn cho cuộc đua. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Đại tá Phùng Kim Lân, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó trưởng Ban tổ chức trao đổi với lực lượng Cảnh sát giao thông và thành viên CLB Mô tô thể thao Hà Nội về phương án bảo đảm an toàn cho cuộc đua. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Nói vậy, nhưng để gặp và trò chuyện được với các thành viên tổ công tác, tôi cũng chẳng thể cứ “muốn là được”. Bởi sau mỗi lần về đích, kết thúc một chặng đua dù dài hay ngắn, các anh lại mỗi người một việc với mong ước lớn nhất: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho từng chặng đua và cả cuộc đua. Tôi nói vậy, quả không hề quá chút nào, bởi ngay từ ngày khai mạc cũng đã ngỏ ý muốn được trao đổi cùng các anh về công việc và suy nghĩ của mình khi tham gia Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ-2019, Cúp Báo Quân đội nhân dân” lần này, nhưng Thượng úy Vũ Hùng, cán bộ Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, nói với tôi: “Cứ đi đã, mọi việc đang chờ chúng ta phía trước. Chúng tôi hứa sẽ trả lời anh khi những vận động viên (VĐV) cuối cùng cán đích an toàn”.

Mang theo những lời tâm sự ấy nên trên suốt chặng đường đua, “mục tiêu” quan sát của tôi chính là hành động của tổ công tác thuộc Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn. Quả thật, cứ sau mỗi lần cán đích, các anh người thì sử dụng bộ đàm liên hệ với đội ngũ trọng tài để biết được số lượng VĐV còn thi đấu phía sau; khoảng cách tốp cuối với đích là bao xa; người lại dùng điện thoại cá nhân liên hệ với chỉ huy lực lượng công an địa phương nhằm duy trì đường đua tốt nhất để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các VĐV; người trực tiếp phối hợp với lực lượng công an tại chỗ nhằm bảo đảm tốt nhất “đường thông, đích rõ” để các VĐV bứt tốc về đích với thành tích cao nhất. Kết thúc chặng đua nào các anh cũng làm những công việc như vậy, thậm chí còn làm nhiều hơn dẫu cho trời nắng hay mưa; dẫu là giữa trưa hay trời đã về chiều...

Tuy đã quan sát rất kỹ nhưng tôi vẫn quyết tâm lựa chọn thời điểm để có cuộc phỏng vấn nhanh đối với Thượng úy Bùi Ngọc Tuân, Phó đội trưởng phụ trách tổ công tác, sau khi anh cùng đồng đội điều hành an toàn cuộc hành quân bằng ô tô từ thị trấn Mai Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) về tới TP Sơn La (tỉnh Sơn La). Đây là chặng mà các VĐV không thi đấu, công việc không nhiều nên anh Tuân nhận lời đề nghị của tôi, nhưng kèm theo điều kiện: Không trả lời phỏng vấn mà chỉ là trò chuyện. Nói thế, nhưng cuộc trò chuyện của chúng tôi vẫn bị những việc khác xen vào, đứt quãng. Mở đầu câu chuyện, anh Tuân nói với tôi: “Tôi thấy các nhà báo đều tập trung phỏng vấn những VĐV đạt thành tích cao sau mỗi chặng đua, còn anh...?”. Câu mở đầu ấy dường như anh “đẩy” tôi vào thế người “bị” phỏng vấn thì đúng hơn. Rồi anh cũng dành cho tôi quãng thời gian hơn 15 phút để nói về những suy nghĩ và trách nhiệm của lực lượng công an nói chung, tổ công tác nói riêng khi tham gia cuộc đua xe đạp về Điện Biên Phủ lần này do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức. Theo anh Tuân, không phải năm nay, cũng không phải ở cuộc đua này cán bộ, chiến sĩ Cục CSGT mới biết đến những sự kiện do Báo QĐND tổ chức. Sự gắn bó của các anh với Báo QĐND đã được kiểm chứng qua rất nhiều sự kiện, như: Cuộc hành quân tiếp lửa truyền thống năm 2005 và 8 cuộc đua xe đạp gắn liền với những sự kiện lịch sử của đất nước, của dân tộc, của QĐND Việt Nam. Anh Tuân nói: “Mỗi một sự kiện chúng tôi có dịp được tham gia cùng Báo QĐND đều hết sức ý nghĩa. Ví như lần này, cuộc đua xe đạp được Báo QĐND tổ chức đúng dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang sôi nổi thi đua lập thành tích cao nhất kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là dịp để thế hệ trẻ như chúng tôi hiểu thêm về mảnh đất đã trở thành huyền thoại, biết thêm về sự phát triển của những miền quê vùng Tây Bắc mà đoàn đua đi qua. Đặc biệt, Ban tổ chức cuộc đua còn có rất nhiều hoạt động tri ân đối với những người con đất Việt đã không tiếc máu xương của mình hiến dâng cho Tổ quốc vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chỉ nghĩ đến đó cũng khiến chúng tôi thấy rõ trách nhiệm và vinh dự của mình khi may mắn được tham gia phục vụ cuộc đua...”.

Trách nhiệm và vinh dự của các anh được thể hiện từ việc chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức xây dựng kế hoạch hiệp đồng với công an các địa phương trong bảo đảm an toàn cho toàn tuyến; đó còn là phương án bảo đảm an ninh trật tự nơi mà sau mỗi chặng đoàn đua dừng chân; và đó còn là tham gia các hoạt động tri ân, tình nghĩa. Chẳng thế mà trên suốt chặng đường đoàn đua đi qua, tại bất kỳ điểm giao cắt hay ngã ba, ngã tư đều có ít nhất từ hai người tham gia giữ gìn an ninh trật tự; chẳng thế mà dẫu hai bên đường đoàn đua đi qua lúc nào cũng rất đông đồng bào nhiệt tình cổ vũ, nhưng tất cả đều vì đoàn đua, đều vì thành tích và sự an toàn của mỗi VĐV.

Đích mà mỗi VĐV tranh tài vẫn còn ở phía trước, nhưng với tôi, cái đích mà tổ công tác thuộc Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT hướng đến là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc đua. Các anh luôn là người về đích sớm nhất sau mỗi chặng đua, nhưng lại là những người được hưởng niềm vui muộn màng nhất...

LÊ LONG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nhung-nguoi-luon-ve-dich-som-573309