Những người lùa trâu, lợn lên rừng để làm giàu

Cứ thả trâu, lợn… vào rừng để chúng tự kiếm thức ăn, vài tháng đến 1 năm thu về tiền triệu, những người dân ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hồ hởi tâm sự.

 Đàn lợn, gia cầm của gia đình ông Phùng Vĩnh Phượng được chăn nuôi theo hình thức bán hoang dã. Ảnh: Đào Thanh.

Đàn lợn, gia cầm của gia đình ông Phùng Vĩnh Phượng được chăn nuôi theo hình thức bán hoang dã. Ảnh: Đào Thanh.

Ở rừng vui hơn ở nhà

Đàn trâu mộng đang nhẩn nha gặm cỏ trên các mom đồi ven sông bỗng vểnh tai, mặt ngơ ngác nghe âm thanh vọng đến từ phía một người đàn ông luống tuổi. Tiếng hú kêu tu tu… vang một hồi thì đàn trâu bỗng đi thành từng hàng tiến lại gần người đàn ông. Người đàn ông cầm chiếc xô đi trước, đàn trâu lẽo đẽo theo sau. Đó là những hình ảnh lặp đi lặp lại thường ngày nhiều năm nay của ông Phùng Vĩnh Phượng.

Ông Phượng là người dân tộc Dao, ông cũng là người sở hữu nhiều trâu, bò, lợn nhất ở vùng núi này. Ông quê ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình. Năm 2015, khi nhà nước có chủ trương giao, khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân theo Nghị định 75, ông nhận giao khoán bảo vệ 30ha rừng phòng hộ.

Ngoài việc mỗi năm nhận được số tiền 400.000 đồng/ha để bảo vệ rừng, gia đình ông còn nuôi 4 con lợn nái, 11 con trâu, 10 con dê… chăn thả dưới tán rừng. Thả trâu, lợn, dê trong rừng thuận lợi là việc chăn thả hầu như không mất, công sức. Sáng thả chúng ra rồi chiều lại đi gọi rồi kiểm đếm đàn. Tuy nhiên, chăn thả như thế cũng có những rủi ro nhất định vì trong rừng có hố, nhất là tại các triền sông, nghé non, lợn con bơi chưa thành thạo không khéo bị cuốn theo dòng nước nước xiết.

Nhớ tới đợt năm 2018, bỗng dững nhà ông mất con trâu cái. Cả nhà buồn lắm vì mấy chục triệu cơ mà. Nhưng vài tháng sau nó trở về cùng một nghé con, cả nhà vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ. Thế nhưng cũng sau đận ấy, ông cẩn thận hơn trong việc trông nom trâu. Đặc biệt, chủ động các bao muối để trộn vào cỏ cho chúng ăn, rồi tạo cho chúng thói quen nghe tiếng gọi của chủ để chúng biết nhớ chủ mà tìm về.

Tôi hỏi: Ở đây hẻo lánh thế này thì trâu, lợn biết bán cho ai? Ông Phượng niềm nở: "Đường giao thông không mấy thuận tiện, nhưng trâu, lợn, gia súc là đồ sạch 100%. Bởi ai cũng biết rằng, ở đây phương tiện đi lại khó khăn nếu mua cám để nuôi lợn, dê, gà thì tiền cước vận chuyển lên đến nơi cũng bằng tiền mua thêm được 1 bao cám nữa. Mà nuôi như thế thì lỗ vốn. Chăn nuôi hoang dã, đàn gia súc thịt thơm ngon nên có hàng đến đâu là khách mua hết đến đấy. Cứ mỗi con lợn tầm 3kg đến 5kg cắp nách qua đồi là các hộ chăn nuôi có ngay 1 triệu đồng.”

Khi chia tay, chúng tôi thấy được ánh mắt lưu luyến của người đàn ông dân tộc Dao nơi đại ngàn vùng cao. Rồi giọng ông bịn rịn: “Lâu lắm mới có khách ghé thăm nhà”. Vị khách ghé thăm khu chăn nuôi của ông gần đây nhất là vào dịp hơn một tháng trước. Đó là những thương lái ghé mua lợn, mua trâu.

Với ông Phượng, việc chăn nuôi phát triển kinh tế quan trọng nhưng việc giữ rừng theo cam kết với nhà nước cũng quan trọng không kém. Bởi vậy, tuần nào vợ chồng ông cũng chia nhau ra đi tuần rừng theo diện tích được giao.

Ông nhớ có lần đi tuần rừng, thấy 1 nhóm người nghi là lâm tặc phá rừng, nhưng ông chỉ có 1 mình, nếu đối đầu thì quá nguy hiểm. Điện thoại thì không có sóng. Ông bèn nghĩ ra cách dùng gậy đập vào các bụi cây tạo tiếng động giả như 1 nhóm người đang chạy đến rồi ho lớn: Kiểm lâm đây! Thấy có động, toán người kia nhanh chóng tản đi, còn ông cũng rút lui an toàn và báo cáo sự việc với cán bộ kiểm lâm.

Để đàn vật nuôi tìm về với chủ, người chăn nuôi chủ động cho chúng ăn thêm muối trắng. Ảnh: Đào Thanh.

Tôi thầm nghĩ, có lẽ đó là ánh mắt xuất phát từ tấm lòng hiếu khách của người nông dân vùng cao, chứ không phải ánh mắt cô đơn. Bởi tôi nhớ tới lời bộc bạch của ông: “Ở đây còn vui hơn ở nhà. Vì vào rừng, làm ra được của cải. Ở nhà đất hẹp, làm ruộng quanh năm gia đình cũng chỉ đủ ăn. Ở đây, lam lũ chịu khó mỗi năm cầm chắc trong tay khoảng 50 đến 100 triệu đồng”.

Giữ rừng tốt thì không sợ cái đói trở lại hỏi thăm

Từ bến thuyền xã Thượng Lâm, con thuyền dù đã chạy hết tốc lực nhưng cũng phải hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được vực Khuổi Đa. Nơi đây gần như vắng bóng người qua lại. Nhưng lại là nơi trú ngụ của 21 hộ dân sống bám rừng và làm giàu từ rừng.

Năm 2015, theo Nghị định số 75 của Chính phủ, chính quyền huyện Lâm Bình triển khai thực hiện việc giao khoán cho các hộ dân bảo vệ và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Đa số cho các hộ dân đều là người dân tộc thiểu số, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Rời làng lên rừng, họ làm lều tạm; mỗi hộ được dựng lều không quá 200m2; cây cối làm nhà đều phải làm bằng gỗ tạp. Rồi các hộ dân dựng lều lợn, lều dê, lều trâu, lều bò…

Tuổi ngoài 20, trong khi nhiều cô gái ở thành thị còn đang làm nũng bố mẹ thì Nguyễn Thị Thu đã thoăn thoắt mọi việc. Từ vác cây làm chuồng lợn, chuồng gà, chẻ nứa đan lồng nuôi cá tới giao dịch bán hàng đều khá thành thạo. 5 năm trước, Thu lấy chồng rồi theo chồng vào vùng núi rừng nơi đây. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, vợ chồng cô có với nhau 2 đứa con. Khi chúng biết ăn, biết chơi cô gửi lại cho bố mẹ chồng rồi ở lại với rừng để vừa giữ rừng vừa làm kinh tế.

Thu chia sẻ, nhiều đêm nằm trong rừng giữa mênh mông bốn bề chỉ thấy núi rừng, tiếng chim, tiếng voọc kêu, cô nhớ những đứa con của mình nhiều lắm. Nhưng vì muốn chúng được ăn học bằng bạn bằng bè thì phải cố thôi. Chứ để chúng ăn đói, mặc rét rồi thất học thì mình còn có lỗi hơn.

Những căn nhà tạm được người dân của huyện Lâm Bình dựng lên trên các mom đồi để trông coi, bảo vệ và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ảnh: Đào Thanh.

"Để quản lý tốt 21 hộ dân được giao bảo vệ và phát triển kinh tế dưới tán rừng theo Nghị định 75, cán bộ trong Ban luôn đồng hành với họ, vừa hỏi thăm động viên đồng thời giám sát phát triển kinh tế cũng như thực hiện quản lý bảo vệ rừng theo diện tích được giao. Nhờ có họ, nên diện tích rừng phòng hộ thuộc Ban quản lý cũng được bảo vệ tốt hơn. Qua 5 năm triển khai Nghị định 75, 21 hộ dân được giao trông coi, bảo vệ rừng đều đã thoát nghèo, có cuộc sống ấm no. Trong đó có nhiều hộ đã có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm nhờ phát triển chăn nuôi dưới tán rừng"

Nguyễn Chí Kiên, cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Lâm Bình

Để mẹ con không xa nhau quá lâu, tuần nào cô cũng tranh thủ về nhà 1 đến 2 buổi. Cuối tuần thì dìu dắt đứa lớn đứa nhỏ băng qua 4km đường rừng để vào khu chăn nuôi của bố mẹ. Vừa là dịp gia đình đoàn tụ, nhưng cũng là dịp để chúng biết cuộc sống của bố mẹ vất vả như thế nào, để chúng thêm hiểu, thêm yêu bố mẹ.

Căn lán của gia đình Thu có diện tích rộng chừng 50m2. Cột lán làm bằng gỗ tạm, xung quanh đều bưng bằng những phên nứa đập dẹt ra rồi đan lại thành từng phên. Căn lán làm theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày. Gồm tầng sàn để các thứ đồ và tầng trên để ở. Tầng sàn và tầng trên được bắc bằng chiếc cầu thang làm bằng gỗ. Theo những người có kinh nghiệm sống lâu năm trong rừng thì làm nhà như vậy vừa thoáng đãng, sạch sẽ và cũng là để phòng trừ rủi ro lỡ có động vật hoang dã “hỏi thăm”.

Để dân bảo vệ rừng hiệu quả, cán bộ kiểm lâm của huyện Lâm Bình vừa động viên, thăm hỏi vừa giám sát, nhắc nhở. Ảnh: Đào Thanh.

Tôi hỏi nửa đùa: Rừng nhiều gỗ quý thế này sao không lấy về làm nhà cho kiên cố? Thu cười rồi lắc đầu giọng thật thà: Không được đâu. Cán bộ bảo mỗi hộ chỉ được lấy gỗ tạm dựng nhà thôi. Hơn nữa mình là người được giao giữ rừng mà con phá rừng thì nói còn ai nghe. Sợ nhất phá rừng cán bộ biết, không cho làm kinh tế dưới tán rừng thèo cái nghèo cái đói quay lại hỏi thăm thì còn khổ hơn.

Anh Nguyễn Chí Kiên, nhân viên bảo vệ rừng của chốt bảo vệ rừng Khuôn Phay, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, nếu chỉ có cán bộ kiểm lâm giữ và bảo vệ rừng sẽ rất khó khăn. Bởi rừng thì rộng còn lực lượng mỏng quá, vì thế có các hộ dân hỗ trợ như thể kiểm lâm có thêm cánh tay nối dài.

Đào Thanh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-nguoi-lua-trau-lon-len-rung-de-lam-giau-d276074.html