Những người lính 'xưa thắng giặc, nay thắng nghèo'

Khi Tổ quốc lâm nguy, những chàng trai quả cảm đã không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng xông pha ra chiến trường quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược. Hòa bình lập lại, với phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', mạnh dạn trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, những người lính năm xưa lại quyết tâm đánh thắng 'giặc nghèo' trên mặt trận mới.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của thương binh Nguyễn Văn Minh, xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa) cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến thăm mô hình trồng trọt trong nhà màng của thương binh 2/4 Nguyễn Văn Minh, xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa) đúng lúc vườn dưa Kim Hoàng hậu đang trĩu quả, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí của người lính như bác. Trò chuyện với chúng tôi, bác Minh cho biết: “Tôi nhập ngũ năm 1978 vào Sư đoàn 305 bộ đội đặc công, đóng quân ở tỉnh Cao Bằng. Năm 1979, tôi cùng đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1981, tôi bị thương và đến năm 1982 thì phục viên trở về địa phương. Từ đó đến nay, tôi tham gia nhiều công việc khác nhau và hiện là Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Thiệu Chính”. Chia sẻ về mô hình trồng dưa trong nhà màng cho thu nhập khá, bác Minh cho biết: “Sau khi đảng ủy, UBND xã tổ chức cho cán bộ, công chức đi tham quan mô hình nhà màng ở các nơi, tôi đã tiên phong thực hiện. Năm 2020, tôi đầu tư hơn 600 triệu đồng san lấp 1.500m2 đất đồng sâu trũng, làm nhà màng và hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, hệ thống điện... Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, tôi trồng dưa vào bao đựng giá thể, đồng thời sử dụng toàn bộ chế phẩm sinh học và phân bón hỗn hợp để chăm sóc. Sản phẩm của tôi khi xuất bán sẽ được kiểm định chất lượng và cấp tem VietGAP chứng nhận sản phẩm an toàn”. Theo tính toán của bác Minh, dù mới thực hiện được 1 năm nhưng bác đã thu lãi được 100 triệu đồng từ mô hình này.

Phấn khởi chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Thiên Thanh, Chủ tịch Hội CCB huyện Thiệu Hóa cho biết: Giai đoạn 2016-2021, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã góp phần làm tăng nhanh về số lượng, quy mô các loại hình kinh tế. Là địa phương có nhiều ưu thế về phát triển nông nghiệp nên Hội CCB huyện đã bám sát chương trình phát triển kinh tế của huyện, các chính sách kích cầu của Nhà nước và của địa phương để tuyên truyền cán bộ, hội viên mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp, chuyển đổi đất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao kết hợp với chăn nuôi... Nhiều tập thể và hội viên CCB đã khẳng định rõ vai trò tiên phong gương mẫu trong sản xuất, kinh doanh. Điển hình như mô hình nuôi cá bột, cá giống của Hội CCB xã Minh Tâm, từ 1 - 2 hộ ban đầu đến nay đã có 20 hộ tham gia; mô hình nuôi chim bồ câu của Hội CCB xã Thiệu Thành, Thiệu Vũ, Thiệu Chính, ban đầu chỉ có 20 - 30 hộ nhưng nay đã có tới hàng trăm hộ nuôi; phong trào làm nhà màng trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh của Hội CCB thị trấn Thiệu Hóa đã nhân rộng ra nhiều xã khác như Thiệu Vận, Thiệu Nguyên, Thiệu Toán...

TP Thanh Hóa hiện có 151 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 55 HTX, 270 trang trại, gia trại do CCB làm chủ. Trong đó, tấm gương bệnh binh Lê Quang Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Nghị phường Long Anh là một điển hình. Đầu năm 1975, bác Lê Quang Hiểu cùng đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ kho tài sản mà quân đội ta thu được của giặc tại Đồng Xoài (tỉnh Phước Long). Những ngày thực hiện nhiệm vụ ở đây, bọn tàn quân của chế độ Mỹ, Ngụy ồ ạt bắn súng, truy lùng nhưng đơn vị vẫn quyết giữ cho được kho tài sản đã thu hồi. Hoàn thành nhiệm vụ ở Đồng Xoài, bác Hiểu được phong tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tháng 8-1975, bác Hiểu được lệnh chuyển ra ngoài Bắc, sau đó được cử đi học và về công tác tại Quân đoàn 1. Năm 1990, sức khỏe giảm sút, bác về nghỉ chế độ bệnh binh 2/3. Trở về địa phương, sau nhiều năm trăn trở, năm 2003, bác thành lập Công ty TNHH Hữu Nghị, chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, vật liệu chịu lửa. Để tồn tại và phát triển, bác đã tìm cho mình một lối đi riêng với chiến lược kinh doanh phù hợp. Năm 2020, công ty đã đầu tư và hoàn thiện dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô lớn nhằm tăng năng suất lao động, tăng sản lượng và bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Bác Hiểu chia sẻ: “Trong chiến tranh, tôi là người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc thì trong thời bình, tôi là người chiến sĩ kiên cường chiến đấu trên mặt trận chống đói nghèo. Những năm qua, tôi đã đưa hoạt động của công ty không ngừng lớn mạnh với sản phẩm chủ yếu là gạch không nung, sạn thạch anh Quaczit. Doanh thu của công ty tăng dần theo từng năm, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương”.

Chia sẻ về phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, ông Hoàng Thế Hường, Chủ tịch Hội CCB TP Thanh Hóa, cho biết: “5 năm qua, Hội CCB thành phố đã tích cực huy động các nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở hội cũng tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình tiêu biểu, tổ chức các cuộc giao lưu trao đổi để học tập lẫn nhau. Bằng trí tuệ và sự sáng tạo của mình, nhiều cán bộ, hội viên CCB đã mạnh dạn đầu tư hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp, trang trại, gia trại... Hiện nay, thành phố có 696 hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi với tổng số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 3.900 lao động, chủ yếu là CCB, con em CCB và cựu quân nhân. Cùng với đó, các cấp hội đã chủ động rà soát số gia đình hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp giúp đỡ. Nếu như năm 2016, số hội viên CCB nghèo của thành phố là 117 hộ thì đến năm 2020 giảm còn 5 hộ”.

Thực hiện chương trình trọng tâm của Hội CCB tỉnh về giúp nhau phát triển kinh tế, giai đoạn 2016-2021, các cấp hội CCB trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi mùa vụ, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất, chăn nuôi. Các cấp hội CCB cũng chủ động phối hợp với trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các chuyên đề giảm nghèo bền vững cho cán bộ, hội viên. Đồng thời đứng ra tín chấp và nhận ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại cho hội viên vay phát triển kinh tế. Nhiều địa phương đã có những cách làm mới, sáng tạo như thành lập các câu lạc bộ “CCB giúp nhau phát triển kinh tế”, “CCB làm kinh tế giỏi ở cơ sở”, “Tổ nhóm CCB tự nguyện giúp nhau về vốn sản xuất”... Với tinh thần vượt khó vươn lên cùng với sự hỗ trợ của tổ chức hội, đến nay, Hội CCB Thanh Hóa không còn hội viên là hộ đói, hộ nghèo giảm xuống, hộ khá và giàu ngày càng tăng lên.

Bài và ảnh: Thu Vui

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nhung-nguoi-linh-xua-thang-giac-nay-thang-ngheo/137677.htm