Những người lính trên 'miền đất khát'

Nhắc tới tuyến biên giới huyện Ia H'Đrai, ít ai biết rằng, đây lại là một trong những huyện khó khăn, khắc nghiệt nhất của tỉnh Kon Tom. Huyện Ia H'Đrai cách thành phố Kon Tum khoảng 150km về phía Tây Nam, có chiều dài biên giới khoảng 76,4km, tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Đây là địa bàn quan trọng mang tính chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh và khu vực Tây Nguyên, dù địa bàn còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng những người lính 'quân hàm xanh' nơi đây vẫn nỗ lực vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Suối Cát chăm sóc rau xanh. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Suối Cát chăm sóc rau xanh. Ảnh: Kim Nhượng

Chiến đấu với hạn hán

Chúng tôi tới huyện Ia H’Đrai, tỉnh Kon Tum trong một ngày cuối tháng 5, dọc đường là những rừng cây cao su bạt ngàn, xanh tít tắp, kéo dài từ các xã nội địa vào tới tận khu vực biên giới. Càng đi sâu vào trong xã biên giới, những cánh rừng cao su, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh càng nhiều hơn. Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự trù phú đó, tuyến biên giới Ia H’Đrai luôn phải đối diện với những khó khăn, đặc biệt thời tiết cũng như khí hậu nơi đây vô cùng khắc nghiệt, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt là vấn đề nan giải nhất.

Đồn Biên phòng Sê San, Mo Ray, Sa Thầy, Suối Cát và Ha Le đều đứng chân trên tuyến biên giới huyện Ia H’Đrai. Quản lý đường biên giới dài, thế nhưng mật độ dân cư lại thưa thớt, thậm chí có những địa bàn do đồn quản lý không có dân cư sinh sống, tập trung chủ yếu là công nhân các nông trường trồng cao su. Trên tuyến biên giới của huyện Ia H’Đrai, tình hình khan hiếm nước, hạn hán xảy ra thường xuyên, khó khăn hơn nữa khi vào mùa khô, lượng nước sinh hoạt tại đây càng khan hiếm. 6 tháng mùa khô, có những đơn vị phải mua nước từ ngoài huyện vào phục vụ cán bộ, chiến sĩ cũng như cư dân sống trên địa bàn sinh hoạt.

Thượng tá Đinh Văn Định, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sa Thầy cho biết: “Đồn Biên phòng Sa Thầy quản lý, bảo vệ 13,3km đường biên giới, tiếp giáp xã Nhang, huyện Đu Miu, tỉnh Rattanakiri (Campuchia), trong đó, trực tiếp quản lý 5 mốc chính từ mốc 20 tới 24(2), phụ trách một phần của xã Ia Tơi và Ia Đa. Người dân sinh sống tại địa bàn chủ yếu từ miền Bắc vào làm công nhân tại Nông trường cao su Chư Mo Ray, Công ty 76, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng. Khó khăn lớn nhất vào 6 tháng mùa khô dẫn tới hạn hán, mọi nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng như cán bộ, chiến sĩ đều cạn kiệt”.

Chỉ cần nhìn xung quanh khuôn viên của đồn, chúng tôi có thể thấy được mức độ khan hiếm nước trên địa bàn này. Hầu như cây cối của đơn vị đều héo úa, nắng gắt làm cho cây xanh cũng như cảnh quan xung quanh thêm phần bạc màu. Được biết, nguồn nước của đơn vị được bơm lên từ giếng được khoan với độ sâu lên tới hơn 100m, thế nhưng vẫn không đủ dùng.

Cùng chung với hoàn cảnh khan hiếm nước đó, Đồn Biên phòng Suối Cát phải tự bơm nước từ con suối. Mùa khô, suối cũng cạn nước. Việc dẫn nguồn nước về đơn vị là cả một quá trình gian nan, vất vả. Đường dây được ròng qua hai chặng, dài hơn 1km, từ đó được bơm thẳng lên téc nước của đơn vị, việc sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị phụ thuộc vào nguồn nước này.

Vượt qua khó khăn

Phải đối diện với những khó khăn, vất vả, thiếu thốn như vậy, thế nhưng tập thể cán bộ, chiến sỹ tuyến biên giới huyện Ia H’Đrai vẫn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để chiến thắng với “giặc hạn hán”. Cấp ủy, Ban chỉ huy đồn đã đưa ra những giải pháp khắc phục nhằm tìm ra biện pháp hiệu quả nhất cho cán bộ, chiến sỹ đảm bảo sinh hoạt tối thiểu. Các nguồn nước cung cấp chủ yếu luôn được kiểm tra, bảo vệ một cách nghiêm ngặt, những nguồn nước sạch được dùng tiết kiệm qua việc bơm lên téc nước của đơn vị. Ngoài ra, đơn vị chủ động mua sắm téc nước, từ đó, dự trữ từ nguồn nước mưa khi mùa mưa đến. Từ việc tắm giặt cho tới sinh hoạt hàng ngày, cán bộ, chiến sỹ đều ý thức được việc tiết kiệm nước.

Thiếu tá Võ Văn Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Suối Cát đưa chúng tôi đi một vòng tham quan khuôn viên đơn vị, anh chỉ tay về phía những cây chết khô, héo úa vì không đủ nước tưới, rồi cười nói: “Ở đây, giọt nước quý như máu vậy, khan hiếm vô cùng, nên cán bộ, chiến sỹ đơn vị luôn quán triệt về việc tiết kiệm nước sinh hoạt, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn lực mới, từ đó mua sắm trang thiết bị như téc nước phục vụ việc dự trữ nước vào mùa mưa”.

Vừa qua, Đồn Biên phòng Suối Cát đã được Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh tài trợ cho một giếng khoan, tuy lượng nước ít nhưng đã giải quyết phần nào bài toán nước sinh hoạt cho cán bộ, chiến sỹ tại đơn vị.

Téc nước của Đồn Biên phòng Suối Cát giúp đơn vị dự trữ nước sinh hoạt cho cán bộ, chiến sỹ vào mùa mưa. Ảnh: Kim Nhượng

Cũng đứng chân trên địa bàn biên giới huyện Ia H’Đrai, Đồn Biên phòng Sa Thầy lại đẩy mạnh tăng gia sản xuất để khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống cho bộ đội. Với nguồn tăng gia tự túc, Đồn Biên phòng Sa Thầy đã chủ động được nguồn rau, củ, quả, tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sỹ đơn vị.

Hiện nay, đơn vị có 28 con bò, đàn lợn lên tới 38 con, gia cầm 25 con, khai thác tốt vườn rau 1.300m2, đảm bảo rau xanh cho đơn vị. Ngoài ra, Ban chỉ huy đồn còn kết hợp với chính quyền địa phương xã, hướng dẫn những tổ, đội công nhân cao su, cung cấp, chia sẻ nước sinh hoạt cho công nhân; phối hợp với các đội dân quân xã xây dựng những cụm, điểm, chốt đầy đủ rau xanh, phục vụ đời sống hàng ngày.

Chia tay cán bộ, chiến sỹ BĐBP trên tuyến biên giới huyện Ia H’Đrai, nhìn những cánh rừng cao su thẳng tắp, xanh mướt một màu, chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước cảnh sắc tươi đẹp nơi đây. Nhưng điều làm tôi ấn tượng, khâm phục nhất chính là sự quyết tâm vượt qua khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sỹ.

Chiến thắng được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, từ đó bám trụ địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, để biên giới Ia H’Đrai luôn mang một màu xanh, chính là những người lính Biên phòng kiên cường sống và chiến đấu trên “miền đất khát” này.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-linh-tren-mien-dat-khat/