Những người lính mũ nồi xanh áo trắng trên thao trường (tiếp theo)

Những tình huống huấn luyện đơn lẻ nhưng đòi hỏi sự phối hợp hiệp đồng của cả hệ thống bệnh viện trong xử lý. Toàn bộ các khoa, ban, trang thiết bị máy móc và nhân sự của bệnh viện được vận hành đồng thời theo đúng quy trình hoạt động chuẩn Liên hợp quốc (LHQ) tại phái bộ.

Kỳ 2: Vận hành theo quy trình chuẩn Liên hợp quốc

Theo quy trình này, Phòng Tác chiến (Ops Room) của bệnh viện trực 24/7 tiếp nhận thông tin đầu tiên về bệnh nhân, cũng như liên quan tới các mặt hoạt động của bệnh viện, sau đó thông báo cho chỉ huy bệnh viện để ra lệnh xử lý, triển khai tới các khoa, phòng chức năng thực hiện… Riêng với Phòng Tác chiến, yêu cầu đặt ra rất cao với đội ngũ túc trực 24/7 về trình độ ngoại ngữ để tiếp nhận và truyền đạt thông tin chính xác, khả năng sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc cũng như xử lý nhanh trong tình huống khẩn cấp…

Nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng

Với bộ trang bị theo tiêu chuẩn LHQ lều bạt, máy móc, trang thiết bị y tế, thông tin liên lạc, với đầy đủ các phòng chức năng nên việc tổ chức huấn luyện lần này đúng như thực tế diễn ra tại phái bộ. Từ việc liên lạc qua bộ đàm, cách thức liên lạc nội bộ, báo cáo cấp trên cho tới các thủ tục hành chính, lưu trữ hồ sơ bệnh án, ghi chép thông tin bệnh nhân… đều được huấn luyện để nhân viên bệnh viện làm quen và nắm bắt quy trình.

Trước giai đoạn thực hành, bệnh viện đã trải qua giai đoạn huấn luyện trên sơ đồ với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Kịch bản huấn luyện trên sơ đồ do các chuyên gia Vương quốc Anh đạo diễn, đã trang bị cho cán bộ, nhân viên BVDC 2.2 làm quen với quy trình hoạt động của bệnh viện tại phái bộ, biết vị trí của mình ở đâu trong quy trình đó. Giai đoạn huấn luyện sơ đồ góp phần nâng cao năng lực chỉ huy, điều phối, điều hành, phối hợp giữa các cá nhân trong từng khoa, ban và giữa các khoa, ban trong bệnh viện. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để bệnh viện thành thục công tác phối hợp khi ra thực địa ở những nội dung huấn luyện tiếp theo.

 Các chuyên gia quốc tế trao đổi kinh nghiệm với chỉ huy BVDC 2.2. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Các chuyên gia quốc tế trao đổi kinh nghiệm với chỉ huy BVDC 2.2. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Biết việc của mình là chưa đủ

Huấn luyện trên thực địa ở giai đoạn vận hành tổng hợp là giai đoạn huấn luyện toàn diện nhằm rà soát, phát hiện khâu nào chưa hợp lý, chưa ăn khớp trong quá trình vận hành. Theo Thượng tá Mai Hợp, Phó giám đốc quân sự BVDC 2.2 phụ trách hậu cần-kỹ thuật, qua các lần xử lý tình huống, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa chỉ huy với các bộ phận, giữa các khoa, ban cần phải nhịp nhàng hơn để xử lý tốt các tình huống. Giám đốc BVDC 2.2 Võ Văn Hiển cho biết, sau đợt huấn luyện này, bệnh viện dự kiến có kế hoạch huấn luyện bổ sung nhằm hoàn thiện những kỹ năng còn hạn chế, nâng cao năng lực hoạt động trước khi chính thức lên đường triển khai sang phái bộ.

Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân chia sẻ: "Huấn luyện giúp chúng tôi biết mình cần phải chuẩn bị những gì trước khi lên đường nhận nhiệm vụ”. Công tác hành chính ở bệnh viện dã chiến theo chuẩn LHQ rất khác với ở Việt Nam. Từ cách tiếp nhận bệnh nhân đến với buồng bệnh, chuyển bệnh nhân sang khoa khác, thu thập thông tin nào về bệnh nhân, quy trình báo cáo ra sao, bác sĩ Hồng Vân cũng như các đồng nghiệp đều phải làm quen từng bước. Giấy tờ đều bằng tiếng Anh, nhiều thuật ngữ chuyên môn, đó là một trong những thách thức không nhỏ. Bác sĩ Hồng Vân cho biết: “Tất cả các bộ phận đều phải nắm quy trình của mình và quy trình của bộ phận tiếp theo sau. Làm việc theo quy trình chuẩn LHQ, biết quy trình, công việc của mình, bộ phận mình không thôi là chưa đủ”.

Đáp ứng quy trình chuẩn từ những chi tiết nhỏ

Theo Trung tá Nguyễn Quang Chiến, cán bộ BVDC 2.2, ở giai đoạn thực hành trên thực địa, các chuyên gia nước ngoài không còn đóng vai trò điều hành diễn tập, nhưng những góp ý của họ rất hữu ích, thiết thực, đi vào chi tiết, giúp bệnh viện vận hành theo chuẩn LHQ. Từ năm ngoái, các chuyên gia đã góp ý bệnh viện dã chiến Việt Nam nên có các thùng rác phân loại rác thải y tế dán nhãn phân biệt theo màu sắc. Chi tiết này BVDC 2.2 đã biết trước và chuẩn bị từ đầu cho huấn luyện. Ngay khi vào lều dã chiến, họ để ý ngay và đánh giá tích cực BVDC 2.2 tuân thủ quy định này theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Được biết Việt Nam đang nghiên cứu để cố gắng xây dựng BVDC 2.2 trở thành đơn vị không rác thải đầu tiên của Việt Nam, cũng là đơn vị không rác thải đầu tiên của phái bộ ở địa bàn Nam Sudan. Việt Nam có lợi thế để thực hiện điều này. Bát, đũa, túi, bao bì, vật dụng đều có thể tận dụng từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như tre, dừa.

Chuyên gia quốc tế tùy theo chuyên môn sẽ cùng chuyên gia Việt Nam chia nhau quan sát các tình huống diễn tập và sau đó sẽ hội ý chia sẻ kinh nghiệm, góp ý cho ê kíp thực hiện. Họ góp ý cách di chuyển bệnh nhân từ giường bệnh lên xe đẩy hay từ cáng cứu thương sang giường. Cách làm ở khâu này của bệnh viện Việt Nam khác với họ, không phù hợp ở môi trường làm việc quốc tế ở phái bộ có nhiều bệnh nhân thể trạng to béo. Việc nâng bệnh nhân lên theo kiểu Việt Nam là không khả thi mà nên sử dụng cách trượt người bệnh sẽ nhẹ nhàng và dễ hơn. Phương tiện bảo hộ cho nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ trước nguy cơ phơi nhiễm và mất vệ sinh, theo các chuyên gia cần phải chú trọng. Rút kinh nghiệm từ lần huấn luyện của BVDC 2.1 năm ngoái, năm nay BVDC 2.2 đã chủ động chuẩn bị các tạp dề bằng nhựa y tế rất nhẹ và mỏng phục vụ huấn luyện.

Về quy trình vận chuyển bệnh nhân, bệnh viện cũng tiếp thu những góp ý xác đáng của chuyên gia quốc tế nhiều kinh nghiệm làm việc ở địa bàn. Ở vận chuyển đường không, bệnh nhân được nâng lên độ cao nên tác động nhiều đến cơ thể, tác động đến quy trình y tế. Các chuyên gia góp ý cách cố định bệnh nhân và chuẩn bị những gì trong thời gian 3 tiếng vận chuyển từ Bentiu lên thủ đô Juba, Nam Sudan. Các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo cần phải tính khoảng cách từ bệnh viện ra sân bay khoảng 30 phút, cùng thời gian chờ ở sân bay Juba về bệnh viện, tổng cộng khoảng 5-6 tiếng để chuẩn bị lượng oxy đủ cho bệnh nhân. Tiếng ồn động cơ máy bay trực thăng khiến các khẩu lệnh y tế không có tác dụng mà phải dùng đến các ký tín, ám hiệu như thế nào cũng được họ hướng dẫn cho Đội AMET chưa có kinh nghiệm thực tế của BVDC 2.2.

Theo Trung tá Nguyễn Quang Chiến, chuyên môn y tế thì ở đâu cũng giống nhau. Thậm chí trình độ y tế của các bác sĩ Việt Nam còn cao hơn các chuyên gia nước ngoài ở đây, nhưng họ chưa hoạt động trong môi trường thực tế. Vì vậy, cái cần nhất chính là học quy trình, chứ không hẳn là chuyên môn. (còn nữa)

MỸ HẠNH - VIỆT CƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-nguoi-linh-mu-noi-xanh-ao-trang-tren-thao-truong-tiep-theo-581544