Những người 'lính lâm nghiệp' ăn tết ở rừng

Để bảo vệ những cánh rừng trong những ngày nghỉ tết, những người lính bảo vệ rừng phải ăn tết trên rừng.

Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đóng trên địa bàn huyện miền núi Vân Canh được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý hơn 13.247ha rừng tự nhiên và hơn 2.647ha rừng trồng. Rừng tự nhiên ở Vân Canh giáp ranh với huyện Kông Chro (Gia Lai) và huyện Tây Sơn (Bình Định), đó là những cửa ngõ lâm tặc lợi dụng để lẻn vào khai thác lâm sản trái phép. Trước đây, rừng tự nhiên ở Vân Canh từng là điểm nóng về nạn khai thác gỗ lậu. Để những cánh rừng được bình yên, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đơn vị này càng siết chặt công tác bảo vệ rừng (BVR).

Theo ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, đơn vị này có 3 trạm và 1 chốt BVR. Đó làm trạm Hà Dế (xã Canh Liên) giáp ranh với huyện Kông Chro (Gia Lai); trạm Cà Te (xã Canh Thuận) mặt Bắc giáp với huyện Tây Sơn (Bình Định), mặt Tây giáp với huyện Kông Chro (Gia Lai); trạm Canh Liên nằm ngay xã vùng cao Canh Liên và 1 chốt nằm tại điểm nóng là tiểu khu 337 cách trạm Canh Liên hơn 30km đường rừng. “Chúng tôi bố trí ở trạm Canh Liên 9 người, trạm Cà Te 3 người và trạm Hà Dế 6 người túc trực 24/24, cả những ngày nghỉ tết”, ông Tùng cho hay.

Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tăng cường công tác tuần tra rừng trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Anh Nguyễn Văn Hải, Trạm trưởng Trạm BVR Canh Liên, chia sẻ: “Ở những trạm BVR đều có ao thả cá, nuôi gà vịt, trồng rau xanh. Anh em trực trạm trong những ngày tết được bố trí thêm bánh mức, thịt heo, thịt bò. Dịp nghỉ tết, các anh em lớn tuổi hy sinh cho lớp trẻ trực những ngày mùng 1, 2, 3 để họ ở nhà đi chơi với người yêu, với vợ mới cưới. Mình già rồi nghỉ tết sau cũng được”.

Gần 30 năm công tác tại Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão) cũng là từng ấy năm anh Lê Quang Thọ, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng An Toàn, đón tết giữa rừng. “Tết đến, trong khi mọi người du xuân, vui tết cùng gia đình thì anh em phải bám trạm để ngăn chặn lâm tặc nhân cơ hội những ngày nghỉ tết tổ chức phá rừng”, anh Thọ bộc bạch.

Trạm BVR An Toàn hoạt động cả ngày lẫn đêm trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Trực BVR trong những ngày tết gánh nặng công việc tăng gấp đôi. Bởi, lâm tặc thường lợi dụng những ngày ngày để vào rừng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản và động vật hoang dã trái phép. Có không ít lần nhân viên BVR đối mặt với lâm tặc trong dịp tết.

Anh Nguyễn Thế Lạc, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, nhớ lại: “Cách đây 2 năm, đúng chiều 30 tết, trong lúc anh em chốt ở trạm Hồ Bơ (xã Vĩnh Sơn) chuẩn bị cúng thì nghe tin báo lâm tặc đang phá rừng tại khu vực rừng phòng hộ giáp ranh huyện K’bang (Gia Lai). Chúng tôi lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Phát hiện lực lượng BVR tiếp cận hiện trường, lâm tặc liền tháo chạy, để lại 16 khúc gỗ dổi. Chúng tôi phải dựng trại trong đêm 30 tết tại rừng để bảo vệ tang vật, rồi cử người trở về đơn vị để báo cáo sự việc. Sáng mùng 1 tết, người thì lo vận chuyển tang vật về trạm, người thì lo báo cáo cho Hạt Kiểm lâm và Công an huyện. Vụ này về sau cơ quan chức năng truy tố đến 20 đối tượng”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đơn vị này bố trí đầy đủ nhân lực tại 27 chốt, trạm BVR và PCCCR trong huyện và các khu vực rừng giáp ranh với TX An Khê, huyện K’bang (Gia Lai); các khu rừng giáp ranh với các huyện Hoài Ân, Tây Sơn, An Lão và 3 trạm chính ở khu vực rừng phòng hộ xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Hòa, Vĩnh Quang thuộc huyện Vĩnh Thạnh.

Vũ Đình Thung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-nguoi-linh-lam-nghiep-an-tet-o-rung-post256981.html