Những người làm xấu hình ảnh đất nước

Từ chuyện taxi dù tráo tiền 500.000 đồng của du khách, nhiều chiêu lừa khác được bóc mẽ.

Sau tuyến bài “Taxi dù hoành hành trung tâm thành phố”, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về những hình ảnh làm xấu đất nước trong mắt du khách.

Chúng tôi đã phải ngăn chặn rất nhiều

Khi làm trật tự viên của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) hỗ trợ cho khách du lịch đến TP.HCM, tôi cũng đã tham gia xử lý nhiều trường hợp lừa gạt du khách.

Taxi dù thì chuyên lấy tiền mà cố tình không thối cho khách rồi chạy đi mất. Nếu bị chặn hỏi thì nói dối là được khách bo cho.

Một tài xế xích lô lợi dụng khách nước ngoài không hiểu mệnh giá tiền nên kêu họ chìa ví ra và sau đó rút tờ tiền có mệnh giá cao nhất khiến khách trố mắt. Hai bên cự cãi. Chúng tôi đòi lại công bằng cho du khách khi người này chỉ trả chi phí đi lại thấp hơn rất nhiều tờ tiền kia.

Người đánh giày rong trên phố còn đánh rách cả giày để lấy thêm tiền công dán, rồi thách lên cả triệu đồng. Mà khách vì lạ nước nên không dám nói gì, sau đó mới trình báo với lực lượng TNXP nhờ ứng cứu…

Nhiều việc như vậy khiến tôi thấy rất buồn trước chuyện làm tiền quá đáng của những người vất vả mưu sinh mà sinh ra tệ nạn.

Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng có mặt để ngăn chặn trước khi chuyện xấu xảy ra. Chẳng hạn khi thấy khách nước ngoài lại mua hàng, sắp trả tiền cho tài xế thì chúng tôi đều xuất hiện để khách khỏi bị gạt. Hoặc trong quá trình trực ở chốt, chúng tôi thường nói chuyện với những người bán hàng rong, xe ôm qua cuộc sống hằng ngày để họ hiểu mà chọn cách mưu sinh chân chính, góp phần để TP đẹp hơn trong mắt du khách.

QUÁCH KIM HOÀNG, nữ TNXP TP.HCM

Quá sợ chiêu “vừa ăn cướp vừa la làng”

Đầu năm nay, tôi ở Cần Thơ lên TP.HCM có việc riêng và có dẫn mẹ tôi đi thăm thú một số nơi ở TP.HCM. Sau khi lên TP, tôi có gọi taxi ra chợ Bến Thành để dẫn mẹ đi mua sắm. Bận đi không có vấn đề gì. Khi xong việc, tôi ra khu vực trước chợ để kêu taxi về vì thấy có nhiều xe đậu sẵn rồi. Tôi cũng chọn một chiếc có bảng hiệu đàng hoàng.

Chị Quách Kim Hoàng đang hướng dẫn cho du khách một số địa điểm du lịch, ăn uống lành mạnh ở TP.HCM để tránh bị lừa gạt. Ảnh: LÊ THOA

Khi lên xe nói địa chỉ cần đến thì tài xế chở đến nơi và đòi thu 350.000 đồng (bận đi cũng với hai địa điểm này tôi chỉ trả có gần 200.000 đồng). Do trước đó đi mua sắm, tôi đã hết tiền lẻ nên mới đưa cho tài xế tờ 500.000 đồng và trong nháy mắt anh ta đưa lại tờ 20.000 đồng, yêu cầu tôi phải đưa thêm 330.000 đồng nữa mới đủ.

Tôi và mẹ tôi đã nói lại rõ ràng mới đưa tờ 500.000 đồng, giờ sao thành tờ 20.000 đồng. Tôi và mẹ tôi từ nhẹ nhàng đến la lớn nhưng cũng không làm lại với kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng” của tài xế này.

Nhắc lại chuyện này, đến giờ tôi còn ám ảnh, mẹ tôi thì bảo bà sẽ không bao giờ lên TP nữa, sợ quá rồi.

NGUYỄN NGỌC MAI, Cần Thơ

Tôi từng bị tráo tiền ở cây xăng

Hôm bữa tôi ghé vào một cây xăng gần nhà để đổ xăng. Tôi đưa tờ mệnh giá 500.000 đồng để trả cho 50.000 đồng xăng vừa đổ. Anh bán xăng miệng hỏi chuyện bâng quơ (chắc để khiến tôi phân tâm), tay thì đếm bốn tờ mệnh giá 100.000 đồng cùng một tờ 50.000 đồng đưa cho tôi. Đến khi cầm trên tay, tôi đếm lại thì thấy chỉ có ba tờ 100.000 đồng, dù trước đó rõ ràng người nhân viên kia đếm trước mặt tôi bốn tờ. Tôi kéo anh ta lại và bảo rằng đưa tiền thối cho tôi không đủ. Anh nói rằng đã trả đủ 450.000 đồng. Tôi dọa sẽ gọi lên đường dây nóng của ngành thì anh ta mới hậm hực đưa tôi thêm tờ 100.000 đồng rồi lảng đi.

Tôi có ba người bạn nước ngoài đến từ Úc, Đức và Ba Lan. Họ đến Việt Nam theo một tổ chức phi lợi nhuận chuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em cơ nhỡ ở các mái ấm. Chrissi, đến từ CHLB Đức, kể rằng hôm đầu tiên cô ấy đến Việt Nam và thuê phòng trọ, cô đã bị lấy mất máy ảnh dù để trên giường trong phòng trọ mà người có chìa khóa chỉ có cô và chủ nhà. Tương tự, trường hợp Rodwell đến từ Úc cũng vậy, anh bị taxi Việt Nam “cắt cổ” khi đi từ khu phố Tây đến chợ Bến Thành mà phải trả gần 500.000 đồng. Họ kể tôi nghe với những cái lắc đầu ngao ngán.

TÚ QUYÊN, quận 12, TP.HCM

Phải trừng phạt lòng tham

“Bao giờ du lịch Việt Nam mới đuổi kịp du lịch Thái Lan?”. Đó là một câu hỏi được đặt ra tại một hội thảo về du lịch của nước ta.

Rõ ràng tiềm năng du lịch của Việt Nam không hề thua kém nước bạn, tuy nhiên dịch vụ và thái độ với du khách giữa ta và Thái Lan vẫn là một khoảng cách khá xa. Cách đây ba năm, chúng tôi đến Thái Lan du lịch, sau khi ở chợ đêm, chúng tôi vẫy một taxi trở về khách sạn. Đi chừng một đoạn, người bạn đi cùng qua Google Map phát hiện ra chiếc xe đang chọn một con đường dài hơn để trở về. Bất đồng giao tiếp, anh bạn tôi giơ chiếc điện thoại với bản đồ chỉ cho tài xế taxi. Đáp lại chỉ là một cái xua tay và lắc đầu. “Call police” - anh bạn tôi nhắc lại nhiều lần. Lập tức chiếc xe dừng lại, tài xế nhìn vào bản đồ xem rất kỹ rồi thay đổi lộ trình.

Đến khách sạn, tài xế taxi chỉ tay vào đồng hồ và chỉ xin nhận một nửa vì sai sót của mình. “Sorry Việt Nam” - anh ta nói. Về tới khách sạn, chúng tôi mới được giải thích nếu bị phản ứng đến cảnh sát du lịch xứ này thì tài xế sẽ bị xử phạt rất nặng.

Ở Việt Nam, như trong bài viết chúng tôi đã phản ánh về việc tráo tiền du khách của taxi dù ở TP.HCM, từ “police” được du khách nêu ra cũng tỏ ra bất lực. Ở Hà Nội, những hình ảnh xấu xí được tạo ra không hiếm. Đó có khi là một chiếc ghế đá ở công viên ven hồ, mỗi chiếc được đặt một quả dừa có cắm ống hút. Chỉ cần du khách đặt mông vào ngồi, lập tức chủ quán đến mời uống nước, nếu không uống nước họ sẽ bị thu tiền vì chiếc ghế đó được chủ quán coi là địa điểm bán hàng.

Ngay phố cổ Hà Nội, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những người phụ nữ quẩy trên vai những nia thúng với hoa quả, họ sẵn sàng quàng lên vai du khách nước ngoài rồi giục họ chụp ảnh. Dĩ nhiên đổi lại sự nhiệt tâm đó sẽ là số tiền mà họ phải trả. Trả bao nhiêu còn tùy vào người ra giá.

Ông tài xế xích lô đang bị vướng cáo buộc vì trả lại tiền âm phủ cho du khách. Điều này vẫn chưa được kết luận nhưng chính tài xế này cũng thừa nhận đã phát sinh lòng tham khi ra giá cho một hành trình ngắn với giá 600.000 đồng.

Lòng tham có thể có trong mỗi người. Chỉ khi lòng tham được khắc chế bằng sự trừng phạt thì môi trường mới có cơ hội trở nên đáng mến hơn.

VIẾT THỊNH

THOA - HÙNG - QUYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/nhung-nguoi-lam-xau-hinh-anh-dat-nuoc-783218.html