Những 'người lạ' rất quen

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6 do NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa "phá lệ" khi không có giải nhất mà trao đồng giải nhì cho hai tác giả có sáng tác xuất sắc nhất. Cuộc thi khởi động từ tháng 5-2015 với chủ đề: "Cuộc sống, suy nghĩ, ước mơ, hành động của giới trẻ hiện nay". Có 458 tác phẩm dự thi, trong đó 347 truyện dài và 111 truyện ngắn với 22 tác phẩm được chọn in. Giải Văn học tuổi 20 là giải thưởng uy tín được trao vào các năm 1995, 2000, 2005, 2010, 2014 và 2018. Nhiều cây bút được phát hiện ở cuộc thi này và trở thành các tên tuổi trong văn đàn như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Phan Việt, Dương Thụy, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần... Và, Mai Thảo Yên với cuốn sách đầu tay "Người lạ" là một trong 2 tác phẩm nhận được đánh giá cao nhất từ hội đồng ban giám khảo trong đợt này. Thảo Yên hiện nay cũng đang là nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại Đại học Uppala, Thụy Điển.

"Người lạ"-tác phẩm đầu tay của Mai Thảo Yên.

"Người lạ"-tác phẩm đầu tay của Mai Thảo Yên.

Nhân vật chính trong "Người lạ" tên An, là nữ nghiên cứu sinh tại Thụy Điển. Tuy sống trong môi trường học thuật tiến bộ, văn minh nhưng cô vẫn cảm thấy tâm hồn luôn có những khoảng trống khó lấp đầy. Qua tác phẩm, tác giả lồng ghép thông điệp với những câu hỏi "tôi đã hiểu gì về thế giới này? bản thể con người thực sự là gì? tôi còn bao nhiêu niềm tin vào tự do, tôi phải làm gì để nuôi dưỡng lòng dũng cảm?...". Đọc "Người lạ" từ trước khi cuốn sách nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả và nhà phê bình, tôi đã thấy đây không chỉ là câu chuyện của cá nhân An mà gói ghém trong đó là sự chuyển động của cả một thời đại, nơi những người trẻ tuổi đang phải đối diện với quá nhiều sự lựa chọn, quá nhiều ngã rẽ mỗi ngày. Không khó để nhận ra nhân vật An có rất nhiều nét tương đồng với tác giả Mai Thảo Yên, nhất là những dữ liệu cá nhân và mục tiêu học thuật. Là nghiên cứu sinh ngành xã hội học, An có cơ hội soi chiếu những diễn tiến trong cuộc sống của bản thân mình song song với chuyển động của xã hội. Ở đó, trong bối cảnh không gian học thuật rộng lớn với sinh viên đa quốc gia, với đời sống hiện đại như đất nước Thụy Điển nhưng lại tồn tại những đợt sóng ngầm không bao giờ tắt. Xung đột giữa "tiền cảnh" êm đềm của một người làm công tác nghiên cứu, tầng lớp trung lưu của xã hội với "hậu cảnh" là một người trẻ đang phải sống xa quê hương chật vật với bao lần "vỡ lẽ" và "hoài nghi". Dù đã rời xa Sài Gòn khá lâu và trở thành một công dân toàn cầu từ sớm nhưng trong An vẫn còn dáng vẻ và cách tư duy của một người Việt Nam chính hiệu. Trong An, định nghĩa về tình yêu, về thân phận con người và cả những mối quan hệ xã hội với Hằng, Nhật, Prisha đều rất Việt. Hay nói cách khác, dù nghiên cứu và có hiểu biết về xã hội phương Tây nhưng rõ ràng An vẫn luôn là "người lạ", dẫu xã hội ấy có cởi mở với An đến chừng nào. Nhưng "Người lạ" không chỉ là câu chuyện của riêng An hay cá nhân của một người làm công tác nghiên cứu xã hội nào. Với "Người lạ", Mai Thảo Yên còn khéo léo lồng ghép biết bao diễn biến mang tính chất "lịch sử" của những người trẻ hiện nay. Vấn đề nhập cư, người tị nạn, nữ quyền, Brexit có tạo nên một Châu Âu hào nhoáng đó, sang trọng đó, nhưng cũng đầy những lo toan, mặc cảm. Một trong những phân đoạn khiến tôi ấn tượng nhất có lẽ là sự "vỡ lẽ" của An về hệ thống y tế của Thụy Điển khi cô phải chịu đau suốt 4 giờ đồng hồ mới gặp được bác sĩ. Khi ấy An đã nhớ tới những trạm xá dù nghèo nàn nhưng thân thiện ở Việt Nam, nhớ tới những bệnh viện dẫu xô bồ, đông đúc nhưng luôn có người sẵn sàng lo cho cơn đau của cô, nhớ tới những viên thuốc mà cô có thể mua dễ dàng bất cứ đâu để làm dịu cơn đau. Ngay lúc đó An hiểu rằng dẫu có sự vận hành khác nhau giữa phương Đông và trời Tây, nhưng thân phận con người thì ở đâu cũng chỉ có một. Và cũng từ đó, những trăn trở về vấn đề nên hay không nên khước từ người tị nạn, lựa chọn giữa tình yêu và sự nghiệp, đi hay trở về... trở thành câu hỏi chung của những ai đã lắng nghe hết câu chuyện của An.

Nhiều ý kiến cho rằng những biến động về mặt tư tưởng của An trong những ngày ở Thụy Điển cũng là nỗi phân vân chung của cộng đồng trí thức phương xa giữa chuyện đi hay ở, trở về quê hương hay tiếp tục con đường phía trước. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi đọc "Người lạ" lại cho rằng nhân vật An (hay tác giả) không phải đặt ra cho mình sự lựa chọn mà những trải nghiệm của cô chỉ đang để làm rõ hơn hiện tại của mình. Một hiện tại rất lạ nhưng cũng đồng thời rất quen vẫn luôn tồn tại trong bản thể của mỗi người. Có lẽ, chính điều đó đã làm những độc giả tuổi 20 thổn thức cùng bao nỗi suy tư mà Mai Thảo Yên đã gửi gắm.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_200901_nhung-nguoi-la-rat-quen.aspx