Những người kiếm tìm hạnh phúc từ cuộc sống giản dị thường ngày

Giới trẻ ngày nay đang có xu hướng giản tiện hóa mọi thứ trong cuộc sống với lối tư duy thẳng và phẳng, họ suy nghĩ đơn giản về mọi việc và hạnh phúc cũng không nằm ngoài lối quan niệm đó.

Nam và Hà lấy nhau chưa đầy một tháng. Cưới vào đúng mùa dịch Covid-19 khổ trăm bề nhưng quyết về chung một nhà nên dịch bệnh cũng không thể ngăn cản quyết định của cặp đôi này.

Đám cưới được đơn giản hóa mọi thủ tục. Dạm ngõ, ăn hỏi và cưới chỉ trong vòng 1 tuần. Nhà gái không yêu cầu cầu kỳ, nhà trai cũng không để con dâu tương lai phải chịu thiệt khi về nhà mình.

Mọi quyết định của hai nhà vì hạnh phúc của đôi trẻ nên thật nhanh chóng. Ngày cưới cũng chỉ quanh quanh người thân 2 gia đình với 5 mâm cỗ cưới tự làm. Một mâm để thắp hương tổ tiên và bốn mâm còn lại dành cho cha mẹ, anh chị em ruột thịt của 2 gia đình.

Hạnh phúc thật giản dị

Hạnh phúc thật giản dị

Hơn 30 người "quan viên hai họ" chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Còn lại tất cả bạn bè, đồng nghiệp, các mối quan hệ xã hội khác gia đình Nam và Hà đều gửi thiệp báo hỷ.

Nhìn ánh mắt đôi vợ chồng mới cưới, tay trong tay khi kể lại câu chuyện cưới mùa dịch Covid-19 của họ, thấy hạnh phúc với họ sao giản đơn đến vậy.

Thu Hoài thì lại là một trường hợp khác. 36 tuổi, vẫn tự do không ràng buộc hay vướng bận chuyện gia đình chồng con. Hoài cũng không nặng nề việc trăm năm của mình. Công việc thư ký cho một sếp tổng khiến Hoài bận rộn quanh năm. Thu nhập của cô là niềm mơ ước của nhiều cánh mày râu tài trí. Còn ngôi nhà và chiếc xe hơi đời mới, phương tiện đi lại hằng ngày của Hoài, cũng khiến nhiều người không khỏi trầm trồ.

Giàu nghèo, một túp lều tranh hai trái tim vàng… không phải là những điều khiến Hoài phải bận tâm. Cô suy nghĩ thật đơn giản, sống và được làm điều mình thích, phù hợp với sở trường của mình và được trả lương xứng đáng. Đó chính là hạnh phúc.

Trong khi đó, hằng ngày làm công việc thu ngân tại một siêu thị giữa Thủ đô Hà Nội, Thanh Hằng lại nhìn nhận hạnh phúc của mình bằng việc thu được nhiều tiền mặt, bởi nếu mọi khách hàng đều trả qua thẻ thanh toán thì cuối gờ cô sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian để cộng sổ số hóa đơn được thanh toán bằng thẻ.

Việc đó cũng chiếm thêm kha khá thời gian ngoài ca làm việc chính thức bởi "tính em đoảng, hay cộng nhầm lắm. Mỗi khi nhầm là lại phải cộng lại, rất mất thời gian chị ạ", Hằng ngập ngừng, bẽn lẽn cười…

Còn Huy Anh, nam sinh "tỉnh lẻ" sau khi tốt nghiệp đại học lựa chọn xe ôm công nghệ làm công việc kiếm sống và trụ lại chốn thị thành để chờ cơ hội làm việc thì lại có quan niệm về hạnh phúc hết sức đơn giản. Đó là hằng ngày được lái xe trên những con đường quen thuộc ở Hà Nội, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều khách hàng, được đón đưa mọi người bằng những chuyến xe an toàn và mỉm cười khi được cảm ơn.

Huy Anh không nặng nhẹ những lời nói của người đời khi sau 5 năm học hành vất vả lại chạy xe ôm để mưu sinh. Với cậu, công việc nào cũng đáng trân quý khi họ làm bằng chính đôi bàn tay và sức lao động của mình. Hạnh phúc chính là sống trung thực, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình và giúp đỡ mọi người hết sức có thể.

Sinh viên ra trường lựa chọn chạy xe ôm công nghệ trong khi chờ việc (ảnh: Người lao động)

Không giống những trường hợp trên, Thu Thủy và Ngọc Tuấn lại là hai vợ chồng ở độ tuổi chững chạc. Gia đình Tuấn – Thủy sống cùng bố mẹ chồng và gia đình em chồng trong cùng một tòa nhà. Gia đình 3 thế hệ khiến Tuấn – Thủy nhiều phen khó xử.

Từ việc học hành của con cái, ăn uống, sinh hoạt chung… cộng thêm việc mẹ chồng trước làm nghề giáo nên việc học tập, dù chính hay phụ, của con cái đều có sự tham gia ý kiến của mẹ chồng. Ngay việc ăn uống trong gia đình, hôm nào Thủy đi chợ non tay một chút là cũng bị thiếu thức ăn…

Ấy vậy mà chưa bao giờ thấy Thủy tỏ ra bị áp lực. Tìm hiểu được biết, bí quyết của Thủy chính là "mọi việc đều là nhỏ". Thủy đều tìm cách để chiều theo ý mọi người, nhất là mẹ chồng. Mình sống với mọi người trong gia đình lâu rồi, tất cả đều như ruột thịt của mình vậy, từ sở thích, thói quen, tính cách… của mọi người mình đều nắm được nên cũng không khó để đáp ứng các yêu cầu của mọi người, chị chia sẻ.

Có người bảo Thủy cam chịu, sống không có lập trường… nhưng với chị, gia đình và bố mẹ là trên hết, mọi thứ đều phải có nguyên tắc và bố mẹ chính là nguyên tắc chính của cả gia đình.

Rồi sau này mình sẽ già đi, cũng sẽ như bố mẹ bọn mình bây giờ, vì thế hãy suy nghĩ mọi việc theo hướng tích cực, Thủy nghĩ và đó chính là phương châm sống thật đơn giản của người mẹ, cô con dâu sinh năm Canh Thân này suốt 18 năm "làm dâu nhà người" để gia đình ngày nào cơm cũng lành, canh cũng ngọt.

Hằng ngày, trong cuộc sống khó nhọc này còn nhiều những con người khác vẫn đang phải gồng mình bươn trải kiếm sống với những nỗi lo toan.

Thế nhưng, hãy nên nhìn mọi việc theo hướng tích cực, dù có thế nào cũng nên tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến. Như vậy, hạnh phúc phải chăng là những điều giản dị mà chỉ khi ta suy nghĩ mọi việc theo hướng lạc quan, bình tâm đón nhận thì sẽ dễ dàng nắm bắt được hạnh phúc thôi.

---------------------

(*) Tên của các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Phương Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/gioi-tre-song-don-gian-nen-hanh-phuc-cung-don-gian-20200324085119812.htm