Những người không nên ăn nghệ

Phụ nữ mang thai, người bị thiếu máu, tiểu đường hay trào ngược axit dạ dày cần cẩn trọng khi sử dụng nghệ vì thực phẩm này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nghệ là loại gia vị phổ biến, được sử dụng cho rất nhiều món ăn. Nhưng việc sử dụng loại gia vị màu vàng này không chỉ giới hạn trong ẩm thực. Củ nghệ có một số đặc tính y học, được ứng dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị bệnh.

Nghệ có thể được thêm vào sữa, bôi lên vết thương và làm chất bổ sung cho sức khỏe. Hợp chất curcumin trong nghệ là hóa chất thực vật mạnh, có tác dụng chống viêm hiệu quả. Nó cũng giúp hỗ trợ điều trị đau đầu gối, kiểm soát mức cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và hội chứng ruột kích thích.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đáng kể của nghệ, một số người phải cẩn thận khi tiêu thụ nghệ vì nó có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Theo India Times, nghệ được xem là chất tăng cường miễn dịch tuyệt vời. Nó an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú khi được sử dụng với thực phẩm. Điều này là do hàm lượng curcumin trong nghệ giảm khi được nấu chín cùng thực phẩm.

Dù vậy, nghệ không an toàn với bà bầu khi dùng dưới dạng thuốc vì nó có thể kích thích chảy máu, tác động tử cung, tăng nguy cơ sinh non và sẩy thai.

Phụ nữ bị dị ứng với nghệ nên tránh hoàn toàn thực phẩm này trong thai kỳ. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu phát ban hay cảm thấy đau đầu sau khi tiêu thụ nghệ, đó là dấu hiệu từ cơ thể cho thấy bạn dị ứng với thực phẩm này.

 Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng khi sử dụng nghệ. Ảnh: Webmd.

Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng khi sử dụng nghệ. Ảnh: Webmd.

Người bị thiếu máu

Thiếu máu là do thiếu sắt. Nó xảy ra khi cơ thể không tạo đủ hồng cầu hoặc mất quá nhiều hồng cầu do chảy máu hay bị phá hủy. Uống tinh bột nghệ với nồng độ cao trong tình trạng như vậy có thể ngăn cản sự hấp thụ sắt, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Rối loạn đông máu

Đặc tính thanh lọc của nghệ cũng có thể khiến bạn dễ bị chảy máu hơn. Nguyên nhân của điều này vẫn chưa được các nhà khoa học khám phá rõ. Tuy nhiên, các lợi ích của nghệ như giảm cholesterol và huyết áp có thể liên quan cách thức hoạt động của nghệ trong máu.

Những người phải sử dụng thuốc làm loãng máu, thường xuyên bị chảy máu mũi phải cẩn thận khi tiêu thụ curcumin. Hấp thụ quá nhiều hợp chất này có thể làm chậm khả năng đông máu, tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu.

Theo Webmd, nghệ cũng có thể tương tác với thuốc đông máu chậm như aspirin, ibuprofen (Advil), warfarin (Coumadin) và một số thuốc khác. Các chuyên gia cũng khuyến cáo bạn không nên sử dụng bột nghệ ít nhất 2 tuần trước phẫu thuật để tránh bị chảy máu nhiều khi mổ.

Bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường cần chú ý nhiều đến chế độ ăn uống của mình khi phải kiểm soát lượng đường trong máu. Nó không được quá cao hoặc quá thấp.

Trong khi đó, curcumin được biết là có công dụng làm giảm lượng đường trong máu. Nếu không thận trọng, nó có thể làm cho lượng đường trong máu quá thấp, gây hại cho người mắc bệnh tiểu đường.

Củ nghệ chứa oxalat có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Ảnh: Heathline.

Người có vấn đề về túi mật hoặc sỏi thận

Sỏi thận là những tinh thể được hình thành do sự lắng đọng của các chất khoáng và muối. Khoáng chất phổ biến nhất là canxi oxalat. Trong khi đó, nghệ cũng chứa nhiều oxalat, có thể liên kết với canxi và gây hình thành sỏi thận. Vì vậy, nếu bạn đang bị bệnh sỏi thận, tốt nhất nên đề phòng khi muốn sử dụng nghệ.

Ngoài ra, túi mật là cơ quan có hình dạng giống như quả lê, nằm ở dưới gan và nối với gan bằng các ống dẫn mật. Túi mật đảm nhiệm vai trò cô đặc, lưu trữ dịch mật và tiết dịch vào ruột non để giúp tiêu hóa chất béo.

Theo Viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NHI), nghệ có thể gây ra tác dụng phụ và làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề túi mật. Vì vậy, nếu bị sỏi mật hoặc bị tắc nghẽn ống dẫn mật, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêu thụ thực phẩm này.

Người bị trào ngược axit dạ dày

Dạ dày là nơi sản xuất các axit để tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, axit dư thừa có thể gây ra các triệu chứng như đau dạ dày, ợ nóng, trào ngược. Ợ nóng là triệu chứng đặc trưng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD), có thể gây hại cho thực quản và cổ họng. Giảm axit dư thừa là cách tốt nhất để quản lý các vấn đề này.

Tuy nhiên, nghệ có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày và ngăn ngừa hiệu quả của thuốc giảm axit. Vì vậy, nó có thể khiến các triệu chứng GERD trầm trọng hơn.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-khong-nen-an-nghe-post1199828.html