Những người khiến hoa nở trên đất cằn khô

Sáng 23/9, những gương mặt điển hình, xuất sắc của ngành Giáo dục cùng tụ hội tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020 diễn ra tại Hà Nội. Đại hội là dịp đánh giá 5 năm thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục phát động đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ… cho phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn tới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen và hoa cho cô giáo Sung Thị Tông - Trường Mầm non Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen và hoa cho cô giáo Sung Thị Tông - Trường Mầm non Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Đổi mới, sáng tạo... vì học trò

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động gắn với phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của ngành Giáo dục và được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về GD-ĐT.

Có thể thấy, sự đổi mới sáng tạo trong dạy - học đã trở thành nhu cầu tự thân trong nhiều cơ sở giáo dục cũng như đội ngũ nhà giáo. Đó là chia sẻ của cô Sung Thị Tông, dạy tại điểm trường Mùa Xuân, Trường Mầm non Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa) về kinh nghiệm tạo hứng thú để trẻ tới lớp, trường.

Theo cô Tông, với 100% người dân đều là đồng bào dân tộc Mông, trẻ đến trường đều giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, không hiểu tiếng Việt nên các hoạt động trên lớp chưa thu hút sự tham gia của trẻ. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ. Để làm được điều đó, cô vừa nói tiếng phổ thông, vừa phiên âm ra tiếng Mông để giải thích; đồng thời tập cho trẻ nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất, qua giờ học chữ, tô màu, hát múa…

Tại Đại hội, Bộ GD&ĐT đã công bố quyết định khen thưởng cho 384 cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến, gồm: Khối các Sở GD&ĐT: 188 tập thể và cá nhân; Khối các trường thuộc Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 84 tập thể và cá nhân; Khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT: 102 tập thể và cá nhân.

Ngoài ra, cô đã sử dụng giấy màu, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có (vỏ cây, hạt, lá rừng, sỏi…) cùng sự hỗ trợ của phụ huynh để tạo môi trường lớp học phong phú, đẹp mắt bằng các hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu… Tất cả nhằm tạo ra niềm hứng khởi cho trẻ mỗi khi đến lớp và mỗi sáng mai thức dậy, trẻ thích được đến trường.

TS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Một trong những điểm nhấn trong hoạt động dạy và học tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy - học.

Để vượt qua khó khăn trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến, bên cạnh sự hỗ trợ lẫn nhau cần nỗ lực vượt lên của mỗi giáo viên. Mỗi thầy cô cần chủ động đổi mới phương pháp dạy - học và cách kiểm tra đánh giá. Điều quan trọng là thầy, cô truyền cảm hứng và động lực học tập, để các em biết cách học và tự học suốt đời.

Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần, Phú Thọ chia sẻ: “Giáo viên cần hiểu bản chất của dạy học phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh từ đó thay đổi các phương pháp dạy học tích cực và vai trò truyền thống của người thầy. Từ “người dạy” trở thành người “hướng dẫn” học sinh cách học.

Cô Phạm Thị Thanh Nhung - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn An Khương (Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) lại nhận thấy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, mỗi giáo viên phải không ngừng nỗ lực vượt lên chính mình. Mỗi giáo viên cần xây dựng kế hoạch giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học, nhưng vẫn phải giữ được đặc thù của môn học…

TS Nguyễn Xuân Hoàng Việt, Phó Hiệu trưởng HUTECH phát biểu tại đại hội. Ảnh: Thế Đại

Đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu khoa học

Đánh giá về những bước chuyển quan trọng của giáo dục ĐH trong 5 năm qua, PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho rằng: Trước đây, giáo dục ĐH chỉ tập trung vào đào tạo được bao nhiêu SV - 5 năm trở lại đây quan tâm về chất lượng đào tạo. Giảng viên ĐH đã chủ động tìm các nguồn đầu tư nghiên cứu bên ngoài, nghiên cứu đã phát huy tính chất ứng dụng, không còn sản phẩm “bỏ vào tủ”, nghiên cứu có tính thực tiễn để đảm bảo ứng dụng cho xã hội…

Nhìn nhận về đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học ở nhiều trường ĐH trong nước còn hạn chế khiến ảnh hưởng tới kết quả. PGS.TS Trần Thị Thu Hà khẳng định: Đó là thực tế đúng bởi để có những sản phẩm NCKH xứng tầm thế giới cần có sự đầu tư. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa Việt Nam không có những nghiên cứu tầm khu vực và quốc tế. Minh chứng, qua đợt dịch Covid-19 nhiều sản phẩm về y tế, nông lâm… sánh vai với khu vực đã được nghiên cứu và cho ra đời thành công.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thị Thu Hà, đến lúc Nhà nước cần có sự nhìn nhận, đầu tư trọng điểm, chiều sâu… hơn khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên hội nhập, đặc biệt đang đi theo hướng “Quốc gia khởi nghiệp”. Mặt khác, các trường ĐH linh hoạt trong tìm nguồn vốn, có thể phối hợp với các tập đoàn lớn để nhận được sự hỗ trợ đầu tư, song hành với các công trình nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ về phương thức đào tạo hiệu quả, TS Nguyễn Xuân Hoàng Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) cho hay: Hợp tác đại học - doanh nghiệp tại HUTECH được triển khai hiệu quả thông qua hàng loạt các hoạt động như: Giữ liên lạc với các doanh nghiệp nhằm duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác; Đưa doanh nghiệp vào nhà trường; Tiếp nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để cập nhật, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế; tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới đưa vào chương trình giảng dạy.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực với các ngành nghề nhà trường đang đào tạo và thông tin phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động về chất lượng, khả năng đáp ứng công việc của sinh viên sau khi ra trường…

Với đường hướng phát triển đúng đắn, nhà trường đạt được nhiều kết quả khả quan từ hoạt động đào tạo: Sinh viên HUTECH sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đạt tỷ lệ hơn 80%. Mức lương trung bình của SV sau khi tốt nghiệp dao động từ 300 - 400 USD/tháng. Nhiều cựu sinh viên thành đạt của HUTECH trở lại hỗ trợ nhà trường hình thành, duy trì và phát triển các mối gắn kết với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do cựu sinh viên HUTECH làm chủ.

“Tại HUTECH, giáo viên không dạy thứ mình có, mình biết mà trang bị cho SV những kiến thức, kĩ năng cần thiết để khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Liên tục thay đổi, đổi mới điều chỉnh từ cách dạy cách học… đến nhận thức, thái độ của SV sau khi ra trường để có thể đạt được hiệu quả đào tạo cao nhất…là yêu cầu của nhà trường với đội ngũ giảng viên những năm qua”, TS Nguyễn Xuân Hoàng Việt khẳng định.

Gần 400 cá nhân, tập thể được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành GD lần thứ VII

Trong 5 năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành quả bước đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Gần 400 cá nhân, tập thể được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành GD lần thứ VII tại Hà Nội, sáng 23/9.

Tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII, đại biểu chính thức tham dự Đại hội gồm khoảng 400 người, trong đó có các tập thể và cá nhân đang được đề nghị danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; các chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020; các nhà giáo nhân dân được phong tặng năm 2017; đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; học sinh đoạt Huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa năm 2020; sinh viên nghiên cứu khoa học đoạt giải Nhất năm 2019.

Thay mặt Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Giáo dục, ông Trịnh Xuân Hiếu – Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ GD&ĐT) công bố quyết định khen thưởng cho tổng số 384 cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến, gồm: Khối các sở GD&ĐT: 188 tập thể và cá nhân; Khối các trường thuộc Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 84 tập thể và cá nhân; Khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT: 102 tập thể và cá nhân.

Có 24 tập thể, cá nhân (19 tập thể và 5 cá nhân), đại diện cho các điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục lên vị trí danh dự để nhận Bằng khen Bộ trưởng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-nguoi-khien-hoa-no-tren-dat-can-kho-VDmqyzFGR.html