Những người hùng trong nạn diệt chủng

Nạn diệt chủng do phát xít Đức gây ra là một trong những sự kiện kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.

Hàng triệu người đã bị sát hại một cách có hệ thống, và rất ít người thoát khỏi sự tra tấn và tàn sát. Trong suốt thời kỳ đen tối này, cũng có hàng nghìn người đã bất chấp hiểm nguy để cứu vô số người Do Thái, người đồng tính, người châu Âu gốc Phi, người Romany và các dân tộc thiểu số khác khỏi cái chết. Họ thật sự là những anh hùng.

Oskar Schindler

Một trong những người nổi tiếng nhất đã bất chấp mệnh lệnh của Đức Quốc xã là Oskar Schindler. Các chi tiết về chiến công của ông trong việc cứu người Do Thái khỏi bị hành quyết được trình bày chi tiết trong bộ phim đoạt giải Oscar “Danh sách của Schindler” của Steven Spielberg.

Schindler là một thành viên của đảng Quốc xã, trước khi chiến tranh bùng nổ, ông làm gián điệp chống lại Tiệp Khắc bằng cách báo cáo thông tin đường sắt và chuyển quân của Tiệp cho Đức Quốc xã. Ông tiếp tục làm việc này và đến Ba Lan. Năm 1939, ông mua lại một nhà máy sản xuất đồ tráng men ở Kraków, Ba Lan, nơi có khoảng 1.000 “công nhân” Do Thái.

Trong 5 năm tiếp theo, Schindler đã nỗ lực để đảm bảo sự an toàn cho lực lượng lao động của mình, và thông qua các mối liên hệ của mình, ông đã giữ để họ không bị đưa đến các trại tập trung.

Khi cuộc chiến ngày càng khốc liệt, điều này trở nên khó khăn hơn, và ông đã sử dụng thị trường chợ đen để mua chuộc các quan chức Đức Quốc xã. Schindler đã thuyết phục Amon Göth để chuyển nhà máy đến Moravia khi các tuyến phía Đông bắt đầu đóng cửa ở Ba Lan.

Ông đã tạo ra một danh sách đánh máy gồm 1.200 người Do Thái để mang theo, và khi chiến tranh kết thúc, ông đã dành toàn bộ tài sản của mình để đảm bảo an toàn cho họ. Năm 1993, Schindler và vợ là Emilie được chính phủ Israel phong tặng danh hiệu Chính nghĩa đa quốc gia.

Audrey Hepburn

Audrey Hepburn có lẽ được biết đến nhiều nhất với tài năng diễn xuất trong các bộ phim kinh điển, bao gồm “My Fair Lady”, “Roman Holiday”, và “Breakfast at Tiffany’s”, nhưng đó không phải là điều duy nhất gắn liền với cô.

Vai diễn quan trọng nhất trong đời Audrey Hepburn không nằm trong một bộ phim nào. Sau khi chú của cô là nhà quý tộc yêu nước người Hà Lan Otto Ernst Gelder bị Đức Quốc xã xử tử, cô tham gia vào Lực lượng kháng chiến Hà Lan, hỗ trợ và che giấu người Do Thái, đồng thời gây quỹ để giúp đỡ họ.

Khi nghe tin thành phố quê hương bị tàn phá khi quân Đồng minh bị đánh bại trong trận Arnhem và Oosterbeek, Audrey Hepburn đã liều mạng để bảo vệ một người lính Anh. Cô và mẹ làm trợ lý cho các y tá. Cô đã từng bị phát xít Đức vây bắt và đối mặt với cái chết, nhưng vẫn trốn thoát.

Hepburn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Không ai dám nhắc đến tên người chú của cô trước mặt Hepburn. Cô từ chối xuất hiện trong “A Bridge Too Far” vì nó mô tả những trận chiến mà cô phải trải qua. Hepburn tiếp tục làm việc để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo sau Thế chiến thứ Hai và trở thành đại sứ UNICEF để giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến.

Raoul Wallenberg

Raoul Gustaf Wallenberg là một kiến trúc sư, nhà ngoại giao và doanh nhân người Thụy Điển. Ông được biết đến nhiều nhất với chiến công cứu sống hàng chục nghìn người Do Thái Hungary trong suốt nạn diệt chủng. Từ tháng 7 – 12/1944, Wallenberg làm đặc phái viên của Thụy Điển tại Budapest và chịu trách nhiệm cấp hộ chiếu.

Wallenberg đã cấp 650 hộ chiếu bảo hộ cho những người Do Thái có bất kỳ mối đa hệ nào với Thụy Điển, giúp cứu họ khỏi bị trục xuất đến các trại tập trung. Trong thời gian này, ông cũng đã tìm cách che giấu và che chở những người Do Thái trong 32 tòa nhà, hai bệnh viện và một bếp ăn tình nguyện do chính phủ Thụy Điển sở hữu và điều hành. Chính phủ Thụy Điển đã giữ các khu vực này như một phần lãnh thổ của Thụy Điển, không phụ thuộc nước Đức Quốc xã.

Wallenberg cũng trao cho khoảng 4.500 người Do Thái lá thư bảo vệ để giúp họ không bị sử dụng làm nô lệ, và không phải đeo Ngôi sao màu vàng của David. Wallenberg sống sót sau Cuộc vây hãm Budapest năm 1945, tuy nhiên, ông bị giam giữ vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Kể từ đó, không bao giờ người ta nhìn thấy ông nữa. Nhiều người tin rằng, ông bị KGB giam giữ ở Lubyanka và có thể đã chết.

Công việc thầm lặng của ông trong thời kỳ chiến tranh được nhiều người công nhận. Ông được chính phủ Israel phong tặng danh hiệu Chính nghĩa đa quốc gia. Ngoài ra, một ủy ban mang tên ông đã trao Giải thưởng Raoul Wallenberg hàng năm cho bất kỳ ai được ghi nhận là “tiếp tục duy trì các lý tưởng nhân đạo và lòng dũng cảm bất bạo động của Raoul Wallenberg”.

Johan Van Hulst

Johan Willem van Hulst là một giáo sư đại học người Hà Lan, tác giả, chính trị gia và giám đốc trường học, người được nhớ đến vì đã cứu sống 600 trẻ em Do Thái. Năm 1943, ông cùng với các thành viên kháng chiến Hà Lan và sinh viên của Đại học

Amsterdam cứu những đứa trẻ từ nhà trẻ của Hollandsche Schouwburg đang sắp bị đưa đến các trại tập trung của Đức Quốc xã. Trường Cao đẳng Sư phạm Cải cách Hulst nằm đối diện nhà hát, nơi người Do Thái được tập trung để đưa đến các trại khắp châu Âu. Ở đó, con cái của họ đã bị tách khỏi gia đình và được gửi đến một nhà trẻ địa phương, có chung một khu vườn với trường đại học của Hulst.

Bắt đầu từ tháng 1/1943, Hulst cùng với một đội quân kháng chiến bắt đầu tìm kiếm các gia đình có thể nhận nuôi những đứa trẻ Do Thái có vẻ ngoài hao hao giống họ. Khi tìm được gia đình phù hợp, họ bí mật xóa tên đứa trẻ khỏi hồ sơ của Đức Quốc xã và lén đưa chúng qua hàng rào sang trường của Hulst.

Những đứa trẻ thường được giấu trong túi hoặc giỏ và sau đó được chuyển đi khắp thành phố. Nhiều thập kỷ sau đó, Hulst kể lại: “Bạn hãy thử tưởng tượng 80, 90, có lẽ là 70 hay 100 đứa trẻ đang đứng đó, và bạn phải quyết định đưa những đứa trẻ nào đi cùng… Đó là ngày khó khăn nhất trong cuộc đời tôi… Bạn biết rằng, những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau sẽ chết. Tôi chỉ mang theo được 12 bé. Sau này, tôi vẫn tự vấn: Vì sao mình không cứu được 13 bé?”.

Adolfo Kaminsky

Adolfo Kaminsky là một thành viên Kháng chiến Pháp trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng nước Pháp. Ông chuyên làm giả tài liệu và đã làm việc không mệt mỏi trong suốt cuộc chiến để làm giả giấy tờ tùy thân cho hơn 14.000 người Do Thái. Năm 17 tuổi, sau khi Đức Quốc xã sát hại người mẹ, Kaminsky đã tham gia quân kháng chiến.

Với tư cách là một chiến sĩ kháng chiến, ông đã gửi tin nhắn tới London về các chuyến tàu. Sau khi suýt bị trục xuất vào năm 1943, Kaminsky và phần còn lại của gia đình chuyển đến Paris. Ông bắt đầu làm việc trong một phòng thí nghiệm dưới lòng đất, làm giả giấy tờ cho những người Do Thái ở Pháp đang bị Đức Quốc xã truy lùng.

Kaminsky đã tận tâm với công việc của mình. Ông kể lại: “Tôi luôn phải nhắc nhở mình hãy tỉnh táo, càng lâu càng tốt. Tôi luôn phải chống lại giấc ngủ, bởi trong một giờ, tôi làm ra 30 tờ giấy giả.

Nếu tôi ngủ trong một giờ ấy, thì 30 người sẽ chết”. Sau sự kiện Giải phóng Paris năm 1944, ông gia nhập quân đội Pháp và tham gia vào làm giấy tờ giả cho các điệp viên được gửi đến hậu phương kẻ thù. Ông tiếp tục hoạt động sau Thế chiến thứ Hai trong Chiến tranh Algeria. Kaminsky cung cấp giấy tờ cho các nhóm hoạt động khác và không bao giờ nhận tiền công. Kaminsky đã thực hiện các hoạt động giả mạo này suốt hơn ba mươi năm.

Frank Foley

Thiếu tá Francis “Frank” Edward Foley là một sĩ quan Cục Tình báo Anh, chịu trách nhiệm kiểm soát hộ chiếu tại Đại sứ quán Anh ở Berlin trước chiến tranh. Với tư cách này, ông đã cấp hàng nghìn giấy tờ cho các gia đình Do Thái đang trốn thoát khỏi Đức Quốc xã ngay trước khi chiến tranh bắt đầu.

Với hàng nghìn người mà ông đã cứu thoát khỏi bàn tay của phát xít Đức, ông được mệnh danh là “Schindler của Anh”. Rất khó để ước tính chính xác có bao nhiêu người Do Thái đã thoát chết nhờ Foley, nhưng con số có thể là hơn 10.000 người.

Foley đã mạo hiểm mạng sống của mình bằng cách bẻ cong các quy tắc. Những giấy tờ mà ông đưa ra đã giúp các gia đình Do Thái thoát ly hợp pháp sang Anh hoặc Palestine, nơi do Anh kiểm soát vào thời điểm đó. Ông cũng nhiều lần đến các trại trung chuyển và giúp các nạn nhân trốn thoát, đồng thời nuôi giấu một số người trong nhà của mình cho đến khi họ có được giấy tờ giả mạo.

Trong suốt cuộc đời của mình, ông không hề được công nhận vì những nỗ lực cứu người Do Thái, nhưng sau khi ông qua đời vào năm 1958, ông đã được nhiều chính phủ công nhận, bao gồm cả chính phủ Anh, nơi đã phong ông là Anh hùng của cuộc diệt chủng, còn chính phủ Israel cũng tôn vinh ông với danh hiệu Chính nghĩa đa quốc gia.

Albert Göring

Albert Göring (phải) và anh trai Hermann Göring, quan chức cao cấp của Đức Quốc xã.

Albert Göring (phải) và anh trai Hermann Göring, quan chức cao cấp của Đức Quốc xã.

Bất kỳ ai đã nghiên cứu về Thế chiến thứ Hai đều biết cái tên Hermann Göring, người đứng đầu Không quân Đức và là thành viên hàng đầu của đảng Quốc xã. Tuy nhiên, em trai của Hermann Göring là Albert Göring lại làm những việc trái ngược với anh trai mình. Albert đã chống lại Đức Quốc xã ngay từ đầu, và không bao giờ ủng hộ anh trai.

Trong chiến tranh, ông đã giúp đỡ người Do Thái và các dân tộc thiểu số khác bị Đức Quốc xã đàn áp bằng nhiều cách khác nhau. Anh ta đã sử dụng ảnh hưởng của mình để khiến ông chủ người Do Thái cũ của mình, Oskar Pilzer, được trả tự do sau khi bị Đức Quốc xã bắt, sau đó hỗ trợ Pilzer và gia đình trốn thoát khỏi Đức.

Ông cũng đã giả mạo chữ ký của anh trai mình trên các tài liệu vận chuyển khác nhau để giúp nhiều người bất đồng chính kiến và người Do Thái trốn thoát. Cuối cùng Albert Göring cũng bị bắt, nhưng họ của ông đã giúp ông thoát khỏi rắc rối. Albert Göring cũng gửi xe tải đến các trại tập trung để lấy công nhân, nhưng sau đó, các xe tải này chạy đến một khu vực biệt lập và thả các tù nhân để họ chạy trốn.

Albert Göring đã bị thẩm vấn tại Tòa án Nurenberg, sau đó được thả nhờ một số người làm chứng. Sau cuộc chiến, mặc dù Albert Göring đã bị phỉ báng tên tuổi và mối đa kết với anh trai mình, nhưng sau đó, ông được công nhận là một anh hùng của Holocaust do đã cứu sống nhiều người.

Irena Sendler

Irena Sendler là một nhân viên xã hội và y tá người Ba Lan, người đã chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã đối với Ba Lan thông qua tổ chức kháng chiến ngầm Ba Lan. Trong chiến tranh, bà làm việc ở

Warsaw cho Bộ Phúc lợi Xã hội và Y tế Công cộng, nhưng bà còn thực hiện nhiều hoạt động quan trọng hơn. Cùng với mạng lưới những người lao động cùng chí hướng, hầu hết là phụ nữ, bà đã tích cực làm việc để cứu trẻ em Do Thái.

Sendler đã đưa những đứa trẻ Do Thái ra khỏi trại tập trung Warsaw, sau đó cung cấp giấy tờ tùy thân giả cho các nạn nhân này, rồi chuyển chúng đến các gia đình Ba Lan sẵn sàng nhận lũ trẻ vào làm con của mình. Bà cũng gửi một số vào các trại trẻ mồ côi.

Bà bị nghi ngờ tham gia vào cuộc Kháng chiến Ba Lan, và bị Gestapo bắt giữ năm 1943, nhưng bà đã kịp thời giấu danh sách những đứa trẻ mà bà đang giữ vào thời điểm đó. Điều này đã cứu được mạng sống của vô số người, bao gồm các nạn nhân trẻ em và những người bảo vệ chúng.

Bà đã bị tuyên xử tử, nhưng đã trốn thoát sau khi Hội đồng cứu trợ người Do Thái của Ba Lan, hối lộ các quan chức Đức. Sau chiến tranh, Sendler tiếp tục hoạt động vì nhiều mục đích nhân đạo khác nhau. Năm 1965, chính phủ Israel đã phong tặng bà danh hiệu Chính nghĩa đa quốc gia. Bà cũng nhận được Huân chương Đại bàng trắng, danh hiệu cao quý nhất do chính phủ Ba Lan ban tặng.

Nicholas Winton

Nicholas Winton là một nhà nhân đạo người Anh, người đã cứu 669 trẻ em, hầu hết là người Do Thái ở Tiệp Khắc ngay trước khi chiến tranh bắt đầu. Winton bắt đầu nỗ lực này vào năm 1938, khi ông thành lập một tổ chức với sứ mệnh trợ giúp trẻ em Do Thái trước nguy cơ bị Đức Quốc xã tấn công.

Ông thiết lập một văn phòng ngay trong phòng khách sạn của mình, và thông qua một số can thiệp từ các mối quan hệ cấp cao, ông đã được phép cho bất kỳ người tị nạn nào dưới 17 tuổi nhập cảnh hợp pháp vào Anh, chỉ cần đảm bảo các em sẽ có một nơi để ở và có 50 bảng Anh.

Winton đã viết thư gửi các chính trị gia và hỏi xem họ sẵn lòng nhận người tị nạn không. Ngoài Anh, chỉ có Thụy Điển chấp nhận việc này. Nhờ thế, Winton đã cứu được 669 trẻ em, mặc dù ông cho rằng mình có thể cứu được nhiều hơn nếu Mỹ và các quốc gia chấp nhận người tị nạn.

Trong suốt 50 năm, những nỗ lực của ông không hề được công nhận, nhưng vào năm 1988, ông được mời tham gia chương trình That’s Life! Ông đã đoàn tụ với một số trẻ em mà ông đã cứu, tất cả đều đã trưởng thành.

Ông được báo chí mệnh danh là “Schindler người Anh”. Năm 2003, ông được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ vì chiến công “phục vụ nhân loại, cứu trẻ em Do Thái khỏi bị phát xít Đức chiếm đóng ở Tiệp Khắc”.

Carl Lutz

Carl Lutz là một nhà ngoại giao Thụy Sĩ. Từ năm 1942 cho đến khi Thế chiến II kết thúc, ông là Phó Lãnh sự Thụy Sĩ tại

Budapest, Hungary. Vào cuối cuộc chiến, ông đã cứu hơn 62.000 người Do Thái trong chiến dịch giải cứu người Do Thái lớn nhất trong chiến tranh. Hành động của ông đã cứu một nửa dân số Do Thái ở Budapest, Hungary, khỏi bị trục xuất đến các trại tập trung.

Ông đã hoàn thành điều này vào năm 1944, sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng Budapest, ông đã nhận được sự cho phép đặc biệt để phát hành 8.000 bức thư cho người Do Thái Hungary, cho phép họ di cư đến Palestine.

Ông đã “lách luật” bằng cách áp dụng sự ưu tiên nhờ các bức thư bảo hộ cho cả gia đình, thay vì từng cá nhân. Tuy nhiên, “chiêu thức” thực sự của ông là phát hành hàng chục nghìn bức thư, được đánh số từ một đến 8.000. Bằng cách làm này, ông đã cứu hàng chục nghìn người.

Nhưng đó không phải là điều duy nhất ông đã làm để cứu người Do Thái. Với sự giúp đỡ của nhiều người khác, ông đã thành lập 76 ngôi nhà an toàn trong và xung quanh Budapest, và tuyên bố các nhà an toàn này là khu vực thuộc sở hữu của Thụy Sĩ, bất khả xâm phạm. Nhờ đó, hơn 62.000 người đã được thoát khỏi các trại tử thần. Ông cũng được chính phủ Israel công nhận danh hiệu Chính nghĩa đa quốc gia.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-nguoi-hung-trong-nan-diet-chung-L8btzwaMR.html