Những người hùng giải cứu đội bóng nhí Thái Lan

Cuối cùng cuộc giải cứu đội bóng nhí 'Lợn Hoang' của Thái Lan bị kẹt trong hang động Tham Luang đã có một cái kết có hậu, khi 13 thành viên đội bóng đều được đưa ra ngoài an toàn. Đằng sau thành công này là những nỗ lực, hy sinh của rất nhiều người, từ các tình nguyện viên đến để tiếp tế lương thực và nước uống, đội ngũ y bác sĩ cho đến các cảnh sát, quân nhân.

Nhưng tiên phong trong đó là các nhóm thợ lặn đến từ khắp nơi trên thế giới. Chính họ là những người đã làm việc không ngừng nghỉ, bất chấp đến tính mạng để tìm và giải cứu thành công 13 thành viên đội bóng nhí. Họ xứng đáng được gọi là những người hùng.

Saman Kunan - Cả thế giới nhớ tên anh

Một điều khiến người dân thế giới không khỏi khắc khoải, đau lòng trong cuộc giải cứu, đó chính là sự hy sinh của thợ lặn Saman Kunan, cựu thành viên đặc nhiệm Seal Hải quân Thái Lan.

Saman Kunan, 37 tuổi, đã bắt đầu làm nhiệm vụ tiếp dưỡng khí trong hang từ 20h30 tối 5-7. Tuy nhiên trên đường trở ra cửa hang, anh đã thiếu dưỡng khí cho chính mình và rơi vào tình trạng hôn mê. Mặc dù đồng đội đã tiến hành hô hấp nhân tạo nhưng không thể cứu vãn tình hình. Đến 1h sáng 6-7, họ thông báo anh đã qua đời.

“Tôi là bạn chơi thể thao với cậu ấy nhiều năm. Cậu ấy là một người quên mình vì mọi người và luôn chăm lo cho người khác. Cậu ấy rất tận tâm với công việc”, đó là hình ảnh các đồng nghiệp và bạn bè kể về Hạ sĩ Saman Kunan.

Thợ lặn hải quân Thái Lan Saman Kunan, người xả thân rồi hy sinh trong khi bổ sung các bình oxy vào hang để hỗ trợ chiến dịch giải cứu.

Sĩ quan Saeree Ruangsiri là bạn học cùng trường hải quân, người tham gia các môn thể thao mạo hiểm cùng Saman. Ông kể với BBC Tiếng Thái về “một người vui vẻ và luôn nghiêm túc trong công việc. Tôi nghe tin anh qua đời 2 tiếng trước cuộc họp báo. Tôi rất sốc và buồn”. Saman đã có gia đình, nhưng không có con, theo lời ông Saeree.

Đại úy Chalong Panpong, một huấn luyện viên cũ của Saman, nói với BBC: “Khi nhận được cú điện thoại, tôi rất sốc. Cậu ấy là một vận động viên rất khỏe, không thể tin được. Cậu ấy là học sinh của tôi. Cậu học hai năm ở trường huấn luyện cho các sĩ quan không chuyên rồi gia nhập trường hải quân sau khi tốt nghiệp. Đó là nơi tôi gặp cậu ấy. Sau đó cậu ấy học lặn, rồi làm ở Lực lượng đặc nhiệm Hải quân trong một thời gian, sau đó giải ngũ và chuyển sang làm việc tại sân bay”.

Theo lời Đại úy Chalong Panpong, Saman đến từ Isan (đông bắc Thái Lan) - một vùng nghèo. “Cậu rất yêu quý bạn bè và quan tâm đến tất cả. Cậu ấy rất khỏe và thích tham gia vào các môn thể thao đòi hỏi thể lực như thi ba môn phối hợp. Cậu ấy luôn đầy năng lượng”, Đại úy Panpong kể. Đại úy Panpong cũng cho biết thêm rằng Saman đã giành chiến thắng trong vài cuộc thi đấu thể thao. Được biết, Saman là 1 trong 15 nhân viên được phân công hỗ trợ Đơn vị Hải quân đặc nhiệm SEAL trong cuộc giải cứu (họ gồm các cựu binh sĩ với kinh nghiệm phù hợp).

Nhà vua Thái Lan hôm 6-7 tuyên bố Hoàng gia sẽ tổ chức lễ tang cho Saman Kunan, giữa lúc dư luận Thái Lan tiếc thương người anh hùng này. Kunan đáng ra đang yên ổn trong vai trò an ninh tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, nhưng lòng trắc ẩn khiến anh chấp nhận làm tình nguyện viên đi cứu người rồi hy sinh vì nghĩa cử ấy.

Những thợ lặn thắp lên hy vọng

Không phải chỉ cái chết mới khiến người ta nhớ tới họ. Chính quyền Thái Lan ngày 6-7 cũng đã vinh danh những thợ lặn tình nguyện người Anh trong nỗ lực tìm kiếm nhóm cầu thủ và huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang. Họ là những người đầu tiên bắt được hy vọng, mở đường cho những nỗ lực tiếp theo. Họ là những chuyên gia giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực thám hiểm và khám phá hệ thống hang động ngầm khắp nơi trên thế giới.

Huấn luyện viên đội bóng Ekkapol (ngoài cùng bên trái) và 12 cậu bé thành viên đội bóng Lợn Hoang.

Sau loạt nỗ lực bất thành của lực lượng cứu hộ hùng hậu gồm những người lính tinh nhuệ nhất của Thái Lan và nhiều nước hỗ trợ để tìm cách đưa đội bóng gồm 12 thiếu niên tuổi từ 11 đến 16 và 1 huấn luyện viên 25 tuổi ra khỏi hang động mà họ đã mắc kẹt suốt 10 ngày ròng rã trong tình trạng không thức ăn, không ánh sáng, một nhóm chuyên gia gồm 3 người đàn ông được xem là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thám hiểm hang động đã được mời đến để trực tiếp lặn vào hang với hy vọng mong manh sẽ phát hiện những dấu tích mới của đội bóng trẻ.

Hành trình của các nhà thám hiểm người Anh bắt đầu từ ngày 28-6, 4 ngày sau khi mọi nỗ lực tiếp cận khu vực hang động của quân đội Thái Lan đều bất thành do trở ngại thời tiết, địa hình trắc trở.

Bằng kinh nghiệm tuyệt vời của mình khi đã trải nghiệm qua tất cả mọi thể loại hang động trên thế giới, đêm 2-7, 2 thợ lặn Rick Stanton, 56 tuổi và John Volanthen, 47 tuổi đã tiếp cận thành công và tìm thấy toàn bộ đội bóng trong tình trạng an toàn tại khu vực hang động của bãi biển Pattaya, nơi rất khó để có thể ra vào một cách bình thường.

Thợ lặn người Anh - John Volanthen (phải) là người phát hiện ra đội bóng nhí Thái Lan và thợ lặn Richard Stanton.

Những hình ảnh đầu tiên của đội bóng mất tích được John Volanthen truyền ra ngoài đã giúp hàng triệu người dân Thái lan có thể thở phào nhẹ nhõm. Tiếng nói trong đoạn video vào thời điểm nhóm cứu hộ tìm thấy 12 thiếu niên và huấn luyện viên bóng đá của các em được cho là của 2 thợ lặn Stanton và Volanthen.

Là 2 trong số những thợ lặn cứu hộ hang động nổi tiếng thế giới nhưng 2 ông đều có công việc khác ở Anh. Ông Stanton là lính cứu hỏa ở Coventy, trong khi ông Volanthen là kỹ sư internet ở Bristol. Cả hai là tình nguyện viên của đội cứu hộ hang động Nam và Trung xứ Wales.

Trước khi vào hang Tham Luang, cặp đôi này đã lập kỷ lục thế giới về việc vào hang dài nhất, lặn xuyên qua 9km hệ thống hang ở miền Bắc Tây Ban Nha năm 2011. Ông Volanthen tham gia lặn như một hướng đạo sinh và theo học về điện tử tại Đại học De Montfort, Leicester. Ngoài ra, ông còn dành thời gian để chạy marathon lên đến 250km. Thợ lặn đồng hành với ông Volanthen là Stanton - người bắt đầu lặn từ 18 tuổi để khám phá hang động sau khi được truyền cảm hứng từ một chương trình truyền hình.

Ông Stanton được Hoàng gia Anh trao tặng Huy chương MBE cho công tác cứu hộ năm 2013. Giải thưởng MBE là một phần cho những nỗ lực của ông Stanton và ông Volanthen khi giải cứu nhà khảo sát hang động người Pháp Eric Establie bị mắc kẹt trong hệ thống hang Draggonniere Gaude, tại khu vực Ardeche năm 2010. Đây là một trong những vụ giải cứu vô cùng khó khăn bởi ông Establie bị mắc kẹt trong hang ngập nước, bùn và tối om gần 1km.

Ông Robert Charles Harper được tặng ảnh lưu niệm ở sân bay.

Dù không phải là người trực tiếp tìm ra các thành viên đội bóng bị mắc kẹt, ông Robert Charles Harper 70 tuổi, chuyên gia Hội đồng Cứu hộ hang động Anh, lại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng bởi ông chính là bộ não ở phía sau các chuyên gia cứu hộ hang động Anh.

Ông đã được Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Weerasak Kowsurat đưa ra sân bay Suvarnabhumi đêm 4-7, vì lý do sức khỏe. Ông Harper đứng đầu nhóm 3 chuyên gia phát hiện 12 cầu thủ đội bóng Lợn hoang cùng huấn luyện viên vào đêm 2-7.

Tại sân bay Suvarnabhumi, Bộ trưởng Weerasak trao cho ông Harper giấy chứng nhận danh dự vì "Phục vụ công dân Thái Lan, và vì vai trò đặc biệt trong quá trình hỗ trợ cứu hộ 13 công dân Thái trong hang Tham Luang".

Ông Harper cũng được tặng một chiếc áo với dòng chữ "Người hùng thực sự" cùng bức ảnh chụp ông và 2 đồng nghiệp người Anh.

Như Sơn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhung-nguoi-hung-giai-cuu-doi-bong-nhi-thai-lan-503093/