Những người hùng đời thường

Sau khi có đầy đủ các góc quay về sự kiện anh Nguyễn Ngọc Mạnh ứng cứu bé gái 3 tuổi bị ngã từ tầng 12A, người ta càng thấy đây là một sự kết hợp hoàn hảo.

Nguyễn Ngọc Mạnh và mẹ giao lưu trực tuyến với độc giả Tiền Phong. Ảnh: Mạnh Thắng

Nguyễn Ngọc Mạnh và mẹ giao lưu trực tuyến với độc giả Tiền Phong. Ảnh: Mạnh Thắng

Khi Mạnh trượt chân trên mái tôn ướt mưa, nó giống như “cú ngã của Chúa”. Nhờ đó anh không hứng trọn cháu bé rơi từ trên xuống với gia tốc hẳn quá sức người. Nếu hai chú cháu va chạm trực diện có thể cả hai đều bị thương tích nặng hơn. Nói chung tất cả đều hợp nhất thành một chuỗi sự việc hoàn hảo, từ cự ly Mạnh đậu xe tới người phụ nữ vừa quay vừa la hét trên tầng cao.

Từ tâm điểm hoàn hảo đó, diễn biến không ngừng mở rộng ra. Thu hút nhiều luồng ý kiến nhưng nổi lên vẫn là tác động tích cực, truyền cảm hứng rộng rãi tới xã hội. Một trong lần vô cùng hiếm mà một người lao động bình dân trở thành ngôi sao sáng khiến các nhân vật vốn được mặc định là người của công chúng bỗng thành ra nhạt nhẽo.

Anh Mạnh cho chúng ta được biết về chân dung của một người anh hùng có thật. Xong hành động cứu người, anh tiếp tục hoàn thành nốt ngày làm việc. Nhưng về đến nhà vẫn chưa hết run. Sau khi ghì cả hai con gái chặt hơn thường lệ, anh quay sang bố mẹ “gương mặt nặng trĩu, miệng méo xệch” (theo mô tả của người mẹ với phóng viên Tiền Phong): “Mẹ ơi, bố ơi, hôm nay con cứu được một mạng người!”. Mẹ Mạnh liên tưởng tới một vụ tai nạn giao thông thì Mạnh gạt đi: “Không, sợ lắm mẹ ạ. Từ trên cao xuống”…

Người anh hùng trong phim có thể lừng lững, lồng lộng, không đổi nhịp thở sau khi thi hành nhiệm vụ còn người anh hùng trong đời thật phải vẫn còn sợ hồi lâu sau khi xong việc. Phẩm chất anh hùng hiển hiện ở chỗ sợ nhưng anh vẫn hành động. Nỗi sợ thậm chí còn xúc tác cho hành động. Bởi anh biết nếu cháu bé không được ai cứu mới thực sự đáng sợ.

Trước và sau thời điểm đó, có thể hiểu độ nhạy cảm trước những bất an, những gì gọi là “vô thường” trong đời sống trong Mạnh được nhân lên gấp bội. Đến nỗi về đến nhà chỉ thấy vợ mà không thấy con ra đón như mọi hôm, Mạnh đã thấy lo. Vì thế mà anh lập tức phải ôm ghì lấy hai “cục vàng” để trấn tĩnh.

“Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ” là tâm lý của tất cả mọi người. Em họ của tôi từng thoát nạn nhờ sự “hy sinh” của bạn cùng phòng. Tức người bạn vào tắm trước và đã không qua khỏi vì bình nóng lạnh bị hở điện. Tất nhiên là người nhà tôi rất sốc và nhắc nhau trước khi tắm phải tắt bình nóng lạnh. Nhưng lâu dần, xa khỏi sự kiện kinh hoàng đó, không biết còn ai giữ được nguyên tắc đấy. Hay là mỗi lúc vội vàng lại bật bình lên tắm luôn. Tất nhiên riêng em họ tôi chắc sẽ không bao giờ thôi đề phòng… Cũng như Mạnh đã ở đó, giữa tâm điểm sự việc và hơn ai hết hiểu rõ sự nguy hiểm chết người của một ban công thiếu bảo hộ. Tiếng nói của anh sẽ vô cùng trọng lượng trong một chiến dịch kêu gọi nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em sau này nếu có.

Cú đỡ của Mạnh được nhiều người gọi vui không chỉ đỡ được một mạng sống mà còn đỡ được niềm tin vào cái thiện, lòng nhân trong xã hội. Tất nhiên còn phải có khả năng phản ứng nhanh nữa. Mạnh cho hay từ bé đã hay leo trèo, thậm chí đánh trận giả trên cây mới có được sức bật và tốc độ đó. Chưa kể anh không bị thừa cân, dù có thoát vị đĩa đệm... Dù sao vẫn có một yếu tố gì đó siêu nhiên sắp mọi thứ ăn khớp để cuối cùng đạt đến một kết quả hoàn hảo. Không ai bị thương tích nặng còn toàn xã hội thì hân hoan.

Cảm tưởng khi ấy Mạnh không hành động bằng lý trí, mà bằng sự thôi thúc bản năng. Một động cơ lớn mạnh từ trong tiềm thức đã dẫn dắt anh. Để rồi anh thực hiện một loạt những động tác có lẽ là quá sức với con người ở trạng thái bình thường. Dẫn đến việc Mạnh vẫn còn hồi hộp, run rẩy hồi lâu sau khi thoát khỏi trạng thái “siêu nhân” ấy.

Cuộc đời luôn cần những anh hùng đột xuất có hành động phi thường không suy nghĩ trong thời điểm khẩn cấp. Nhưng cũng rất cần những anh hùng đời thường, thậm chí cần nhiều hơn những người làm việc nghĩa một cách đầy lý trí trong trạng thái hoàn toàn bình thường.

Người gốc Á ở Mỹ và một số nước phương Tây đang phải chịu thêm sức ép tâm lý do bị kỳ thị trong hoàn cảnh COVID-19. Đơn cử gia đình ông Haijun Si ở quận Cam bắt đầu từ Tết Nguyên đán thường xuyên bị vài thành phần thanh thiếu niên trong vùng kéo đến gây rối bằng cách la ó, ném đá hoặc đập cửa rung chuông suốt đêm ngày. Ông đành báo cảnh sát và gọi điện cho láng giềng. Trong khi cảnh sát còn chưa kịp làm gì thì khoảng 50 hàng xóm đã cắt cử nhau tới sân nhà ông Si và cả đứng từ xa canh gác hoặc đi tuần từ 18h đến nửa đêm. Báo dẫn lời cô Layla Parks, người đứng ra kêu gọi đội ngũ “vệ sĩ”: “Sau khi nghe về sự việc, nỗi sợ hãi của tôi đối với nhân loại đã lên tới cực điểm. Nhưng sau phản ứng của cộng đồng, tôi cảm thấy niềm tin của mình vào tình người đã trở lại”.

Nhận ra anh hùng lộ diện chính trong những khoảnh khắc bộc phát thúc đẩy người bình thường làm những điều phi thường, nhà tâm lý học Philip Zimbardo (Mỹ) từ thập niên 1970 sau thí nghiệm nổi tiếng Nhà tù Stanford đã mở ra Dự án Tưởng tượng về Anh hùng (Heroic Imagination Project) với tham vọng đào tạo những anh hùng tiềm năng. Tức là chủ động nuôi lớn người hùng thay vì nuôi chim câu ai ngờ đầu ra bỗng chốc hóa đại bàng như câu đùa của mẹ Mạnh. Dự án này trước hết dạy trẻ em về 2 động lực căn bản tạo nên hành động phi thường. “Một là khả năng chủ động định hướng hành động - ra quyết định sẽ "làm điều đó" khi mà người khác thụ động hoặc vô cảm trong cùng hoàn cảnh. Hai là khả năng thấu cảm và sống vị tha, hướng tới lợi ích của người khác, của xã hội (socio-centric) thay vì lợi ích của mình (ego-centric)” (theo KL’s Blog).

Tôi không rõ những hàng xóm của ông Si từng kinh qua dự án này hay không nhưng rõ ràng trong hoàn cảnh cần nhiều hơn một anh hùng, họ đã nắm tay nhau xuất hiện. Một minh chứng hùng hồn cho thấy dù thế nào những người sẵn sàng thành anh hùng vẫn nhiều hơn số muốn làm tội phạm. Vì lẽ đó, xã hội loài người mới đứng vững tới ngày nay.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhung-nguoi-hung-doi-thuong-1801445.tpo