Những người hùng áo blouse

Cùng với lực lượng vũ trang nói chung (quân đội và công an), đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên... ngành y tế đã trở thành những người hùng đích thực trong đại dịch Covid - 19. Tôi gọi đó là những người hùng áo blouse (bờ - lu).

Không thể không gọi đó là những người hùng khi họ đã dũng cảm, tự nguyện với trách nhiệm cao nhất, xông vào chỗ chết để từng giây giành giật sự sống, mang lại bình an cho tất cả chúng ta! Đến thời điểm này, không thấy bất cứ ai trong đội ngũ ngành y đã đào ngũ, trốn tránh khỏi sứ mệnh thiêng liêng nhưng cực kỳ nguy hiểm nói trên. Ngược lại, tất cả họ đã hăng hái, nhiệt tình trên tuyến đầu chống dịch, kể cả lớp lớp cán bộ, nhân viên ngành y đã về hưu cũng đăng ký xung trận. Và cũng đã có những bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên ý tế nhiễm bệnh. Sự tận hiến và hy sinh của họ chính là bản sao sinh động nhất hình ảnh, hình tượng những người lính xung kích trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của đất nước ta.

Phẩm chất anh hùng bừng sáng nhất của những người thầy thuốc đó là, họ đã biền biệt rời xa tổ ấm gia đình hàng tháng trời, chấp nhận cách ly cùng với bệnh nhân, ngày đêm làm bạn với virus Corona ác độc, hay nói đúng hơn là làm bạn với cái chết chực chờ, chỉ với một mục đích duy nhất và tối thượng: giữ gìn, giành giật sự sống cho mọi người cũng như mang lại sự an lành cho cộng đồng, cho đất nước. Trong điều kiện đất nước ta còn không ít khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị chữa bệnh cũng như trang thiết bị bảo hộ, họ - những người thầy thuốc nhân dân vẫn đảm nhận sứ mệnh chống đại dịch một cách thành công. Cho đến thời điểm này, ngành y Việt Nam đã không để một ca nhiễm Covid - 19 nào tử vong, đó chính là một chiến công chói lọi, cần ghi nhận và lưu danh sử sách.

Phẩm chất anh hùng của những người thầy thuốc không chỉ sáng bừng trên mặt trận trực tiếp chống đại dịch mà còn thể hiện một cách sinh động và thuyết phục trên lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo. Trong bối cảnh chưa có thuốc phòng, chống virus Corona chủng mới, việc sàng lọc, lựa chọn một phác đồ điều trị tối ưu, qua đó góp phần chặn đứng tử vong cũng như cứu chữa thành công cho nhiều bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân rất nặng, chính là một chiến công lớn của ngành y Việt Nam. Đó là chưa kể, đội ngũ các nhà khoa học của ngành y nước ta là một trong những người đầu tiên trên thế giới đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit test SARS-CoV-2 và đã đưa vào sử dụng đại trà.

Phẩm chất anh hùng đó còn thể hiện một cách thầm lặng trong sự chấp nhận, thậm chí cam chịu, khi đây đó vẫn còn một bộ phận người dân tỏ thái độ kỳ thị, xa lánh họ và gia đình họ. Dù đây chỉ là một biểu hiện rất nhỏ của một số người thiếu hiểu biết và vô cảm, nhưng không phải không có tác động ít nhiều đến đội ngũ thầy thuốc đang trên tuyến đầu chống dịch. Đã có những giọt nước mắt cũng như nụ cười chua chát từ họ mà truyền hình đã kịp ghi lại.

Trước những người hùng áo blouse, mỗi chúng ta cần biết thể hiện một cách thành tâm nhất sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn và cách hỗ trợ, đền đáp sao cho thật xứng đáng và hiệu quả.

Thứ nhất, một mặt, phải lập tức xóa tan sự kỳ thị, xa lánh đối với họ cũng như gia đình họ, mặt khác, cần bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ, động viên, cổ vũ họ tiếp tục thực thi sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc trong thời khắc khó khăn, lâm nguy của đất nước.

Thứ hai, phải ủng hộ, đóng góp kinh phí một cách thiết thực nhất, hầu có thể mua sắm kịp thời những trang thiết bị bảo hộ hiện đại, giúp những người thầy thuốc có được điều kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, khi tiếp xúc, điều trị, phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid - 19 trên tất cả mọi tuyến, mọi cơ sở y tế.

Thứ ba, mọi người, nhất là những người đang bị nhiễm bệnh hay đang phải thực hiện cách ly, cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt mọi yêu cầu chuyên môn do các thầy thuốc đưa ra. Thực hiện đều này, không chỉ để tỏ thái độ giúp dỡ, hỗ trợ các thầy thuốc hoàn thành nhiệm vụ cao cả của họ mà cao hơn, chính là để tự bảo vệ bản thân mình an toàn trước nguy cơ đại dịch.

Thứ tư, trong lúc này mới thấy, cần có những cải cách phù hợp, thỏa đáng trong chế độ đãi ngộ (lương, phụ cấp - nhất là phụ cấp độc hại, nguy hiểm) đối với ngành y, sao cho tương xứng, tương thích với vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của họ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nên chăng, sắp xếp ngạch lương của ngành y (và có thể cả ngành giáo), nếu không tương đồng với quân đội, công an thì cũng phải xếp cao hàng thứ hai trong hệ thống bảng lương công chức, viên chức nhà nước. Đó cũng chỉ là đề xuất và hy vọng, bởi còn vì nhiều lý do căn cốt khác mà có thể chưa thực hiện trong ngày một ngày hai. Dù sao, trong đại dịch Covid - 19 này mới thấy thấm hơn nguyên lý: nhìn nhận, đãi ngộ sao cho xứng đáng đối với những người hùng áo blouse trắng là hoàn toàn có cơ sở và không phải không cấp thiết. Mấy ngày này, Chính phủ đã kịp thời ban hành chế độ phụ cấp cho tất cả những người tham gia chống Covid - 19 (trực tiếp và gián tiếp) với mức cao nhất là 300.000 đồng/người/ngày. Nhưng đây xét cho cùng cũng chỉ là cách giải quyết mang tính cấp thời, tình huống. Lâu dài và bền vững, vả chăng, cần có những cải cách như đề nghị nói trên?

Thực tiễn cho thấy, cho dù không hoặc chưa có tất cả những đề xuất nói trên thì những người thầy thuốc vẫn xông ra giáp mặt hiểm nguy với tinh thần và thái độ tự nguyện, thanh thản như là một nhân cách, tính cách thường trực của họ.

Chính điều đó làm nên phẩm chất anh hùng và chúng ta gọi họ là những người hùng áo blouse là hoàn toàn xứng đáng.

T.Đ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-hung-ao-blouse-90605.aspx