Những người góp phần lưu giữ văn hóa dân tộc thiểu số

Tỉnh Quảng Ngãi có 3 dân tộc thiểu số gồm Ca Dong, Cor, H'rê sống rải rác tại 6 huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và Tây Trà, với vốn văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng.

Giao lưu cồng chiêng. Ảnh: baoquangngai.vn

Giao lưu cồng chiêng. Ảnh: baoquangngai.vn

Do sự du nhập, lan truyền nhanh chóng của các loại hình văn hóa hiện đại nên nền di sản văn hóa vùng miền đặc trưng đang có nguy cơ bị biến dạng, thậm chí mai một; đáng mừng là vẫn còn một số cá nhân đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bằng tình yêu và lòng say mê với dân ca của dân tộc mình, từ lúc còn nhỏ, anh Phạm Văn Sây ở xã Ba Thành, huyện vùng cao Ba Tơ đã tự mày mò, học hỏi những làn điệu Ca choi, Ta lêu từ người mẹ, người bà của mình. Đến năm 15 tuổi, anh đã trở thành người hát hay đàn giỏi có tiếng trong vùng. Với anh Sây, làn điệu dân ca của dân tộc mình là kho báu văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu cần được bảo tồn, gìn giữ. Anh Sây cho biết: “Bắt đầu từ các buổi lễ, hội, những người đàn ông, phụ nữ ngồi bên ché rượu cần, hát các làn điệu Ca choi, Ta lêu đối đáp với nhau nên tôi đã đam mê rồi tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình. Tôi đã tìm đến những người am hiểu về văn hóa dân tộc để học hỏi, nhờ đó tôi cũng có được một vốn kiến thức về các làn điệu dân ca cũng như nhạc cụ của người H’rê. Tôi mong muốn được truyền dạy những gì mình biết cho thế hệ trẻ để các bạn thêm yêu văn hóa dân tộc mình”.

Văn hóa của người H’rê rất phong phú và đa dạng, ngoài các làn điệu dân ca mượt mà, thắm tình còn có rất nhiều nhạc cụ truyền thống như: Chinh Ka la, đàn Rơ đoang, đàn Brook, đàn Krâu… Với sự hiểu biết và niềm say mê của mình về văn hóa dân tộc mình, anh Sây luôn nhiệt tình hướng dẫn từng câu hát, điệu ru và cách chơi một số loại nhạc cụ truyền thống của người H’rê cho lớp trẻ. Em Phạm Thị Nhàn (14 tuổi), xã Ba Thành cho biết: Em đã được chú Sây dạy các làn điệu dân ca được 3 tháng, đến nay em đã hát được một số làn điệu. Nhờ có chú Sây nên em mới biết hát các làn điệu dân ca của người H’rê. Em rất thích nên sẽ cố gắng nhiều hơn để có thể hát hay các bài hát của đồng bào mình.

Những người trẻ am hiểu và biết chơi các nhạc cụ dân tộc như anh Phạm Văn Sây hiện còn lại rất ít. Để khơi lại niềm đam mê trong các thế hệ thanh niên, huyện Ba Tơ đã tổ chức một số lớp truyền dạy dân ca và chế tác, sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc H’rê. Bên cạnh đó, huyện Ba Tơ cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao được nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các địa phương trong huyện, tạo được mối quan hệ tinh thần đoàn kết, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc H'rê. Ông Trần Trung Triết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ cho biết: Huyện đã rà soát, từ đó lựa chọn những nghệ nhân có khả năng hướng dẫn các thanh, thiếu niên trong huyện về những làn điệu dân ca, nhạc cụ của dân tộc. Huyện Ba Tơ đang cố gắng để mỗi xã có một câu lạc bộ hoặc một đội văn nghệ để tiếp tục trình diễn trong các dịp lễ, Tết, từ đó tạo thành phong trào và khơi dậy niềm đam mê văn hóa dân tộc.

Còn anh Đinh Văn Siêng, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây vốn có niềm đam mê từ nhỏ, không muốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình bị mai một nên anh đã bỏ công sức, tiền của để tìm kiếm, sưu tầm những nhạc cụ, vật dụng quý hiếm của dân tộc Ca Dong. Mới 31 tuổi nhưng anh Siêng đã có trong tay cả trăm hiện vật, nhạc cụ quý hiếm của đồng bào Ca Dong như: Chiêng, đàn Króc, gùi, nỏ… Trong số những vật dụng, nhạc cụ mà anh Siêng tìm kiếm, sưu tầm được thì bộ chiêng 11 chiếc của đồng bào Ca Dong là quý nhất. Đây là bộ chiêng được sử dụng vào những dịp lễ hội quan trọng. Anh Siêng phải mất gần 6 năm và khá tốn kém mới sưu tầm đầy đủ được bộ chiêng quý này. “Tôi đi từng hộ gia đình để hỏi, nhất là mấy người lớn tuổi. Khi biết ai có thì trước hết mình đến học hỏi cách sử dụng và ngỏ ý muốn để lại để gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ trẻ sau này biết đến chứ không phải mua bán, trao đổi gì. Nhờ đó mà nhiều người đã đồng ý để lại cho tôi dù họ cũng chỉ có một vật dụng, nhạc cụ”, anh Siêng chia sẻ.

Bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong rất phong phú nhưng đang bị mai một dần do nhiều nguyên nhân. Và những người trẻ như anh Siêng đã có ý thức và nỗ lực giữ gìn lại và phát huy những vốn quý của cha ông đi trước là điều đáng trân trọng. Anh Đinh Văn Phú, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây cho biết: “Tôi cũng đi làm ăn nhiều nơi về nhưng mà mỗi lần về tôi lại tìm đến nhà anh Siêng để được nghe anh nói về những nhạc cụ của dân tộc mình. Hiện giờ không có nhiều bạn trẻ biết được về văn hóa truyền thống của đồng bào nên tôi mong sẽ có nhiều hơn những người như anh Siêng để hướng dẫn và chỉ lại cho lớp trẻ để biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc”.

Để văn hóa truyền thống không dần phai nhòa theo thời gian, tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều kế hoạch, định hướng để bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc bền vững gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Đinh Thị Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ban-sac-vung-mien/nhung-nguoi-gop-phan-luu-giu-van-hoa-dan-toc-thieu-so-20190214074916129.htm