Những người 'giữ' mùa Trăng tròn

Giữa nhịp sống phát triển, Tết Trung thu dường như ngày càng xa dần với các giá trị truyền thống. Tiếng trống múa lân, múa sư tử thưa thớt, những món đồ chơi ngày xưa lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, bao năm qua, vẫn còn đó những con người lặng lẽ gìn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống, lưu giữ những nét đẹp mùa Trăng tròn của ngày xưa.

Mỗi dịp Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), người còn được các nghệ nhân trong nghề trìu mến gọi là bà Tuyến “tiến sĩ giấy”, vẫn âm thầm làm từng chiếc đèn ông sao, từng ông tiến sĩ giấy để cung cấp cho các trường học, bảo tàng, trung tâm văn hóa...

Gắn bó với nghề đã gần 45 năm, từ những năm 9, 10 tuổi, bà Tuyến đã biết phụ giúp gia đình những công việc nhỏ như làm khung, dán giấy. Dần dần, bà học hết các kỹ năng rồi thành nghề cho đến bây giờ.

Thôn Hậu Ái, nơi bà Tuyến sinh ra và lớn lên, từng nổi tiếng với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Thế nhưng, khi những món đồ chơi lấp lánh, đủ các mầu sắc rực rỡ được bày bán ở mọi nẻo đường thì người dân nơi đây đã không còn thiết tha với nghề.

Nghề làm đồ chơi Trung thu vốn chỉ kéo dài một mùa, nay lại phải cạnh tranh với rất nhiều mặt hàng hấp dẫn khác, ảnh hưởng cuộc sống mưu sinh của các nghệ nhân. Nghề truyền thống nơi đây cũng mai một theo năm tháng.

Tuy nhiên, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn miệt mài kiên trì gắn bó với từng chiếc đèn, từng ông tiến sĩ giấy. Với bà, đây không còn vì giá trị kinh tế mà là trách nhiệm để gìn giữ nét văn hóa của gia đình, vừa là cách làm gương, dạy dỗ con cháu nên người.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng đã gắn bó với những chiếc đèn kéo quân hơn nửa đời người. Hiện ở thôn Đàn Viên chỉ còn hai gia đình giữ nghề.

Cũng giống như bao nghệ nhân khác, chuyện nghề của ông Quyền bắt đầu từ những ngày còn bé, đơn thuần chỉ là phụ giúp gia đình những lúc rảnh rỗi, thế rồi công việc cũng gắn bó với ông đến tận bây giờ.

Những năm 2000, khi tuổi đã lớn dần và những chiếc đèn kéo quân không còn là mối mưu sinh hằng ngày, vợ chồng ông Quyền đã tính đến chuyện bỏ nghề. Nhưng mỗi mùa Trăng đến, chính nỗi nhớ nghề lại là động lực để ông bà tiếp tục làm ra những món đồ chơi cho các em nhỏ.

Từng chi tiết được chỉnh sửa bởi đôi bàn tay lành nghề đã chai sạn. Từng sản phẩm được người nghệ nhân già hoàn thiện, chăm chút bằng tình yêu với cái nghề đã gắn bó với mình qua bao năm tháng.

Những năm gần đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội,… đã có những chương trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hằng năm, vào mỗi dịp lễ, Tết, các nghệ nhân được mời đến biểu diễn, hướng dẫn các em nhỏ và du khách tự tay làm những món đồ chơi từ ngày xưa.

Nhìn thấy các em nhỏ vẫn còn thích thú với những món đồ chơi của dân tộc, thậm chí còn tự tay hoàn thành từng chiếc đèn, chiếc mặt nạ,... đã mang lại cho người nghệ nhân niềm vui, niềm xúc động khó diễn tả bằng lời.

Bà Tuyến, ông Quyền và rất nhiều nghệ nhân khác đều hy vọng, với những chương trình bảo tồn như thế này, những giá trị văn hóa sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn, các làng nghề truyền thống sẽ được thế hệ sau gìn giữ nguyên vẹn.

Cho dù xã hội vẫn đang phát triển, xu hướng toàn cầu hóa lan rộng và ảnh hưởng, người Việt vẫn chưa bao giờ lãng quên những giá trị truyền thống vào các dịp tết cổ truyền.

THỦY NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/photo_news/item/37607202-nhung-nguoi-%E2%80%9Cgiu%E2%80%9D-mua-trang-tron.html