Những người giữ hồn dân tộc

Chúng tôi gọi những nghệ nhân dân gian là những người giữ hồn dân tộc, bởi họ đã dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc mình. Những nghệ nhân dân gian dân tộc Thái, Thổ trên địa bàn huyện núi Quỳ Hợp cho hay, 'liều thuốc dẫn' mở lối cho họ đến với đam mê ấy là tình yêu tha thiết với từng con chữ, từng câu hò, điệu ví hay từng tiếng đàn, từng nhạc cụ dân tộc…

Xóm Sơn Tiến của xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp nằm dọc theo bờ tây bên kia con sông Dinh. Nơi đây có hơn 90% là đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, trong đó có ông Trương Sông Hương. Nghệ nhân ưu tú Trương Sông Hương được phong tặng danh hiệu năm 2018, có dáng vẻ chất phác của người nông dân, da ngăm đen, gần 70 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Căn nhà nằm khuất trong ngõ hẻm của ông gây ấn tượng cho chúng tôi bởi một “phòng trưng bày” các loại nhạc cụ dân tộc do chính tay ông làm ra. “Những nhạc cụ ấy tôi mày mò làm ra vì tôi yêu các nhạc cụ dân tộc, từ yêu dẫn đến ham mê tìm hiểu cách chơi, rồi cách làm ra chúng”, ông Trương Sông Hương cho biết. – “Vậy ông biết chơi bao nhiêu loại nhạc cụ?”. – “Những loại ở đây tôi chơi được hết, đàn bầu, đàn líu, đàn tam, hồ, đàn nhị, đàn tứ, song loan, sáo, kèn ti le, đàn tình tang…”. – “Đây đều là nhạc cụ dân tộc Thổ phải không ạ?”. – “Không phải đâu. Đây là nhạc cụ các dân tộc Việt Nam, nhạc cụ của người dân tộc Thổ chỉ có 2 thứ thôi”. – “Đó là những loại nhạc cụ nào?”.

Các nhạc cụ dân tộc được nghệ nhân Trương Sông Hương lưu giữ.

Các nhạc cụ dân tộc được nghệ nhân Trương Sông Hương lưu giữ.

Thay bằng câu trả lời, ông Trương Sông Hương đứng dậy lấy ra một chiếc đàn làm bằng 9 ống tre mà tôi chưa thấy bao giờ. Ông nói, “đây là đàn tình tang, nhạc cụ cổ xưa của người dân tộc Thổ mà tôi tìm hiểu được, và tôi đã có chút cải tiến nó”. Đã lâu không sử dụng, lớp bụi mờ bao phủ khắp bề mặt cây đàn gợi chút gì đó trầm mặc. Nghệ nhân Trương Sông Hương kể về nguồn gốc cây đàn tình tang của người dân tộc Thổ: “Theo các ông bà cao niên kể lại, xưa kia người Thổ chặt 1 ống tre, đục lỗ và tạo dây đàn cũng bằng tre để mang theo bên mình khi lên nương rẫy. Mục đích trước hết là tạo âm thanh để xua đuổi thú dữ, sau là những khi nhàn rỗi thì đánh cho vui tai. Cách làm đàn tôi vẫn giữ y nguyên như của ông cha trước đây, nhưng tôi cải tiến nó từ 1 ống tre thành tổ hợp 9 ống tre để tạo ra nhiều cung bậc âm thanh hơn”.

Tôi say mê ngồi ngắm cây đàn, 9 ống tre có kích thước đường kính khác nhau, sắp theo thứ tự từ lớn đến bé. Trên mỗi khúc tre là các “dây” đàn được cắt ra từ chính thân tre, kê cao tách biệt với thân ống bằng các mảnh gỗ tre. Những “phím” đàn chính là các tấm gỗ của thân tre đặt ngay trên các lỗ vuông vắn giữa thân ống. Sau khi đánh một bài nhạc dân ca dân tộc Thổ bằng cây đàn tình tang, Nghệ nhân Trương Sông Hương cho biết, cây đàn cũng đã lâu không sử dụng, nhiều ống tre đã mối mọt, có 1 dây bị đứt, còn âm thanh đã bị sai khác đi nhiều. Để duy trì và thỏa chí đam mê với vốn văn hóa cổ quý giá của dân tộc mình, ngoài làm các nhạc cụ, năm 2007 Nghệ nhân Trương Sông Hương tham gia thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thổ xã Nghĩa Hợp. Cũng thời gian này ông cùng 6 người khác lập đội nhạc, ban đầu là để chơi các loại nhạc cụ giải khuây, sau đó đội nhạc được mời giúp các hoạt động văn hóa văn nghệ của xóm, rồi của xã, huyện. Và bây giờ thành đội nhạc hiếu, hỉ, nhưng chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn và các hoạt động biểu diễn dân ca của câu lạc bộ. Những thành viên đội nhạc hầu như đã cao tuổi. Tôi hỏi, ông đã tìm được những người sẽ kế tiếp niềm đam mê lưu giữ các nhạc cụ dân tộc, biết chơi, biết hát dân ca dân tộc mình hay chưa? Ông có chút buồn bã lắc đầu cho biết, “vẫn chưa. Lớp trẻ bây giờ lớn lên tý là đi học, rồi đi làm ăn xa, có mấy khi về”. Ông tiếp lời như tự nói với mình: “Gìn giữ, bảo tồn dân ca, nhạc cụ cũng là giữ hồn dân tộc mình, muốn tìm người tiếp nối không phải dễ, trước hết phải là người thực sự yêu vốn cổ đó, rồi mới có thể tính chuyện giữ gìn”…

Cùng chung đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc Thổ như nghệ nhân Trương Sông Hương, song ông Trương Thanh Hải ở xã Nghĩa Xuân lại chọn cách sưu tầm, viết lời dân ca Thổ và phục dựng các tập tục cổ của dân tộc mình. Những tập tục cổ cũng là một trong những “hồn cốt” tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đối với dân tộc Thổ, Lễ bốc Mó là một tập tục cổ xưa (còn có những tên gọi khác là lễ cúng đền Mó, khai Mó nước đầu năm) mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho nguồn nước dồi dào để phục vụ cuộc sống sinh hoạt và việc tưới tiêu của nông dân. Song, ở Quỳ Hợp tuy có số lượng lớn đồng bào dân tộc Thổ sinh sống nhưng nghi lễ này từ lâu đã bị mai một, người dân không còn thực hiện nữa.

Thực tế này khiến những người yêu vốn văn hóa dân tộc như ông Hải luôn trăn trở, suy nghĩ. Họ đã bền bỉ tìm hiểu, cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động để phục dựng, đưa nó quay trở lại với đời sống của người dân. Ông Trương Thanh Hải cho hay, trong Lễ bốc Mó, tập tục Mở Mó nước chứa đựng tri thức dân gian của dân tộc Thổ. Trong quan niệm của người Thổ, Mó nước là nơi linh thiêng, nơi cung cấp nguồn nước trong mát, ngọt lành cho dân làng. Người Thổ xưa kia khi đi tìm đất định cư lập làng thường chọn hang đá nơi có nguồn nước dồi dào đùn từ dưới đất lên, trong và sạch. Sau khi lập làng, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm dân làng sẽ tập trung tại mó nước, thường là trước cửa hang để cúng thần cửa hang, báo với Ngọc Hoàng chứng giám và mời thần Mó về hưởng thụ lòng biết ơn của dân làng đã ban cho nguồn nước dồi dào. Sau lễ cúng, các già làng sẽ chọn những thanh niên trai tráng tiến hành làm sạch các mương dẫn nước, vệ sinh môi trường để đảm bảo nguồn nước Mó luôn được sạch sẽ, tuôn chảy.

Cùng với những nỗ lực của bản thân và cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân, đầu năm 2019 người dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Xuân đã phục dựng lại tập tục Mở Mó nước. Mó nước được xác định tại làng Mó, ngay cạnh đền Mó hiện đã được tu sửa lại khang trang. Ông Trương Thanh Hải cho hay, việc rất đông người dân tham dự và ủng hộ Lễ Mở Mó nước là một trong những thành công lớn, mở đầu cho việc khôi phục những tập tục của đồng bào Thổ; là nền móng cho việc bảo tồn, lưu truyền các bản sắc văn hóa dân tộc Thổ của xã Nghĩa Xuân, của huyện Quỳ Hợp.

Tiếp tục tìm về với các hoạt động bảo tồn vốn cổ của người dân Quỳ Hợp, mong được gặp gỡ những nghệ nhân dân gian, chúng tôi đến bản Mường Ham, xã Châu Cường. May mắn được tham gia một buổi sinh hoạt cùng câu lạc bộ dân ca của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Dưới căn nhà sàn đặc trưng của đồng bào Thái, hơn 10 thành viên xúng xính trang phục truyền thống ngồi ngay ngắn bên dãy bàn, say sưa hát; dù cho thời tiết oi bức khiến gương mặt các bạn nhỏ lấm tấm những giọt mồ hôi. Em Vi Thị Huyền (13 tuổi) chia sẻ: “Em rất thích câu hát dân ca của đồng bào em. Được tham gia lớp học của bà Phiên không chỉ giúp chúng em biết hát các làn điệu dân ca mà chúng em còn biết thêm nhiều từ ngữ của dân tộc Thái hơn”. Bà Phiên mà cô bé Huyền nhắc đến chính là Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Phiên, bà vừa được công nhận là nghệ nhân dân gian đầu năm 2019.

Nghệ nhân Lương Thị Phiên dạy hát dân ca cho người dân bản Mường Ham.

Nghệ nhân Lương Thị Phiên năm nay đã 70 tuổi. Nụ cười luôn nở trên môi, gương mặt chưa nhiều nếp nhăn, nhìn bà say mê hát, say mê dạy học khiến tôi hiểu vì sao mà lại có dung mạo trẻ hơn nhiều so với tuổi tác. Bà cho biết, từ nhỏ đã sống trong một cộng đồng yêu dân ca, được nghe dân ca từ nhỏ. Lớn lên, bà đã tham gia không biết bao nhiêu mà kể những cuộc sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng, mà ở đó dân ca dân tộc Thái được cất cánh cùng những niềm vui hội hè, lao động và cả những niềm vui trong cuộc sống thường ngày. “Nhiều hôm dạy mệt, đau rát cả cuống họng. Nhưng khoảnh khắc các cháu miệt mài bên bản soạn nhạc khiến tôi thấy được hình ảnh của chính mình hồi bé và được sống lại với những ký ức đẹp đẽ với câu ca thuở nhỏ. Thế rồi, mệt nhọc đều tự tan biến; thứ duy nhất đọng lại với tôi chỉ còn sự sung sướng, mãn nguyện khi là người hướng dẫn cho những “truyền nhân” gìn giữ tinh hoa văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình” – Nghệ nhân Lương Thị Phiên bày tỏ. Gần cả cuộc đời gắn bó với câu dân ca dân tộc Thái, bà Phiên là một trong những người vận động và tham gia thành lập câu lạc bộ dân ca dân tộc Thái (năm 2002). Nhiều năm liền bà luôn đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ.

Khi được hỏi “bà có đề xuất gì đối với các cấp, ngành trong hỗ trợ duy trì sinh hoạt của câu lạc bộ?”, bà cho hay, mọi người tham gia và điều khiến cho câu lạc bộ tồn tại được là nhờ đam mê, tình yêu với dân ca, với bản sắc văn hóa dân tộc mình. “Được hỗ trợ 3 triệu đồng/năm để hoạt động, song vẫn còn thiếu thốn nhiều. Các phương tiện như loa, đài mỗi khi có sự kiện thì phải đi mượn của xã, xóm. Chúng tôi cũng muốn được tập huấn thêm về các kiến thức văn hóa dân gian, được giao lưu nhiều hơn với các câu lạc bộ khác nhưng vẫn chưa làm được”, nghệ nhân Lương Thị Phiên bày tỏ.

Để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2017 UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca dân tộc Thái, Thổ và dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2017 – 2020”. Qua 2 năm thực hiện, toàn huyện đã thành lập được 5 câu lạc bộ, gồm 2 Câu lạc bộ dạy và hát dân ca dân tộc Thái (ở xã Châu Cường, Châu Lý), 1 CLB dân ca dân tộc Thổ (ở xóm Đột Tân, xã Nghĩa Xuân) và 3 CLB Dân ca ví, giặm (ở Trung tâm VH,TT&TT huyện, xã Tam Hợp). Các câu lạc bộ đã tham gia nhiều lễ hội văn hóa, nhiều cuộc thi cấp huyện, tỉnh và đạt nhiều giải thưởng và sự ghi nhận của các cấp, ngành. Đề án cũng tổ chức sưu tầm, biên soạn và sẽ xuất bản cuốn sách “Các làn điệu dân ca dân tộc Thái, Thổ huyện Quỳ Hợp”.

Bà Vi Thị Hoa – Phó phòng Văn hóa – Thông tin UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, lãnh đạo cũng như các ban, ngành liên quan của huyện rất quan tâm việc bảo tồn và phát triển các bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn huyện; đặc biệt là việc sưu tầm các kiến thức, tư liệu và công tác quảng bá, đưa hoạt động bảo tồn trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Bởi vậy, nhiều năm lại nay, phong trào hát dân ca trong trường học, các hội thi hội diễn dân ca, việc thành lập các câu lạc bộ, hội nhóm sinh hoạt văn hóa dân gian đang ngày càng diễn ra sôi nổi ở các địa phương của huyện Quỳ Hợp. Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho hay, khó khăn nhất vẫn là kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này vẫn còn hạn chế. Bởi thế, sức sống của các câu lạc bộ dân ca, các hoạt động bảo tồn bản sắc các dân tộc vẫn còn phần lớn nhờ vào tình yêu, lòng đam mê của bà con đối với vốn quý dân tộc mình. Những nghệ nhân như Sầm Văn Bình, Trương Sông Hương, Lương Thị Phiên… thực sự là những ngọn đuốc sáng tập hợp, dẫn lối phong trào quần chúng trên con đường giữ gìn vốn văn hóa vô giá của dân tộc mình.

Bản Còn, xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Ảnh tư liệu: Vi - Thủy

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/nhung-nguoi-giu-hon-dan-toc-70811.html