Những người giành giật mạng sống từ 'giặc lửa'

Những chiếc xe màu lửa kéo còi ủ, bật đèn, lao vun vút trên đường phố. Những người lính cứu hỏa ngồi trên chiếc xe, đôi mắt căng ra.

Nơi họ sắp có mặt là "giặc lửa" đang hoành hành. Nhiệm vụ họ thực thi, không chỉ vật lộn với sự rát bỏng của lửa mà còn tìm cách cứu người. Biết rằng có thể hy sinh tính mạng trên mặt trận không có tiếng súng, không có đối tượng tội phạm ấy, nhưng họ - những người lính phòng cháy chữa cháy vẫn sẵn sàng xông pha để "cứu cái còn trong cái đã mất", góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội…

Vụ cháy tại nhà máy Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) ngày 28/8/2019, khiến khu vực xung quanh nhiễm bẩn gây ảnh hưởng sức khỏe tại một số khu vực dân cư và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Ảnh: TTXVN

Vụ cháy tại nhà máy Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) ngày 28/8/2019, khiến khu vực xung quanh nhiễm bẩn gây ảnh hưởng sức khỏe tại một số khu vực dân cư và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Ảnh: TTXVN

Nhắc đến vụ cháy lớn xảy ra chiều 28 tháng 8 năm 2019, tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, là một trong hai cán bộ chiến sỹ bị ảnh hưởng khói độc từ đám cháy, không thể quên những giờ phút vật lộn với bỏng rát của lửa.

Trong trí nhớ của Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh, quá trình nắm tình hình, cán bộ chiến sỹ biết trong khu vực nhà xưởng cháy có 1 bồn gas khoảng 20 tấn, cùng với 1 kho chứa hợp chất thủy ngân, đồng thời có 60 căn hộ của các hộ dân xung quanh, cộng với kho rất lớn của Công ty Động Lực. Nếu không ngăn chặn được cháy lan thì hiểm họa rất khôn lường. Lúc đó, trên mỗi xe chữa cháy đều có mặt nạ phòng độc dành cho chiến sỹ, tuy nhiên vụ cháy này thời gian diễn ra dài, có rất đông cán bộ chiến sỹ phục vụ công tác chữa cháy nên phương tiện để bảo hộ cho cán bộ chiến sỹ trong vụ cháy này thiếu rất nhiều.

"Chúng tôi triển khai đội hình lăng. Đám cháy lan rất to, có nhiều tiếng nổ như pháo, khói dày đặc thậm chí anh em chúng tôi đứng gần đấy nhưng không thể nhìn thấy nhau. Suốt 3 tiếng đồng hồ dập lửa, dường như kiệt sức, lúc này phát hiện thấy cấu kiện sập đổ, nhận lệnh anh em chúng tôi ra ngoài. Tuy nhiên, khi gần ra đến nơi, tôi thấy tức ngực, khó thở… tôi nhanh chóng đi ra đến khu vực có y tế cấp cứu chứ không để anh em lo lắng chạy đến" - Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.

Nói về việc thực hiện nhiệm vụ của những người lính cứu hỏa trong vụ cháy lớn ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Trung úy Khổng Văn Hùng - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội chia sẻ: Khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, điều khiến cán bộ chiến sỹ sợ nhất không phải là sợ hiểm nguy, sợ không đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn, sợ gian khổ mà chỉ sợ mình đến không kịp lúc, sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm...

"Chúng tôi cũng như những người chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khác, từ khi ngồi trên ghế nhà trường luôn nhận thức phải chiến đấu với "giặc lửa", giữ bình yên cho nhân dân, có mặt ở đám cháy càng sớm càng tốt. Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân luôn là mục tiêu và nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu", Trung úy Khổng Văn Hùng bày tỏ.

Lực lượng cứu hỏa đưa nạn nhân cuối cùng được ra khỏi đám cháy tòa nhà 5 tầng số 8, ngõ 12, phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Gắn bó với công tác chữa cháy với gần 30 năm, tham gia vô số các vụ cháy lớn, nhỏ, theo Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh: Nghề cứu hỏa là nghề rất đặc biệt, khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn hiểm nguy, mọi người chạy ra để thoát thân, còn Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải lao vào để "cứu cái còn trong cái đã mất". Đó là một nghề đặc biệt đòi hỏi những con người đầy bản lĩnh, gan dạ, và phải thật yêu nghề và trách nhiệm mới có thể gắn bó lâu dài.

Mỗi cán bộ, chiến sỹ khi chọn làm cái nghề cứu hỏa thì họ đã luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với "giặc lửa" bất kể ngày hay đêm, ngày thường hay Lễ, Tết. Luôn đối mặt với hiểm nguy, với những mối đe dọa tiềm ẩn trong đám cháy để dập tắt được ngọn lửa càng nhanh càng tốt.

Lực lượng cảnh sát PCCC dập lửa tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội), chiều 3/6/2013. Vụ cháy làm 9 chiến sĩ bị bỏng phải đưa vào viện chữa trị, hai ngôi nhà kế bên cây xăng và 1 xe ô tô, gần chục chiếc xe máy bị thiêu rụi hoàn toàn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cho rằng chiến đấu trước "giặc lửa" để cứu người, cứu tài sản, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, điều quan trọng nhất của người chỉ huy khi đó là phải thật bình tĩnh, tự tin và quyết đoán, Thượng tá Đỗ Văn Kháng khẳng định: Ba yếu tố này tạo nên bản lĩnh của một người chỉ huy. Có như vậy, khi chiến đấu người chỉ huy sẽ tạo được sức mạnh niềm tin và động lực "truyền lửa" cho cán bộ, chiến sỹ. Sự bình tĩnh, tự tin có sự quan sát kỹ lưỡng, lắng nghe để đưa ra quyết định đúng và kịp thời thì công tác chiến đấu sẽ có hiệu quả. Ngược lại, nếu người chỉ huy nóng vội, khi ra hiện trường sẽ dễ tạo nên cảnh lộn xộn, khi đó cán bộ, chiến sỹ dễ mất niềm tin.

Khi người chỉ huy nóng vội không xem xét kỹ tình hình mà ra quyết định thì không khéo quyết định không đúng, dẫn đến không hiệu quả trong chiến đấu. Thậm chí còn dẫn đến hậu quả khôn lường, phải ân hận với quyết định của mình khi không may khiến cán bộ, chiến sỹ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí hy sinh vì "giặc lửa"- Thượng tá Đỗ Văn Kháng chia sẻ.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nhung-nguoi-gianh-giat-mang-song-tu-giac-lua-20201004101911779.htm