Những người đọc báo sớm nhất Hà Nội

Khi người dân còn chìm trong giấc ngủ cũng là lúc những người làm nghề phát hành báo bắt đầu bước vào một ngày làm việc mới. Để độc giả được cầm tờ báo trên tay vào mỗi buổi sáng, hàng trăm con người đã phải tất bật phân loại, vận chuyển tại các nhà in từ tờ mờ sáng.

Cứ vào mỗi giờ sáng sớm tại cổng nhà in trên phố Nhà Chung, Hàng Trống đã tấp nập xe cộ chở báo, phát hành. Các nhân viên làm việc luôn tay, luôn chân từ xếp báo, phân loại các đầu báo, đóng gói và vận chuyển lên xe để kịp trong khung giờ cao điểm của công tác phát hành báo giấy.

Cứ vào mỗi giờ sáng sớm tại cổng nhà in trên phố Nhà Chung, Hàng Trống đã tấp nập xe cộ chở báo, phát hành. Các nhân viên làm việc luôn tay, luôn chân từ xếp báo, phân loại các đầu báo, đóng gói và vận chuyển lên xe để kịp trong khung giờ cao điểm của công tác phát hành báo giấy.

Ông Mạnh Cường (50 tuổi, Long Biên), có mặt từ sớm để lấy báo mang đi giao cho các sạp mà hơn 20 năm qua ông vẫn đều đặn mang những thông tin đến với các đọc giả.

"Ngày trước đi giao báo giấy còn tốt, ngày đó một sáng tôi phải giao đến 35 - 40 sạp. Mà không giao nhanh còn bị mắng, ấy thế mà bây giờ chưa nổi 15 sạp báo." - Ông Cường chia sẻ.

4 giờ sáng, cổng Công ty Phát hành báo chí Trung ương , phố Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội khá đông người và xe.

Dù đã khoác lên mình một bộ mặt mới, nhiều nhà sách trên phố Đinh Lễ được mở rộng, khang trang và nhộn nhịp hơn, tuy nhiên, công việc của những người làm phát hành báo dường như vẫn thế, vẫn "thô sơ" bày trên vỉa hè để chờ độc giả ghé qua.

Cả một dãy phố dài là bạt ngàn sách, tạp chí, báo với đủ loại .. được bày bán phục vụ các "thượng đế". Trải qua thăng trầm, các sạp báo vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa của Thủ đô, điểm xuyết nét rất riêng của người Hà Nội.

Trời chưa sáng rõ mặt người, đội quân phát hành đã cần mẫn làm việc. Tiếng cười nói rôm rả vang cả một góc phố

Câu chuyện giữa họ dường như chỉ xoay quanh số lượng ấn phẩm phát hành, tính toán thu nhập để trang trải cuộc sống, đôi khi có tiếng thở dài về tình hình kinh doanh báo in ngày càng xuống thấp do độc giả tìm đến báo mạng nhiều hơn.

Chị Bùi Hồng Nguyệt (chủ một hiệu sách, báo khu tập thể số 5 Đinh Lễ) chia sẻ: "Trong khoảng từ 4 giờ đến tầm 6 giờ, không khí nhộn nhịp nhất với việc giao nhận báo". Vừa thoăn thoắt phân loại, lồng trang quảng cáo vào trang nội dung, chị Nguyệt vừa nói: "Công việc này yêu cầu phải nhanh, nhiều khi như vắt chân lên cổ mà chạy. Nhanh nhưng lại phải chuẩn, không được để nhầm lẫn và nhàu nát vì như thế sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người đọc". Sạp báo của chị có số lượng khách mua khá ổn định nhưng nhiều hôm mưa to gió lớn, báo lấy về nhiều, không bán được, lỗ vốn. Có hôm mưa rào ập đến nhanh quá, chị chưa kịp dọn hàng, cả chồng báo đã ướt mèm… Vất vả, nắng mưa dãi dầu là thế, nhưng thu nhập mỗi tháng của chị cũng chỉ được vài ba triệu.

Sau khi phân loại các đầu báo, những người phát hành phải dán tên nơi nhận một cách cẩn thận để không bị phát nhầm.

Nhiều người dân đi tập thể dục sớm tranh thủ mua tờ báo mới đọc.

Từ "trung tâm phát hành vỉa hè" này, các đầu báo sẽ tỏa đi khắp Thành phố Hà Nội để đảm bảo báo đến tay người đọc trước 7 giờ.

Cũng có nhiều người có thói quen đọc báo từ rất sớm tại các điểm treo báo công cộng.

Ông Hoạch (67 tuổi, Ngõ chợ Long Biên, Hoàn Kiếm), sáng nào đúng 5h30 là tôi đạp xe ra tòa soạn báo Hà Nội Mới để đọc báo. Không phải tôi không có tiền mua tờ báo về nhà đọc mà nó thành thói quen hơn 30 năm rồi. Đọc báo ở những điểm công cộng rất hay tôi có thể bàn luận cùng với những người có cùng sở thích.

Bà Lê Thị Phương, chủ một đại lý phát hành báo chí ở phố Hoa Lư chia về những ngày đầu mới vào nghề, bà nghẹn ngào nói: "Thế hệ chúng tôi cầm tờ báo trong tay, lật qua lật lại, cẩn thận vuốt ve và đọc ngấu nghiến từng trang. Thế hệ trẻ ngày nay dường như thoải mái hơn với những cú nhấp chuột, cái vê tay trên máy tính hay Smatphone, thế là tin tức khắp nơi đều biết được…".

Bà Phương cho biết, hơn 10 năm về trước, những chiếc xe đạp bán báo với chiếc loa nhỏ xíu len lỏi vào từng ngõ ngách, tiếng loa rao là một nét rất riêng của Hà Nội. Thời đó, những tin nóng lúc nào cũng được chú ý hay các tờ báo về bóng đá luôn bán chạy. Giai đoạn báo chí phát triển rực rỡ là khi số lượng các tờ báo tăng cao đến mức kỷ lục. Có tờ báo đạt tia-ra đến gần triệu bản và đây cũng là thời kỳ những người bán báo có lịch sử huy hoàng không kém.

Nam Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nhung-nguoi-doc-bao-som-nhat-ha-noi-2019062107351758.htm