Những người 'đi qua' chính quyền ông Trump

Trong bốn năm nhiệm kỳ của ông Trump, hàng loạt quan chức cấp cao trong nội các lần lượt từ chức hoặc bị sa thải vì nhiều lý do, phần lớn là bất đồng ý kiến với tổng thống Mỹ.

Trước khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump vốn nổi tiếng từ chương trình truyền hình thực thế có tên The Apprentice (tạm dịch: Người tập sự). Trong series này, ông được biết đến với câu cửa miệng: "You are fired!" (Bạn bị sa thải).

Cho tới khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, câu nói này lại phần nào phản ánh nội các của chính quyền Tổng thống Trump vì đội ngũ nhân sự cấp cao của ông có tỷ lệ từ chức hoặc bị sa thải rất cao.

Dưới đây là danh sách một số quan chức hàng đầu đã "ra đi" trong bốn năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, theo BBC.

William Barr - Bộ trưởng Tư pháp

 Ông William Barr. Ảnh: Getty.

Ông William Barr. Ảnh: Getty.

Ông Barr, 70 tuổi, giữ chức bộ trưởng Tư pháp thay người tiền nhiệm Jeff Sessions vào năm 2019. Ông cũng từng là bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống George H. W. Bush vào đầu những năm 1990.

Trong khi một số đảng viên Dân chủ cáo buộc ông Barr bênh vực tổng thống Trump, ông Trump và nhiều người ủng hộ ông chỉ trích cựu Bộ trưởng Barr vì không tích cực hỗ trợ cuộc chiến pháp lý của tổng thống nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.

Căng thẳng bùng phát giữa hai phía sau khi ông Barr tuyên bố không có bằng chứng cho thấy tình trạng gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Ông cũng bị Tổng thống Trump chỉ trích vì không công khai tiết lộ việc Bộ Tư pháp đang điều tra Hunter Biden, con trai của Joe Biden.

Trong đơn từ chức gửi Tổng thống Trump, cựu Bộ trưởng Barr viết rằng ông "coi trọng cơ hội cung cấp" cho tổng thống thông tin về quá trình Bộ Tư pháp xem xét các cáo buộc gian lận cử tri, cũng như quá trình điều tra tiếp theo đối với các cáo buộc này.

Ông Barr chính thức rời nhiệm sở vào ngày 23/12, chưa đầy một tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Thời gian tại nhiệm của ông Barr là một năm và 10 tháng.

Chris Krebs - Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng

Ông Chris Krebs. Ảnh: Getty.

Từng là giám đốc điều hành của Microsoft, ông Krebs lãnh đạo Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng kể từ khi thành lập vào năm 2018.

Với tư cách là giám đốc, ông chịu trách nhiệm cải thiện an ninh mạng ở tất cả cấp chính quyền và bảo vệ an ninh cho các cuộc bầu cử năm 2020. Ông được cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ca ngợi vì vai trò trong cuộc bầu cử gần vừa qua.

Tuy nhiên, ông Krebs khiến Tổng thống Trump không hài lòng về trang web có tên Rumor Control (tạm dịch: kiểm soát tin đồn). Trang này được cho đã vạch trần những thông tin sai lệch về bầu cử, rrong đó phần lớn là thông tin do Tổng thống Trump đưa ra.

Vài giờ trước khi bị sa thải, ông Krebs đăng bài trên Twitter, nhắm vào việc ông Trump cáo buộc các máy bầu cử ở nhiều bang đổi phiếu bầu sang cho ông Biden.

Sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố "chấm dứt hợp đồng" với ông Krebs vì những bình luận "rất không chính xác" về cuộc bầu cử.

Thời gian tại nhiệm của ông Krebs là hai năm.

Mark Esper - Bộ trưởng Quốc phòng

Ông Mark Esper. Ảnh: Reuters.

Ông Mark Esper được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019. Người tiền nhiệm James Mattis của ông Esper rời chức vào năm 2018 do có quan điểm khác biệt với Tổng thống Trump về vấn đề Syria.

Mối quan hệ của ông Esper với tổng thống hóa ra cũng có kết cục không êm đẹp.

Trong bài đăng trên Twitter, ông Trump tuyên bố "chấm dứt hợp đồng" với ông Esper và người thay thế vị trí này là giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia, Christopher Miller.

Ông Esper từng bất đồng với Tổng thống Trump về một số vấn đề, nhất là việc sử dụng lực lượng quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình. Ông Esper cũng có chính sách mềm mỏng với NATO hơn so với Tổng thống Trump.

Thời gian tại nhiệm của ông Esper là 17 tháng.

Kellyanne Conway - Cố vấn Cấp cao cho Tổng thống

Bà Kellyanne Conway. Ảnh: Reuters.

Bà Conway từng là người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump trong ba tháng trước khi ông đắc cử vào tháng 11/2016.

Sau đó, bà trở thành cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng, và là một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống. Bà từng nổi tiếng vì ủng hộ mạnh mẽ và ra sức bảo vệ ông Trump trước báo giới.

Bà Conway rời nhiệm sở với lý do muốn dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Quyết định từ chức của bà được đưa ra vài giờ sau khi con gái của bà, Claudia, viết trên Twitter rằng công việc của mẹ đã "hủy hoại cuộc đời" cô.

Tổng thời gian tại nhiệm ở hai vị trí của bà Conway là 4 năm.

Brad Parscale - Quản lý Chiến dịch tranh cử

Ông Brad Parscale. Ảnh: AFP.

Ông Parscale từng là giám đốc truyền thông kỹ thuật số cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump. Vào tháng 2/2018, người đàn ông 44 tuổi này được thăng chức làm quản lý chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của tổng thống.

Ông Parscale bị đội ngũ của ông Trump đổ lỗi khi sự kiện vận động tranh cử ở Oklahoma hồi tháng 6 có quá ít người tham dự.

Trước đó, ông khoe rằng một triệu người đăng ký tham dự sự kiện này, nhưng sở cứu hỏa địa phương cho biết có ít hơn 6.200 người có mặt.

Trên Twitter, ông Trump thông báo sẽ thay thế ông Parscale bằng Bill Stepien, từng là trợ lý của cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie.

Tổng thống không đưa ra bất kỳ lý do nào cho quyết định này, đồng thời ca ngợi đóng góp của ông Parscale trong thời gian tại nhiệm.

Thời gian tại nhiệm của ông Parscale là hai năm và 5 tháng.

Gordon Sondland - Đại sứ Mỹ tại EU

Ông Gordon Sondland. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Sondland được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6/2018. Trước khi tham gia chính trường, ông nổi tiếng là triệu phú kinh doanh khách sạn.

Ông Sondland bị sa thải sau khi làm chứng chống lại ông Trump trong cuộc điều tra luận tội tổng thống. Trong lời khai, ông cáo buộc tổng thống đang tìm kiếm "quan hệ thân thiện" với Ukraine.

Vào ngày 7/2, ông Sondland cho biết tổng thống có ý định "triệu hồi" ông, và quyết định này "có hiệu lực ngay lập tức".

"Tôi biết ơn Tổng thống Trump vì cho tôi cơ hội phục vụ và (biết ơn) Ngoại trưởng Mike Pompeo vì sự ủng hộ của ông ấy. Tôi cũng biết ơn các chuyên gia xuất chúng và tận tâm đối với sứ mệnh của Mỹ tại Liên minh châu Âu", ông Sondland nói trong tuyên bố.

Thời gian tại nhiệm của ông Sondland là một năm và 6 tháng.

Alexander Vindman - Trợ lý An ninh Quốc gia

Ông Alexander Vindman. Ảnh: AFP.

Trung tá Alexander Vindman là cựu chiến binh của chiến tranh Iraq. Ông từng là chuyên gia hàng đầu về Ukraine trong Hội đồng An ninh Quốc gia.

Luật sư của Trung tá Vindman cho biết ông bị sa thải sau khi làm nhân chứng trong vụ luận tội ông Trump. Theo luật sư này, trung tá Vindmand bị áp giải khỏi Nhà Trắng.

Trong quá trình điều tra luận tội, trung tá Vindman mô tả cuộc điện thoại giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine là "không đúng" và nói rằng cuộc gọi này khiến ông bị "sốc".

Ông Trump cho rằng trung tá Vindman nhận định không chính xác nội dung của cuộc điện thoại "hoàn hảo". Tổng thống Mỹ mô tả trung tá này là "rất không phục tùng".

Thời gian tại nhiệm của Trung tá Vindman là một năm và 7 tháng.

John Bolton - Cố vấn An ninh Quốc gia

Ông John Bolton. Ảnh: Getty.

Ông Bolton đảm nhậm chức vụ này từ tháng 4/2018, trở thành cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông Trump sau Michael Flynn và HR McMaster. Ông nổi tiếng là người có quan điểm "diều hâu".

Trên Twitter, ông Trump thông báo những ý kiến của Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton "không còn cần thiết nữa".

Ngay sau đó, ông Bolton nhanh chóng phản pháo lại, viết trên Twitter rằng ông thực sự đã đề nghị từ chức. Tuy nhiên, ông Trump lại nói với ông Bolton rằng "hãy nói về chuyện này vào ngày mai".

Ông Bolton từ chức sau khi tranh cãi với Tổng thống Trump về tiến trình đàm phán hòa bình với Taliban.

Trả lời báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết: "Tổng thống không thích nhiều chính sách của ông Bolton, họ bất đồng với nhau".

Thời gian tại nhiệm của ông Bolton là một năm và 4 tháng.

Dan Coats - Giám đốc Tình báo Quốc gia

Ông Dan Coats. Ảnh: Getty.

Là giám đốc tình báo quốc gia, ông Coats giám sát tất cả 17 cơ quan tình báo Mỹ, bao gồm Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Ông Coats bất đồng ý kiến với Tổng thống Trump về nhiều vấn đề, trong khi ông Trump luôn chỉ trích cộng đồng tình báo Mỹ.

Viết trên Twitter vào ngày 28/7, Tổng thống Trump tuyên bố ông Coats sẽ từ chức vào giữa tháng 8 và đề cử người thay thế ông là hạ nghị sĩ bang Texas John Ratcliffe.

Thời gian tại nhiệm của ông Coats là hai năm và 6 tháng.

Alexander Acosta - Bộ trưởng Lao động

Ông Alexander Acosta. Ảnh: New York Times.

Ông Acosta tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng Lao động vào tháng 4/2017. Ông là người gốc Tây Ban Nha đầu tiên được bổ nhiệm vào nội các.

Các đảng viên cấp cao của đảng Dân chủ từng kêu gọi ông Acosta từ chức vì tham gia vào "thỏa thuận vô lương tâm" với tỷ phú Jeffrey Epstein, người bị buộc tội mại dâm.

Trong tuyên bố từ chức, ông Acosta cho rằng "điều nên làm lúc này là tránh sang một bên" để những tranh cãi trong quá khứ của ông sẽ không làm lu mờ thành tích của chính quyền.

Nói về ông Acosta, ông Trump nhấn mạnh: "Đây là anh ấy, không phải tôi". Tổng thống Mỹ cũng mô tả ông Acosta là "một bộ trưởng Lao động tuyệt vời".

Thời gian tại nhiệm của ông Acosta là hơn hai năm.

Sarah Huckabee Sanders - Thư ký Báo chí Nhà Trắng

Bà Sarah Huckabee Sanders. Ảnh: Reuters.

Tại thời điểm nhậm chức, bà Sanders là người phụ nữ thứ ba từng nắm giữ vị trí này của Nhà Trắng.

Bà từng bị cáo buộc nói dối báo giới và thường xuyên chỉ trích giới truyền thông vì tung "tin giả" về chính quyền Trump.

Lý do bà Sanders từ chức hiện vẫn chưa được làm rõ. Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter rằng bà sẽ rời nhiệm sở, đồng thời ca ngợi bà là một "chiến binh". Trong bài phát biểu từ chức, bà Sanders nói rằng việc được giữ vị trí thư ký báo chí Nhà Trắng là "vinh dự của cả đời người" của bà.

Thời gian tại nhiệm của bà Sanders là gần hai năm.

Kirstjen Nielsen - Bộ trưởng An ninh Nội địa

Bà Kirstjen Nielsen. Ảnh: Getty.

Kirstjen Nielsen trở thành bộ trưởng An ninh Nội địa vào tháng 12/2017.

Bà từng bị chỉ trích vì thực thi một số chính sách của Tổng thống Trump, chẳng hạn như việc tách trẻ em khỏi cha mẹ là người nhập cư tại biên giới Mỹ và Mexico.

Trong thư từ chức, bà Nielsen cho rằng đây là "thời điểm thích hợp để tôi bước sang một bên".

Thời gian tại nhiệm của bà Nielsen là 16 tháng.

Ryan Zinke - Bộ trưởng Nội vụ

Ông Ryan Zinke. Ảnh: Reuters.

Ông Zinke từng là hải quân thuộc đội đặc nhiệm SEAL trước khi nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ.

Viết trên Twitter, Tổng thống Trump cho biết ông Zinke sẽ rời nhiệm sở vào cuối năm 2018 nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về việc ông Zinke từ chức hay bị sa thải.

"Ryan đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ của mình và tôi muốn cảm ơn anh ấy vì sự phục vụ của anh ấy đối với đất nước chúng ta", ông Trump viết.

Thời gian tại nhiệm của ông Zinke là gần hai năm.

Jim Mattis - Bộ trưởng Quốc phòng

Ông Jim Mattis. Ảnh: Getty.

Là cựu tướng lĩnh của Thủy quân lục chiến, tướng Mattis từng phục vụ trong chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq.

Vào tháng 1/2019, ông bị sa thải chỉ một ngày sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria.

Tuy không đề cập trực tiếp vấn đề đó, trong lá thư từ chức, tướng Mattis cho biết tổng thống có quyền chọn một bộ trưởng quốc phòng "có quan điểm phù hợp hơn".

Ông Mattis và Tổng thống Trump bất đồng quan điểm về một số vấn đề, bao gồm cả quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

"Sau hơn bốn thập kỷ đắm mình trong những vấn đề này, tôi vẫn giữ nguyên và bày tỏ mạnh mẽ quan điểm về việc đối xử tôn trọng với đồng minh và nhìn nhận rõ nét về cả những nhân tố hiểm ác và các đối thủ chiến lược", ông Mattis viết.

Phản ứng trước thư từ chức này, ông Trump tuyên bố ông Mattis sẽ rời nhiệm sở trước thời hạn và tuyên bố ông Mattis "về cơ bản đã bị sa thải".

Thời gian tại nhiệm của ông Mattis là gần hai năm.

Nikki Haley - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc

Bà Nikki Haley. Ảnh: Reuters.

Bà Haley là phụ nữ da màu đầu tiên được bổ nhiệm vào nội các của ông Trump. Trước khi đảm nhiệm vị trí đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà có rất ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại.

Trong cuộc họp báo với ông Trump, bà Haley tuyên bố sẽ rời nhiệm sở vào cuối năm 2018. Bà nói muốn đảm bảo chính quyền của ông Trump "có người giỏi nhất để chiến đấu" cho Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Trump chấp nhận đơn từ chức của bà Haley, cảm ơn bà và cho rằng bà có những đóng góp "tuyệt vời", khiến cho vị trí này trở nên "rất quyến rũ".

Thời gian tại nhiệm của bà Haley là một năm và 11 tháng.

Tổng thống Trump và quan chức Nhà Trắng được trả lương bao nhiêu? Nhà Trắng có khoảng 4.000 nhân viên để vận hành cơ quan đầu não của nước Mỹ và giúp việc cho tổng thống. Tiền lương cho số lượng nhân sự khổng lồ này tốn gần một tỷ USD mỗi năm.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-di-qua-chinh-quyen-ong-trump-post1164229.html