Những người đi 'hóa giải' các vùng đất chết

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa 44 năm, nhưng cho tới lúc này, vẫn có những vùng đất chết vì bị nhiễm độc Dioxin.

Từ năm 2012, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác để triển khai Dự án "Xử lý đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" theo công nghệ tại mố IPTD của Mỹ. Mới đây nhất, ngày 20-4, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam đã khởi động dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Nỗ lực của Việt Nam

Thiếu tá, Tiến sĩ Trần Đức Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (CNXLMT), từng tốt nghiệp khoa Kỹ thuật hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội) vào năm 2003 và anh đã có tới hơn 15 năm gắn bó với công việc xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.

Bước chân của anh và đồng đội đã đi khắp vùng miền và thường dừng lại lâu hơn cả là ở những "điểm nóng". Và hiện nay, anh đang cùng cộng sự phối hợp với Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa theo công nghệ mới.

Anh Hùng chia sẻ, trước khi có sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, anh và nhiều đồng đội trong cơ quan chức năng của Binh chủng Hóa học đã đến đây để điều tra, nghiên cứu và xử lý đất nhiễm độc.

Trước kia, khi chưa có sự hợp tác xử lý chất độc da cam/dioxin với các nước, tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, những người lính phòng hóa phải tự mày mò nghiên cứu và đã cho ra đời đề tài có tên "Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích, phù hợp điều kiện Việt Nam".

Đề tài hướng tới đạt được tiêu chí xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường, có tính khả thi, có thể triển khai quy mô lớn và nhất là chi phí xử lý phù hợp. Sau khi nghiên cứu thành công tại phòng thí nghiệm, Viện Hóa học và Môi trường quân sự đã xây dựng hệ thống xử lý thử nghiệm dạng pilot, quy mô 50kg/giờ.

Cũng trong thời gian này, rất nhiều công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin được áp dụng ở Việt Nam: Công nghệ sinh học của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ được thử nghiệm cuối năm 2009; công nghệ phân hủy hóa cơ MCD của New Zealand được thử nghiệm đợt 1 năm 2012 ở Biên Hòa và đợt 2 ở Nam Phi năm 2014; công nghệ phân hủy bằng hóa học và sinh học của HPC (Đức), thử nghiệm năm 2014... Tuy nhiên những công nghệ này đều không phù hợp với điều kiện Việt Nam vì các nguyên nhân khác nhau, trong đó yếu tố kinh phí.

Những người lính phòng hóa đã mạnh dạn đưa công nghệ do chính họ nghiên cứu vào xử lý dioxin. Tính đến nay, công nghệ này đã xử lý 150.000m3³ đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa, hơn 7.500m³ đất nhiễm tại sân bay Phù Cát, đồng thời phát hiện, thu gom và xử lý được hơn 400 tấn chất độc CS và đạn dược chứa chất độc CS.

Để thực hiện công việc này, vào mùa khô, những người lính phòng hóa phải mặc đồ chuyên dụng phủ kín cơ thể rồi và đi tới bãi đất hoang, sình lầy, ô nhiễm hóa chất. Tại đây, mùi hóa chất diệt cỏ do quân đội Mỹ bỏ lại bốc hơi nồng nặc để xác định các thông số. Làm việc tập trung cao độ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt dễ khiến cán bộ, chiến sĩ bị suy giảm sức lực, thậm chỉ có thể gây "sốc nhiệt".

Bộ đội phòng hóa huấn luyện thực hành tẩy rửa phóng xạ, hóa chất.

Bộ đội phòng hóa huấn luyện thực hành tẩy rửa phóng xạ, hóa chất.

Trả lại sự sống cho vùng đất chết

Từ năm 2012, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác để triển khai Dự án "Xử lý đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" theo công nghệ tại mố IPTD của Mỹ. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ kinh phí, nhà thầu TetraTech thi công và CDM là đơn vị quản lý và vận hành. Trung tâm Công nghệ xử lý Môi trường của Binh chủng Hóa học phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga thực hiện công tác giám sát và quan trắc độc lập.

Theo tính toán, chi phí để xử lý thành công một mét khối đất nhiễm dioxin là 25 triệu đồng. Công suất xử lý tối đa mỗi mẻ đạt 45.000m3 đất nhiễm, thời gian xử lý khoảng 6-8 tháng/mẻ. Toàn bộ hệ thống vận hành bằng điện 3 pha, lượng điện năng sử dụng dự kiến là 20.000.000 Kwh.

Dự án Tẩy độc sân bay Biên Hòa là một trong những dự án xử lý môi trường lớn trên thế giới, diện tích xử lý ước 52ha, cao gấp 4 lần so với tại sân bay Đà Nẵng. Thời gian xử lý dự án này kéo dài 10 năm và ước chi phí khoảng 390 triệu USD. Trong giai đoạn 1 của dự án, Chính phủ Mỹ tài trợ không hoàn lại 183 triệu USD và vốn đối ứng từ chính phủ Việt Nam khoảng 150 tỉ đồng.

Sân bay Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, nằm cách TP Hồ Chí Minh 30km về phía đông bắc và được biết đến là "rốn da cam" ở Việt Nam. Tại đây, quân đội Mỹ từng lưu giữ hơn 98.000 thùng (205 lít/thùng) chất da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh để phục vụ cho chiến tranh. Hiện sân bay này có khoảng 52ha ô nhiễm, tương được khoảng 500.000m3 và ảnh hưởng đến hơn 100.000 người đang sinh sống gần khu vực.

3 địa điểm ô nhiễm nặng nhất tại khu vực sân bay Biên Hòa gồm khu vực Tây Nam sân bay với diện tích ô nhiễm 8ha, có mức ô nhiễm cao gấp 92 lần so với quy chuẩn cho phép đối với đất thương mại và công nghiệp; khu vực Pacer Ivy phía Tây sân bay là nơi phía Hoa Kỳ thực hiện chiến dịch thu gom các thùng chất độc hóa học còn lại sau phun rải, với diện tích ô nhiễm 15ha, mức độ ô nhiễm cao gấp 9,5 lần so với quy chuẩn; khu vực Z1 phía Nam sân bay với diện tích ô nhiễm 12ha, mức độ ô nhiễm có những điểm cao gấp 700 lần so với quy chuẩn cho phép đối với đất thương mại, công nghiệp.

Để ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, từ năm 1995-2016, Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Dự án XD-1, đào xúc, chôn lấp cô lập 100.000m³ trên diện tích 4,3ha đất nhiễm dioxin; năm 2016 triển khai Dự án XD-2 đào xúc, chôn lấp cô lập 60.000m3 đất tại phía nam sân bay.

Năm 2012, từ nguồn viện trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu, Việt Nam đã triển khai dự án cô lập, chôn lấp, chống lan tỏa bằng cách xây dựng hồ điều hòa, đào đắp mương thu gom dòng chảy nước bề mặt, cô lập trên diện tích hơn 5ha với khối lượng 70.000m³ đất tại phía Tây sân bay.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hùng kể, đất và trầm tích nhiễm dioxin được thu gom và được làm nóng từ từ bằng các thanh gia nhiệt tới nhiệt độ tối thiểu là 335 độ C để giải hấp nhiệt dioxin ra khỏi đất. Quá trình gia nhiệt làm nóng đất nhiễm trong mố gồm nhiều quá trình hóa lý rất phức tạp, sinh ra các khí thải chứa các dung môi hữu cơ, hơi nước, các hợp chất clo-phenol, dioxin...

Khí thải sẽ được xử lý tại hệ thống xử lý khí, đạt tiêu chuẩn quy định tại QCVN30:2010/BTNMT (Quy chuẩn quốc gia về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp) trước khi thải ra môi trường. Nước thải của quá trình xử lý gồm một phần nước rích từ đất trong mố và phần lớn là nước ngưng tụ từ hệ thống xử lý khí.

Nước thải được xử lý tại hệ thống xử lý chất lỏng, đạt tiêu chuẩn quy định tại QCVN40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp) và EPA 1613 (Phân tích hàm lượng dioxin và furan trong nước thải) trước khi đi ra môi trường. Mố và hệ thống xử lý khí luôn được duy trì áp suất âm để đảm bảo không rò rỉ khí độc hại ra ngoài. Toàn bộ mố IPTD và hệ thống xử lý được điều khiển bởi hệ thống máy tính và có khả năng hoạt động hoàn toàn tự động.

Bộ đội phòng hóa diễn tập phun khói ngụy trang các công trình quốc phòng.

Công nghệ Shimizu

Từ tháng 12-2018, Trung tâm CNXLMT (Bộ Tư lệnh Hóa học) phối hợp với Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) triển khai xử lý thử nghiệm 1.000m3 đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) theo công nghệ tẩy rửa đất ô nhiễm.

Thực chất của công nghệ này là dùng nước để "phân tách vật lý" để loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ và vô cơ trong đất ô nhiễm (giống quá trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản). Hầu hết các chất ô nhiễm hữu cơ, vô cơ có xu hướng dính kết, hóa học hay vật lý, với đất sét, bùn và các hạt hữu cơ.

Tẩy rửa sẽ tách các hạt nhỏ ra khỏi hạt lớn bằng cách phá vỡ các liên kết. Vật liệu dạng hạt sau khi đã xử lý có thể được tái sử dụng. Đất ô nhiễm sẽ được cô đặc lại ở khối lượng nhỏ hơn nhiều và tiếp tục được xử lý bằng phương pháp khác hoặc bằng công nghệ đốt. Công nghệ tẩy rửa đất của Shimizu đã được áp dụng xử lý đất nhiễm xyanua, thủy ngân, hóa chất bảo vệ thực vật, chất chứa phóng xạ, PAH và dioxin tại Nhật Bản.

Theo tìm hiểu thì Tập đoàn Shimizu đã phát triển công nghệ tẩy rửa đất ô nhiễm từ năm 2002 và tiến hành rửa đất tại 14 điểm trên toàn nước Nhật. Họ cam kết rằng, những kỹ thuật xử lý đất nhiễm ở Biên Hòa là công nghệ an toàn, có chất lượng, làm sạch được đất nhiễm dioxin và đạt được mục tiêu mà dự án đề ra".

Đại diện Tập đoàn Shimizu cũng khẳng định, công nghệ Shimizu bảo đảm xử lý triệt để dioxin ở nồng độ cao hay rất cao, giảm tới mức thấp nhất khối lượng đất ô nhiễm dioxin phải xử lý bằng công nghệ đốt, ít có tác động đến môi trường và chi phí ở mức thấp nhất so với các loại công nghệ khác.

Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng cho biết, Trung tâm CNXLMT sẽ giám sát giám sát chặt chẽ Tập đoàn Shimizu xử lý đất nhiễm dioxin. Trung tâm sẽ thực hiện quan trắc giảm ô nhiễm môi trường về: Không khí, mùi và bụi (do quá trình đào xúc, vận chuyển, tiền xử lý đất nhiễm), tiếng ồn; nước thải, gồm nước thải tuần hoàn trong quá trình xử lý, tồn chứa tạm, thải ra môi trường; đất, gồm ô nhiễm trên bề mặt tại khu xử lý, ô nhiễm thấm sâu tại khu xử lý.

Việc thử nghiệm tại thực địa về tẩy rửa đất toàn diện này sẽ kết thúc vào tháng 6-2019. Công nghệ này có tính thực tiễn cao và giá thành rẻ, rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Anh hy vọng, trong tương lai, ở Việt Nam sẽ không còn những vùng đất "chết" vì dioxin nếu công nghệ này được ứng dụng rộng rãi.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng Việt Nam, trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có khoảng 45 triệu lít chất da cam (chứa khoảng 366kg dioxin) cùng hơn 9.000 tấn chất độc CS, đạn dược chứa chất độc CS xuống miền Nam Việt Nam, gây hậu quả thảm khốc "có một không hai" trên thế giới.

Cũng theo điều tra này, ước tính toàn quốc có hơn 600.000m³ đất nhiễm chất độc da cam/dioxin; tập trung chủ yếu tại 7 sân bay, căn cứ quân sự dưới chế độ cũ ở miền Trung, miền Nam, trong đó 3 khu vực được xác định là "điểm nóng" ô nhiễm ở mức độ khá cao là sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát (Bình Định).

Nguyễn Mạnh Thắng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhung-nguoi-di-hoa-giai-cac-vung-dat-chet-542248/