'Những người đi giữ biên cương' phác họa chân thực hình ảnh người phụ nữ

Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cách nay tròn 40 năm, hàng vạn người lính đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng chính từ cuộc chiến cam go, ác liệt đã sản sinh những cán bộ, chiến sĩ anh hùng, những bà mẹ kiên trung, nhân hậu, những cô gái hồn hậu, chất phác, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Ban liên lạc CCB Quân đoàn 14 Mặt trận Lạng Sơn tặng hoa cho nhóm tác giả

Trong hơn 30 tác phẩm tùy bút, truyện ngắn, văn xuôi, thơ, kịch của cuốn sách, không nhiều tác phẩm đề cập đến hình ảnh của người phụ nữ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Bởi lẽ, trên chiến trường đầy bất ngờ và cam go, ác liệt này là những cuộc hành quân thần tốc, những trận chiến của những đơn vị bộ đội chủ lực. Thế nhưng, chỉ cần 1,2 tác phẩm viết chuyên sâu về họ và những phác thảo phảng phất trong các tác phẩm, hình ảnh những người mẹ Việt như bà mẹ Lý Thị Lời, người dân tộc Tày ở xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn lại hiện lên rõ nét. Mẹ Lý Thị Lời là biểu tượng của sự can trường nơi lửa đạn, là sự tiếp nối của hình tượng mẹ Suốt anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Khi đất nước lâm nguy, các bà mẹ lại bất chấp mưa bom bão đạn, dũng cảm chèo thuyền đưa bộ đội qua sông Kỳ Cùng để tỏa đi các điểm, chốt chặn:

‘Tình đất nước vẫn ngọt ngào muôn thuở

Những bài thơ về bà mẹ anh hùng

Nhớ hôm nào mẹ Suốt chở ngang sông

Trai xứ Lạng vào miền Nam đánh Mỹ

Và hôm nay những chàng trai xứ Nghệ

Lại có mẹ người Tày dẫn dắt qua sông…’

Đó còn là hình ảnh một bà mẹ chất phác như hàng trăm ngàn bà mẹ Việt khác - mẹ của cô giáo Thơm trong truyện ngắn ‘Hương hồi’ của Hoàng Thiềng. Bà quý đại đội trưởng Nguyễn Tiến Hùng khi anh về đóng quân tại thôn không khác người con đẻ của mình: "Từ ngày Hùng chọn nhà bà là nơi ở của Ban chỉ huy, bà dồn mọi tình yêu thương cho Hùng. Bà thấp thỏm khi thấy Hùng bề bộn lo toan trước nhiều việc của đơn vị. Và bà mừng khi thấy Hùng ngày càng chiếm được lòng tin, sự quý mến của bà con dân bản. Nhưng bà cũng sợ những tình cảm ấy sẽ tước đi những gì đẹp nhất mà bà đã dành cho Hùng. Phải chăng đó là tính ích kỷ vốn có ở những bà mẹ hết mực yêu thương con cái".

Bìa cuốn sách 'Những người đi giữ biên cương'

Còn Thơm - con gái bà - cũng dành cho Hùng và các đồng đội của anh những tình cảm hết sức đặc biệt. Không quản ngại bom đạn, cô đã trực tiếp lên điểm tựa tiếp tế cho các anh, nào bánh ú, bánh tầy, bánh ngải, thuốc sợi, dầu hồi và không quên một ít ‘chất cay’. Dù lần đầu cầm súng, cô không biết phải làm gì trước, làm gì sau nhưng khi loạt đạn của cô vang lên, trước mắt là 3 tên giặc phải đền mạng. Rồi để ngăn chặn quả lựu đạn của địch lăn xuống chiến hào gây thương tích, cô đã trườn lên, với quả lựu đạn rồi đổ ụp người xuống. Quả đạn găm trúng ngực phải, máu rỉ thấm ướt chiếc áo len đẹp nhất của cô. Cô đã lặng lẽ ra đi trong vòng tay của các chiến sĩ.

Đó cũng là hình ảnh của bác sĩ Thủy, y tá Sâm trong truyện ký "Những chiến sĩ áo trắng" của Nguyễn Mạnh Hải. Không chỉ trực cấp cứu tại bệnh viện, các cô còn trực tiếp cùng ê kíp lên tận trận địa làm nhiệm vụ cứu thương, tải thương theo mệnh lệnh của trái tim. 3 chuyến đi đầu suôn sẻ, đến chuyến thứ tư, khi xe đang lao đi vùn vụt, trên xe thật yên tĩnh, thanh bình và vô tư thì bất ngờ bị địch phục kích. Y tá Sâm hy sinh ngay khi cố mở cửa xe. Bác sĩ Thủy bị thương ngay loạt đạn đầu của địch. Biết không thể qua khỏi, không thể chết trong tư thế nằm sõng sượt, cô đã cố lết đến cửa xe, đu người lên, tựa lưng vào ô tô và chiếc blu trắng trên mình cô nhuốm một màu đỏ thắm.

Và còn những cô gái Hải Phòng ở Đoàn 563 đã từng "đuổi sóng ra khơi, kéo chân trời gần lại" ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, năm 1981 lại tiếp tục lên Lạng Sơn, biên chế vào các công trường xây dựng. Tiếng đàn, tiếng hát của các cô gái thành phố Cảng tràn ngập không gian, xua tan bao khó khăn, nhọc nhằn, chở che cho bộ đội và tạo nên sức bền cho những điểm tựa trên một vùng biên giới.

Có một điều hết sức đặc biệt trong cuốn sách "Những người đi giữ biên cương", câu chuyện về những người phụ nữ được phản ánh không hoàn toàn khô cứng, không gượng ép, không bi lụy và không mang nặng tính sử thi mà chân dung họ hiện lên rất đỗi dung dị đời thương. "Sức mạnh mềm" của họ thấm đẫm tình yêu, tình người. Chính "chất tình" đã khắc họa nên hình ảnh người phụ nữ nơi vùng biên ải thật bình dị nhưng cũng rất can trường, sẵn sàng hy sinh mỗi khi Tổ quốc lâm nguy. Họ rất xứng đáng được nhắc nhớ, tôn vinh.

Cuốn sách "Những người đi giữ biên cương" của nhóm tác giả: Ngô Văn Học (chủ biên), Đặng Vương Hưng, Hoàng Văn Thiềng và Lê Anh Sáng, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) ấn hành, nhằm tôn vinh, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại mặt trận Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung, trong 10 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc (1979-1989).

Cuốn sách vừa được xuất bản nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17/02/1979-17/02/2019) và kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đoàn 14 - Binh đoàn Chi Lăng - Mặt trận Lạng Sơn (24/02/1979-24/02/2019).

Lan Hương

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/nhung-nguoi-di-giu-bien-cuong-phac-hoa-chan-thuc-hinh-anh-nguoi-phu-nu-post54534.html