Những người đi cấy lấy công

Sau Tết Nguyên đán, trên các thửa ruộng đã đổ ải, bà con rủ nhau ra đồng cấy lúa cho kịp thời vụ. Đây cũng là lúc những người cấy thuê có việc để làm. Không chỉ tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, công việc của họ còn góp phần làm nên những vụ mùa bội thu.

Tranh thủ thời gian rảnh, nhiều phụ nữ làm nông lại tranh thủ đi cấy thuê để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Thợ cấy vào mùa

Ở quê tôi thường không cấy sớm trong mùa đông như một số địa phương khác mà đợi ra xuân nắng ấm lên mới cấy. Cấy sớm trời lạnh, cây mạ không phát triển được, có khi còn bị chết coi như mất trắng cả công lẫn của. Khoảng chừng qua rằm, hết đợt không khí lạnh, trời vừa dừng hẳn những cơn mưa kéo dài thì bà con mới chuẩn bị phân gio, mạ ra đồng. Con đường từ thị trấn huyện Hậu Lộc xuống các xã ven biển, thấp thoáng những cánh đồng trồng lúa rộng mênh mông. Trên những thửa ruộng nhấp nhô xâm xấp nước, nhiều bóng người khom lưng bên những đám mạ non vừa được cấy xong. Tiếng máy bừa, máy bơm nước nổ giòn giã, lẫn trong tiếng í ới gọi nhau vui vẻ như báo hiệu một vụ mùa mới đầy hứa hẹn.

Ở quê, thu nhập của bà con nông dân chủ yếu phụ thuộc vào dăm ba sào ruộng cấy và hoa màu. Ruộng ít, mỗi nhà chỉ cấy có 4, 5 sào Bắc bộ nên chỉ 1, 2 ngày đã xong. Trong khi, bao nhiêu khoản chi tiêu trong gia đình từ tiền chợ búa, các con ăn học, chi phí nông nghiệp... đều trông chờ vào đó cả. Vì thế, thời gian rảnh, bà con lại tranh thủ đi cấy thuê để có tiền trang trải thêm. “Mỗi hôm cấy thuê, chúng tôi được chủ trả công từ 250.000-300.000 đồng/ngày hoặc nhà chủ có thể khoán cho một diện tích ruộng mấy người cùng làm rồi sau đó chia đầu người ra. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn, ở quê nói nhiều thì cũng nhiều thật vì làm gì ra từng ấy tiền, nhưng nhiều người theo bọn tôi phải bỏ cuộc rồi đấy. Có lần một cô cùng làng thấy mấy chị em đi kiếm tiền “ngọt” quá nên tình nguyện theo, gặp đúng chủ nhà khó tính, thậm chí buổi trưa còn cố “giam” chị em cấy thêm cả nửa tiếng đồng hồ dưới ruộng mới cho về. Thế là buổi chiều, cô bạn nghỉ luôn...” - chị Nguyễn Thị Lân - một người cấy thuê ở xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) cho biết.

Chị Lân đã vào nghề được hơn 10 năm, từ thời mà ngày công cấy lúa mới chỉ 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Mỗi năm, chị đi cấy thuê hai vụ chiêm xuân và hè thu. Các chủ ruộng quá quen với chị nên cứ tới mùa vụ là họ điện thoại, hẹn ngày đến cấy, người nọ giới thiệu cho người kia.

Cấy thuê ở ruộng làng còn đỡ, nếu phải đi đồng xa, sang tận huyện khác, chị và mấy thợ cấy trong làng phải dậy từ 1h đến 3h sáng. Như mấy hôm trước, chị nhận cấy cho một nhà ở huyện Hậu Lộc, mấy chị em chạy xe đến nhà chủ khi trời còn chưa tỏ mặt người. Kéo xe mạ ra đồng, trời tối quá chị vợ phải chuẩn bị sẵn 2 cái đèn pin, bật đèn để ở đầu bờ cho mọi người nhìn thấy mặt ruộng. Bốn thợ cấy với chị vợ, đến trưa thì được 4 sào. Tính ra mỗi người cũng đã cấy được 12 thước ruộng. Cấy đến 12h trưa thì về nhà chủ ăn cơm, nghỉ ngơi một chút rồi lại kéo nhau ra đồng, đến 5h chiều là kết thúc công việc. “Nghề nông vất vả là vậy. Ban ngày đi làm đồng áng vất vả, đau lưng, mỏi gối nhưng tối đến về nhà lại được nghỉ ngơi, đặt lưng xuống, ngủ một giấc thật say là hôm sau sức khỏe lại được hồi phục ngay ấy mà” - chị Lân vui vẻ, nói.

Hai bên cùng có lợi

Nhà chị Phạm Thị Chuyên, xã Minh Lộc (Hậu Lộc) có 6 sào ruộng cấy. Mặc dù chồng đi làm ăn xa, song mọi năm chỉ cần mình chị vừa nhổ mạ, vừa cấy, cũng chỉ gói gém trong 1 tuần là xong. Nhưng năm nay bận bịu nhiều việc gia đình nên chị Chuyên phải thuê người cấy. Tính vậy, nhưng việc thuê người cấy không hề đơn giản. Cả buổi chiều, chị Chuyên đạp xe ngược làng trên, xóm dưới vào những “điểm” quen thuộc để tìm người cấy thuê mà không được vì ở làng đang vào vụ cấy cao điểm. Mãi chị mới nhờ người “móc nối” thuê được 6 người ở huyện Vĩnh Lộc. “Giờ thuê được người cấy là quý lắm. Nhờ người ta cấy giúp, mình trả công người ta. Cũng chẳng phải mặc cả gì đâu, có giá cả chung rồi. Chủ nhà hài lòng về sự chịu khó, cẩn thận của thợ thì có thể thưởng thêm vài chục ngàn. So với nghề nông, khoản tiền thuê người cấy mất cả triệu đồng cũng khá xót nhưng đổi lại họ cấy đúng yêu cầu, mình lại bảo đảm được khung thời vụ. Vậy nên cả hai bên đều hài lòng” - chị Chuyên chia sẻ thêm.

Nhiều hộ nông dân đã quen với việc thuê thợ cấy mỗi khi đến mùa vụ. Nhất là những năm gần đây, lao động nghề nông ít đi trông thấy do hầu hết người trẻ đi làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài... Sở dĩ có thực trạng trên là bởi làm nông nghiệp rất vất vả nhưng thu nhập lại chẳng đáng là bao, khó có thể đảm bảo được đời sống cho người lao động. Sau khi có được hạt thóc thì người nông dân phải tính đến những khoản trang trải cho hạt lúa, như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê cày bừa, phương tiện thu hoạch lúa... Vì vậy, mà nhiều người dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Thậm chí có gia đình cho thầu, cho mượn hoặc bán hẳn ruộng cho người khác sản xuất để làm những nghề tuy gọi là phụ nhưng lại có thu nhập cao hơn làm ruộng. Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoặc nhiều nhà máy đặt cơ sở tại các làng quê đã thu hút một lượng lao động trẻ rất lớn. Thế nên mới có thực trạng, lao động trên đồng ruộng bây giờ chủ yếu lại là... người già và trẻ em. Mà nhóm người này lại không đủ sức khỏe nên năng suất lao động thấp hơn.

Công việc cấy thuê, cấy giúp của nông dân là một trong những cách điều tiết lao động tự phát theo thời vụ khá hiệu quả theo phương châm hai bên cùng có lợi. Sự hỗ trợ kịp thời của những người thợ cấy đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm khung thời vụ. Song với tiền công cấy như trên cộng với các khoản chi phí khác thì cấy lúa không có lãi. Vì vậy, xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả đã và đang thực hiện là đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa và khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, từ đó nâng cao được giá trị trên một đơn vị canh tác, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún và thiếu lao động mùa vụ như hiện nay.

Một cách làm khác mà những người nông dân hay áp dụng để cấy kịp thời vụ, đó là cấy đổi công. Nghĩa là vài nhà kết hợp cấy chung với nhau. Cấy xong nhà này thì chuyển sang cấy cho nhà khác cho đến khi xong hết mọi nhà. Với cách làm này, người nông dân không tốn tiền thuê mà tiến độ vẫn kịp thời vụ. Chị Nguyễn Thị Nhượng - một nông dân ở xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) cho biết, không có tiền thuê thợ cấy, các chị em trong thôn, trong xóm, họ hàng thường xuyên cấy hoán đổi, giúp nhau. Dù nhà này, nhà kia nhiều ruộng hay ít ruộng, mọi người đều làm nhiệt tình, không tính toán thiệt hơn. Những hôm vào vụ, chủ nhà thường mời người giúp ở lại ăn cơm. Tuy không phải mâm cao cỗ đầy, song từ những bữa ăn ấy khiến tình cảm làng xóm, anh em gắn kết, bền chặt hơn.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-nguoi-di-cay-lay-cong/114658.htm