Những người đem 'ý Đảng' nối 'lòng dân'

Trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, lĩnh hội sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'Trung thành với Đảng, tận tụy với dân', lực lượng BĐBP đã nỗ lực trên hầu hết các mặt công tác để xây dựng biên giới lòng dân, tạo nên những phong trào, mô hình tiêu biểu được cả nước đồng lòng ủng hộ. Bước chân của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng về bản, xuống thôn đã thắp lên những ngọn lửa ấm tình người, đem 'ý Đảng' nối 'lòng dân' nơi biên cương hiểm yếu nhưng sáng tình đất nước.

Thầy thuốc quân hàm xanh BĐBP Hà Tĩnh khám chữa bệnh cho nhân dân bản Thoong Pẹ, huyện Căm Cớt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào.

“Anh hùng như Nguyễn Văn Trỗi. Dũng cảm như Nguyễn Viết Xuân. Tận tụy với dân như Trần Văn Thọ” - Câu thơ đã đưa chúng tôi đến ngã ba biên giới A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi đây, anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ vừa là người thầy giáo dạy chữ, vừa là người cán bộ hướng dẫn trồng lúa nước, vừa là người thầy thuốc vận động, giúp đỡ cai nghiện thuốc phiện... Sự hi sinh của anh là tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng noi theo. Để rồi qua 60 năm, những danh hiệu thân thương như “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Bí thư quân hàm xanh”, “Kỹ sư nông nghiệp quân hàm xanh”... đã được bà con trìu mến đặt cho người chiến sĩ Biên phòng theo mỗi bước chân các anh về bản, xuống thôn.

Trên mặt trận “chống giặc dốt”, từ những năm đầu cả nước bước vào công cuộc đổi mới, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát huy tốt các nội dung, chương trình phối hợp. Bằng nhiều biện pháp tổ chức lớp học linh hoạt, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, lao động của nhân dân, các đồn Biên phòng đã cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mở hàng vạn lớp xóa mù chữ, hàng ngàn lớn phổ cập giáo dục tiểu học, lớp học tình thương và vận động hàng triệu trẻ em đi học.

Từ năm 1992 cho đến nay, khó có thể kể hết những tấm gương bình dị mà cao quý như Trung tá Nguyễn Văn Tưởng, cán bộ Vận động quần chúng (VĐQC) BĐBP Khánh Hòa; Trung tá Mai Văn Sơn, cán bộ VĐQC BĐBP Đà Nẵng; Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Phòng Chính trị, BĐBP Gia Lai; Đại úy Trần Bình Phục, cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau; Binh nhất Huỳnh Hoàng Tam, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình, BĐBP Long An... cùng hàng ngàn thầy giáo mang quân hàm xanh cả nước đã góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nhân lực khu vực biên giới. Họ cũng luôn là chỗ dựa vững chắc cho các thầy cô giáo và ngành giáo dục ở vùng sâu, vùng xa trong sự nghiệp trồng người, cùng ngành giáo dục cả nước đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục ở cả ba cấp học.

Năm 2014, Chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai, đến nay, toàn lực lượng đã đỡ đầu cho gần 3.000 học sinh khu vực biên giới, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó có 87 học sinh Lào và 91 học sinh người Cam-pu-chia, 40 em mồ côi được nuôi tại đồn Biên phòng. Hiện đã có 33 cháu học sinh tốt nghiệp lớp 12, trong đó có 7 cháu đỗ vào các trường đại học.

Được nhân dân tin yêu đặt cho tên gọi thân thương “Thầy thuốc quân hàm xanh” là những người cán bộ quân y cả một đời gắn bện với biên cương bằng y đức của người thầy thuốc và trách nhiệm của người lính. Điều đáng trân trọng là đội ngũ y, bác sĩ quân hàm xanh đã luôn khắc phục khó khăn, vượt qua hủ tục, tập tục lạc hậu để làm thay đổi nhận thức và thói quen sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, cứu được hàng triệu người bệnh qua cơn hiểm nghèo. Các anh bền bỉ vận động đưa sản phụ đến nhà hộ sinh, không để họ phải ra bìa rừng để tự sinh nở; dũng cảm, bản lĩnh đấu tranh cứu hàng chục trẻ sơ sinh khỏi hủ tục chôn sống cùng người mẹ không may thiệt mạng khi sinh nở...

Từ năm 1999 đến nay, trên địa bàn 438 xã biên giới đặc biệt khó khăn được các đồn Biên phòng phối hợp lập 201 Ban quân dân y kết hợp, hàng chục trạm xá quân dân y, bố trí trên 400 y, bác sĩ vừa chăm lo sức khỏe cho bộ đội, vừa tham gia phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Đề án “Nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống quân dân y bảo vệ và chăm sóc sức khỏe quân và dân biên giới” giai đoạn 2010-2025 đang dần thiết lập một hệ thống quân, dân y chạy dọc suốt chiều dài đường biên giới Tổ quốc với tham vọng có được 700 y bác sĩ, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Đã 20 năm, Thượng tá Đàm Thiên Thương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cùng hàng trăm đồng đội của anh khoác ba lô xuống tăng cường cho cấp ủy 446 xã biên giới đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 150/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương về “Quân đội tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược” và “Chủ trương tăng cường cho mỗi xã đặc biệt khó khăn một cán bộ BĐBP để tham mưu và tham gia giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh” của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP.

“Các đồng chí không chỉ là người lính bảo vệ biên cương mà còn là người thầy vun trồng cho thế hệ tương lai của đất nước. Việc làm của các đồng chí hết sức cảm động, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nói lên bản chất cao đẹp của BĐBP, góp phần nâng cao uy tín của cán bộ, chiến sĩ với nhân dân ở vùng biên giới, hải đảo” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang khen ngợi 60 thầy giáo quân hàm xanh tiêu biểu, ngày 13-11-2017.

Từ một địa bàn có tới hơn 70% hộ nghèo, các tổ chức chính trị hoạt động kém hiệu quả, kinh tế chậm phát triển..., kể từ khi có sự tham gia của người Phó Bí thư xã quân hàm xanh, giờ đây, Tri Lễ trở thành điểm sáng với một loạt các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Đồng bào các dân tộc nơi đây yêu quý Phó Bí thư Thương tới mức, dòng họ nào cũng muốn nhận anh trở thành thành viên.

Qua 20 năm, hiện có 323 xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn thuộc 27 tỉnh, thành phố thực hiện tăng cường hơn 438 cán bộ BĐBP xuống địa bàn. Trong đó, có 296 đồng chí giữ chức danh trong cấp ủy, chính quyền xã. Họ đã có đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ các xã biên giới củng cố, kiện toàn hàng trăm tổ chức Đảng, phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, kết nạp hàng nghìn đảng viên, xóa hơn 100 thôn, bản trắng đảng viên, từng bước đưa chế độ sinh hoạt, công tác của chính quyền vào nền nếp, phát triển kinh tế-xã hội bền vững...

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, thông qua việc thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng tham gia hệ thống chính trị cơ sở, khám chữa bệnh, xóa mù chữ và tái mù chữ cho dân..., mối quan hệ giữa đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở địa bàn biên giới với BĐBP ngày thêm gắn bó.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-dem-y-dang-noi-long-dan/