Những người đào vàng khốn khổ ở Brazil

Từ tinh mơ đến tối mịt, hàng vạn người lao động cật lực, vác những bao đất nặng cả 40kg với hy vọng kiếm được chút ít bụi vàng nhỏ nhoi chứa trong đó. Trung bình mỗi ngày có từ 50.000 đến 80.000 người hì hục theo kiểu 'Ngu Công dời núi'. Người ta gọi họ là những 'garimpeiros'

Từ thời vườn treo Babylon xa xưa cho tới thị trường chứng khoán phố Wall Street hiện nay, vàng luôn có sức cám dỗ mọi giai tầng xã hội.

Khi những người Tây Ban Nha đầu tiên theo gót nhà thám hiểm cự phách Christopher Columbus (1451-1506) đặt chân lên Mỹ châu, đã lưu truyền huyền thoại về El Dorado - thành phố bí hiểm trong rừng rậm Amazon - nơi trữ những khối lượng vàng khổng lồ. Nhưng điều kỳ lạ là cái huyền thoại ấy vẫn còn lưu truyền cho tới tận ngày nay…

Trong thập niên 80 thế kỷ trước tại khu mỏ Serra Pelada, thuộc bang Pará phía đông bắc Brazil bắt đầu bùng lên “cơn sốt” tìm vàng. Người ta đục rỗng cả một vùng núi non rộng lớn, có hầm được khoét sâu tới 120m.

Một người da đỏ trong đội quân tìm vàng đông đảo ở Amazon.

Từ tinh mơ đến tối mịt, hàng vạn người lao động cật lực, vác những bao đất nặng cả 40kg với hy vọng kiếm được chút ít bụi vàng nhỏ nhoi chứa trong đó. Trung bình mỗi ngày có từ 50.000 đến 80.000 người hì hục theo kiểu “Ngu Công dời núi”. Người ta gọi họ là những “garimpeiros” (người tìm vàng theo tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức ở Brazil). Tại những nơi khác họ lại tìm kim cương hoặc các loại đá quý.

Cuộc sống cực nhục, số phận hẩm hiu, rất ít người gặp may. Hiểm họa bệnh tật hay chết chóc luôn kề cận. Tai nạn sập hầm lớn nhất ở Serra Pelada là vào tháng 9-2009: đất lấp 70 người - trong đó 19 người bị mất xác. Serra Pelada chỉ là một trong những nơi được gọi là “garimpos” (mỏ vàng hay đá quý). Trong các cánh rừng Amazon bao la có rất nhiều mỏ tương tự cùng đội quân tìm vàng đông đảo, quyết chí không chùn bước…

Người da đỏ bản địa hứng chịu những hậu quả đầu tiên. Họ bị tàn sát để người ta chiếm đoạt những vùng đất có chứa vàng và kim loại quý. Những người sống sót bắt buộc phải rời bỏ các phần đất “hương hỏa” ông cha để lại, lùi sâu hơn nữa vào rừng hòng tránh họa diệt chủng. Năm nào cũng có tin về những người da đỏ bị thảm sát dã man. Tới cuối thế kỷ XIX, tổng số thổ dân trong vùng là 5 triệu người, bây giờ còn không quá 15 vạn.

Kẻ tìm vàng Adelio Ruiz đã ở chính nơi ấy. Trông hắn già gấp đôi so với tuổi 26, với khuôn mặt nhàu nát cùng giọng Đức lơ lớ còn rơi rớt lại. Tuổi thơ của Adelio lớn lên giữa rừng rậm, khi cùng cha đi tìm thành phố bí ẩn El Dorado ở Amazon.

“Người ta bảo rằng chúng tôi giống như lính đánh thuê được vũ trang tận răng - hắn nhớ lại - Thực ra không hẳn vậy. Chúng tôi có độ 250 người làm việc suốt mấy tháng trời ở vùng đất bên cạnh hội truyền giáo tại Sao Gabriel da Cachoeira, mà chẳng gặp trở ngại nào cả. Sau đó thì giới chuyên gia của các hãng khai thác đa quốc gia gồm người Anh và Nam Phi đổ tới. Họ “dồn” chúng tôi về phía người da đỏ.

Một đêm thổ dân tập kích chúng tôi bằng cung nỏ, khiến 3 người thiệt mạng. Chúng tôi phản ứng một cách vô ích rồi bỏ đi. Riêng nhóm của tôi không ai bắn vào người da đỏ cả, tôi không rõ các nhóm khác làm gì với họ? Nhưng tôi thừa biết sớm muộn gì chúng tôi cũng phải trở lại chốn đó, bởi vì dưới chân bọn họ là những mỏ vàng thực sự trị giá nhiều tỉ USD. Tài sản đó phải thuộc về chúng ta bằng mọi giá”(?!).

“Lính đánh thuê” A. Ruiz ngao ngán với số chiến lợi phẩm ít ỏi.

Còn Joze Altino Machado -sếp của cái gọi là “Liên hiệp Công đoàn Garimpeiros”, kiêm chủ nhân ông của các “dàn” taxi bay cùng một loạt các nhà chứa trá hình, là một trong những kẻ “mới phất” ở Manaus. Khẩu “chó lửa” của hắn luôn để trên mặt bàn cùng các vật lưu niệm khác, như giáo mác, cung nỏ làm từ gỗ quý hoặc xương động vật; rồi ảnh của những khối vàng lớn; thậm chí có cả ảnh của những người tìm vàng tử nạn nữa.

Khẩu súng ngắn Colt 45 là bằng chứng cho “sự nghiệp chính” của J. Machado: trùm các băng đảng du đãng trong vùng rừng rậm Amazon. Đích thân hắn cũng luôn “nằm lòng” câu “Chúng ta sẽ trở lại” - như tên Ruiz đánh thuê nói trên. J. Machado vừa nói vừa vuốt ve báng khẩu súng lục lên nước bóng loáng của mình. Machado luôn mơ ước về các mỏ vàng khổng lồ và ghét cay ghét đắng thổ dân da đỏ.

Muốn tới các garimpos (mỏ vàng) phải mất 4 ngày đi xuyên rừng nữa. Sự tàn sát người da đỏ tại đây là có thực, bởi do quá heo hút nên các nhân chứng khó mà… thoát được. Người ta ước tính cả thảy có tới 8 triệu garimpeiros trong vùng Amazon - những kẻ chẳng có lấy một chốn định cư cố định.

Họ miệt mài đào bới trong những vùng đất rộng lớn và hoang sơ, đa phần đều trong tâm trạng chán nản, hãn hữu mới có người gặp may. Để đi “tìm hạnh phúc”, chí ít bạn phải có chiếc xẻng, cái bơm và một chút đồ ăn. Ngủ lều, ngâm mình trong bùn và nước suốt ngày nơi rừng sâu.

“Sự hăng say cuồng nhiệt của họ - doanh nhân kiêm văn sĩ Ricardo Semler, tác giả của một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được trao giải thưởng về những người tìm vàng, nói - Thường không có lối về. Không những vì họ sẽ chẳng tìm thấy được và thực ra ở đó cũng chẳng có gì hết, mà bởi “phía sau lưng” họ cũng chẳng còn gì nữa sất. Hơn 9/10 số garimpeiros là những kẻ khốn cùng, đứng dưới đáy của xã hội Brazil - những kẻ nghèo nhất, những người không biết sống bằng gì nữa; và họ không chỉ tìm vàng, cái chính là kiếm được việc để khỏi bị chết đói.

Còn những garimpeiros “cuồng nhiệt” khác - trong đó có cả những kẻ có học, thì ít hơn. Nhưng một khi “rờ” tới được quyền hành, họ trở nên tàn bạo không thể tưởng tượng nổi: bóc lột tàn tệ những kẻ đồng loại bất hạnh, biến họ thành nô lệ. Với mẩu vàng trên tay, bọn “cường hào mới” dí sát mũi mọi người nhằm kích thích những tâm hồn sắp tuyệt vọng kia… “bừng lên” nỗi khát vọng giàu sang”.

Trần Hồng (theo National Geographic)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nhung-nguoi-dao-vang-khon-kho-o-brazil-480729/