Những 'người đàn bà thép' làm thay đổi công nghiệp khai mỏ Australia​

Hiện nay, cả ba công ty khai thác quặng sắt được niêm yết lớn nhất của Australia đều có người lãnh đạo cao nhất là phụ nữ, mà tiêu biểu là Giám đốc điều hành của Fortescue Mining, Elizabeth Gaines.

Từ trái sang phải Kellie Parker, Giám đốc quản lý tại Rio Tinto Iron Ore; Diane Jurgens, Giám đốc công nghệ BHP và Elizabeth Gaines, Giám đốc điều hành Fortescue. Ảnh: Reuters/Bloomberg.

Một cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số đang làm rung chuyển ngành công nghiệp khai mỏ trên toàn thế giới, đồng thời cũng giúp nhiều phụ nữ "trổi dậy" đảm nhận vai trò điều hành trong ngành công nghiệp vốn được xem là chỉ dành riêng cho đàn ông.

Hai dự án quặng sắt lớn tại Australia là ví dụ điển hình cho thấy những gì đang xảy ra khi các công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới, BHP và Rio Tinto đang tiến gần hơn tới cam kết đổi mới công nghệ khai mỏ với số tiền đầu tư hơn 3 tỷ USD mỗi công ty mà Rio Tinto gọi là "khai thác thông minh", còn BHP gọi là "mỏ của tương lai".

Cả hai đều chuẩn bị thay đổi triệt để trong các mảng đem lại nhiều lợi nhuận nhất bằng cách thiết kế lại các mỏ áp dụng các công nghệ hiện đại bởi một số mỏ đã không thay đổi trong nhiều thập kỷ.

Những chiếc xe goòng và xe tải không người lái vốn được sử dụng trong một số dự án sẽ được kết hợp một loạt các cảm biến, điều khiển radar và hệ thống Wi-fi để kiểm soát mọi việc từ xa tại các mỏ Koodaiderie và South Flank.

Vào đầu tháng Tư, Rio Tinto Iron Ore đã kết hợp với cơ quan giáo dục Western Australia triển khai đào tạo công nhân trong các hệ thống tự động, Chris Salisbury, Giám đốc điều hành của Rio Tinto Iron Ore nói và cho biết máy tính điều khiển hệ thống đường ray của công ty ông là "robot lớn nhất thế giới".

Kellie Parker, Giám đốc quản lý quy hoạch của Rio Tinto Iron Ore. Ảnh: Flickr.

Nếu như Salisbury phụ trách vận hành các khu mỏ sản xuất ra 330 triệu tấn quặng sắt trị giá 11,5 tỷ USD trong năm ngoái, thì Kellie Parker, Giám đốc quản lý quy hoạch quặng sắt, lại là người phải lên kế hoạch cho tương lai. Bà phụ trách việc thiết kế và phân phối của Koodaiderie, mỏ thông minh đầu tiên của Rio Tinto.

Parker, người có 17 năm gắn bó với Rio Tinto là người thích các công nghệ mới và đang áp dụng các công nghệ hiện đại vào ngành khai mỏ cũng như liên tục cải tiến chúng.

Còn tại BHP, "người đàn bà thép" chịu trách nhiệm giám sát và thiết kế của mỏ thông minh South Flank là Diane Jurgens. Bà là giám đốc công nghệ của công ty, và đã gia nhập ngành khai thác mỏ vào năm 2015 sau khi tích lũy được một bề dày kinh nghiệm về công nghệ thông tin và phát triển kinh doanh tại các tập đoàn lớn như Boeing, General Motors hay Shanghai OnStar Telematics ở Trung Quốc (viễn thông là một công nghệ thiết yếu trong những chiếc xe không người lái).

Diane Jurgens, Giám đốc công nghệ của BHP. Ảnh: BHP.

Một trong những công nghệ đầu tiên được thử nghiệm bởi BHP dưới sự hướng dẫn của Jurgens, là một chiếc mũ chụp đo các sóng não của người điều khiển thiết bị để tìm ra các dấu hiệu mệt mỏi. Bà nói rằng các cảm biến có thể thông báo cho người lái xe, "nhưng quan trọng hơn là nó được tích hợp để gửi thông báo tới văn phòng của chúng tôi và các giám sát viên có thể can thiệp ngay".

Khai mỏ chưa bao giờ là một ngành công nghiệp chào đón phụ nữ mặc dù vị thánh bổn mạng của công nhân đào hầm (Thánh Barbara) là nữ. Ở Australia, phụ nữ bị cấm làm việc dưới lòng đất cho mãi đến 40 năm trước khi Nữ hoàng Anh Elizabeth đến thăm những hoạt động trong lòng đất của mỏ vàng Mount Charlotte.

Hiện nay, cả ba công ty khai thác quặng sắt được niêm yết lớn nhất của Australia đều có người lãnh đạo cao nhất là phụ nữ, tiêu biểu là Giám đốc điều hành của Fortescue Mining, Elizabeth Gaines, 54 tuổi. (Đây là chưa kể đến "bà trùm khai mỏ" Gina Rinehart, Chủ tịch điều hành của Hancock Prospecting - người giàu nhất Australia).

Giám đốc điều hành của Fortescue Mining, Elizabeth Gaines. Ảnh: Trevor Collens/AFR.

Giống như BHP và Rio Tinto, Fortescue đang tự động hóa các hoạt động của công ty thông qua việc trang bị thêm các thiết bị vận chuyển không người lái cho các mỏ hiện có.

Koodaiderie và South Flank sẽ là thế hệ mỏ thông minh tiếp theo của ngành khai mỏ, nhưng cả hai đều đang đợi sự phê duyệt cuối cùng trước khi việc xây dựng có thể bắt đầu, có lẽ vào đầu năm tới. Đây có lẽ là một bước đi cần thiết vì nhu cầu phát triển ngành khai mỏ trong giai đoạn mới nhằm đáp ứng việc bán hàng theo hợp đồng và nâng cao năng suất từ việc sử dụng công nghệ mới nhất.

Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ cũng đòi hỏi một loạt sự thay đổi không chỉ ở máy móc mà lượng lao động cũng cần nhiều kỹ năng công nghệ hơn. Do đó, cả BHP lẫn Rio Tinto đều đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này.

KIỀU CHÂU

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/nhan-vat/nhung-nguoi-dan-ba-thep-lam-thay-doi-cong-nghiep-khai-mo-australia-3453502.html