Những người chờ con ở 'xóm hiếm muộn'

Thiên chức làm mẹ, khát khao có một đứa con đã thúc giục họ gượng dậy, vùng lên tìm kiếm. Họ đi mỏi gối chùn chân, hy vọng, tuyệt vọng rồi bất lực bám vào khuôn mặt, những giọt nước mắt. Nhưng, bất kể gian nan, khổ ải đích đến cuối cùng vẫn là một 'mầm sống'...

1."Cuộc sống sẽ đơn điệu, tẻ nhạt, không sắc màu nếu như ông trời chẳng cho tôi một sinh linh bé nhỏ", đó là lời tâm sự từ đáy lòng của chị Hoàng Thị Giang Thanh trên hành trình đi tìm kiếm đứa con.

Giang Thanh, 36 tuổi (Bù Đăng, Bình Phước) lấy chồng từ năm 25 tuổi. Chồng chị năm nay tròn 40, làm trong ngành ngân hàng. Những năm đầu hôn nhân, cuộc sống gia đình chị Thanh êm ấm thuận hòa. Dù con chưa có nhưng cả hai vẫn vui vẻ, tập trung kiếm tiền mua đất, xây nhà.

Chị Thanh đang trải qua quãng thời gian hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng.

Chị Thanh đang trải qua quãng thời gian hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng.

Khi sự nghiệp ổn định, có của ăn của để thì chị Thanh bước sang tuổi 30, cái tuổi chín muồi để làm mẹ. Nhưng tại sao chưa thấy "tin vui" trong khi hai vợ chồng không hề kế hoạch. Bố mẹ chồng nóng lòng khuyên họ nên đi bệnh viện kiểm tra. Vợ chồng chị Thanh dắt nhau vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám. Sau nhiều xét nghiệm, bác sĩ kết luận cả hai đều bình thường.

Bình thường mà không có con mới là bất thường, trên đường về, chị Thanh suy nghĩ mông lung và càng thêm lo lắng. Nghĩ rằng do công việc kế toán áp lực, chồng thì lên "sếp" phải đi công tác tiếp khách thường xuyên nên bỏ lỡ "thời gian vàng" thụ thai. Anh chị quyết định xin nghỉ phép hai tuần đi đảo Phú Quốc (Kiên Giang) "hâm nóng" lại tình yêu để kiếm con. Những ngày ở Phú Quốc, anh chị cố gắng thả lỏng cơ thể, buông bỏ mọi thứ và chỉ nghĩ đến con cái thôi.

Sau kỳ "trăng mật", chị Thanh về nhà thấp thỏm hy vọng, chị đếm từng ngày để theo dõi những thay đổi khác lạ từ cơ thể nhưng chẳng có gì cả, mọi thứ cứ trơ trơ trước mắt. Chị tức giận chính bản thân mình. Một người bạn giới thiệu ra Thanh Hóa gặp bà lang bốc thuốc chữa hiếm muộn cực kỳ hiệu quả, chị Thanh cũng tất tả lên đường. Uống hết mấy tháng vẫn không chuyển biến, chị chán quá bỏ giữa chừng. Càng mong thì càng hun hút, hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, riết rồi niềm tin có con trong lòng chị Thanh cũng nguội lạnh. Chị dần quên đi, nghĩ rằng con cái là trời cho, trời không cho phải chịu.

Cuộc sống lẳng lặng trôi qua trong nỗi buồn nặng trĩu lặn ngấm vào trong. Năm 2019, vợ chồng chị Thanh quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thụ tinh nhân tạo. Tiền bây giờ đã không còn là gánh nặng nên chị Thanh rất thoải mái. Chỉ qua một lần đặt phôi, chị Thanh đã nhận được kết quả mỹ mãn, song thai.

Khoa hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ mỗi ngày có hàng trăm lượt người tới khám.

Vợ chồng vui như tết, gặp ai cũng muốn cười, anh chồng không còn la cà quán xá nhậu say bét nhè mỗi ngày cuối tuần nữa. Thay vào đó, anh ở nhà chăm cho chị từng miếng ăn giấc ngủ. Thai kỳ vào tháng thứ 2, chị Thanh đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên và được nhà chồng nâng như nâng trứng. Chị Thanh bắt đầu mơ về những đứa trẻ, không ngừng tưởng tượng ra khuôn mặt thiên thần của chúng sau ngày chào đời. Nhưng, ông trời đã lấy đi cái thiên chức thiêng liêng ấy của chị.

Chỉ còn một tuần nữa là tới ngày khám định kỳ thì chị Thanh bị đau bụng dữ dội, máu chảy... chị bàng hoàng ngất xỉu. Bác sĩ nhận định chị bị rối loạn miễn dịch, nói theo cách đơn giản, cơ thể người mẹ không chấp nhận tình trạng mang thai. Chồng chị Thanh chết đứng, cả gia đình tuyệt vọng đến cùng cực khi biết thông tin này. Chị Thanh rơi vào trầm cảm, người chị như cái xác không hồn, ăn cũng khóc, ngủ cũng khóc.

Phải một năm sau, chị Thanh mới sốc lại tinh thần, bình tĩnh suy nghĩ và biết chấp nhận số phận. Được sự động viên của chồng và gia đình, đầu tháng 1 - 2020, chị Thanh một lần nữa về thành phố tìm con. Lần này, sau khi cấy phôi, chị Thanh sẽ thuê một căn phòng trọ ở lại và dưỡng thai cho tới kỳ sinh nở. Lo sợ mất con lần nữa, chị nằm một chỗ, chỉ đi lại trong phòng, việc bếp núc có đứa em gái túc trực. Chồng chị cứ hai tuần lại xuống thăm vợ một lần.

Thai nhi đang đang bước vào tháng thứ 3, giai đoạn quyết định nhất nên chị Thanh vô cùng lo lắng, nhiều lúc giật mình hoảng sợ.

Căn phòng trọ hai giường có diện tích khoảng 25m2 của chị Thanh nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, Thành phố Hồ Chí Minh), ngay đối diện bệnh viện Từ Dũ. Ở đây, nếu có gì bất thường, chị có thể chạy sang bệnh viện kịp thời.

Hẻm hiếm muộn nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

2.Trong xóm hiếm muộn này, có hàng trăm phụ nữ đi tìm con. Họ từ khắp nơi đổ về, cùng chung một ước mơ, một đích đến. Căn phòng của chị H'Miên Niê (32 tuổi, ngụ Cư M'gar, Đắk Lắk) nằm dưới tầng trệt, chỉ vừa đủ kê một chiếc giường đơn nhưng đã có giá 4 triệu đồng/tháng. Đây là giá thấp nhất ở xóm trọ bà bầu. H'Miên là nông dân trồng cà phê, vì quá khát con mà phải vun vén, chắt bóp tiền bạc xuống đây "giữ con".

Khác với nhiều chị em, H'Miên đi tìm con chỉ một mình, cô không có chồng. 20 tuổi, H'Miên trải qua một cuộc hôn nhân không tình yêu. Sống với nhau được 6 năm, không có mụn con nào, anh chồng buồn chán đi "mèo mỡ" bên ngoài. Người đàn bà khác đã mang thai cho anh ta. H"Miên chấp nhận sự thật bởi cô hiểu rằng, lỗi do mình. Những mùa cà phê trên xứ Bazan không còn trù phú tươi tốt nữa, giá cả lao dốc mỗi năm. H'Miên rời buôn làng lên Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xin được một chân phục vụ trong nhà hàng. Gái quá thì, chưa một lần chửa đẻ vẫn còn đầy ma lực với cánh đàn ông. H'Miên phải lòng người tình hơn cô 15 tuổi, đã chia tay vợ.

Cả hai ập vào nhau, sống theo bản năng cho nhận và hoàn toàn yên tâm vì biết H'Miên không thể sinh con. Nhưng con cái là lộc trời, vào một ngày đông giá rét, chợt cô thấy trong người xốn xao, nôn nức khác thường. Cô đi bệnh viện khám thì biết mình có thai được hơn một tháng. H'Miên vui mừng thông báo cho "đối tác" biết, những tưởng người ta sẽ hoan hỷ nào ngờ H'Miên bị một trận lôi đình. "Cô chung chạ với thằng nào về bắt đền tôi à, cô bảo không còn khả năng sinh đẻ mà, giờ lại lòi ra có bầu thì ai tin", ông ta gầm vào mặt H'Miên.

Cô ngỡ ngàng, tuyệt vọng vì bị ruồng bỏ nhưng nghĩ đến đứa con đang lớn dần lên trong cơ thể của mình, H'Miên chợt lấp lánh hạnh phúc. Thai được 3 tháng thì bị động với bệnh thiếu máu. Để cứu con, H'Miên quyết định bán 3 sào cà phê được 120 triệu khăn gói xuống Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thăm khám, điều trị, bác sĩ chỉ định cô phải nghỉ ngơi, ăn dưỡng nhưng tốt nhất là nên ở gần bệnh viện để kịp thời xử lý mọi vấn đề.

Ở xóm trọ hiếm muộn, ai cũng thương hoàn cảnh của H'Miên khi cô chỉ có một mình, đơn độc và lẻ loi. Mỗi ngày, H'Miên nhờ chồng của bà chị cùng dãy trọ đi chợ mua đồ ăn. Chi phí thuê trọ, ăn uống mỗi tháng hết khoảng 8 triệu, đó là một khoản tiền không nhỏ với H'Miên. Cô cho biết, từ ngày có thai, bố mẹ không nói gì nhưng cũng chẳng có gì để giúp đỡ, chỉ động viên tinh thần thôi.

"Nếu như chục năm về trước, em không chồng mà có con thế này sẽ bị làng phạt vạ rất nặng, nhẹ cũng vài con heo, nặng là trâu, bò, chiêng ché. Bây giờ thì khác rồi, không còn hủ tục nặng nề nữa. Nhưng sinh con xong em sẽ không trở về buôn đâu, em ở lại thành phố kiếm việc làm nuôi con", H'Miên chia sẻ. Ánh mắt của H'Miên luôn lấp lánh khi nhắc về con, tôi hiểu, thiên chức làm mẹ của cô đã vượt trên tất cả, lấn át mọi nỗi đau, cơ cực và sự thù hận.

3. Thấy được hạnh phúc của cô gái Ê Đê sắp được làm mẹ, anh Nguyễn Văn Tự (42 tuổi, Quảng Ngãi) cứ trầm trồ xuýt xoa mãi. Chị Ngọc Lê, vợ anh Tự đang trong thời gian chọc trứng, đây chỉ mới là giai đoạn tiền đề cho việc cấy phôi nên chưa thể nói lên điều gì. Hy vọng thì có đấy, nhưng mong manh làm sao. Chị Lê đã lần thứ 3 "vượt ải", mà chưa lần nào thành công. Tiền của tan theo hy vọng. Anh Tự tâm sự, lần thứ hai thụ tinh trong ống nghiệm thành công, hai vợ chồng mừng rơi nước mắt. Khi cấy vào tử cung của chị Lê thì thai không phát triển nữa, là do cơ địa của người mẹ. Lần thứ 3 cấy phôi, chị Lê bị căng thẳng và lo lắng quá mà thất bại. Chị ôm lấy chồng, bảo: "Thôi anh bỏ em mà tìm người phụ nữ khác, đời này em không được làm mẹ rồi". Hai vợ chồng ôm nhau khóc, bất lực và tuyệt vọng choáng lấy tâm trí của họ.

Đầu năm nay, bố mẹ anh Tự đi xem bói ở đâu thầy phán gia đình sắp có thành viên mới, liền động viên anh chị đi tìm con một lần nữa. Thế là lại đi, chị Lê được động viên tinh thần rất lớn, bắt đầu nhen nhóm hy vọng trở lại.

Anh Tự thuê phòng một giường giá 5,2 triệu/tháng, giá này được chủ bao điện nước. Mỗi ngày anh đều đi chợ nấu ăn, tiết kiệm hết mức có thể. Để cho vợ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, anh cứ đi lang thang khắp nơi, ngồi vạ vật ở ghế đá, công viên, đêm về thì rải chiếu xuống gầm giường ngủ. "Cuộc sống ở hẻm hiếm muộn này chật chội, ngột ngạt, không có tiếng cười nhưng luôn đầy ắp hy vọng. Nhiều cặp vợ chồng đã có con từ những ngày tháng gian nan ở đây", anh Tự nói như để động viên chính mình.

Ngọc Hoa

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhung-nguoi-cho-con-o-xom-hiem-muon-588006/