Những người chê phim Bố già của Trấn Thành vì lẽ gì?

Mặc dù Bố già của Trấn Thành tạo nên cơn sốt phòng vé trong những ngày qua với nhiều lời khen ngợi từ cả giới chuyên môn và số đông công chúng. Nhưng doanh thu cao không có nghĩa là nó hay với tất cả.

Nói về những cái chưa được của Bố già, Trấn Thành chia sẻ với báo chí rằng: "Thời lượng 128 phút của phim là hơi dài. Tôi sẽ dựng phim ngắn lại nếu có cơ hội. Khi ra hiện trường, tôi quá ôm đồm, đồng thời làm đạo diễn, biên kịch và đóng chính. Tôi vừa diễn, vừa hướng dẫn người khác. Tôi quá cầu toàn, muốn mọi vai trong phim đều hay nên không thể ngừng quan sát, đưa ra những yêu cầu khắt khe. Có những lúc, tôi thấy Tuấn Trần diễn tốt chẳng hạn, tôi sẽ tập trung đẩy cảm xúc cho Tuấn, kết quả là tôi mất tâm lý. Tôi cảm nhận có những cảnh tôi diễn chưa trọn vẹn, thiếu cảm xúc. Tôi sẽ cố gắng khắc phục điều này".

Ngoài ra còn có một điểm được nhiều người nói đến ở khía cạnh chưa thành công của phim đó là hóa trang cho nhân vật Ba Sang.

Trấn Thành thừa nhận, có những cảnh anh diễn chưa trọn vẹn

Trấn Thành thừa nhận, có những cảnh anh diễn chưa trọn vẹn

Một khán giả sau khi xem phim cho biết: "Ai thích xem Bố già thì xem, riêng tôi khi nhìn hình ảnh hóa trang của Trấn Thành đóng vai người cha thì thấy giống kịch hơn là phim. Những năm sau này, thỉnh thoảng tôi cũng xem phim Việt Nam nhưng tôi chưa tìm được cảm xúc giống như khi xem những phim Việt nam ngày trước. Ngày nay, theo cảm nhận của tôi, các diễn viên đóng phim giống như đóng kịch rồi quay chiếu lại vậy. Thực sự thế hệ đóng phim sau này tài năng chưa tới, chỉ được cái ngoại hình bắt mắt vì được các thẩm mỹ viện chăm sóc quá kỹ".

Đi sâu hơn về nội dung, khán giả khác chia sẻ: "Một trong những mâu thuẫn chính của phim là 2 cha con quá thương nhau, tranh giành nhau để được hi sinh. Điều này rất ý nghĩa nhưng không phải là mâu thuẫn lớn, khiến câu chuyện trở nên yếu và gây cảm giác "làm quá" khi Ba Sang năm lần bảy lượt khước từ sự hi sinh của con trai Quắn".

Tạo hình ông bố lao động nghèo là chủ đề bàn tán nhiều khi phim công chiếu

Trên Facebook, khán giả có tài khoản Saomai Pham chia sẻ cảm nhận rằng chị đã phải ngừng giữa chừng khi xem Bố già: "Có hai người khiến tôi thấy không sao xem nổi phim này nữa. Người thứ nhất là Trấn Thành. Vâng, chính là Trấn Thành. Tôi không chịu nổi một ông bố đặc sân khấu lại đóng phim điện ảnh. Cái sự "sân khấu" từ diễn viên Trấn Thành hiển hiện ra từ hóa trang cho đến lối diễn phô và hời hợt bề nổi. Trấn Thành không làm cho tôi thấy được cái cốt của một người cha như mọi người cha trên thế gian này. Tôi chỉ thấy như Trấn Thành diễn minh họa cho một tiểu phẩm sân khấu mà thôi.

Người thứ hai là nhân vật người mẹ do Lê Giang đảm nhiệm. Tôi không thấy tố chất diễn viên của Lê Giang. Tôi không hiểu sao các nhà làm phim lại chọn Lê Giang bởi Lê Giang, dưới con mắt tôi, chỉ hợp với những gameshow truyền hình vui nhộn không đòi hỏi người chơi khả năng diễn xuất!

Một điều nữa, cũng chỉ là ý kiến cá nhân, khuôn mặt căng mẩy do không nhớ đã phẫu thuật thẩm mỹ đã bao nhiêu lần của Lê Giang mà vào vai một bà mẹ nghèo, xem chừng không thuyết phục!

Tôi chưa bắt gặp trong mình cái cảm giác áy náy khi không xem hết bộ phim này. Theo dõi thì thấy nhiều người khen. Nhưng tôi lại không khen. Thì đã sao nhỉ?".

Lê Giang phủ nhận chuyện thẩm mỹ nhiều thì không phù hợp đóng vai người nghèo

Cảm nhận của khán giả này sau đó đã trở thành câu hỏi "chất vấn" diễn viên Lê Giang. Phản hồi lại, Lê Giang chia sẻ: "Khán giả nghĩ Lê Giang sửa mặt hư nhưng mọi người hãy cứ xem từng phim Lê Giang đóng đi, sẽ nhận ra rằng tôi đóng nhân vật nào ra nhân vật đó, nét diễn giàu hay khổ đều ra hết. Quý vị đừng quan tâm mặt mũi mà hãy nhìn diễn xuất của Lê Giang. Tôi tin rằng nhân vật nào mình cũng sẽ diễn tốt.

Các đạo diễn đều biết Lê Giang phẫu thuật thẩm mỹ, nếu họ thấy tôi bị đơ thì chắc chắn sẽ không chọn. Phim điện ảnh thường lấy từng góc mặt nên khán giả có thể nhận ra những nét không tự nhiên của tôi. Thế nhưng, việc diễn xuất và phẫu thuật thẩm mỹ không liên quan đến nhau nên không thể nói diễn đơ vì phẫu thuật thẩm mỹ được. Diễn là do năng lực còn phẫu thuật là giúp mình xinh đẹp hơn mà thôi".

Và mặc dù phim đang "làm mưa làm gió" tại các rạp nhưng vẫn có không ít khán giả đứng ngoài "vòng xoáy" của Bố già, dù họ vẫn là người rất "nghiện phim". Đó là những trường hợp khán giả vốn mất niềm tin với phim Việt, từng bị "quả đắng" chỉ vì bị cuốn vào trào lưu khen ngợi. Hay với những khán giả đã xem quá nhiều phim ngoại thì với phim Việt nói chung, họ tự mặc định "không xem cho lành".

Như nghệ sĩ Chí Trung từng thẳng thắn phát biểu rằng anh không bao giờ xem phim Việt Nam, kể cả phim mình đóng. Thay vào đó, anh chỉ xem phim Mỹ, mà xem phim Mỹ rồi thì sẽ khó xem được phim nội.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: "Thực tế thì có nhiều người khá cực đoan trong thưởng thức nghệ thuật. Nhưng nhìn lại thì vẫn phải thừa nhận rằng những phim có doanh thu cao hiện nay mang nặng tính giải trí, không chạm được tới thân phận dân tộc, thân phận cá nhân trong một thời đại nhiều xô động... điều đó khiến những khán giả luôn tìm kiếm những triết lý sâu sắc trong một bộ phim không thỏa mãn với thực trạng các bộ phim Việt hiện nay.

Nhưng khó có thể trách các nhà làm phim tư nhân, bởi áp lực thu hồi vốn và có lãi để tái đầu tư là rất lớn. Trong khi đó những dự án có chiều sâu hơn về văn hóa và triết lý nhân sinh lại không phải ưu tiên của họ. Có nghĩa là chúng ta đang nói đến một sản phẩm điện ảnh đỉnh cao và nghiêm túc trong nội dung. Việc này lại phải chờ đến khi câu chuyện doanh thu không còn là một ám ảnh của nhà sản xuất phim nữa mới hy vọng một khả năng dẫn đến vinh quang ấy.

Trấn Thành có một mùa bội thu với Bố già

Ngoài ra, những yếu tố "bên lề" cũng tác động không nhỏ đến cảm xúc và quyết định đến rạp xem phim. Đó là "lời khen" mang tính kích động của Hồ Ngọc Hà "ai không xem phim này chứng tỏ sống rất hời hợt", cho đến phát ngôn của Trấn Thành: "Bộ phim của tôi càng thành công thì càng minh chứng cho việc người Việt có vấn đề trong tâm lý".

Tuy nhiên, sau đó, Trấn Thành livestream từ trang fanpage chính thức để giải thích và cho rằng câu nói bị đưa ra khỏi ngữ cảnh và đăng lên với ý tiêu cực, không đúng với dụng ý của anh khi phát ngôn. Nam diễn viên bức xúc: "Chữ tâm lý với tôi là tâm lý cần được giải tỏa giữa hai thế hệ, còn họ viết y như là người Việt Nam có vấn đề về thần kinh".

Với Bố già hay với bất kỳ một bộ phim nào cũng không tránh được vài cái sơ suất nhỏ. Có thể, những cảm xúc với cha mà khán giả đồng cảm với nhân vật Ba Sang, Quắn rồi cũng sẽ khiến họ quên phéng đi, hay hối lỗi với cha mẹ mình xong rồi lại lặp lại như thể chưa từng xem phim…. Nhưng được sống trọn vẹn với cảm xúc của phim trong từng ấy thời gian, cũng đủ quý giá và ý nghĩa rồi.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nhung-nguoi-che-phim-bo-gia-cua-tran-thanh-vi-le-gi-20210318151830669.htm