Những người 'chăn chiến mã' biển khơi

Chiếc tàu BP 08-01-01 của Hải đoàn 48 BĐBP rung nhẹ khi hệ thống phát điện và thông gió khởi động. Hầm tàu nóng hầm hập, những người lính kỹ thuật lau vội những giọt mồ hôi chảy trên má, cẩn trọng kiểm tra từng táp - lô điện, hệ thống ống nước, bơm thủy lực... Thiếu tá Phan Đức Tiến đang bảo dưỡng máy tàu Grip nói vui về công việc thường xuyên của người lính thợ: 'Ngày thứ 6, nếu vợ mình không ngửi thấy mùi dầu trên người chồng thì buồn lắm'.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ kiểm tra khoang máy. Ảnh: Lê Văn Chương

Chung thủy với Grip

Tàu tuần tra cao tốc Grip của BĐBP một thời là những con tàu uy lực trên biển cả. Tàu do Nga sản xuất, nhập nguyên chiếc. Và sau mấy chục năm tuần tra trên biển, những con tàu này vẫn bền bỉ bám trụ kiên cường ở biển khơi. Chăm sóc những con "chiến mã" này là những người lính thợ khá dày dạn kinh nghiệm cộng với thực tiễn tuần tra trên biển. Trong đó có những cán bộ hơn 20 năm chuyên phụ trách máy móc của tàu Grip.

Dưới hầm tàu chật chội và bốc mùi dầu mỡ, Thiếu tá Ngô Văn Hà chà nhẹ bàn tay lên nắp quy lát của máy tàu BP 08-01-01. Nước sơn đã mòn nhẹ, nhưng vẫn giữ được độ bóng và sạch sẽ. Thiếu tá Hà là người đã trải qua 3 tàu Grip. Anh cho biết, phương châm của lính thợ là "sáng lau sương, chiều lau bụi". Còn ngày thứ 6 thì toàn bộ anh em thực hiện ngày kỹ thuật, kiểm tra và lau chùi thật sạch sẽ, cho tàu nổ máy chạy không tải.

So với các tàu hiện đại thời nay, Grip kém hơn ở hệ thống tự động hóa, báo các thông số qua hệ thống đồng hồ tại ca bin. Nhưng về tốc độ thì con tàu này vẫn lao như tên bắn trên biển và ngang với tàu cao tốc hiện đại, đạt 32 hải lý/giờ. Tàu Grip có khoang hầm chật, 2 chiếc máy chính đã choán gần hết diện tích. Khi máy nổ, cả khoang hầm dường như bị đông đặc bởi âm thanh gào thét từ 2 cỗ máy có công suất 1.100 mã lực.

Máy tàu Grip có điểm khác biệt, đó là nắp quy - lát trên lốc máy được đặt nằm nghiêng. Hệ thống nước làm mát và ống dẫn nhớt của bơm thủy lực đều nằm lộ thiên. Sau mấy chục năm sử dụng, ống dẫn thường bị bục, mặt bích tại các điểm kết nối rất dễ bị rò rỉ. Với những đặc điểm trên, công việc của những người lính thợ bảo hành máy Grip vất vả hơn.

Thiếu tá Ngô Văn Hà có thâm niên 22 năm vận hành máy tàu Grip nở nụ cười trên khuôn mặt đầy mồ hôi và dầu mỡ. Anh cho biết: "Tàu Grip khác với các tàu tuần tra thông thường, đó là khi vận hành thì luôn có 2 người túc trực dưới khoang máy có nhiệt độ cao và tiếng ồn lớn. Máy trưởng thì đứng ở vị trí trên ca bin, cạnh thuyền trưởng để nhận và phát lệnh. Phải có chuyên môn tốt, cộng với kinh nghiệm thực tiễn thì mới nhận và phát lệnh được. Ví dụ như hỏng rơ le nhiên liệu thì phải kiểm tra từng mạch điện rồi khắc phục".

"Thuần hóa ngựa biển"

Tiếng chuông trên tàu kéo một hồi dài, phát lệnh đi biển. Những bước chân rầm rập khắp các ngóc ngách trên con tàu. Thuyền trưởng tàu BP 08-98-01 dùng chuông báo động và dùng loa "toàn tàu làm công tác chuẩn bị rời bến, các đồng chí về vị trí chuẩn bị". Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ, Máy trưởng tàu báo cáo to: "Ngành 5, quân số 3... ngành 5 đã chuẩn bị xong... báo cáo, hệ thống động cơ và máy điện hoạt động bình thường... ngành 5 cho nổ 2 máy chính".

Máy chính chưa hoạt động tăng công suất, nhưng dưới hầm tàu đã phát ra âm thanh chói tai. Tiếng tua bin tăng áp hút khí cho máy vận hành tăng tốc 1.500 vòng/phút. Khi tua bin này hoạt động lên đến 4.500 vòng/phút thì âm thanh càng đinh tai, nhức óc, đó là chưa kể 2 chiếc máy tàu như 2 chú voi đang nằm ngủ, bị đánh thức nên bật dậy quăng vòi, gầm rú.

Từ lúc phát lệnh cho đến khi tàu nhổ neo, tàu BP 08-98-01 vận hành khá trơn tru và không có sự cố gì. Thông thường, các tàu tuần tra hay bị chạm mạch ở các bảng tấp lô điện, do không khí và gió biển làm cho các mối nối nhanh bị rỉ sét, gây mất nguồn điện khiến cả tàu đứng khựng lại và rơi vào trạng thái treo lơ lửng trên sóng, tất cả kim đồng hồ giật lùi.

Vuốt ve chiếc lốc máy còn mới cứng, Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ cho biết: "So ra thì con này khá hơn, mới hơn máy Grip bên cạnh. Anh em trên tàu nắm được những nhược điểm nhỏ nên khắc phục thường xuyên, giúp cho tàu vận hành tốt. Khi có lệnh là cho tàu lên đường ngay. Khi đi biển gặp sóng gió thì cả tàu và người đều an toàn". Theo kinh nghiệm của ngành 5 trên tàu, cứ định kỳ hằng tuần, vào ngày kỹ thuật, các tấp lô điện được tháo rời, phun chất keo RB7 lên bề mặt để phá hủy muối và rỉ đang chớm hình thành, sau đó kéo dây hơi xịt để thổi bay các bụi ô xy hóa. Nhờ chăm sóc tốt nên tàu luôn vận hành ổn định.

Tàu BP 08-98-01 hiện tại được nâng cấp, trang bị 4 máy, 2 máy chính Cumin của Mỹ là KTA 38-M2, công suất 1.500 mã lực/máy. Có 2 máy phụ là Kinopa 40 mã lực và máy Oclan của Mỹ, công suất 50 mã lực để phát điện cho toàn tàu. Theo định kỳ, tàu phải thay bầu lọc gió máy Cumin, giá thành 2.000USD/cái. Đồng chí Sinh, trợ lý kỹ thuật đã sáng kiến, tự làm ra bầu lọc gió bằng lưới mịn, thay cho bầu lọc gió bằng giấy xốp. Nhờ đó, đơn vị không tốn tiền mua thiết bị này.

Vợ cũng "nghiện" mùi... dầu

"Phải có chuyên môn tốt, cộng với kinh nghiệm thực tiễn", chỉ một câu nói ngắn, nhưng đó là sự đúc kết từ rất nhiều chuyến đi. Trong một chuyến công tác, ống dầu hồi nằm gần ống xả đột ngột bị nứt vỡ. Dầu phun ra gặp nhiệt độ cao nên bốc khói. Đó là tình huống nguy hiểm dễ gây hỏa hoạn. Anh em đã vật lộn trong đống dầu và cố gắng khắc phục sự cố.

Chị Phan Thị Ngọc Hà, vợ Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ đã quá quen với mùi dầu ngày thứ 6 của chồng. Anh Đệ cho biết: "Mình cưới vợ năm 2006, vợ quê ở Bình Định. Suốt 10 năm rồi, vợ mình cũng quen mùi ngày thứ 6 của chồng. Gần như là phản xạ có điều kiện. Nếu thứ 6 mà không nghe mùi dầu thì vợ em buồn thiu".

Lính ngành 5 trên tàu được anh em kể lại, phần lớn đều có gia đình rất hạnh phúc. Theo anh em, nhiều lúc vợ nói gì thì chồng cũng gật chứ không lắc đầu. Chồng luôn nhất trí cao. Đó chỉ là câu chuyện vui để liên hệ đến bệnh nghề nghiệp của lính ngành 5 sau mỗi phiên tuần tra trở về. Thiếu tá Phan Đức Tiến, quê ở tỉnh Bình Định cho biết: "Có hồi đi tuần tra về phải mất 2 ngày mới trở lại trạng thái bình thường. Dù mình đeo miếng bịt tai và nhét bông, nhưng tai vẫn "điếc" tới 2 ngày. Vì chui dưới hầm tàu bằng sắt, chịu tiếng vọng rất lớn của máy. Khi về nhà thì vợ nói gì, mình cũng gật đầu".

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-chan-chien-ma-bien-khoi/