Những 'người cha' biên phòng

Chương trình 'Nâng bước em đến trường', những 'bữa cơm tình thương' được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai thực hiện đã góp phần ươm mầm tương lai cho hàng trăm học sinh, con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi biên cương Tổ quốc.

Đại tá Vũ Trung Kiên, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Gia Lai, cho biết: "Từ năm 2013, đơn vị đã triển khai chương trình trên, đến nay có gần 100 học sinh được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em, 16 em được nuôi ăn học, hàng trăm em được hỗ trợ sách vở, quần áo, phương tiện đến trường. Mục tiêu của chương trình là giúp đỡ các em học sinh vùng biên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học để có tương lai tươi sáng, sau này góp phần xây dựng và bảo vệ biên cương...".

Đến vùng biên giới huyện Đức Cơ, đối diện Trường THCS Nguyễn Trãi là “ngôi nhà quân dân”. Chung sống trong ngôi nhà ấm cúng đó là 16 con em của đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng biên giới Gia Lai với những “người cha chung” là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 (BĐBP tỉnh Gia Lai). Chứng kiến những bữa cơm quây quần ấm áp, những buổi lên lớp của các thầy giáo quân hàm xanh, những câu chuyện và nụ cười của các em… chúng tôi càng hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của việc nhận “con nuôi biên phòng”.

Bữa cơm ấm cúng trong ngôi nhà chung ở Đồn Biên phòng 721.

Trung tá Bùi Quốc Chính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 721, bộc bạch: "Với mong muốn không để cái nghèo cản bước việc học của các em học sinh vùng biên, thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường”, cùng với quyên góp, ủng hộ quần áo, sách vở, từ tháng 4-2013, đơn vị chúng tôi xây dựng “Bếp ăn tình thương” dành cho 16 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để duy trì bếp ăn, hằng tháng, mỗi cán bộ chỉ huy đồn tự nguyện đóng góp 200.000 đồng; mỗi sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ủng hộ 100.000 đồng, giúp các em có những bữa ăn no đủ".

Trò chuyện với chúng tôi, em H’Win, học sinh Lớp 7 Trường THCS Nguyễn Trãi, kể: “Cháu được 8 tháng tuổi thì mẹ mất. Ba cháu đi lấy vợ. Cháu sống cùng chị Rơ Ma H’Sương trong ngôi nhà tạm. Từ năm 2012, khi biết hoàn cảnh của cháu, các chú bộ đội Đồn Biên phòng 721 đã đến nhà động viên cháu tới trường học tập và nhận nuôi dưỡng cháu. Không phụ công ơn những người cha BĐBP đã quan tâm chăm lo, dạy dỗ, cháu luôn cố gắng học tập và kết quả các năm qua đều đạt giỏi. Cháu đã được ra Hà Nội, vinh dự được gặp các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được tặng quà".

Xế chiều, trời se lạnh cũng là lúc chúng tôi đến Đồn Biên phòng 717. Ba con nuôi của đơn vị gồm: Siu H’Ly (ở làng Cúc), Kpuih Hiếu (làng Kloong) và Rơ Lan H’Ly (làng Mít Chép) đều ở vùng biên của huyện Ia Grai. Chúng tôi được biết Kpuih Hiếu và Rơ Lan H’Ly mồ côi từ nhỏ, gia đình khó khăn, được BĐBP nhận nuôi dưỡng từ năm 2014. Còn Siu H’Ly đã làm "con nuôi” của đồn từ năm 2006. Vì nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, bố mẹ H’Ly vượt biên sang Campuchia. Khi chiếc thuyền bị lật, cha, mẹ và em trai H’Ly bị dòng nước cuốn trôi, H’Ly được bộ đội Đồn Biên phòng 717 kịp thời cứu sống. Thương hoàn cảnh của H’Ly, Đồn Biên phòng 717 đã xin với làng nhận em làm con nuôi.

Không chỉ như những người cha tận tụy, người mẹ tảo tần, cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn là những thầy giáo hết lòng vì sự tiến bộ, trưởng thành của các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới. Tâm sự với chúng tôi, các em đều bày tỏ: Chúng em sẽ không bao giờ quên công ơn của những "người cha biên phòng" đã chăm lo cho mình từ thuở ấu thơ.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/nhung-nguoi-cha-bien-phong-563075