Những người cảnh báo sớm đậu mùa khỉ sẽ lây lan toàn cầu

Một chuyên gia giám sát dịch bệnh người Nigeria cùng nhà dịch tễ học ở Mỹ đã theo dõi bệnh đậu mùa khỉ trong nhiều năm và cảnh báo nó sẽ lây lan toàn cầu.

 Adesola Yinka-Ogunleye từng điều hành cuộc chiến chống đậu mùa khỉ tại Nigeria năm 2017. Ảnh: Nature.

Adesola Yinka-Ogunleye từng điều hành cuộc chiến chống đậu mùa khỉ tại Nigeria năm 2017. Ảnh: Nature.

Vào tháng 5, khi đậu mùa khỉ bắt đầu lan rộng khắp châu Âu và nhiều nước khác, các chuyên gia y tế công cộng rất ngạc nhiên. Nhưng đối với các nhà nghiên cứu đã theo dõi, nghiên cứu căn bệnh này trong nhiều năm ở Trung và Tây Phi, điều gây sốc duy nhất là mức độ chính xác của dự đoán họ từng đưa ra.

Adesola Yinka-Ogunleye, nhà dịch tễ học tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria (NCDC) ở Abuja, cho biết: “Chúng tôi luôn cảnh báo trong hoàn cảnh thuận lợi, giống như những gì đã dẫn đến đợt bùng phát này, đậu mùa khỉ có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu”. Yinka-Ogunleye từng là chuyên gia chỉ đạo cuộc chiến chống đậu mùa khỉ năm 2017 tại Nigeria.

Năm 2022, hơn 80.000 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận tại hơn 100 quốc gia. Nó là lời nhắc nhở cho hậu quả của việc phớt lờ cảnh báo. Các nhà khoa học như Yinka-Ogunleye và nhà dịch tễ học Anne Rimoin, người đã nghiên cứu về các đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) từ năm 2002, đã tích lũy nhiều thập kỷ kinh nghiệm điều tra cách thức virus lây lan.

Nghiên cứu thực địa của họ cung cấp thông tin cho phản ứng toàn cầu, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá. Rimoin, làm việc tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), cho biết họ còn cần đi tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề.

Nature đã nói chuyện với cả hai nhà nghiên cứu để hiểu cách virus xâm nhập vào châu Phi và việc cần làm để ngăn chặn bệnh lây lan, bùng phát trên toàn cầu trong tương lai.

Căn bệnh bí ẩn

Tháng 9/2017, Yinka-Ogunleye và nhóm của cô tới Bayelsa ở miền Nam Nigeria để điều tra nguyên nhân khiến một số người xuất hiện phát ban ở da nhưng không thể điều trị. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ những người này mắc đậu mùa khỉ - loại virus liên quan đến variola (virus gây bệnh đậu mùa).

Tuy nhiên, Nigeria không ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ trong khoảng 40 năm. Do đó, đây là tình trạng mà các bác sĩ và sinh viên y khoa vào thời đó chưa bao giờ gặp phải. Trên cơ sở các triệu chứng họ thấy, trước tiên, các nhà nghiên cứu loại trừ bệnh đậu mùa.

Song Nigeria chưa thể tự xét nghiệm và sẽ mất vài tuần. Trong khi đó, thông tin vụ việc bị rò rỉ và công chúng bắt đầu lo lắng về cuộc khủng hoảng y tế tiềm tàng. Áp lực ngày càng lớn buộc nhóm NCDC phải lên tiếng ngay cả khi không có tất cả sự thật. Vì vậy, các nhà khoa học quyết định lên sóng radio, công khai thảo luận về căn bệnh, cho rằng nguyên nhân nằm ở virus đậu mùa khỉ. Họ khuyên người dân đến gặp họ nếu có bất kỳ triệu chứng nào.

Lần đó, nhóm chuyên gia đánh cược thắng. Họ không chỉ xác định đúng nguồn bệnh mà còn thúc đẩy việc phát hiện các ca mắc trong cộng đồng. Trong một năm, họ xác định 122 trường hợp mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ, 7 ca trong số đó tử vong.

Gần 70% trường hợp là nam giới, nhiều người trong số họ là người lớn, cho thấy khả năng miễn dịch do vaccine đậu mùa mang lại vào những năm 1980 đang suy yếu ở nhóm này. Nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu lý do đậu mùa khỉ đột ngột xuất hiện trở lại ở Nigeria sau một thời gian dài. Hóa ra, căn bệnh này chưa bao giờ thực sự biến mất.

Yinka-Ogunleye nói: “Vào thời điểm đó, chúng tôi phát hiện có lẽ mình đã bỏ lỡ một số ca mắc trước năm 2017”. Một trong những bác sĩ da liễu nói chuyện với nhóm NCDC đã mô tả những trường hợp tương tự mà cô từng xử lý nhưng không nghĩ họ mắc đậu mùa khỉ. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng virus này có thể là đặc hữu ở Nigeria.

Yinka-Ogunleye thúc đẩy cải thiện việc theo dõi bệnh ở người và xác định các ổ chứa động vật nghi ngờ. “Cô ấy đã làm rất nhiều để điều phối cuộc chống dịch. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều từ cô ấy”, Odianosen Ehikhamenor, quản lý sự cố tại Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Bệnh đậu mùa khỉ của NCDC, cho biết.

Trong khi đó, sau gần một thập kỷ làm việc trong lĩnh vực này, Yinka-Ogunleye đang học tiến sĩ về Dịch tễ học và Sức khỏe toàn cầu tại Đại học College London.

Khác biệt trong chính bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ ở DRC đã đi theo một quỹ đạo khác với ở Nigeria. Chủng lưu hành ở DRC bắt nguồn từ một “nhánh” virus nguy hiểm hơn, đồng thời cơ sở hạ tầng y tế của DRC cũng kém hơn nhiều. Kể từ những năm 1980, đất nước này ghi nhận hàng nghìn trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ và hàng trăm ca tử vong vì căn bệnh này.

Tính đến năm 2022, Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Congo báo cáo hơn 4.500 trường hợp mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ cùng 155 trường hợp tử vong. Mặc dù DRC thiếu nguồn lực phòng thí nghiệm đủ để xác nhận hầu hết trường hợp, Rimoin đã nỗ lực để thay đổi điều đó trong hai thập kỷ qua.

Anne Rimoin đã nghiên cứu dịch tễ học ở Cộng hòa Dân chủ Congo trong 20 năm. Ảnh: Nature.

Cô ấy đến với lĩnh vực y tế đầy bất ngờ. Cô học chuyên ngành Lịch sử châu Phi, làm luận án về vụ ám sát Patrice Lumumba (Thủ tướng đầu tiên của DRC). Khi tìm hiểu thêm về văn hóa và chính trị nước này, Rimoin bắt đầu quan tâm đến cách để có thể giúp đỡ người dân nơi đây.

Sau khi tốt nghiệp ngành Lịch sử, Rimoin lấy bằng thạc sĩ về Y tế công cộng rồi đến bằng tiến sĩ Dịch tễ học tại trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, Maryland, Mỹ. Từ đó, cô chuyên tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi cùng với các đồng nghiệp ở DRC. Cô cho biết mục tiêu của mình là hợp tác và hỗ trợ “những nhà khoa học đáng kinh ngạc này”.

Kể từ năm 2002, Rimoin đã tích cực tham gia hỗ trợ nhân viên y tế và nhà nghiên cứu tại DRC cải thiện việc xét nghiệm, giám sát và nghiên cứu, đồng thời hỗ trợ các quan chức từ các quốc gia và khu vực châu Phi khác thông qua chương trình Đào tạo và Nghiên cứu Y tế của UCLA–DRC do cô thành lập. Sáng kiến này đào tạo các nhà dịch tễ học từ Mỹ và DRC để tiến hành nghiên cứu bệnh truyền nhiễm trong môi trường hậu cần phức tạp, nguồn lực thấp.

Placide Mbala, người đứng đầu bộ phận dịch tễ học và sức khỏe toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia ở Kinshasa, cho biết: “Cô ấy là nhà khoa học giỏi với kinh nghiệm thực địa tuyệt vời, đặc biệt về bệnh đậu mùa khỉ. Cô rất cởi mở với những ý tưởng và đề xuất mới".

Khi có tin tức về các trường hợp ca mắc đậu mùa khỉ du nhập vào Vương quốc Anh, Rimoin nói rằng cô không ngạc nhiên. Cô thường cảnh báo thế giới dễ bị nhiễm loại virus này do ngừng các chương trình tiêm phòng bệnh đậu mùa. (Khác với đậu mùa, đậu mùa khỉ không thể bị loại bỏ vì sự tồn tại của các ổ chứa động vật). Cô thường xuyên thảo luận về cách virus có thể lây lan ra ngoài châu Phi.

Lây lan thầm lặng

Với việc Tổ chức Y tế Thế giới coi đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, Yinka-Ogunleye và Rimoin cho hay nhu cầu nghiên cứu về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này ở châu Phi chưa bao giờ lớn đến vậy. Đậu mùa khỉ lưu hành ở ít nhất 8 quốc gia, bao gồm Benin, Cameroon, Ghana, Liberia. Trong đợt bùng phát này, những nước trên cùng nhiều quốc gia ở các lục địa khác đã ghi nhận ca mắc.

Yinka-Ogunleye nói các nghiên cứu về mức độ phổ biến của huyết thanh - số người có kháng thể với virus - là ưu tiên chính để hiểu mức độ thực sự của đợt bùng phát ở Nigeria và khắp châu Phi. Theo chuyên gia, điều này sẽ tiết lộ tỷ lệ những người đã phơi nhiễm.

Yinka-Ogunleye và Rimoin đồng ý về sự cần thiết phải hỗ trợ nhiều hơn cho việc giám sát dịch bệnh, bao gồm cả chẩn đoán trong phòng thí nghiệm. Ở DRC, việc vận chuyển các mẫu từ bất kỳ nơi nào có ca bệnh đến một thành phố lớn như Kinshasa là rất khó, nếu không muốn nói là không thể.

Rimoin cũng kêu gọi các nguồn lực tốt hơn để giúp giải quyết dịch tễ học và hệ sinh thái của virus ở tất cả vùng lưu hành.

Theo cô, con người còn cần tìm hiểu nhiều điều, bao gồm thời gian miễn dịch từ những lần mắc bệnh trước kéo dài bao lâu, các yếu tố rủi ro dẫn đến hậu quả xấu, bản chất lây truyền từ người sang người và tính ổn định của virus trên các bề mặt trong các môi trường khác nhau. Rimoin nói rằng mặc dù vẫn còn một chặng đường để đi, cô hy vọng mạng lưới cộng tác viên của mình và việc triển khai các nghiên cứu sâu hơn sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-canh-bao-som-dau-mua-khi-se-lay-lan-toan-cau-post1380687.html