Những người biết cười

1.Sân khấu kịch Idecaf trước giờ biểu diễn tầm mười phút. Người soát vé ân cần hướng dẫn người xem vào đúng ghế của mình. Đèn khán phòng tắt. Trong bóng tối, ông vẫn đưa khán giả vào trễ đến chỗ ngồi chính xác. Tôi nghĩ rằng nếu như các nhân viên dựng cảnh được cấp một loại huân chương đặc biệt dành cho những người lao động trong bóng tối thì người soát vé cũng xứng đáng được một chiếc.

Tôi có dịp quan sát ông. “Người canh gác chuẩn mực” - tôi đặt cho ông biệt danh này vì những gì toát lên từ bản thân ông. Áo sơ mi trắng tay dài cài khuy đóng thùng với quần tây đen phẳng phiu, tóc chải gọn gàng, tay phải nhẹ nhàng đón lấy tấm vé trên tay khán giả, miệng mỉm cười. Nếu gặp khán giả quen, ông sẽ cười tươi hơn một chút.

Khi các diễn viên khóc cười trên sân khấu, ông đứng sát cửa ra vào lớn, lặng lẽ bao quát khán phòng, kịp thời nhắc nhở khán giả nghe điện thoại hoặc ăn quà, nhã nhặn và nhẫn nại. “Nói phải củ cải cũng nghe”, tôi chưa thấy ai phàn nàn hay cự nự lại ông (trong khi một đồng nghiệp trẻ tuổi của ông thường cho mình cái quyền lớn tiếng và chỉ tay vào khán giả vi phạm nội quy khán phòng). Thời gian “nhàn rỗi”, ông dõi theo các lớp diễn trên sân khấu, cười khẽ khàng hoặc nhíu mày cùng mạch kịch. Tôi tự hỏi ông đã xem mỗi vở diễn biết bao lần, sao có thể giàu cảm xúc đến vậy? Gần hai mươi năm nay, với tôi, ông là một phần không thể thiếu của không gian văn hóa Idecaf.

2. Khách sạn Knott’s Berry Farm buổi sáng đầu tuần, ô tô ra vào tấp nập. Người gác cổng luôn miệng hỏi mục đích vào khách sạn của khách và chỉ dẫn hướng quẹo xe phù hợp. Miệng tươi cười, ông liên tục chúc khách một ngày tốt lành. Nắng lên cao, ông cởi chiếc áo vest, choàng lên thành ghế bên trong buồng trực. Thấy tôi đứng chờ xe, ông hỏi: “Cô có muốn tôi giúp chụp ảnh trước khách sạn không, để đỡ sốt ruột?”. “Dạ, dĩ nhiên rồi. Nhưng sau đó ông cho tôi hỏi vài câu được không?”. “Được chứ, nếu như không có xe ra vào!”.

Tôi thấy ông mỉm cười với tất cả khách ra vào khách sạn. Có phải đó là quy định của khách sạn đối với nhân viên không?

Không có quy định rõ ràng, nhưng tôi thấy nụ cười giúp mình đỡ mệt hơn thì sao lại không cười! Với lại, tôi yêu công việc của mình lắm!

Ông có cười với người thân của mình đều đặn như vậy không?

Luôn luôn. Một lát hết ca, tôi sẽ cười với vợ. Vợ tôi làm ở khu nhà hàng bên trong khách sạn. Đến chiều thì tôi được cười với bốn đứa con nữa. Tôi rất, rất yêu gia đình của mình.

Tôi có thể chụp ảnh ông không?

Dĩ nhiên là được, nhưng để tôi mặc áo vest vào đã! Mà nè, cô cũng cười lên đi, dù việc chờ đợi xứng đáng cho mình nhăn nhó.

Những lời dung dị của người gác cổng tặng cho tôi nguồn vui suốt ngày hôm đó. Yêu quý và mỉm cười với công việc cũng như gia đình của mình - điều tưởng chừng đơn giản nhưng tôi biết có rất nhiều người không làm được hoặc làm thất thường. Tôi nghĩ người soát vé hay người gác cổng kia không hề nhận được một lời động viên nào là phải cười với khách hàng, càng không được trả thù lao thêm cho nụ cười và tác phong thân thiện của mình. Nét tươi vui toát lên từ tâm hồn họ chứ không cứng đơ, cơ học hay ở thế... phải cười. Vì chân thành nên có giá trị truyền cảm hứng cho người khác một cách tự nhiên, nhẹ nhõm.

3. Thật đáng buồn khi vẫn có không ít người cho rằng vị trí nghề nghiệp của mình quan trọng, tự tô trát một gương mặt tượng sáp. “Gồng” riết thành quen, nụ cười bay biến lúc nào không biết, chừng muốn tìm lại chắc gượng gạo, khó khăn. Vậy nên, có một dạo, hàng loạt cơ quan hành chính phải tổ chức tuyên truyền về ích lợi của nụ cười, thậm chí mời chuyên gia về dạy viên chức... cười. Nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng mấy.

Trộm nghĩ, ngay cả những nguyên thủ quốc gia mà vẫn rạng rỡ hết cỡ với mọi người thì không ai là không thể tạo cho mình những nụ cười đúng nơi, đúng lúc trong công việc. Có những nghề nghiệp xem nụ cười là tiêu chí sống còn. Cũng có những công việc mà nếu “làm mặt ngầu” thì cũng chẳng ai thắc mắc gì. Nhưng phần lớn nhân viên hải quan ở Mỹ mà tôi có dịp tiếp xúc đã không “làm mặt ngầu”. Tay thoăn thoắt, mắt kỹ lưỡng kiểm tra từng gói cà phê, lọ mỹ phẩm trong hành lý xách tay của khách, vậy mà miệng vẫn không quên mỉm cười, thậm chí bông đùa hoặc hỏi han: “Ái chà, gói chocolate này mua ở Costco phải không? Tôi cũng mê hiệu này lắm!”. “Ngày hôm nay của cô thế nào? Ổn à? Chỉ ổn thôi sao, thật tiếc khi biết cô chỉ ổn thôi. Ngày mai sẽ tuyệt nhé!”, “Cảm ơn vì đã cho phép tôi mở giỏ”... Dẫu biết cung cách ấy được đào tạo bài bản thì cảm giác vẫn đỡ căng thẳng hẳn. Không chỉ cười với khách, họ còn cười với nhau.

Diễm Trang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276325/nhung-nguoi-biet-cuoi-.html