Những người 'bắt mạch' sông Hồng

'Cứ qua mỗi mùa lũ là một kỷ niệm, thêm kinh nghiệm sống để hiểu rõ hơn về công việc mình đang làm. Cũng 30 năm gắn bó với nghề 'bắt mạch' sông Hồng rồi đấy, nơi đây đã trở thành một phần trong cuộc đời quan trắc viên của tôi'. Đó là những tâm sự của anh Nguyễn Siêu Hậu, Trưởng trạm thủy văn Sơn Tây, Hà Nội.

Có mặt tại trạm thủy văn Sơn Tây khi mà cơn bão số 4 đang gây mưa lớn cho các tỉnh phía Bắc, cũng như nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng ở hạ lưu dâng lên cao, chúng tôi cảm nhận được những cống hiến âm thầm lặng lẽ, những con người miệt mài, say mê với công việc quan trắc viên thủy văn.

Như các quan trắc viên khác mà tôi từng gặp, anh Hậu điềm đạm, ít nói, thi thoảng cười mỉm khá duyên, có lẽ đó là đặc thù nghề nghiệp đã tạo cho họ tính cách như vậy.

Sông Hồng những ngày nước dâng cao do ảnh hưởng của bão

Sông Hồng những ngày nước dâng cao do ảnh hưởng của bão

Với sự chân tình, anh chị em tại trạm thủy văn Sơn Tây đã kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề và cả những kỷ niệm, biến cố không thể nào quên trong cuộc đời người quan trắc viên. Trạm khí tượng và trạm thủy văn đều có điểm chung là các "ốp" (osb) cách nhau 3 giờ đồng hồ vào các khung giờ 1h, 4h,7h... và tùy theo diễn biến thời tiết mà việc cập nhật số liệu phải thường xuyên hơn.

Khác với trạm khí tượng phải đối mặt với nguy hiểm giông gió, sấm sét... trạm thủy văn phải đối mặt với hiểm nguy từ những cơn bão lũ. Những ngày lũ lên nhanh, trạm thủy văn huy động tối đa cán bộ để vừa đo lưu lượng nước, nhiệt độ nước, phù sa, tốc độ dòng chảy...

Lũ càng cao, mưa càng lớn thì việc cập nhật dữ liệu càng phải thường xuyên, mà muốn có những con số ấy, người quan trắc viên phải ra sông đo đạc khi mà dòng nước dữ như muốn nuốt trọn cả tàu và người.

Anh Nguyễn Siêu Hậu, Trưởng trạm thủy văn Sơn Tây đang lấy mẫu nước

30 năm gắn bó gắn bó với nghiệp quan trắc, anh Nguyễn Siêu Hậu, Trưởng trạm thủy văn Sơn Tây không nhớ hết những khó khăn, bao nhiêu lần đối mặt với nguy hiểm, sợ hãi, lo lắng trước sự khủng khiếp của thiên nhiên.

Anh Hậu cho biết, do đặc thù cảnh báo phòng chống thiên tai, nên cả nhân viên khí tượng và thủy văn những ngày mưa bão này thật sự vất vả. Bình thường mọi người nhìn thấy anh em có vẻ nhàn đấy, nhưng khi bão về anh em trạm thủy văn căng mình với công việc, đối mặt với hiểm nguy mà ít ai hình dung được. Như năm 2006, một cơn bão rất lớn ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, mưa to gió lớn, cây cối gãy đổ, mất điện diện rộng, tất cả các phương án dự phòng đều phải dùng đến, trong đó việc bảo quản neo, đậu tàu xuồng được anh em trạm thay nhau cắt cử trông tàu suốt đêm.

Quan trắc viên đang thực hiện việc lấy mẫu

Cũng trong khoảng thời gian đó, trạm được cấp máy đo mới trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tàu xuồng của trạm lúc ấy không phải dùng cho máy đo ấy, do đó anh em trạm gia cố vào mạn tàu để làm việc, khi đang ở gữa dòng nước xiết, chiếc máy đo bị các cành cây, gỗ mục trên sông va vào mạnh đến nỗi cần gá văng ra, rất may thuyền trưởng tàu đã kịp thời xử lý để không xảy ra tổn thất.

"Nghề thủy văn cần sự hỗ trợ rất nhiều từ máy móc thiết bị, do đó quan trắc viên luôn có ý thức rất cao trong việc bảo vệ những dụng cụ không thể thiếu được trong nghề'', anh Hậu chia sẻ.

Việc lấy mẫu phù sa và thu thập số liệu được xử lý ngay trên tàu, đảm bảo tính cập nhật

"Mới" vào trạm được 5 năm, anh Phan Thành Dũng, thuyền trưởng, phụ trách tàu xuồng của trạm có vẻ là người khá kiệm lời, nhưng khi lái tàu và làm nhiệm vụ "ốp'' 16h anh Dũng nhiệt tình, hăng hái thực hiện việc lấy mẫu nước, mẫu phù sa rất nhanh nhẹn, dứt khoát.

May mắn khi chúng tôi được các anh cho đi theo đoàn lên tàu lấy mẫu, tận mắt thấy dòng nước lũ và những xoáy nước cuồn cuộn, mới thấy được sự nguy hiểm vất vả của nghề thủy văn. Anh Dũng vừa phải đảm bảo tàu thăng bằng vừa tránh những "ụ" cây, rác trôi tự do trên sông.

Anh Dũng kể, có lần sau khi đã thực hiện xong việc lấy dự liệu "ốp" đêm, anh ngủ trực trên tàu, trong giấc ngủ chập chờn tự dưng thấy có gì khác lạ, giật mình choàng dậy thấy tàu đang bị trôi theo dòng nước. Ngay khi phát hiện sự việc anh phán đoán dây cáp mũi neo tầu đã bị đứt khiến tàu trôi xa vị trí trực, sau đó được sự giúp đỡ của anh em trạm, sự cố được xử lí nhanh chóng.

Quan trắc viên Trần Thị Hồng Hạnh đi đo nhiệt độ nước, mực nước dưới sông lúc 16h

Mới đó đã xong "ốp" 16h, mặt trời trước bão đang dần lặn xuống để lại vệt dài những gợn nước óng ánh vàng đỏ, cả đoàn trở về trạm hoàn tất những công việc còn lại. Khi mặt trời vừa lặn thì cũng là lúc anh em ăn cơm xong, mọi sinh hoạt ở đây đều chuẩn chỉnh như quân đội vì giờ trực lấy số liệu phải đúng từng giây.

19h, trời tối đen như mực, chúng tôi theo chân quan trắc viên Trần Thị Hồng Hạnh đi đo lượng mưa và đo nhiệt độ nước, mực nước dưới sông. Đường từ trạm xuống sông chỉ có khoảng vài chục bậc cầu thang nhưng khá dốc, trơn trượt. Chỉ thấy lấp loáng ánh đèn pin di chuyển, chẳng mấy chốc chị Hạnh đã xuống đến khu vực lấy mẫu nước dưới sông.

Chị Hạnh chia sẻ, mỗi lần đi đo cũng "hãi" lắm, do ở đây cây cối khá rậm rạp, nhiều hôm vừa bước được mấy bậc nhìn thấy rắn hổ mang phun phì phì ngay bên cạnh, lúc đó thật sự lo lắng, chỉ sợ nó cắn, cũng may chưa lần nào gặp tình huống xấu nhất, rồi mọi chuyện cũng quen.

Chị Hạnh thực hiện nhiệm vụ trong "ốp" 19h

Chị Hạnh kể, vào trạm đã 11 năm nay, có những ngày, ngoài trời mưa như trút nước, sét đánh ầm ầm nhưng cứ đúng giờ đó vẫn cùng anh em phải thực hiện ca trực. Bằng mọi cách phải có dữ liệu gửi đi, mới đầu đến đây thấy giông bão kinh quá cứ trùm áo mưa chạy một mạch lên trạm, cũng sợ bị sét đánh nhưng sợ vẫn phải hoàn thành công việc.

Chị Hạnh và chồng (cũng là một quan trắc viên trạm thủy văn Sơn Tây) được cơ quan tạo điều kiện cho ở khu nhà công vụ, đó là dãy nhà cấp 4 đã cũ kĩ, dần xuống cấp. Có lẽ vì cùng nghề nên anh chị hiểu và chia sẻ với nhau những khó khăn trong nghề.

Sau thời gian cho công việc, chị Hạnh dành thời gian cho gia đình

Công việc bình thường cứ đều đều như thế, đôi khi còn phải đối mặt với hiểm nguy... Nhưng khi được hỏi có khi nào các anh muốn chuyển nghề không? thì tất cả những quan trắc viên ở đây đều cho rằng chưa ai có ý định chuyển nghề cả, lí do đơn giản chỉ là nghề thủy văn như cái "nghiệp" vận vào người, không "dứt" ra được!

Trạm thủy văn Sơn Tây đã thực hiện sứ mạnh quan trắc số liệu cũng hơn 100 năm qua, rất nhiều quan trắc viên đã đến và đi, người nhiều kinh nghiệm truyền lại những những lớp người kế cận, để rồi họ vẫn ngày đêm miệt mài với công việc "đếm lũ, đo mưa".

“Để trưởng thành và trở thành những quan trắc viên khí tượng thủy văn là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện. Quan trọng hơn cả, mình phải có đam mê. Việc mình làm tuy thầm lặng nhưng lại có đóng góp cho cộng đồng. Mỗi bản tin dự báo chính xác giúp cho người dân kịp chuẩn bị đối phó, các cơ quan chức năng có những biện pháp phòng chống thiên tai chủ động. Chúng tôi tự hào như thấy sức góp của mình trong đó", anh Hậu chia sẻ.

Minh Phương - Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-nguoi-bat-mach-song-hong-112030.html