Những người bạn Fisherman Japan

Thành lập ngày 27.8.2014, Fisherman Japan không chỉ là ngư dân từ Miyagi, mà còn là chuyên viên, chuyên gia đến từ khắp nước Nhật, với mong muốn đóng góp năng lực chuyên môn để vực dậy nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản theo cách làm hoàn toàn mới.

Là tỉnh ven biển, Miyagi có đến 142 cảng cá, thuộc một trong những ngư trường hấp dẫn của thế giới. Cơn sóng thần ập đến, Miyagi nằm gần tâm chấn nhất nên nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản gần như trở về số 0 sau ngày 11.3.2011. Những nỗ lực của chính phủ vực dậy nghề cá, với công việc tái thiết cảng, xây dựng các nhà máy chế biến hải sản, quy hoạch khu vực nuôi trồng được gấp rút thực hiện. Riêng với ngư dân trong cuộc, nhiều người bỏ nghề, phần vì cao tuổi, phần ngại đối mặt với thiên tai tương tự, ngành thủy sản Miyagi đứng trước khủng hoảng lao động chưa từng có. Những ngư dân thế hệ mới của Miyagi đã tạo lập Fisherman Japan với nỗ lực thay đổi quan điểm nghề cá, cũng như tạo hoạt động hấp dẫn thu hút người trẻ không chỉ riêng trong tỉnh, mà toàn nước Nhật.

Fisherman Japan - bạn là ai?

Trong những chuyến đến Miyagi tham gia khảo sát địa danh chịu thiệt hại nặng nề từ sóng thần như Ishinomaki, Minamisanriku, Kesennuma, Shiogama... luôn có các tình nguyện viên với bộ đồng phục in hình mỏ neo cách điệu từ hai chữ F - J (Fisherman Japan) đồng hành. Họ cũng đi gặp từng nạn nhân sóng thần, phỏng vấn, tìm đến các cơ sở hải sản, tham quan dây chuyền sản xuất, nếm thử sản phẩm... mỗi công đoạn đều được ghi chép, chụp hình cẩn trọng.

Kỹ sư nông nghiệp Yusuke Nomura (đứng, trái) và Mayuko Iwasa (đứng, phải) cùng các thành viên Fisherman Japan

Kỹ sư nông nghiệp Yusuke Nomura (đứng, trái) và Mayuko Iwasa (đứng, phải) cùng các thành viên Fisherman Japan

Mayuko Iwasa - nhân viên kế toán đến từ Tokyo, thành viên Fisherman Japan trong chuyến đến Ishinomaki hôm ấy, cho biết: “Công ty cho tôi nghỉ bốn tháng và vẫn trả lương đầy đủ để tôi đi tình nguyện, giúp doanh nghiệp hải sản phát triển sản phẩm ra thị trường ngoài nước. Tôi muốn hỗ trợ ngư dân xuất khẩu hải sản nên công việc của tôi chủ yếu là gặp gỡ, nghe họ giới thiệu về sản phẩm, chủng loại, sau đó viết báo cáo hoặc giới thiệu ngắn để tiếp thị với khách hàng từ bên ngoài, khi có mối quan tâm họ sẽ liên hệ với doanh nghiệp hải sản hoặc ngư dân, Fisherman Japan đóng vai trò cầu nối giúp hai bên làm việc tốt với nhau”.

Điểm mấu chốt ở Fisherman Japan là nhận được sự chung tay từ cộng đồng, từ các tổ chức, doanh nghiệp khắp nước Nhật khi cho phép nhân viên của mình vắng mặt trong nhiều tháng, đến Miyagi với vai trò tình nguyện viên, tham gia các hoạt động gắn với chuyên môn ở Fisherman Japan nhưng vẫn hưởng lương công ty. Cách thức tình nguyện giúp đỡ nạn nhân sóng thần bằng đóng góp công sức, năng lực chuyên môn từng cá nhân như Fisherman Japan được người dân nhiệt tình đón nhận.

Takahashi giới thiệu với du khách nghề nuôi sò điệp ở vịnh Sanriku

Bạn đồng hành cùng chuyến đến Ishinomaki hôm ấy còn có kỹ sư nông nghiệp Yusuke Nomura đến từ Kagoshima, anh giúp ngư dân nuôi trồng rong biển theo kỹ thuật mới và phát triển sản phẩm. Yusuke kể chuyện mình gia nhập Fisherman Japan: “Rong biển là ngành nuôi trồng phát triển mạnh ở Miyagi, nhưng khi sóng thần cuốn đi hết, ngư dân phải làm lại từ đầu. Tôi tình nguyện đến với ngư dân để tư vấn cách bố trí nuôi trồng sao cho hiệu quả, hợp lý, khoa học, tránh chuyện tự phát, tràn lan, dẫn đến chậm thu hoạch và sản phẩm kém chất lượng”.

Cầu nối cho tương lai

Bên cạnh những dự án Fisherman Japan thực hiện, một trong những yếu tố quan trọng nhất các thành viên của nhóm theo đuổi, là phát huy tính kế thừa của nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Shunsuke Akama - trưởng nhóm Fisherman Japan kể: “Ngư dân truyền thống của Nhật đang già đi rất nhanh, trong khi tính kế thừa lại thiếu hụt. Người già vốn bảo thủ, chúng tôi phải thuyết phục họ thay đổi lối suy nghĩ trong đánh bắt, nuôi trồng, bằng cách đưa nhiều tình nguyện viên là chuyên gia đến nói chuyện, khơi mở việc không chỉ chuyên tâm đánh bắt, mà còn phải nghĩ đến sản phẩm và nhu cầu người tiêu dùng. Ngư dân không chỉ biết khai thác, mà còn phải nắm vững nhu cầu thị trường, nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa. Những hoạt động như vậy tạo lập một hình ảnh mới về nghề cá, thu hút thêm người mới vào nghề để duy trì và phát triển thế mạnh hải sản không chỉ riêng vùng Tohoku mà cả nước Nhật”.

Naoya Takahashi trên ngư trường của mình ở Minamisanriku

Tìm đến đại bản doanh của Fisherman Japan ngay vịnh biển Sanriku, các thành viên Fisherman Japan tiếp đón khách phương xa bằng một hành trình trải nghiệm thú vị. Naoya Takahashi - ngư dân nuôi sò điệp lái chiếc tàu câu đưa mọi người ra vùng vịnh Minamisanriku tham quan nơi nuôi sò, vui vẻ chia sẻ: “Biển ở đây phục hồi nhanh, tôi vẫn theo nghề cũ nuôi sò điệp. Nhưng từ khi gia nhập Fisherman Japan, bản thân thay đổi rất nhiều, trước đây nhút nhát lắm, giờ được học thêm nhiều kỹ thuật nuôi trồng mới, được đi giới thiệu sản phẩm khắp nơi, học về cách thức quản lý, điều hành doanh nghiệp nên cảm thấy tự tin hơn khi nói trước đám đông để giới thiệu về sản phẩm”.

Hành trình trải nghiệm làm ngư dân với Takahashi cũng đang là một dự án phát triển du lịch mà Fisherman Japan thực hiện. Các thành viên Fisherman Japan, mỗi người mỗi chuyên môn về nghề cá sẽ hướng dẫn du khách các hành trình tham quan cụ thể, cho lữ khách tìm hiểu, cảm nhận, trải nghiệm và nếm thử những món hải sản đặc hữu ở phần cuối hành trình bằng một bữa tiệc nướng những thứ vừa đánh bắt được tại vịnh biển Minamisanriku.

Một buổi trải nghiệm đặc sản do các thành viên Fisherman Japan cung cấp

Ở Fisherman Japan, các thành viên nòng cốt hiện có hơn 30 người, đều là những ngư dân, người nuôi sò điệp, nuôi hàu, người khai thác cá hồi, mực, trồng rong biển, chủ cửa hàng cá tươi... Trước khi có sóng thần, mọi người tự hoạt động đơn lẻ không ai biết ai, việc mua bán đều do thương lái đến quyết định chất lượng sản phẩm và định giá, ngư dân không có lựa chọn khác. Khi Fisherman Japan ra đời, các thành viên tự định giá cho từng dòng sản phẩm cụ thể, và luôn cao hơn so với thị trường, có khi lên đến hơn 25%. Kazuki Doai - Trưởng Phòng Kinh doanh quốc tế của Fisherman Japan lý giải: “Chúng tôi biết định hướng sản phẩm của mình vào các thị trường nhất định, do vậy việc mua bán gần như diễn ra trực tiếp giữa nguồn cung và cầu. Giá cả cao hơn, chất lượng được chúng tôi đảm bảo, nhưng cũng đồng thời là thách thức cho mọi thành viên trong nhóm phải cố gắng hết mình, bởi khi nhận giá tiền cao, phải ý thức đáp trả bằng sản phẩm chất lượng tương xứng”.

Các thành viên Fisherman Japan gặp gỡ nạn nhân sóng thần 2011 ở Minamisanriku

Với những bước đi vững chắc, dựa trên những hoạt động cụ thể, thiết thực của từng thành viên Fisherman Japan và nỗ lực của cả cộng đồng, Akihiro Fujisawa - Ban thư ký của Fisherman Japan tiết lộ mục tiêu của nhóm: “Chúng tôi hoạch định đến năm 2024 Fisherman Japan sẽ đạt mốc 1.000 thành viên. Hiện thị trường tiêu thụ của chúng tôi có ở Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam, tương lai sẽ mở rộng sang EU và châu Mỹ”.

Bốn dự án Fisherman Japan đang thực hiện:

1. “Dự án Triton” - Hỗ trợ những người muốn trở thành ngư dân, tạo lập không gian làm việc, không gian tìm hiểu về nghề cá, tạo cơ hội việc làm, tạo thu nhập, kết nối và làm việc cùng ngư dân địa phương.

2. “Dự án Wazake” - Tập trung quảng bá cá hồi Nhật Bản trong và ngoài nước.

3. “Dự án Fisherman BBQ” - mở cửa hàng tháng ở Kawasaki để giới thiệu hải sản ngon nhất từ các thành viên của Fisherman Japan.

3. “Hợp tác với ABC Cooking Studio” - cung cấp nguyên liệu đến lớp học nấu ăn của chương trình ẩm thực nổi tiếng ABC nhằm giới thiệu sản vật vùng Tohoku.

Bài và ảnh: Lam Phong

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-nguoi-ban-fisherman-japan-16080.html