Những ngọn lửa gìn giữ tình hữu nghị Việt Nam -Liên bang Nga

Yêu nước Nga qua những tác phẩm văn học để từ đó trở thành một phiên dịch viên tiếng Nga, rồi làm thầy giáo dạy tiếng Nga; yêu nước Nga qua âm nhạc, điện ảnh dù chưa một lần tới đất nước bạch dương; yêu nước Nga với 32 năm gắn bó làm công tác Hội... mỗi cá nhân ấy là một ngọn lửa nhỏ bền bỉ xây đắp 70 năm quan hệ hữu nghị hai nước.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn, Ủy viên Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga:

Nhà lưu niệm Văn học Nga ở Việt Nam là tình cảm của tôi với nước Nga

“Tôi rất xúc động khi tham dự sự kiện nhân Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô/ Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (23/5/1950 - 23/5/2020) và chào mừng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga. Tình yêu với nước Nga trong tôi được bồi đắp theo năm tháng. Từ khi còn nhỏ tôi đã nghe nói đến Liên Xô từ những bài thơ “Lão đầy tớ” - Tố Hữu rồi từ những câu văn trong bài ký về “Lòng yêu nước” của nhà văn Ilia Erenbua: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…” Những tình cảm đó, theo đuổi mãi suốt cuộc đời của tôi”.

"Tôi gắn bó với nước Nga rất tình cờ. Tôi bắt đầu đi học để trở thành một phiên dịch viên tiếng Nga, rồi làm thầy giáo dạy tiếng Nga trong 3 năm sau đó đi làm biên tập sách văn học Nga. Từ đó đến năm 1998, tôi gắn bó với văn học Nga, hiện, tôi phụ trách Quỹ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga trong đó có bộ sách do Tổng thống Nga tặng cho bạn đọc Việt Nam”.

Tôi tích lũy tình yêu với nước Nga qua công trình Nhà lưu niệm Văn học Nga ở Việt Nam. Nhà lưu niệm này được khai trương nhân kỷ niệm 65 năm thành lập quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga. Đây là Nhà lưu niệm văn học Nga đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt hơn, lại được xây dựng trên đất Bắc Ninh, tại làng (nay là phường) Phù Lưu, Từ Sơn – quê hương của dịch giả. Từ năm 2015 đến nay, Nhà lưu niệm luôn luôn được bổ sung những kỷ vật rất quý báu như: cuốn sách “Tắt đèn” – Ngô Tất Tố được dịch ra tiếng Nga năm 1955. “Tôi nghĩ rằng những tư liệu đó, những kỷ vật đó là vô giá. Tôi có hy vọng, mong muốn để lại những tình cảm, những tích lũy của mình đối với văn học Nga, văn hóa Nga và nhân dân Nga qua những kỷ vật của Nhà lưu niệm Văn học Nga tại Việt Nam”.

Bà Nguyễn Hạnh An (Nha Trang) - Hội viên Hội hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga:

Tôi yêu nước Nga

Từ bé thơ tôi đã nghe bài hát “Đôi bờ” và đem lòng yêu mến nước Nga. Trong quá trình đi học, tình cảm với nước trong tôi Nga dần dần được bồi đắp qua âm nhạc, điện ảnh, văn học. Dẫu chưa một lần đến nước Nga nhưng tôi vẫn thầm yêu rừng bạch dương, tuyết trắng, búp bê Matrioshka, đàn balalaika...

Nhân Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô/ Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (23/5/1950 - 23/5/2020) và chào mừng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga, tôi đã vượt 1.300 km từ thành phố Nha Trang ra Hà Nội. Tôi yêu Việt Nam nên chọn di chuyển bằng tàu để có thể nhìn ngắm vẻ đẹp của quê hương đất nước mình. Đây cũng là dịp để tôi được gặp lại các bạn Việt Nam, Liên bang Nga.

Tôi luôn mong muốn một lần được đến nước Nga!

Ông Đặng Hữu, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga:

Vẫn vẹn nguyên một tình yêu nước Nga

Giáo sư Đặng Hữu cùng phu nhân Chu Anh Đào.

Giáo sư Đặng Hữu cùng phu nhân Chu Anh Đào.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hữu là vị Chủ tịch có một không hai trong lịch sử Hội Hữu nghị Việt – Xô/Việt – Nga: ông làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Xô từ năm 1988 và sau khi Liên Xô tan rã, ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt – Nga.

Ông Đặng Hữu cho biết, trong những năm lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt – Xô và Hội Hữu nghị Việt – Nga, ông đã có mối quan hệ thắm tình đồng chí, anh em trong sáng với các vị lãnh đạo Hội Hữu nghị với Việt Nam của nước bạn, như Anh hùng phi công vũ trụ Ghéc-man Ti-tốp và ông Ép-ghe-ni Gla-du-nốp cũng như nhiều vị khác trong Hội Hữu nghị và trong các bộ, ngành của Liên Xô, Nga. Ông cũng chia sẻ rằng, Hội Hữu nghị Việt – Xô những năm đó hoạt động rất thuận lợi, bởi vì Liên Xô nói chung và Hội Hữu nghị Xô – Việt nói riêng đã hết lòng ủng hộ, giúp đỡ Hội Hữu nghị Việt – Xô về mọi mặt, đồng thời, tình cảm mà nhân dân hai nước dành cho nhau hết sức nồng ấm, chân thành.

Đang ở tuổi 90, chân chậm, sức khỏe hạn chế, nhưng Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô/ Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (23/5/1950 - 23/5/2020) và chào mừng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga với ông là dấu mốc rất quan trọng, một hoạt động ý nghĩa trong hành trình làm đối ngoại nhân dân của ông.

Anh Vũ

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhung-ngon-lua-gin-giu-tinh-huu-nghi-viet-nam-lien-bang-nga-111242.html