Những 'ngọn đuốc Hà Nhì' soi sáng rừng cực Tây

Ngày nay nhiều người đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và biết đây là nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam (cực Tây Tổ quốc); là ngã ba biên giới tiếp giáp Việt – Lào – Trung, nơi một tiếng gà ba nước cùng nghe; là nơi cộng đồng dân cư sinh sống 100% là người Hà Nhì... Nhưng có lẽ ít người biết, ở mảnh đất tận cùng đất nước này, có một dòng họ - dòng họ Pờ là một trong những ngọn đuốc đầu tiên soi sáng con đường cách mạng về với bản làng.

Ông Pờ Dần Xinh thượng cờ ở cực Tây Tổ quốc.

Từ ấy... 65 năm trước

Cho đến tận bây giờ, chẳng cứ gì người miền xuôi, hay ngay người ở Lai Châu – Điện Biên, khi nói đến Mường Tè – Mường Nhé (trước 2004 là một huyện) cũng hầu như đều lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng người ta sợ Mường Tè – Mường Nhé một thì còn sợ những địa danh như Sín Thầu, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Nà Hỳ, Na Cô Sa, Tà Tổng, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Pa Vệ Sủ... 10 lần nữa. Những địa danh ấy luôn ám bởi sự kinh hoàng của những con đường xuyên rừng, ngược núi, vượt sông... xa xôi đến tận cùng trời, cuối đất. Sín Thầu trước năm 2004 thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ, là nơi “sơn cùng thủy tận” của miền Tây Bắc khi cách thủ đô Hà Nội tới hơn 800km và khi ấy đường ôtô chỉ đi được khoảng 550km, còn lại là đi bộ. Xã Sín Thầu cũng là điểm cực Tây, nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời có cột mốc số 0 trên đỉnh Khoang La San cao 1.864m, là nơi giáp ranh biên giới 3 nước. Ngược dòng lịch sử hơn 60 năm trước, Sín Thầu khi ấy là xã Xính Phình thuộc huyện Mường Tè, cách tỉnh lỵ Lai Châu tới hơn 300km và muốn ra tỉnh phải đi bộ cả tháng trời...

Ông Pờ Pố Chứ, một trong những đảng viên đầu tiên ở vùng đất ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung (ảnh tư liệu)

Vậy nhưng từ năm 1953, nơi đây chàng thanh niên dân tộc Hà Nhì là Pờ Pố Chừ ở bản Tả Lao San đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1954, bộ đội ta giải phóng Mường Tè. Năm 1959, Đồn Công an vũ trang Leng Su Sìn (bây giờ là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn) được thành lập, Thiếu úy công an vũ trang Trần Văn Thọ đến Xính Phình thành lập hợp tác xã Phù Bì, giúp bà con trồng lúa, cai nghiện thuốc phiện. Trần Văn Thọ cùng với các thanh niên Hà Nhì: Pờ Pố Chừ, Pờ Xừ Pao, Lý Nhù Xá, Chang Pố Hừ tổ chức thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở vùng đất ngã ba biên giới - Chi bộ Trung Thầu. Lúc này ở Xính Phình có tới 100% đàn ông nghiện thuốc phiện, tỷ lệ này ở phụ nữ là trên 60%, những đảng viên đầu tiên ấy cùng với Thiếu úy Trần Văn Thọ đã tìm ra nguyên nhân là vì người dân vẫn trồng cây thuốc phiện, chữa bệnh gì cũng dùng thuốc phiện. Họ cùng nhau vận động bà con bỏ thuốc phiện để có sức khỏe lao động. Rồi họ chia nhau tổ chức tách các nhóm người nghiện ra để cai. Dần dần người Hà Nhì bắt đầu hiểu ra tác hại của thuốc phiện và từng người quyết tâm bỏ... Năm 1961 Thiếu úy Trần Văn Thọ hy sinh vì bệnh sốt rét rừng (năm 1967 anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đầu tiên của bộ đội biên phòng). Từ lúc này vai trò, trách nhiệm và tầm ảnh hưởng của Pờ Pố Chừ càng trở nên quan trọng. Ông trở thành một trong những đảng viên đầu tiên, rồi làm Phó chủ tịch UBND xã Sín Thầu nhiều năm, ông có 11 người con thì 7 người là đảng viên.

Đảng viên ưu tú

Người con trai cả của ông Pờ Pố Chứ là Pờ Xí Tài sau này đã thay cha, nhiều năm là đảng viên, thủ lĩnh của đồng bào Hà Nhì vùng cực Tây Tổ quốc. Năm 1968 quân đội ta cùng bộ đội Pa Thét Lào mở chiến dịch 800 tiễu phỉ trên toàn tuyến biên giới Bắc Lào và vùng ngã ba biên giới. Trong chiến dịch ấy, xã Sín Thầu đã cung cấp gần 2/3 số gạo phục vụ chiến đấu... Ban công an xã khi đó có 25 người, Pờ Xí Tài chính là trưởng ban. Thậm chí khi truy quét tàn quân phỉ qua suối Mo Phí, Pờ Xí Tài thu giữ hàng ki-lô-gam vàng nhưng đều mang về nộp cho chính quyền cách mạng... Chiến công tiễu phỉ của họ đã được ghi nhận khi năm 1973 Ban công an xã Sín Thầu được nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND... Suốt 16 năm là cán bộ công an huyện Mường Tè (cũ) biệt phái làm Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, Pờ Xì Tài thực sự là trụ cột, thủ lĩnh của cộng đồng người Hà Nhì ở vùng cực Tây, từ bảo vệ biên cương, chống phỉ, diệt giặc đói, giặc dốt, tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng, giác ngộ đồng bào bảo vệ quê hương, giữ gìn chế độ, phát triển sản xuất, đưa cuộc sống đi lên từng ngày. Ông mất năm 2013 trong sự tiếc thương vô hạn của quân và dân Sín Thầu.

Ban công an xã Sín Thầu nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973, “thủ lĩnh” Pờ Xí Tài mặc áo đen thứ 3 từ phải sang (ảnh tư liệu).

Bí thư của những cái nhất, đó là cách đồng bào thường nói về Pờ Dần Xinh, người con trai thứ 5 của cụ Pờ Pố Chừ, người giữ một kỷ lục đặc biệt: Là người đầu tiên được đi học và học hết trung học phổ thông của vùng đất "thâm sơn cùng cốc" này. Năm 1973, với tầm nhìn xa thấy tầm quan trọng của cái chữ, cụ Pờ Pố Chừ và anh cả Pờ Xí Tài đã kiên quyết bắt Pờ Dần Xinh, khi đó 13 tuổi phải đi học. Pờ Dần Xinh được bố và anh trai dẫn đi bộ vượt rừng hơn 200km, qua thượng nguồn sông Đà để tới huyện lỵ Mường Tè đi học lớp 1. Lứa học sinh ra tỉnh học cùng ông khi đó có 37 người, nhưng nghỉ hè về họ bỏ học hết, còn mình Pờ Dần Xinh ở lại học. Những người đi học như ông còn bị dân bản chê cười là lười lao động, cần gì cái chữ mà vẫn cứ sống đó thôi... Năm 1976, Pờ Dần Xinh lại chuyển về huyện Tuần Giáo học tiếp đến năm 1983 thì xong lớp 12 và trở thành người đầu tiên ở vùng đất ngã ba biên giới có trình độ học vấn cao như vậy. Cuối năm 1983, Pờ Dần Xinh về làm Bí thư Đoàn thanh niên kiêm Trưởng ban Lao động-Thương binh-Xã hội của xã Sín Thầu, đến năm 1989, ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an xã. Ông đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đảng sau khi lập một chiến công đặc biệt. Năm 1987, một ngày trời mưa to nên lũ đổ về suối Mo Phí cuồn cuộn. Đang trên đường ra ủy ban xã, Pờ Dần Xinh nghe tiếng kêu thét thảm thiết của dân bản. Anh vội vàng chạy ra thì thấy hàng chục người đang đuổi theo một bóng trẻ em, cậu bé Lý Pó Lè bị lũ cuốn chới với dưới suối. Không chút do dự, Pờ Dần Xinh lao mình xuống dòng suối dữ, tóm được cậu bé rồi đưa được em bé vào bờ trong tiếng hoan hô vang dội của dân bản. Sự kiện chàng công an xã dũng cảm cứu người khiến cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả huyện cảm phục. Pờ Dần Xinh được Thường vụ Huyện ủy quyết định kết nạp đảng ngay, hồ sơ thủ tục hoàn thiện sau.

Trong gần 20 năm là Chủ tịch UBND rồi Bí thư đảng ủy xã, Pờ Dần Xinh đã lãnh đạo bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ tệ nạn và không ngừng học tập. Ông là người đầu tiên dựng ngôi nhà ngói ở cực Tây Tổ quốc vào năm 1994 để đến nay 100% nhà ở Sín Thầu là nhà ngói và lợp tôn. Ông là người đầu tiên mua xe gắn máy năm 2005, một chiếc Future mới coong, trước cả khi có đường vào xã, phải gửi ngoài bản xa để phục vụ đi công tác. Ông là người đầu tiên đào ao nuôi cá năm 2006 trong sự thắc mắc của nhiều người vì họ nghĩ, muốn ăn cá cứ ra suối Mo Phí, Păm Pơi... chứ cần gì phải nuôi... Ông là người đầu tiên có con trai tốt nghiệp đại học năm 2009, đó là Pờ Hùng Sang, nay là huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé. Gia đình ông hiện có ba bố con đều là đảng viên... Pờ Dần Xinh nghỉ hưu năm 2015 nhưng ông vẫn là một nghệ nhân Hà Nhì ưu tú, một “già làng” uy tín bậc nhất ở Sín Thầu.

Những người giữ lửa

Từ sau những năm 2000, Sín Thầu nằm ở một trong địa bàn phức tạp nhất cả nước về di cư tự do và truyền đạo trái phép. Thế nhưng từ nhiều năm qua, đây là xã duy nhất trong huyện đã chuyển từ 4 không (không điện, không đường giao thông, không đường trường học, không trạm y tế) trở thành 4 không (không có người nghiện, không truyền đạo, không di cư tự do và không phá rừng). Để có được thành quả ấy, không thể không nhắc đến một dòng họ đảng viên như những ngọn đuốc đầu tiên soi sáng núi rừng cực Tây: Dòng họ Pờ. Họ là những người giữ ngọn lửa cách mạng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong gia đình cụ Pờ Pố Chừ, người con thứ hai là Pờ Gia Tự đi bộ đội bị thương trở về tham gia công tác chính quyền, từng làm Phó chánh án TAND huyện Mường Tè. Người con thứ ba là Pờ Á Sinh, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Sín Thầu. Người con thứ tư là Pờ Diệp Sàng, nhiều năm là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, nguyên Phó trưởng ban Dân vận tỉnh Điện Biên. Người con thứ 5 là Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu gần 20 năm. Người con thứ 6 là Pờ Dần Sơn, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Sín Thầu. Người con gái út thứ 7 là Pờ Mỳ Ly, hiện là Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé. Dòng họ Pờ nổi tiếng không chỉ vì sớm giác ngộ cách mạng, kiên trung, tài giỏi mà còn rất nhiều người phấn đấu thành cán bộ, đảng viên. Cả xã Sín Thầu chỉ có hơn 1.200 nhân khẩu nhưng dòng họ Pờ đã có tới 30 đảng viên. Những người họ Pờ hôm nay đều phấn đấu, rèn luyện tốt, được cấp ủy, chính quyền các cấp tin tưởng giao nhiều trọng trách: Pờ Pò Xá, cán bộ xã Sín Thầu hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thượng tá Pờ Chí Lình, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mường Nhé. Dòng họ còn có 3 ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé là: Pờ Diệu Ninh (Phó chủ tịch UBND huyện), Pờ Hùng Sang (Bí thư Huyện đoàn) và Pờ Mỳ Lế (Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu). 5 đảng viên là lãnh đạo xã; 4 lãnh đạo cấp phòng của huyện, một lãnh đạo cấp phòng của tỉnh. Đảng viên cao tuổi nhất trong dòng họ hiện còn sống là ông Pờ Á Sinh, sinh năm 1953, có 35 năm tuổi Đảng.

Bữa cơm ngày Tết Hà Nhì trong gia đình họ Pờ.

Tiếp bước cha anh, nhiều con cháu của dòng họ Pờ sau này đều phấn đấu để sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng, như: Pờ Bạch Thiện đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị, được kết nạp Đảng khi 21 tuổi; Pờ Go Nhà, Pờ Hùng Sang, Pờ Bạch Long, Pờ Bạch Quân, Pờ Diệu Ninh, Pờ Bạch Phượng... là cán bộ, sĩ quan quân đội, công an và đều được kết nạp Đảng khi 22 tuổi. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Lê Thành Đô chia sẻ, dòng họ Pờ ở Sín Thầu đã hun đúc, phát huy truyền thống suốt hơn nửa thế kỷ qua, thật sự là một dòng họ cách mạng, góp phần xây dựng, tập hợp các tộc người khác ở vùng biên giới đoàn kết đi theo Đảng, xây dựng và bảo vệ vùng biên giới ngày một thêm bình yên, no ấm. Đó là một dòng họ giữ lửa.

HOÀNG GIANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/nhung-ngon-duoc-ha-nhi-soi-sang-rung-cuc-tay-615993.ldo