Những ngôi làng 'ngâm chân' trong lũ sông Lam: Bài 1 – Sau lũy tre gai xù xì

Nước ở vùng hạ lưu sông Lam dâng cao dần sau mấy trận mưa lớn đầu nguồn, liếm dần những thửa ruộng thấp.

Cách đó hơn trăm mét, bên trong dãy tre gai ken dày, bà Nguyễn Thị Liên (61 tuổi, trú ở Xóm 2, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cùng với vài người bạn láng giềng vừa canh chừng mực nước vừa trò chuyện rôm rả.
Vẻ bình thản của những người dân sống ở vùng bãi ngoài đê Tả Lam trước sự gầm gào đe dọa của thần nước khiến những vị khách Hà Nội ngạc nhiên.
Con người gan góc
Xã Hưng Lợi có diện tích 7,66 km2 với dân số gần 4.000 người. Đây là một trong 18 đơn vị hành chính của của huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và hoàn toàn nằm ngoài đê Tả Lam.
Ngôi nhà gỗ gọn gàng của bà Nguyễn Thị Liên và ông Trần Văn Tình chỉ cách con đê Tả Lam vài trăm mét, nhưng khoảng cách từ mảnh vườn của ông bà đến con sông Cả (một cách gọi khác của sông Lam) còn gần hơn.

Ngôi nhà được cơi một chòi cao phía sau làm nơi cất trữ lương thực, thực phẩm và là nơi tránh trú an toàn trong mùa lũ. Ảnh: Ảnh: Văn Oanh-TTXVN

Ngôi nhà được cơi một chòi cao phía sau làm nơi cất trữ lương thực, thực phẩm và là nơi tránh trú an toàn trong mùa lũ. Ảnh: Ảnh: Văn Oanh-TTXVN

Khúc sông Cả chảy qua xã Hưng Lợi thuộc phần hạ lưu của Lam giang - con sông dài tới 531 km (đoạn chảy qua lãnh thổ Lào dài 170 km) và chỉ còn hơn 20 km nữa là tới Cửa Hội, nơi dòng nước hòa vào biển cả.
Khối không khí Xích Đạo Thái Bình Dương với hướng gió Đông Nam hoạt động mạnh từ tháng 5 đến tháng 10 (mạnh nhất vào tháng 9, 10), kết hợp với bão và áp thấp, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh gây mưa trên diện rộng tạo nên lũ lụt nghiêm trọng trên toàn bộ lưu vực sông Lam.
Vào đầu mùa mưa - tháng 5, tháng 6, do hoạt động mạnh của gió Tín Phong Bắc Bán Cầu và gió mùa Tây Nam gây nên lũ tiểu mãn tại hạ du sông Lam. Dù lũ tiểu mãn không kéo dài, lượng lũ không lớn nhưng cường suất lũ lên nhanh cũng gây tổn thất nặng nề cho các vùng bãi ven sông như trận lũ tháng 5/1989.

Lũ chính vụ bắt đầu từ tháng 8 trở đi, nhất là vào tháng 10. Lũ lớn là do các hoạt động liên tục của các hình thế thời tiết gây mưa to và đặc biệt là do ảnh hưởng của bão. Mưa gây lũ đặc biệt lớn trên sông Lam thường kéo dài hơn một tuần liền.
Là xã cuối cùng nằm ở ngoài đê phía hạ du, Hưng Lợi chịu ảnh hưởng nặng nhất của cả lũ tiểu mãn lẫn lũ chính vụ. Theo cách tính của bà con Xóm 2 thì vài ba năm địa phương gánh một trận lũ nhỡ, khoảng mười năm có một trận lụt to đến rất to.
Sống chung với lũ trở thành chuyện thường niên ở xã. Trong trí nhớ của bà Liên đến hôm nay chỉ còn in đậm dấu ấn của hai trận lụt lịch sử diễn ra vào tháng 10/1978, tháng 10/1988 và trận "sóng thần" tháng 10/1989.
Trận lũ lớn 10/1978 là trận lũ kép với hai đỉnh nước. Mực nước cao nhất tại Nam Đàn (giáp với huyện Hưng Nguyên ở thượng nguồn sông Lam) là 9,64 m (mức nước cao nhất trong các cơn mưa hoàn nguyên sau bão là 10,38 m).

Trận lũ đặc biệt lớn này là do các trận mưa của ba cơn bão gây nên (bão số 7, 8, 9) kết hợp với không khí lạnh. Hai tuyến đê sông Lam có 125 điểm bị vỡ (đê tả vỡ 39 điểm, đê hữu vỡ 86 điểm).
Trong trận lũ lớn tháng 10/1988, đỉnh lũ tại Nam Đàn là 9,41m. Lũ do các cơn mưa kéo dài của cơn bão số 7, sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và gặp luồng không khí lạnh tăng cường.
Kinh hoàng nhất đối với bà con xã Hưng Lợi là trận "sóng thần" vào đầu tháng 10/1989. Những đợt sóng cao 5 m từ sông Lam ào ạt đổ vào làm ngã rạp rặng tre xuống sân nhà bà Liên, xô nghiêng ngôi nhà, cuốn trôi đồ đạc và vật nuôi…

Bà nhớ lại: "Sóng đánh vào ban đêm nên không ai kịp trở tay, may là con tru (trâu) đã chuyển lên đê, còn lợn, gà chưa kịp sơ tán. Nếu chỉ có lụt, chúng tôi quen rồi nhưng lũ đi cùng với bão thì quá sức chịu đựng".
Thực ra, trận "sóng thần" theo quan niệm của người dân xã Hưng Lợi là cơn bão số 9 (tên gọi ở Việt Nam) hay Saling (tên gọi ở Philippines) và Dan (tên gọi quốc tế). Cơn bão Dan hình thành vào ngày 6/10/1989, sau khi vượt qua đảo Luzon (Philippines) bão tiến vào Biển Đông và đạt đỉnh, với vận tốc gió duy trì 10 phút là 140 km/giờ.

Tiếp đến, bão đổ bộ vào Bắc Trung Bộ. Cơn bão gây ra những tổn thất nghiêm trọng. Tại Philippines, 58 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa. Tại Việt Nam, 63 người thiệt mạng, hơn 500.000 ngôi nhà bị hư hại.
Những người dân ở vùng bãi hạ du sông Lam căng mình ra chống chọi với thiên tai. Có trận lụt cả làng bị "ngâm chân" 20 ngày, có trận lụt kéo trọn tháng. Vào thời chưa sẵn bếp ga, mì tôm, bánh mì cùng dịch vụ bán hàng trên thuyền như bây giờ, vợ chồng bà Liên và những người con ngồi trên chạn, chân khỏa nước, miệng tóp tép nhai khoai khô, khoai deo (khoai lang luộc chín, cắt nhỏ, phơi khô) chống đói, lòng nóng như lửa vì lo cho đàn trâu, lợn, gà gửi ở trên đê…
Và dù là "kể khổ", những câu chuyện của bà Liên lại chuyển tải đến người nghe không phải lời than thở mà là ý chí mạnh mẽ của người dân vùng lũ xứ Nghệ. Nào là việc ba lần dựng nhà, không nhớ bao lần bị Thủy thần cướp tài sản, vật nuôi. Nào là chuyện rặng tre lấy thân mình chắn sóng cứu người. Có hậu nhất là câu chuyện về con lợn nặng ngót một tạ bị sóng đánh trôi dạt đi đâu đó mà vẫn sống sót "hạ thổ", vài ngày sau tìm được đường về nhà…
Lũy tre ân tình
Bao bọc Xóm 2 từ phía dòng sông hiền hòa vào mùa cạn, hung dữ vào mùa lũ là những bụi tre gai xù xì nối liền nhau, từ nhà này sang nhà nọ.
Nếu ở đồng bằng Bắc Bộ, những người con xa quê day dứt nhớ cây đa, bến nước, sân đình thì các chàng trai, cô gái rời mảnh đất ngập lụt xứ Nghệ khi đi làm ăn trong Nam, ngoài Bắc, sang tận Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Séc… lại thường mơ về con đê uốn lượn, dòng sông Lam và lũy tre làng.
Lũy tre được trồng từ đời cụ kỵ và truyền lại cho con cháu, lớp cây cũ già đi, lớp mới mọc lên…
Bà Nguyễn Thị Liên kể, bà không biết dãy tre gai bám theo con đường làng dọc bờ sông tồn tại từ bao đời rồi. Chỉ nhớ, ngày về đây làm dâu hơn 40 năm trước, bà đã được hàng cây xào xạc đón chào.

Rặng tre ken dày, chắc chắc, giúp chắn sóng cho vùng lũ. Ảnh: Văn Oanh-TTXVN

Những cây tre cao vút, ngọn chắc phải ngang tầm tòa nhà 3, 4 tầng, làm rợp cả khoảnh sân nhỏ trước nhà. Chúng chắn gió lạnh phương Bắc từ dòng Lam thổi vào mỗi đêm Đông, vặn mình răng rắc đón gió nồm Nam mát rượi vào những trưa Hè.

Rặng tre là "nhân chứng" lặng lẽ cho những buồn, vui của bà, từ khi còn là người con gái che nghiêng vành nón lá bẽn lẽn về nhà chồng, đến nay đã là người đàn bà tóc hoa râm, bận bịu với đàn cháu nội, cháu ngoại.
Tre gai xứ Nghê rất dễ bị lẫn với tre ngà Bắc (Bambusa sinospinosa) phân bố ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc và tre là ngà Nam Bộ (Bambusa bambos) mọc nhiều ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt ở dọc sông Đồng Nai.
Nhưng bà Nguyễn Thị Liên, ông Trần Văn Tình, bà Nguyễn Thị Nga, chị Trần Thị Oanh… ở xóm Na, xóm Hói thuộc Cự Thôn cũ của xã Hưng Lợi chỉ trong "chớp mắt" cũng phân biệt được loài tre gai thân thương với các loài tre khác. Họ cả đời quanh quẩn bên lũy tre làng theo đúng nghĩa đen, được rặng tre che chở qua bao mùa bão lũ.
Tre gai có đặc điểm là thân cây mọc tõe ra bên ngoài, từ xa nhìn lại giống bó mạ với chân tre chụm sát vào nhau. Mo tre màu vàng xanh, tai lật ra ngoài. Tre ngà Bắc và tre là ngà thì khác - thân mọc thẳng đứng trong bụi, mo màu vàng nâu hay da bò và tai mo thẳng đứng.
Tre gai cao từ 15 đến 25 m, đường kính của thân cây từ 5 - 8 cm với cây nhỏ và 12 - 14 cm với cây lớn, lóng màu lục dài 25-35 cm ngọn cây cong cong. Cây chia cành sớm, các cành nhỏ biến thành gai cong rất cứng và nhọn. Các cành tre đan chéo vào nhau tạo thành bụi cây đầy gai dày đặc, không thể xuyên qua.
Tre gai hợp với độ cao dưới 700 m so với mực nước biển, phân bổ từ vùng ven biển, đồng bằng đến trung du, miền núi, ưa ẩm và ánh sáng, có thể trồng quanh chân ruộng, bao quanh làng, ven chân đê, dọc bờ sông, bờ suối. Đặc tính nổi bật của tre gai là có thể chịu ngập lâu trong nước lũ, có sức chống chọi với điều kiện môi trường khắc nghiệt, ít sâu bệnh.
Rặng tre gai trước mặt nhà bà Liên cho các vị khách phương xa thấy sức sống mãnh liệt của mình qua hình ảnh những thân cây chắc nịch, đan chéo vào nhau như tường thành.

Thực ra, nó cũng nhiều lần đối mặt với vấn đề sinh tử qua các thời kỳ - các trận ném bom của máy bay Mỹ trong chiến tranh, các cơn cuồng phong tương tự trận bão số 9 năm 1989, tình trạng "nâng búi" (gốc ngầm của cả bụi tre bị nâng lên khỏi mặt đất do quá trình dài khai thác măng và tre không đúng cách), hiện tượng "chết khuy" (tre chết hàng loạt sau khi ra hoa, kết thúc chu trình sinh trưởng kéo dài 100 năm, thậm chí 130 năm), cuộc vận động "phá bờ tre để cải tạo vườn tạp" trong những năm 90 của thế kỷ trước…
Bóng mát dưới rặng tre là nơi bà Liên thường ngồi khi rảnh rỗi, đàn cháu đạp xe và chơi những trò con trẻ, là "tụ điểm" hàn huyên của các bà, các chị trong xóm, là "nhà tạm" để những con trâu nằm bỏm bẻm "nhai trầu"…
Lũy tre cũng là nơi cung cấp thực phẩm vào mùa hiếm rau xanh. Tre gai sau 2 - 3 năm có thân cao khoảng 3 m và bắt đầu đẻ măng. Sau 5 năm cây cao trung bình 8 - 10 m, nếu bụi tre có 10 - 40 thân thì mỗi năm cho khoảng 30 cây măng. Mất 5 tháng để măng đạt chiều cao tối đa của cây trưởng thành, mỗi ngày cao khoảng 17 cm. Vào cuối mùa mưa, măng phát triển nhanh nhất, khoảng 45 cm mỗi ngày.
Tre gai có nhiều công dụng. Thân tre rất đặc và cứng nên được dùng để đóng cọc móng xây nhà, cầu cống; làm rui mè, đòn tay, cốt bê tông… Thân tre được dùng để đan rổ, rá, bàn ghế, hàng mỹ nghệ.

Gần đây, thân tre gai được dùng làm bột giấy. Nhiều bộ phận của cây được dùng làm thuốc như: tinh tre, nước tre non, lá tre. Lá tre dùng chữa cảm sốt, ra nhiều mồ hôi, ho, suyễn, thổ huyết. Tinh tre dùng để chữa cảm sốt. Măng tre được giã nát ép lấy nước uống, cùng với nước gừng có thể chữa sốt cao.
Nhưng công dụng thiết thực nhất của tre gai là làm hàng rào bảo vệ vườn tược - chống gia súc xâm nhập, chống gió bão và đặc biệt được trồng ven bờ sông, hồ để chống sóng, chống xói lở. Tre gai là loài chịu ngập lâu và có bộ rễ khỏe, rất phát triển nên thường được trồng để chắn gió bão và chống sạt lở cho các con đê./.
>>Bài 2 - Về nơi bò thi… hoa hậu

Trần Quang Vinh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-ngoi-lang-ngam-chan-trong-lu-song-lam-bai-1-sau-luy-tre-gai-xu-xi/167408.html