Những ngôi làng khát - Kỳ 2: Gian nan tìm nước

Nhiều bản làng nếu ngày xưa chỉ cần đào khoảng 7m đã có nước thì đến nay người dân phải khoan giếng sâu đến 100m mới chắt được ít nước sinh hoạt. Nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ tiền thuê người đào giếng

Nghề đào giếng đắt khách

Ngày đầu tháng 6, dưới cái nắng như đổ lửa ở xã Tiền Phong (Quế Phong), một nhóm thợ vẫn đang hì hục thọc những mũi khoan xuống lòng đất khô khốc. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hòi sự kiên trì. Đã 10 ngày trôi qua, nhưng nhóm thợ này cũng chỉ mới khoan sâu được chừng 20 mét. “Không biết bao giờ mới xong được. Khoan mãi mà vẫn chẳng thấy dấu hiệu của nguồn nước”, anh Nguyễn Văn Long (32 tuổi) nói.

Anh Long quê ở xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu). Đây là xã nổi tiếng với hàng trăm người chuyên làm nghề đào giếng từ nhiều năm qua. Những ngày này, người dân ở đây làm không hết việc. Họ rong ruổi khắp các huyện miền núi để tìm nguồn nước cho dân. “Khách họ điện liên tục. Đâu đâu cũng thấy thiếu nước”, anh Long nói. Nhưng đối với người dân vùng cao, không phải ai cũng đủ tiền để có thể thuê người đào giếng khi mà chi phí có thể tiêu tốn hàng chục triệu đồng.

Công việc của anh Long và đồng nghiệp cũng đang ngày càng khó khăn, bởi ngày càng phải đào sâu mới tìm thấy nước. Nhiều lúc khoan hàng chục điểm mới tìm được mạch nước ngầm. Đặc biệt là ở những xã vùng cao như Tiền Phong. Ông Sầm Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, những năm gần đây, nguồn nước phục vụ sản xuất của người dân trong xã cạn kiệt, chưa kể nước sinh hoạt. Trước đây, ở nhiều bản của xã Tiền Phong, người dân chỉ cần đào giếng 7 mét là có nước thì nay họ phải đào hơn 10 mét cũng chưa thấy. Thậm chí, một số vùng bây giờ phải khoan tới hơn 100 mét mới có nước.

Không chỉ nghề khoan, những nhóm thợ đào giếng khơi mùa này cũng đắt khách. “Ở những vùng mà đặc biệt khô hạn, mạch nước quá sâu thì phải dùng đến khoan. Còn những nơi thuận lợi, có thể tìm thấy nguồn nước ở độ sâu khoảng 10 mét thì họ đào thủ công”, anh Long chia sẻ thêm. Nhưng nghề đào giếng khơi cũng đầy rẫy rủi ro. Chỉ mới năm ngoái, tại huyện Thanh Chương đã xảy ra vụ tai nạn khi đào giếng khiến 1 người thợ tử vong.

Dù sao ở những bản, làng này vẫn còn “may mắn” vì còn có thể khoan, hoặc đào để tìm nguồn nước. Ông Võ Đình Thành – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn (Con Cuông) cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 50% hộ dân thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt, đây lại là những bản trung tâm xã, nơi có nhiều trường học, trụ sở… “Ở trong khu dân cư, bây giờ dù cho dùng loại khoan lớn nhất cũng rất khó tìm thấy nguồn nước. Cạn kiệt hết rồi”, ông Thành nói. Mùa hạn năm ngoái, huyện Con Cuông đã phải huy động máy móc, hỗ trợ chi phí đào 10 giếng khơi giúp bà con ở đây sống qua mùa hạn. Nhưng chính quyền cũng phải ra dọc bờ khe, suối mới có thể đào được giếng. Còn ở trong khu dân cư, việc tìm nguồn nước gần như không thể. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) gần đây nhiều hộ dân phải tốn hàng chục triệu đồng để khoan nước giếng. Nhưng có những hộ đã phải khoan đến 2, 3 mũi, mỗi mũi khoan sâu hơn 100 mét nhưng vẫn không thấy nước đâu. Ông Nguyễn Xuân Tý – Bí thư Đảng ủy xã Nghi Lâm kể, nhà máy nước mini của xã Nghi Lâm được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2005. Nhưng mùa hạn nhà máy nước không cung cấp đủ cho người dân, mùa mưa thì không ai sử dụng. Vì thế, tổ quản lý nhà máy không thu được tiền nước, không có tiền vận hành. Dần dà nhà máy nước bị hư, không ai đoái hoài tới. Người dân ở xã bây giờ 80-90% dùng nước giếng khoan.

Từ năm 2017 đến nay, nhà máy nước này dừng hẳn do đường ống dẫn nước đi qua nhà dân bị hư hại. Và do nhà máy không đáp ứng nổi nhu cầu nên người dân phải tự thân vận động là thuê người về khoan giếng. Có nhà thì khoan được nước nhưng có nhà rất khổ khi không có điều kiện kinh tế để làm nước giếng khoan, hàng ngày phải đi xin từng xô để dùng, đặc biệt là các xóm 8, 9, 10, 11, 12… Ước tính ở xã Nghi Lâm có khoảng 40% người dân vẫn thiếu nước ăn, uống.

Băng rừng kéo nước về bản

Trước tình trạng khô hạn, ở nhiều bản, làng, người dân đã phải chủ động kêu gọi nhau đóng góp tiền để mua ống, xi măng, thép và ủng hộ hàng chục ngày công dẫn nước từ khe, suối về bản để dùng. Ông Lương Văn Pắn ở bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng (Tương Dương) cho hay, từ nơi có nguồn nước dẫn về bản có chiều dài khoảng 4 km. Cả bản có hơn 50 hộ, mỗi hộ dân đóng 4 triệu đồng để mua vật tư. Người dân sau đó tập kết xi măng dưới chân dốc, rồi thay nhau gùi lên dốc cao để xây bể. Theo dự tính, bể chứa được khoảng 45-50 m3 nước. Những ngày qua, hàng chục người dân trong bản, từ phụ nữ đến người già đều được huy động băng rừng kéo nước. Họ phải mang cơm đi ăn ngay trong rừng, hì hục suốt nửa tháng, những giọt nước đầu tiên mới chảy về tới bản.

Trong khi đó, tại xã Phúc Sơn (Anh Sơn), hàng trăm hộ dân ở các bản Cao Vều 1, 2, 3, 4 nhiều năm nay lâm vào cảnh thiếu nước. Mặc dù cạnh đó, một nhà máy nước sừng sững được đầu tư hàng tỷ đồng từ 16 năm trước. Nhưng nhà máy này cũng chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi bỏ hoang vì bị đàn voi rừng làm vỡ đường ống nước.

Các hộ dân ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Họ nói rằng, không đủ tiền để thuê thợ đào giếng. Ở đây, số hộ gia đình có giếng nước sinh hoạt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những hộ còn lại, họ chọn giải pháp ít tốn chi phí hơn. Đó là mua ống nước rồi vào rừng tìm nguồn kéo về nhà. Mỗi gia đình chỉ mất chi phí tầm 3 triệu đồng để mua ống dẫn nước rồi tự lắp đặt, trong khi để đào giếng, chi phí tầm 15 triệu đồng. Nhiều gia đình thậm chí còn không đủ tiền mua ống nước, đành phải dùng thân cây tre làm ống dẫn, chắp vá với nhau.

Nhưng để tìm được nguồn nước sạch, đảm bảo môi trường không phải là điều đơn giản. Có những điểm xa nhất người dân phải sử dụng từ 1- 1,5 km đường ống mới dẫn được nước về nhà. Khi đã tìm được dòng suối vừa trong vừa mát, người dân lại tìm vị trí ưng ý để bắt đầu ngăn dòng tạo nơi dẫn nước.

Các bản Cao Vều có hơn 500 hộ thì có đến 3/4 hộ là dùng hệ thống nước tự chảy này, thường thì 2 – 3 nhà chung nhau một hệ thống, nhà nào có điều kiện hơn thì tự đặt cho mình 1 đường ống dẫn nước riêng. Từ các con khe, suối ở trong rừng nguồn nước được đưa về bản để người dân thoải mái sử dụng. Nhưng giải pháp này của người dân cũng bất tiện đủ đường khi đường ống liên tục gặp sự cố, do phải băng rừng, địa hình phức tạp. “Cứ sau một trận mưa thì lại phải đi lắp đặt lại. Nó cứ gặp sự cố liên tục”, anh Vi Văn Hạnh (34 tuổi) nói.

Ngoài ra, người dân ở đây còn có một nỗi lo khác. Đó là tình trạng người bị ung thư ở các bản này đang có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây. Họ cho rằng, nguyên nhân đến từ nguồn nước. Xung quanh các bản Cao Vều, ngay phía trên những con suối mà người dân vẫn kéo nước về dùng là những cánh rừng cao su bạt ngàn. “Rừng cao su thường được phun thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt là mỗi lần phun xong rồi gặp một trận mưa, lượng thuốc đó gần như đổ hết vào khe, suối. Rồi từ đó chảy về nhà người dân theo đường ống nước”, anh Thành nói thêm.

TS Trần Thị Tuyến – Trưởng bộ môn quản lý tài nguyên môi trường (Viện Nông nghiệp – Tài nguyên, Đại học Vinh) cho biết, hiện nay nguồn nước ngầm đang bị sụt giảm, khiến người dân khai thác khó khăn hơn. Nếu như trước đây, họ đào giếng 10 mét thì nay có nơi phải đào đến 30 mét. TS Tuyến cho hay, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là nguồn cung cấp nước mặt giảm và mức xâm thực cơ sở bị rút đi. Còn nguyên nhân sâu xa là rừng không giữ được nước, lượng nước bốc hơi lớn hơn lượng mưa. Ngoài ra, phải kể đến việc xây dựng thủy điện quá nhiều, chặn dòng sông khiến nguồn nước mặt của sông suối giảm, nhiều đoạn cạn trơ dòng vào mùa hạn, giảm mực nước ngầm.

Tuy vậy, chuyên gia này cũng cho hay, việc khai thác nước ngầm để chống hạn không thể là lối thoát cho những vùng đất khô khát mà cần phải có giải pháp bằng những công trình thủy lợi dẫn nước về vùng hạn. Ở góc nhìn về tài nguyên nước, việc khai thác nước ngầm ồ ạt, tràn lan là điều hết sức nguy hại. Trong khi, một số địa phương đang có tình trạng khai thác nước ngầm không kiểm soát. TS Tuyến cho rằng, cơ quan chức năng cần phải có những khảo sát để dự báo được trữ lượng của từng vùng, nhằm có quy hoạch, khai thác nguồn nước ngầm một cách hợp lý.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/nhung-ngoi-lang-khat-ky-2-gian-nan-tim-nuoc-70339.html