Những ngôi chùa người dân miền Nam thường đi tạ lễ cuối năm

Do đó, vào những ngày giáp Tết, nhiều đền, chùa, miếu, phủ tấp nập dòng người đổ về tạ lễ cuối năm.

Theo quan niệm của người Việt, khi đã "kêu cầu" vào dịp đầu xuân thì đến những ngày cuối năm phải trả lễ. Cầu an, giải hạn, vay mượn ở đâu thì lễ tạ cũng ở đó. Do đó, vào những ngày giáp Tết, nhiều đền, chùa, miếu, phủ tấp nập dòng người đổ về tạ lễ cuối năm.

Chùa Bà - Tây Ninh

Tọa lạc trên núi Bà Đen, thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, tỉnh Tây Ninh, chùa Bà còn được biết đến với tên gọi chùa Phật, chùa Thượng... Đây là một công trình lớn, thu hút rất nhiều khách thập phương về thăm viếng, thắp nhang khấn Phật mỗi dịp gần Tết. Quần thể di tích trải rộng trên 24 km2, gồm 3 ngọn núi: núi Bà, núi Phụng, núi Heo, với hàng trăm hang động, chùa, đền, trong đó nổi tiếng nhất là Linh Sơn Tiên Thạch.

Chùa Bà đã có cách đây gần 300 năm, ban đầu chỉ là những ngôi miếu, chùa nhỏ trên đỉnh núi, sau đó dần dần được xây dựng, trùng tu. Tên gọi chùa Bà gắn liền với truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen), nên du khách nào đến núi Bà cũng sẽ ghé Điện Bà (Linh Sơn Tiên Thạch) – nơi thờ Bà Đen, nằm ở lưng chừng núi. Vào những ngày lễ, từ ngay dưới chân núi, đoàn người đã lũ lượt, chen chúc nhau để lên chùa.

Điện Bà - nơi thờ Bà Đen. (Ảnh: ST)

Từ Sài Gòn, bạn sẽ ra bến An Sương và mua vé xe về Tây Ninh, tốt nhất là xe Đồng Phước. Giá vé khoảng 80.000 đến 90.000 đồng dao động tùy dịp. Xe sẽ di chuyển trong khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ là tới nơi. Từ chân núi lên đến chùa Bà có bán rất nhiều đồ ăn, thức uống và đặc sản của Tây Ninh.

Chùa Ông - TP Hồ Chí Minh

Ở trung tâm Q.5, TP.HCM, nằm lọt thỏm giữa một vùng đô thị thương mại sầm uất có một ngôi chùa nhỏ mang tên chùa Minh Hương nổi tiếng linh thiêng. Đó là địa chỉ tâm linh của cộng đồng người Hoa và cả người Việt tìm đến để cầu nguyện mỗi ngày. Ngôi chùa không quá bề thế, nhưng không gian tâm linh uy nghiêm, thoát tục, cộng với những câu chuyện linh thiêng thường xuyên xảy ra, khiến chùa lúc nào cũng như khoác lên mình chiếc áo bí ẩn và đầy lôi cuốn.

Chùa Minh Hương còn được gọi là chùa Ông hay chùa Quan Đế Thánh quân, tức theo tục thờ Quan Vân Trường thuở trước đã in vào lối sống của người Hoa và cả người Việt hiện nay. Dù không thuộc loại nhất nhì về quy mô, nhưng theo khẳng định của nhiều người thì sự linh thiêng của chùa đã nức tiếng xa gần.

Chùa Ông kì lạ và thiêng liêng giữa lòng TP Hồ Chí Minh.

Chùa Minh Hương nằm ở số 184 Hồng Bàng, P.12, Q.5, TP.HCM, gọn ghẽ và khiêm nhường giữa những tòa nhà thương mại sầm uất. Trước cổng chùa có vài quầy bán nhang đèn vàng mã của người Hoa lẫn người Việt, tất cả tuyệt nhiên trật tự và yên tĩnh, không có sự xô bồ náo nhiệt như quang cảnh ở nhiều cổng chùa khác. Hỏi ra mới biết không phải vì khách đến ít, mà vì sự tôn nghiêm trật tự đã thành lề lối xưa nay, cũng không có sự tách biệt, xa lạ giữa các chức vị, nhân viên nhà chùa, vốn đã có và thành thông lệ đáng buồn ở nhiều nơi. Nhà chùa lập một bãi giữ xe miễn phí trước cổng, khách đến, dù bất cứ ai cũng được hướng dẫn tận tình.

Chùa Ông nổi tiếng thiêng ở tất cả các lĩnh vực, nhưng cũng được người ta tự quy định với nhau là nơi cầu an và cầu tài. Mỗi dịp lễ tết, chùa nêm chặt hàng ngàn người. Có lẽ vì thế mà lượng khách đến đây, rất nhiều người thuộc giới kinh doanh làm ăn hoặc đang có những trắc trở về sức khỏe, rất nhiều trong số họ tháng nào cũng quay lại lễ tạ.

Chùa Bà Xứ - An Giang

Tọa lạc dưới chân núi Sam ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, miếu Bà Chúa Xứ từ lâu đã là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Tây, mỗi năm đón khoảng 2 triệu lượt khách hành hương. Thời điểm đông người viếng nhất là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Đặc biệt trong tháng giêng, chùa lúc nào cũng tấp nập khách thập phương.

Nghe truyền đền Bà chúa Xứ Châu Đốc cực kì linh thiêng, có thể cầu gì được nấy, thậm chí vay tiền Bà làm ăn. Tiếng lành đồn xa, không ít doanh nhân, tiểu thương, muốn làm ăn may mắn đều lấy việc viếng Bà chúa Xứ và cầu cúng, vay tiền thành một hoạt động thường niên trong ngày Rằm tháng Giêng hằng năm, có bận đến mấy họ cũng không bỏ qua ngày đại lễ chùa này.

Chùa Bà Châu Đốc. (Ảnh: ST)

Dù có duy tâm hay không, việc cúng chùa, đến cầu làm ăn đầu năm đã trở thành một nhu cầu của giới làm ăn. Ở miền Nam, vào Rằm tháng Giêng giới kinh doanh thường đi cúng chùa Bà Xứ để xin lộc làm ăn.

Mời quý độc giả xem thêm video: Lễ hội rước đèn Trung Thu hoành tráng tại Tuyên Quang. Nguồn: Người Đưa Tin:

Theo Khánh Linh/Gia Đình Việt Nam

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/du-lich/nhung-ngoi-chua-nguoi-dan-mien-nam-thuong-di-ta-le-cuoi-nam-725148.html