Những nghi vấn trong vụ bạch tuộc có chất Chloramphenicol ở Hà Nội

Mới đây, cơ quan chức năng TP Hà Nội tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh hải sản tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và phát hiện bạch tuộc được ngâm trong một loại dung dịch lạ nên đã tiến hành xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế cho thấy, có chất Chloramphenicol trong bạch tuộc.

Ngoài ra, đối với mẫu dung dịch màu nâu ngâm bạch tuộc cho thấy, trong 1 lít dung dịch này có chứa tới 1046 mg oxy già, 665mg natri hydrosulfite, 0,385 mg Asen. Kết quả kiểm nghiệm trên 1kg bạch tuộc cũng tồn dư nhiều hóa chất như 959,8 mg oxy già, 377,8 mg natri hydrosulfit.

Thông tin trên khi vừa công bố đã khiến cho nhiều người tiêu dùng lo lắng. Thậm chí, một số nhà hàng trên địa bàn Hà Nội cũng thông báo ngừng nhập bạch tuộc của cơ sở trên.

Một cơ sở kinh doanh thủy hải sản. Ảnh minh họa

Trao đổi với PNVN về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Chloramphenicol là một loại kháng sinh dùng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như đau mắt đỏ, viêm màng não, bệnh tả, thương hàn... Do đó, bản thân Chloramphenicol không phải là chất nguy hiểm.

Chloramphenicol có khả năng kháng khuẩn rất tốt nên nhiều người sử dụng để bảo quản cho thực phẩm khỏi thối, hỏng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ quan chức năng cấm dùng kháng sinh trong bảo quản, chế biến thực phẩm.

Thông thường, Chloramphenicol được dùng hoặc là để chữa bệnh cho người và nuôi trồng thủy hải sản (để kháng bệnh, tăng trưởng nhanh) hoặc là để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, đối với bạch tuộc do chủ yếu là khai thác từ tự nhiên nên chắc chắn không thể có Chloramphenicol do quá trình nuôi thủy, hải sản. Vì vậy, có khả năng Chloramphenicol có do quá trình bảo quản, chế biến bạch tuộc.

Tuy nhiên, PGS Thịnh cũng cho rằng, khả năng chủ cơ sở dùng Chloramphenicol để bảo quản bạch tuộc cũng rất khó xảy ra bởi loại hóa chất này rất đắt. Ví như chỉ một lọ thuốc nhỏ mắt có Chloramphenicol được pha rất loãng cũng đã được bán từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng. Trong khi đó, theo lẽ thường các cơ sở chỉ sử dụng hóa chất bảo quản khi chi phí đầu vào thấp hơn các biện pháp khác.

Cũng theo PGS. Thịnh, việc công bố thông tin về Chloramphenicol cũng rất mập mờ. Bởi, công bố các hóa chất khác có hàm lượng cụ thể nhưng Chloramphenicol lại không nói rõ hàm lượng bao nhiêu. Nếu không có hàm lượng cụ thể thì không thể biết mức độ ảnh hưởng như thế nào. Ngoài ra, chất natri hydrosulfit cũng không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.

“Việc cơ quan chức năng không công bố hàm lượng, không đưa ra kết luận mà chỉ đưa thông tin như vậy sẽ khiến dư luận lo lắng hơn”, PGS. Thịnh cho biết.

Như Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/an-toan-thuc-pham/nhung-nghi-van-trong-vu-bach-tuoc-co-chat-chloramphenicol-o-ha-noi-post46365.html