Những nghị quyết kiên định cho cải cách

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 và 02 thể hiện tinh thần cải cách cao trong nỗ lực kiên định suốt nhiều năm qua để tháo gỡ rào cản trong môi trường kinh doanh, giúp người dân và doanh nghiệp bung sức.

Nỗ lực bền bỉ tạo sức ép lên hệ thống

Trong đó, Nghị quyết 01 đề cập các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nghị quyết 02 tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Còn rất nhiều không gian để người dân và doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Sản xuất đông trùng hạ thảo bán tự nhiên - hướng phát triển kinh tế mới của tỉnh miền núi Hà Giang

Còn rất nhiều không gian để người dân và doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Sản xuất đông trùng hạ thảo bán tự nhiên - hướng phát triển kinh tế mới của tỉnh miền núi Hà Giang

Đây là sức ép rất lớn cho toàn bộ hệ thống phải nỗ lực, trăn trở và hành động để giúp người dân và doanh nghiệp đã trải qua năm Covid 2020 đầy khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng đã xác định khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba”.

Tinh thần kiến tạo đó đã giúp cho cả nước thực hiện hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, góp phần rất lớn vào thành tích tăng trưởng “thuộc nhóm cao nhất thế giới”.

Trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong năm 2021, trong đó WB dự báo 6,8%; ADB dự báo 6,3%; IMF dự báo 6,7%, Standard Chartered 7,8%; Goldman Sachs 8,1%... thì 2 nghị quyết trên với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sẽ giúp hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng của đất nước.

Phải nói rằng, Chính phủ đã kiên trì trong việc cải cách thể chế trong suốt thời gian dài vừa qua.

Kiên định với cải cách thể chế

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp xây dựng theo hướng tích hợp, cắt giảm tối đa số lượng đầu văn bản quy định chi tiết để đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tránh phát sinh thủ tục hành chính...

Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay; năm 2017 là năm đầu tiên không nợ văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Hết năm 2020 chỉ còn nợ 6 văn bản, giảm mạnh so với số lượng văn bản nợ đọng cuối nhiệm kỳ khóa 12 (58 văn bản) và nhiệm kỳ khóa 13 (39 văn bản).

Trong giai đoạn hơn 4 năm qua, Chính phủ và các bộ ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Môi trường kinh doanh tăng vượt bậc

Con số tiết kiệm như trên, theo nhận xét của ông Dũng, có lẽ còn khiêm tốn hơn so với thực tế. Ví dụ, việc sửa đổi Nghị định 38/NĐ-CP đã giúp cắt giảm hơn 95% thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm tới 12 triệu ngày công và khoảng 3.700 tỷ đồng, theo tính toán của Eurocham và CIEM.

Nếu nhớ lại tình trạng giấy phép con, cháu, chắt đã nở rộ như nấm sau mưa trong giai đoạn trước đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, mới thấy nỗ lực đó giá trị như thế nào.

Song song với đó, Cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã tích hợp, cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến, trên 6.798 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ hơn 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%). Cao điểm có ngày Cổng nhận tới 12.000 hồ sơ.

Nhờ có Trung tâm hành chính công ở các địa phương, thời gian làm thủ tục giấy tờ của người dân được rút ngắn

Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 14 bộ, ngành và 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có hơn 48.000 lượt giao dịch thành công qua Cổng... Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng từ khi khai trương đến nay là khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm.

Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương, địa phương với hơn 3,8 triệu văn bản điện tử, chi phí tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Hệ thống thông tin phục vụ họp và phục vụ xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã phục vụ 24 phiên họp Chính phủ, thay thế hơn 225.000 hồ sơ, phiếu lấy ý kiến Thường vụ Chính phủ, giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 169 tỷ đồng.

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đã kết nối với 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương với 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; 63/63 tỉnh, thành phố đã cung cấp dữ liệu trực tuyến về 8 chỉ tiêu kinh tế xã hội; chi phí tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Những nỗ lực đó đã giúp Việt Nam tăng hạng ngoạn mục trong các báo cáo kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới. Năm 2019, Việt Nam đạt vị trí 70 về chỉ số Môi trường kinh doanh, tăng 20 bậc so với năm 2015 và thứ 67 về chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Không gian phía trước còn rất rộng cho cải cách

Tuy nhiên, không gian để người dân và doanh nghiệp phát triển là còn rất nhiều, đặc biệt là sau năm Covid 2020 đầy khó khăn.

Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030 đánh giá: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra; GDP tăng bình quân khoảng 5,9%/năm giai đoạn 2011 - 2020 so với mục tiêu Chiến lược là 7 - 8%/năm và thấp hơn so với hai giai đoạn trước. GDP bình quân đầu người năm 2020 tăng thêm khoảng 1.420 USD so với năm 2010, thấp hơn nhiều nước... Quy mô nền kinh tế của nước ta đứng thứ 6, trong khi quy mô dân số xếp thứ 3 trong các nước ASEAN”.

Trong bối cảnh đó, không ít chính sách còn thiếu tư duy quản lý mang tính kiến tạo cho phát triển. Người dân vẫn rất than phiền, doanh nghiệp vẫn đang rất khốn khổ vì sự yếu kém của cán bộ các cấp, mà càng xuống thấp càng phức tạp, càng phiền nhiễu.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 28/12 đã phát biểu: “Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2021 và nhiệm kỳ tới là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất kinh doanh bị suy giảm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn. Việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hệ thống tài chính - ngân hàng; công tác bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội đứng trước nhiều rủi ro, thách thức”.

Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn nhấn mạnh lại, tuyệt nhiên, chúng ta không được chủ quan, tự mãn, say sưa với ánh hào quang của vòng nguyệt quế. Vì phía trước, khó khăn, thách thức đang còn nhiều; công việc nặng nề, phức tạp đang chờ đón chúng ta.

Tất cả chúng ta, nhất là các cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, và một tài sản khổng lồ của đất nước, lại đang sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực như quản lý và sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, sử dụng tài sản công, tài nguyên môi trường; cổ phần hóa và tài chính trong các doanh nghiệp, thực hiện chính sách an sinh xã hội, công tác tổ chức cán bộ…”.

Những thực tế đó rõ ràng đòi hỏi thêm các nỗ lực, quyết tâm của bộ máy để tạo thêm không gian cho phát triển kinh tế.

Tư Giang - Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/viet-nam-hung-cuong/nhung-nghi-quyet-kien-dinh-cho-cai-cach-702879.html