Những nghi ngờ về thông tin tình trạng sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong-Un

CNN đã trích dẫn báo cáo của một quan chức Hoa Kỳ theo dõi vấn đề này nói rằng Washington có thông tin tình báo rằng Chủ tịch Kim đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch sau một cuộc phẫu thuật.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un tham gia cuộc họp của Cục Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) (hình ảnh này do Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 11 tháng 4, 2020).

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un tham gia cuộc họp của Cục Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) (hình ảnh này do Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 11 tháng 4, 2020).

Trước đó, Daily NK, chủ yếu do những người đào tẩu từ Triều Tiên vận hành, dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đang nghỉ ngơi phục hồi tại một dinh thự tại một khu nghỉ dưỡng sau khi làm thủ thuật tim mạch hôm 12/4.

Tuy nhiên, CNN đã trích dẫn báo cáo của một quan chức Hoa Kỳ theo dõi vấn đề này nói rằng Washington có thông tin tình báo rằng Chủ tịch Kim đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch sau một cuộc phẫu thuật.

Hai nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin của CNN mà không nêu chi tiết về cuộc phẫu thuật.

Daily NK cho biết ông Kim đã được đưa vào bệnh viện vào ngày 12 tháng 4, chỉ vài giờ trước khi làm thủ thuật phẫu thuật tim mạch, vì sức khỏe của ông đã xấu đi kể từ tháng 8 do hút thuốc lá nặng, béo phì và làm việc quá sức.

Họ nói rằng ông hiện đang được điều trị hồi sức tại một biệt thự ở khu nghỉ mát núi Myohyang phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

“Ông ấy đã phải vật lộn với các vấn đề về tim mạch kể từ tháng 8 năm ngoái nhưng nó trở nên tồi tệ hơn sau nhiều lần ghé thăm Núi Paektu” - một nguồn tin được trích dẫn khi nói về ngọn núi linh thiêng của đất nước.

Một nguồn tin của Hoa Kỳ về thông tin của chính phủ Hoa Kỳ về Triều Tiên lại tỏ ra nghi ngờ về độ chính xác của thông tin mà CNN đưa ra rằng ông Kim đang ở trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.

“Bất kỳ báo cáo trực tiếp đáng tin cậy nào có liên quan đến Kim sẽ được bảo vệ kĩ lưỡng và không có khả năng rò rỉ với truyền thông”, một chuyên gia Hàn Quốc làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ cho biết.

Các vấn đề sức khỏe tiềm tàng của ông Kim khiến tương lai của chính phủ Triều Tiên và các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn đang bị đình trệ với Hoa Kỳ - những vấn đề mà ông Kim nắm quyền tuyệt đối - trở nên không chắc chắn.

Suy đoán về sức khỏe của ông Kim Jong-Un lần đầu tiên xuất hiện sau khi ông vắng mặt trong ngày kỷ niệm sinh nhật của cựu Chủ tịch và là ông nội của Kim Jong-Un – ông Kim Il Sung vào ngày 15 tháng Tư.

Vào ngày 12 tháng 4, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đưa tin Kim Jong Un đã đến thăm một căn cứ không quân và quan sát các cuộc tập trận của máy bay chiến đấu và máy bay tấn công.

Hai ngày sau, Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn xuống biển và máy bay phản lực Sukhoi đã bắn tên lửa không đối đất như một phần của cuộc tập trận quân sự.

Các vụ phóng tên lửa là một phần của lễ kỷ niệm lễ sinh nhật ông Kim nhưng không có báo cáo trên các phương tiện truyền thông nhà nước về sự có mặt của ông.

Thông tin từ bên trong Triều Tiên nổi tiếng là rất ít, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến lãnh đạo đất nước, bởi đất nước này kiểm soát chặt chẽ thông tin.

Ông Kim Jong-Un là một nhà lãnh đạo kế thừa thế hệ thứ ba, tiếp quản các chức danh nguyên thủ quốc gia và Tổng tư lệnh quân đội kể từ cuối năm 2011.

Trong những năm gần đây, ông Kim Jong-Un đã phát động một cuộc tấn công ngoại giao khiến Triều Tiên và bản thân ông trở thành trung tâm của sự chú ý toàn thế giới. Ông đã tổ chức ba cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bốn cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và năm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên “vượt biên” sang Hàn Quốc để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào năm 2018. Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn còn chiến tranh, vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải là hiệp ước hòa bình.

Chủ tịch Kim Jong-Un đã tìm cách để các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại đất nước của mình được nới lỏng, nhưng đã từ chối dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vốn là một yêu cầu kiên định của Hoa Kỳ.

Trâm Anh (theo Reuters)

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/nhung-nghi-ngo-ve-thong-tin-tinh-trang-suc-khoe-cua-chu-tich-kim-jong-un-340408.html