Những nghệ sĩ biến rác thành vàng

Bước vào triển lãm quốc tế Vàng mười- Tái chế! Nâng cấp! (tại Heritage Space- số 6 Nguyễn Hoàng, Hà Nội tới 26/5), người xem không khỏi hào hứng, thú vị vì nguồn gốc của những món đồ nhiều khi không liên quan đến hình hài và tính thẩm mỹ hiện tại. Đây là kết quả của nền kỹ thuật áp dụng công nghệ cao. Cùng là chiếc ghế- cái được làm từ giấy báo, có cái lại làm từ quần bò. Tất cả đều cứng như gỗ…

Một góc triển lãm Vàng mười- Tái chế! Nâng cấp! đang diễn ra tại Hà Nội

Một góc triển lãm Vàng mười- Tái chế! Nâng cấp! đang diễn ra tại Hà Nội

Người xem thích thú nhận ra một phần của chiếc xô nhựa, chai nhựa hay vỏ sau của chiếc ti vi cùng cộng sinh trong tác phẩm Fossil Moderni của M.Adamy (Ý) để trở thành những ngăn tủ. Khi mở chiếc thùng đun nước (mang hình dáng đồng hồ cát truyền thống) trang trí sặc sỡ của Piratas do Pau (Mozambique), người xem mới vỡ lẽ nó cũng đã thành tủ sau khi được nhồi vào những vách ngăn gỗ.

Xu thế quốc tế

Chúng ta mỗi khi phải vứt đi một món đồ to như tủ lạnh, máy giặt, hay nồi cơm điện… ít nhiều hẳn đều dằn vặt vì đã thải ra những thứ rác rất khó phân hủy và tốn kém trong tái chế. Vì thế ngắm những chiếc ghế của J.Munkez (Lebanon) thấy nhẹ nhõm, kiểu trút được gánh nặng vì tác giả chỉ lấy chiếc đệm tròn đặt lên trên một chiếc lồng giặt là thành chiếc ghế ra dáng, đúng phong cách Ả-rập, Hồi giáo.

Trần Thảo Miên tại góc trưng bày tác phẩm của côẢnh: N.M.Hà

S.Y.Panya (Thái Lan) không giấu sự hài hước khi đặt tên tác phẩm của mình là Chỗ đặt mông thượng lưu giá rẻ kết hợp các chân ghế gỗ phong cách Victoria bên trên là chiếc giỏ nhựa lật sấp để ngồi. Hai thành phần, hai xuất xứ được phủ một lớp sơn trắng đồng điệu. Vàng mười- Tái chế! Nâng cấp! (Pure Gold Upcycled! Upgraded!) do IFA (Viện Hợp tác Nước ngoài) khởi xướng đem 76 tác phẩm của 53 tác giả đi triển lãm vòng quanh thế giới trong 10 năm. Hà Nội là điểm dừng thứ 3 sau Hamburg (Đức) và Yangon (Myanmar).

“Chúng tôi không đưa ra những cách thức để cắt giảm lượng rác thải hay lời cảnh báo với các nhà sản xuất và người tiêu dùng về việc tái chế rác. Thay vào đó chúng tôi muốn giới thiệu những cách tiếp cận đối với việc sử dụng rác thải nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị,” người khởi xướng triển lãm TS E.Strittmatter giới thiệu. “Chỉ cần tập trung vào những gì có sẵn: nguyên liệu được coi là bỏ đi và trí thông minh của chúng ta.”

Quan điểm rác là vàng, là tài nguyên không xa lạ trong xã hội hiện đại. Theo hình dung của đa số chúng ta, nếu biết cách tái chế, rác đương nhiên trở thành nguyên liệu mới đem lại nguồn thu. Nhưng khái niệm “vàng” với triển lãm này hơi khác một chút. Theo Volker Albus, giám tuyển khu vực châu Âu của triển lãm, trước đây vật liệu tái chế không bao giờ được sử dụng trong bất cứ lĩnh vực nào đòi hỏi tính thẩm mỹ.

“Ngày nay không chỉ giấy vệ sinh hay gạch (mới dùng nguyên liệu tái chế) mà còn là sản phẩm cao cấp trong ngành nội thất và dệt may, nơi chất lượng nghệ thuật và tính thẩm mỹ quyết định đem đến thành công thương mại,” ông nói. “Lý do duy nhất không thể đưa những ví dụ kinh điển về sản phẩm tái chế nâng cấp đặc biệt vào triển lãm là vì nó có giá đến tận vài nghìn bảng Anh. Không xa với giá trị của vàng mà tiêu đề của triển lãm gợi ý”.

Tín hiệu Việt Nam

Chiếc áo khoác ngắn với tông đỏ chủ đạo của Trần Thảo Miên thoạt nhìn không có gì đáng nói. Thực tế cô mất 1 tháng để thực hiện nó từ các sợi chỉ vụn, len vụn… mà người ta thảy đi trong quá trình thêu hay dệt len. Sự tỉ mẩn và sáng tạo của tác giả quả thực đã nâng cấp cho nguyên liệu. Miên chưa định giá nhưng cô khẳng định chỉ bán nó với giá của một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải của một cái áo. “Đó chính là ý nghĩa của tái chế nâng cấp: Nguyên liệu tưởng chừng vứt đi được dùng để làm ra một sản phẩm đáng giá hơn giá trị ban đầu nhiều lần. Nếu không đảm bảo yếu tố đấy thì đơn thuần chỉ là tái chế hoặc tái sử dụng”, Miên nói.

Miên học thiết kế vải tại Anh. Về nước, cô từng làm việc cho vài công ty lớn nhỏ, nhưng rồi bỏ vì nhận thấy việc mình làm dù để mưu sinh nhưng lại mâu thuẫn với “lý tưởng sống” bảo vệ môi trường. Vì thế Miên trở thành nhà thiết kế tự do. Cô nhận quần áo cũ, hỏng của những ai còn muốn mặc chúng để sửa và thiết kế thêm vào.

Miên vừa hoàn tất cam kết 3 năm không mua quần áo mới. Ban đầu cô cũng ngại khi lúc nào cũng mặc bằng ấy bộ đi gặp mọi người. Nhưng ngại ngùng bớt dần, thậm chí Miên còn lây tính tiết kiệm sang cho bạn bè. “Giờ thì một năm mua 1-2 cái với tôi cũng không phải là quá đáng”, Miên cho hay. “Không thể bảo vệ môi trường 100% được”. Có một thay đổi sau thời gian dài không mua mới là giờ đây Miên trở nên kỹ tính hơn nhiều trong chọn mua quần áo.

Ở Myanmar, viện Goethe cũng chọn một số tác phẩm của tác giả địa phương để tham gia triển lãm. Còn ở Hà Nội, sự đối thoại này trở nên sâu sắc hơn khi các tác giả có thể gửi hồ sơ về tham dự các buổi huấn luyện với các chuyên gia Đức. Tác phẩm trong quá trình tham gia hội thảo sẽ được chọn để dự triển lãm. Được biết một số đã được tặng cho IFA và tiếp tục theo triển lãm lưu diễn thế giới.

Ngoài mảng thời trang được đánh giá là thế mạnh, có tính ứng dụng cao, phần lớn sản phẩm của đại diện Việt Nam đều mang tính chất thô mộc. Tuy ít giá trị thương mại nhưng lại có chất “chơi”, mọi người đều có thể làm theo như đèn nhấp nháy hình con sứa từ chai nhựa trong suốt, hay “đàn bầu” từ vỏ lon, con giống tết từ dây nhựa…

Hoàng Văn Sơn đang quản lý một quán cà phê trên đường Trần Phú (Hội An). Rảnh rỗi, anh biến những chiếc vỏ lon thành đèn lồng xanh đỏ treo trong quán. Du khách đến lại mang ra tặng, ai mua bán 10 nghìn/chiếc. Một lần có hai nữ du khách nước ngoài đến quán thấy hay hỏi han một hồi, kết quả là hồ sơ của Sơn được gửi tới BTC triển lãm và được chấp nhận. Sản phẩm đèn chùm từ lon thiếc của Sơn được chọn triển lãm và anh tới dự khai mạc không quên đeo chiếc túi làm từ bao đựng cà phê.

Được đánh giá cao về độ hoàn thiện và tính ứng dụng là những sản phẩm của Think Playgrounds- nhóm thiện nguyện thành lập năm 2014 gồm các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng ở Hà Nội. Nhóm mang tới triển lãm sản phẩm Vịt lốp- tận dụng lốp ô-tô cũ và gỗ dỡ ra từ các tấm pallet công nghiệp để tạo thành một kiểu “ngựa gỗ” cho trẻ mầm non chơi. Cho đến nay nhóm đã tạo ra những sân chơi an toàn, miễn phí cho trẻ em từ đồ tái chế và những vật liệu dễ kiếm tại nhiều khu vực ở Hà Nội và một số địa phương.

Chất liệu sử dụng trong những giải pháp thiết kế được trưng bày gần như đều sẵn có ở bất cứ nơi đâu và ít nhiều đều là miễn phí nhưng thường bị xem là rác với rất ít giá trị. Tương tự, kỹ thuật sử dụng để thiết kế chúng là những phương thức thủ công, truyền thống mà trong nhiều trường hợp thường bị xem là lạc hậu. Mục tiêu của triển lãm là xóa bỏ những định kiến về những tên gọi xấu thường được gán cho việc tái sử dụng, hình thành một khái niệm mới về nguyên liệu thô và đi kèm với đó là sự trân trọng mới đối những sản phẩm này.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhung-nghe-si-bien-rac-thanh-vang-1406022.tpo