Những nghề độc lạ nhất hành tinh: Phát tài nhờ 'bán' nước mắt, cho 'mượn' tay chân

Trong số các nghề độc lạ, có công việc chỉ cần bán chút nước mắt hay cho người lạ 'mượn' tay chân hay một cái ôm, bạn cũng có thể kiếm được một khoản tiền không nhỏ.

Người mẫu tay, chân

Không cần phải xinh đẹp hay có chiều cao cùng số đo 3 vòng chuẩn, chỉ cần bàn tay hay bàn chân đẹp, bạn hoàn toàn có thể trở thành người mẫu chuyên nghiệp bởi lẽ nhiều nhãn hàng chỉ cần chụp sản phẩm của họ trên tay hoặc chân.

Những người mẫu một phần này có thể kiếm được 5.000 đô la (hơn 100 triệu VNĐ) chỉ với một vài bức hình quảng cáo. Gemma Howorth là một ví dụ điển hình trong lĩnh cực này. Cô đã trở thành người mẫu tay chuyên nghiệp từ năm 18 tuổi. Đến nay, tay cô đã xuất hiện trên hơn 250 mẫu quảng cáo TV, poster quảng cáo và được xuất hiện cùng với nhiều người mẫu nổi tiếng như Kate Moss.

Covington kiếm được hàng ngàn đô la mỗi tháng nhờ nghề cho mượn tay chụp mẫu.

Covington kiếm được hàng ngàn đô la mỗi tháng nhờ nghề cho mượn tay chụp mẫu.

Tương tự, Covington (đến từ bang Virginia, Mỹ) cũng là một người mẫu tay chuyên nghiệp. Mặc dù thu nhập có thấp hơn nhiều so với Gemma, chỉ khoảng 1.200 đô la (hơn 27 triệu đồng)/ngày nhưng đó cũng là mức lương đủ hấp dẫn. Covington cho biết, công việc đặc biệt khiến cô rơi vào nhiều tình huống vừa ngại ngùng vừa hài hước chẳng hạn như đôi lúc cô phải đặt tay lên môi hay vào miệng người mẫu chính.

Khóc mướn

Khóc mướn trong đám tang từ lâu đã phổ biến ở các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc khi người dân nơi đây quan niệm, đám tang không có nước mắt cho thấy người quá cố không được tôn trọng, yêu thương. Ở các làng quê Trung Quốc, chỉ cần bỏ ra 300 bảng Anh (khoảng 9,2 triệu VNĐ) là có thể thuê được một đoàn khóc mướn chuyên nghiệp. Những người trong nghề này thường là phụ nữ thất nghiệp.

Dịch vụ trên hiện đã lan sang cả phương tây. Tại Anh, người ta phải bỏ ra 45 bảng Anh (Hơn 1 triệu VNĐ) để thuê một người khóc mướn mỗi giờ.

Từ một nghề lâu đời tại Trung Quốc, khóc mướn đã lan sang và phát triển tại Anh.

Tại xứ sở sương mù, nghề khóc mướn thường có tổ chức hơn. Những người được thuê sẽ được nghe kể tóm tắt về cuộc đời của người đã khuất, thậm chí còn có thể nói chuyện với bạn bè và người thân của họ để khóc một cách “có cảm xúc hơn” như thể họ thực sự thân thiết với người qua đời.

Ông Robertson, người thành lập công ty chuyên khóc thuê Rent-a-Mourner vào tháng 1/2012, cho biết nghề này thực sự đang rất phát triển tại Anh.

Xếp hàng mướn

Xếp hàng thuê là một công việc cực kỳ đắt khách trong những dịp giảm giá như Black Friday hay trong những ngày mở bán các sản phẩm “hot” như iPhone. Một trong những doanh nhân cực kỳ thành đạt trong lĩnh cực này là Robert Samuel (đến từ Mỹ). Trong dịp ra mắt iPhone 5, Samuel đã chợt nhận ra tiềm năng của nghề xếp hàng thuê khi anh nhanh chóng kiếm được hơn 300 đô la chỉ sau vài lần bán chỗ xếp hàng.

Tháng 12/2012, Samuel thành lập SOLD với dịch vụ chuyên trị xếp hàng với mức giá có thể lên đến 60 đô la cho mỗi lượt xếp hàng.

Samuel có thể kiếm bộn tiền chỉ với một lần xếp hàng.

Đối tượng khách hàng của Samuel cũng rất đa dạng. Họ có thể là người giàu có ngại xếp hàng hay một nhân viên văn phòng không thể rời cơ quan đúng giờ để xếp hàng hoặc một người không đủ sức khỏe xếp hàng dưới thời tiết giá lạnh.

Ôm ấp chuyên nghiệp

Tại Nhật Bản, từ lâu đã xuất hiện dịch vụ ôm không sex. Một cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ này trên phố Akihabara, thủ đô Tokyo có tên là Soineya. Mức giá để được trải nghiệm dịch vụ này không hề rẻ chút nào, có thể dao động từ 80- 645 đô la, tùy vào thời gian sử dụng dịch vụ.

Các người nhân viên làm trong lĩnh vực này thường là những học sinh trung học cho đến những người 30 tuổi. Họ làm việc từ 15 giờ đến 22 giờ các ngày trong tuần và từ 12 giờ đến 22 giờ các ngày cuối tuần và ngày lễ với mức lương 45 đô la (Khoảng 1 triệu VNĐ)/giờ.

Ôm ấp chuyên nghiệp đang trở thành liệu pháp xoa dịu tâm trạng được nhiều người tìm đến.

Tại Mỹ cũng xuất hiện loại hình dịch vụ này. Samantha Hess (sống tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon, Mỹ) đã thành lập website có tên “Cuddle Up to Me” và cửa hàng riêng chuyên cung cấp dịch vụ ôm ấp lành mạnh, chuyên nghiệp với giá 1 đô la/phút.

Khách hàng tìm đến Samantha đều phải đảm bảo đã trên 18 tuổi và ký kết thỏa thuận yêu cầu họ phải đảm bảo sạch sẽ, lịch sự và giữ nguyên quần áo trên mình trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ. Thời gian ôm mỗi khách tối đa là 5 tiếng.

Samantha cho biết, khách hàng của cô rất đa dạng, có người béo phì, bị tàn tật cụt chân tay, người mắc bệnh teo cơ, số khác vừa kết thúc mối quan hệ hoặc vừa ly dị.

Cô cũng khẳng định công việc của mình nghe có vẻ đơn giản nhưng lại đòi hỏi nhiều kỹ năng vì xác định những đụng chạm hiệu quả đối với từng đối tượng ở thời gian phù hợp không hề dễ dàng. Thậm chí, để những cái ôm phát huy hiệu quả tốt nhất, Samantha luôn lưu giữ hồ sơ thông tin về những trải nghiệm của khách hàng, cách họ thích được ôm, lựa chọn âm nhạc.

(Còn nữa)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nhung-nghe-doc-la-nhat-hanh-tinh-phat-tai-nho-ban-nuoc-mat-cho-muon-tay-chan-post42013.html