Những ngày nhập viện của Thủ tướng Johnson chấn động cả nước Anh

Những ngày Thủ tướng Boris Johnson nhập viện đã khiến cả nước Anh chấn động và chìm trong lo âu, bất kể tầng lớp hay phe phái chính trị.

"Tôi không thể cảm ơn họ đủ, tôi nợ họ mạng sống của mình", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.

Trong tuyên bố ngắn đưa ra tối 11/4, Thủ tướng Johnson gửi lời tri ân tới các nhân viên Dịch vụ Y tế quốc gia Anh, sau chuỗi ngày căng thẳng khi ông phải nhập viện, sau đó được chuyển tới phòng điều trị tích cực (ICU) và thở oxy, trước khi có dấu hiệu hồi phục, theo Guardian.

Quá tin vào sức khỏe bản thân

Trong những ngày đầu tiên khi mới nhiễm virus corona, ông Johnson tự cách ly tại nhà ở số 11 phố Downing, cạnh Văn phòng Thủ tướng, tìm mọi cách để làm giảm nhẹ tình trạng bệnh tật của bản thân.

Đó đương nhiên là điều Thủ tướng Johnson mong muốn. Bạn bè và người quen biết lâu năm của Thủ tướng Anh hiểu rõ cách ông đối mặt với bệnh tật, đặc biệt trong thời trai trẻ, đó là gạt bỏ mọi ý tưởng bản thân mắc bệnh.

Paul Goodman, cựu thành viên Hạ viện của đảng Bảo thủ, người từng có thời gian cùng làm việc với ông Johnson ở tờ Daily Telegraph, miêu tả về cách ông Johnson đối mặt với bệnh tật.

"Tôi nhớ rằng ông ấy luôn coi mắc bệnh là một biểu hiện yếu đuối về mặt đạo đức, điều đó làm ông ấy bối rối", Goodman nói.

 Thủ tướng Johnson làm việc trực tuyến khi đang tự cách ly. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Johnson làm việc trực tuyến khi đang tự cách ly. Ảnh: AFP.

Vì vậy, những thông điệp ban đầu khi ông Johnson tiến hành tự cách ly rõ ràng biểu hiện của cách thủ tướng Anh thường xuyên đối mặt với bệnh tật của bản thân.

Những triệu chứng khi đó được miêu tả là "nhẹ", tuy gây khó chịu, nhưng không đủ để ngăn cản thủ tướng điều hành chính phủ, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng chết chóc vì dịch bệnh.

Mặc dù vậy, đã có những quan ngại về tình trạng sức khỏe của Thủ tướng Johnson ngay từ lúc đó. Bất chấp những phát ngôn đầy can đảm và tự lên dây cót tinh thần, khối lượng công việc của Thủ tướng Johnson cũng được giảm tải để hỗ trợ cho quá trình điều trị và hồi phục của ông.

Các cuộc điện thoại gọi tới được giới hạn nghiêm ngặt, công việc giấy tờ cũng được giảm xuống đáng kể. Thủ tướng Johnson cố gắng ghi lại các video của bản thân hàng ngày bằng điện thoại di động. Trong những video này, chính trị gia 55 tuổi, nhợt nhạt và tóc thì rối xù hơn cả thường ngày, thúc giục người dân của mình tuân thủ các quy định chống dịch bệnh.

Trong suốt thời gian này, ngoài các cuộc tư vấn sức khỏe hàng ngày với bác sĩ, chỉ thư ký riêng Martin Reynolds và Giám đốc Truyền thông Lee Cain có tiếp xúc trực tiếp với Thủ tướng Johnson.

"Thời khắc đen tối nhất"

Sau hơn một tuần không khí tại Văn phòng Thủ tướng trầm lắng và ảm đạm, với nhiều nhân viên xin nghỉ ốm, tình trạng sức khỏe của ông Johnson không có dấu hiệu cải thiện.

Trong khi Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, chính trị 41 tuổi, tức trẻ hơn 14 tuổi so với ông Johnson, đang hồi phục nhanh chóng dù được xác nhận nhiễm virus corona gần như cùng lúc, thủ tướng Anh chưa có dấu hiệu biến chuyển tích cực.

Đến ngày 2/4, các quan chức Anh nhất trí cần xem xét lại về tình trạng sức khỏe và khối lượng công việc của Thủ tướng Johnson vào cuối tuần. Hôm 4/4, ông Johnson chủ trì cuộc họp với các bộ trưởng, chuyên gia y tế và các quan chức về chống đại dịch.

Thông điệp cuối cùng được đưa ra là ông "đang có tinh thần tốt". Tuy nhiên, tình hình của ông rõ ràng ngày càng "chật vật".

Ông Johnson hôm 2/4 trước khi bệnh tình chuyển biến xấu. Ảnh: AFP.

Sau cuộc họp, Thủ tướng Johnson không có lịch làm việc nào khác. Tối ngày 4/4, bạn gái ông Johnson là Carrie Symonds thông báo bà đã có các triệu chứng và sẽ tự cách ly. Từ lúc này, tin tức tiêu cực liên tục xuất hiện.

Tối ngày 5/4, theo khuyến nghị của bác sĩ, ông Johnson được xe ôtô của chính phủ đưa vào điều trị tại bệnh viện St Thomas, cách phố Downing không xa.

Các trợ lý của thủ tướng Anh một lần nữa nói giảm sự nghiêm trọng của tình hình khi cho biết việc nhập viện chỉ là biện pháp "thận trọng". Nhưng ông Johnson không thể tiếp tục làm như vẫn khỏe mạnh nữa.

Thủ tướng Johnson sau đó đã phải đề nghị Ngoại trưởng Anh Dominic Raab chủ trì cuộc họp của chính phủ về chống đại dịch vào sáng ngày 6/4, cũng như giúp ông thực hiện các công việc khác.

Tối ngày 6/4, tình trạng sức khỏe của ông Johnson xấu đi, ông được đưa vào điều trị tích cực. Nữ hoàng Anh Elizabeth được thông báo về tình hình. Tin tức về sức khỏe của ông Johnson được công bố với công chúng.

Charles Walker, một nghị sĩ đảng Bảo thủ nhiêu năm quen biết với Thủ tướng Johnson, cho biết gia đình mình, cũng như phần lớn đất nước, bị sốc khi nhận được thông tin về sức khỏe của thủ tướng.

"Chúng tôi đã theo dõi Nữ hoàng vào hôm 5/4, một trong những mỏ neo quan trọng của cuộc đời. Bà ấy làm chúng tôi nhớ lại một thời điểm trong quá khứ khi bà ấy còn trẻ. Và rồi đột nhiên thủ tướng của chúng tôi bị đưa vào phòng điều trị tích cực. Trong 52 năm cuộc đời, tôi thực sự nghĩ đó là thời khắc đen tối nhất. Chúng tôi có nhiều bạn bè và gia đình nhiễm virus, và nhiều người đã chết. Và rồi tôi nghĩ, lạy chúa, chúng ta có thể cũng sẽ mất ông ấy", ông Walker cho biết.

Đêm đó, người dân khắp cả nước, thuộc mọi tầng lớp, đã có một đêm mất ngủ. Dù có yêu mến hay ghét bỏ thủ tướng Anh, tất cả đều bị sốc khi nghe tin về tình hình sức khỏe của ông.

"Tất cả chúng ta, những người đã theo dõi người đàn ông này hàng thập kỷ, có cùng cảm xúc lẫn lộn giữa sốc, cảm thông và mất niềm tin. Làm thế nào mà Johnson của mọi người đột nhiên có nguy cơ mất đi tính mạng", tờ Guardian bình luận.

Trong khi đó, ông Goodman nhớ lại hình ảnh ông Johnson bị treo lơ lửng trên dây cáp ở thủ đô London năm 2012, bình luận rằng dù Thủ tướng Anh có gây chia rẽ như thế nào, ông ấy vẫn là "một nguồn sống" của đất nước.

Baroness Morgan, một thành viên trong nội các của Thủ tướng Johnson, cho biết bị chấn động với những chia sẻ từ những người, dù không phải là ủng hộ viên của ông Johnson hay đảng Bảo thủ. "Mọi người dường như cần một lối thoát, giống như tất cả chúng tôi. Suy nghĩ của đa số là lạy Chúa, không thể tin điều này đang xảy ra".

Bà Morgan đã vật lộn với giấc ngủ vào đêm sức khỏe ông Johson chuyển biến xấu và vật lộn với suy nghĩ về diễn biến của tình hình. "Khi tôi tỉnh dậy, và tôi nghĩ rằng đây là điều đang xảy ra với nhiều người, tôi rất sợ hãi khi đọc tin tức. May mắn là không có tin tức xấu hơn, nhưng không thể biết được sau những gì đã xảy ra".

Tâm lý cảm thông trên toàn đất nước cũng lan tới ngay cả những người chỉ trích Thủ tướng Johnson khắc nghiệt nhất.

"Tôi coi Boris, người từng là bạn, là một tay gian dối và thiếu năng lực, dựa trên những gì ông ấy đã làm, trong đó có Brexit. Nhưng khi nghe tin ông ấy đang phải điêu trị tích cực, tôi chỉ cảm thấy một làn sóng cảm thông dâng trào", một phóng viên từng làm việc cùng ông Johnson ở Brussels cho biết.

Thay đổi quan điểm về bệnh tật?

Ngày 9/5, các dấu hiệu cho thấy sự hồi phục đã xuất hiện. Ông Johnson không cần phải sử dụng máy trợ thở, tình hình sức khỏe đã ổn định trong 2 ngày và đang "tiến triển tốt". Một nhân viên tại số 10 phố Downing cho biết không khí phấn khởi lan tỏa ở Văn phòng Thủ tướng.

"Tâm lý thận trọng khi đó là mọi thứ đã ổn. Mọi người trở lại với công việc. Nhân viên của Ngoại trưởng Raab có mặt nhiều hơn. Tất cả hãy cùng hy vọng", người này cho biết.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Johnson được đưa ra khỏi phòng điều trị tích cực. Khi thông tin này xuất hiện, tâm lý người dân được giải tỏa. Tuy nhiên, người viết tiểu sử của ông Johnson là Andrew Gimson cho biết ít nhất thủ tướng Anh sẽ cần thay đổi cách nhìn về sức khỏe và sự dễ bị tổn thương của bản thân, cũng như của những người khác.

Nhân viên y tế tại bệnh viện ở thủ đô London. Ảnh: AFP.

"Boris chưa bao giờ tin vào bệnh tật. Ông ấy không nhìn nhận bệnh tật ở bản thân cũng như ở những người khác. Ông ấy tin rằng bản thân đủ khỏe để tiếp tục công việc bất chấp mọi triệu chứng. Ông ấy có xu hướng làm việc tới kiệt sức, không ngưng nghỉ. Với những trải nghiệm vừa rồi, hy vọng ông ấy sẽ thay đổi góc nhìn", ông Gimson nói.

Cha của Thủ tướng Johnson là Stanley Johnson cho biết sẽ không chấp nhận thái độ ung dung của con trai đối với bệnh tật thêm nữa. Dù khẳng định con trai vẫn đủ sức khỏe để tiếp tục công việc, ông Stanley kiên quyết thủ tướng Anh không thể tiếp tục đóng vai "người hùng" trong thời gian hồi phục.

"Boris cần thời gian. Tôi không thể tin là người ta có thể lập tức quên đi bệnh tật, trở lại phố Downing và nắm dây cương mà không cần thời gian điều chỉnh", ông Stanley nói.

Guardian cho biết thủ tướng Anh hôm 11/4 đã đủ khỏe để thư giãn tại bệnh viện bằng cách xem các bộ phim như "Withnail and I" và "Lord of the Rings".

Trong khi đó, cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ Anna Sourby cho rằng ông Johnson cần rút ra bài học từ bệnh tật lần này, để trở thành một nhà lãnh đạo nhạy cảm và thấu hiểu hơn.

"Tôi rất vui mừng khi thấy ông ấy hồi phục. Nhưng tất cả cách hành xử học theo Churchill này cần phải dừng lại. Ông ấy cần khiêm nhường và nhận ra rằng bệnh tật sẽ không phân biệt giữa hoàng tử và thứ dân", bà Sourby nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ngay-nhap-vien-cua-thu-tuong-johnson-chan-dong-ca-nuoc-anh-post1071973.html