Những ngày làm vua cuối cùng của hoàng đế Bảo Đại - Kỳ 2: Thông điệp gửi tướng De Gaulle

Ngày 17.8.1945, nhà vua triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời và quyết định gửi thông điệp đến người đứng đầu các nước Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật Bản. Trong hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại viết: 'Tôi đã chọn chỗ đứng của tôi'.

Ngày 17.8.1945, nhà vua triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời và quyết định gửi thông điệp đến người đứng đầu các nước Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật Bản. Trong hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại viết: “Tôi đã chọn chỗ đứng của tôi”.

Vua Bảo Đại (1913 - 1997) - Ảnh: tư liệu

Huế tháng 8

Sang đầu tháng 8, những người Pháp bị người Nhật bắt giam trong nhà lao được chuyển về Mang Cá giam chung với tù binh. Họ chủ yếu là nhân viên Sở Mật thám mà người Nhật coi là những phần tử nguy hiểm.

Ngày 8.8, có khoảng 150 tù binh là sĩ quan Pháp giam ở Mang Cá bị giải vào Sài Gòn đi qua trước cửa khách sạn Morin. Số lớn khác chia thành nhiều toán đi ngả khác ra ga Huế.

Sau khi tù binh được chuyển đi, kiều dân Pháp ở Huế cảm thấy như bị bỏ rơi. Khu phố Tây càng thêm vắng. Rồi có tin người Mỹ đã ném bom nguyên tử trên đất Nhật. Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki có lẽ đã biến thành tro bụi. Một tin đồn khác mau chóng ập tới: Việt Minh đã làm chủ phần lớn lãnh thổ miền Bắc, đã hạ quân lệnh khởi nghĩa.

Mới ra mắt quốc dân được mấy tháng, ngày 5.8, Nội các Trần Trọng Kim xin từ chức: 3 bộ trưởng xin từ nhiệm, Bộ trưởng Vũ Ngọc Anh qua đời vì trúng bom máy bay Mỹ. Các bộ trưởng khác tuyên bố bất lực, không thể làm được việc gì nếu không được cố vấn tối cao Nhật đồng ý.

Vua Bảo Đại chấp nhận cho Thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức nhưng yêu cầu thủ tướng ở lại lập nội các mới. Giao nhiệm vụ xong, theo thường lệ, nhà vua tiếp tục đi săn ở mạn Quảng Trị.

Việc lập nội các mới gần như vô vọng. Thủ tướng Trần Trọng Kim cố sức liên hệ, tiếp xúc, vận động các nhân sĩ, trí thức nhưng họ đều khước từ cộng tác.

Cùng thời gian đó, nhà vua được người Nhật trao lại các nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và xứ Nam kỳ thuộc địa. Ngày 14.8, Bảo Đại ra sắc chỉ giao Nguyễn Văn Sâm sung chức Khâm sai Nam bộ. Quan Khâm sai đại thần chưa kịp lên đường thì hôm sau, ngày 15.8 Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh.

Thủ tướng Trần Trọng Kim cáo bệnh. Ông nói bị tăng huyết áp và không ra khỏi nhà.

Một không khí u ám bao trùm lên cả Đại nội. Hoàng hậu Nam Phương triệu tập Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe đến gặp. Ông Hòe kể lại: Bà lo lắng về chiều hướng phát triển của tình hình, chán nản than vãn về đức vua vẫn chứng nào tật ấy, say mê chơi bời, cờ bạc, săn bắn... Bà hỏi xem có cách nào “cứu vãn tình hình” được không?

Thông điệp gửi nước Pháp “với tư cách người bạn”

Ngày 17.8, quần chúng Hà Nội hạ cờ quẻ ly, dựng cờ đỏ sao vàng, biến cuộc mít tinh của Tổng hội công chức Đông Dương ủng hộ nhà vua thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Hai ngày sau, quần chúng Hà Nội chiếm dinh Khâm sai Bắc bộ, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc tổng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Lúc này, vua Bảo Đại quyết định hành động. Cùng ngày 17, nhà vua triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời, ra quyết định: nhà vua gửi thông điệp đến những người đứng đầu các nước Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa, kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật Bản. Trong thông điệp gửi tướng De Gaulle có đoạn viết:

“Tôi nói với nhân dân nước Pháp, nơi tôi đã sống thời niên thiếu, tôi muốn nói với tư cách một người bạn, chứ không phải người đứng đầu nhà nước.

Các vị đã đau khổ quá nhiều trong bốn năm đầy tang tóc dưới chế độ chiếm đóng, nên không thể không hiểu rằng dân tộc VN có hai mươi thế kỷ lịch sử đầy vinh quang trong quá khứ, không muốn và không thể chịu đựng được nữa bất kỳ một sự đô hộ nào, của nước ngoài.

Các vị sẽ hiểu rõ hơn nếu các vị có thể chứng kiến những sự kiện đang diễn ra ở đây, thấy rõ ý nguyện độc lập của nhân dân VN đã ấp ủ tận đáy lòng và không một sức người nào có thể kìm nén được. Ngay dù các vị có thể lập lại trên đất nước này sự thống trị của Pháp thì cũng không có ai nghe theo: mỗi làng sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi người cộng tác cũ của các vị sẽ là một kẻ thù, và các quan chức, các kiều dân Pháp sẽ chỉ đòi thoát khỏi bầu không khí nghẹt thở này. Mong các vị hiểu rằng cách duy nhất để cứu vãn quyền lợi Pháp và ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp là thẳng thắn thừa nhận nền độc lập của VN, từ bỏ mọi ý nghĩ lập lại chủ quyền hoặc bất cứ một hình thức cai trị nào của nước Pháp trên đất nước này. Chúng ta có thể dễ dàng thỏa thuận với nhau nếu các vị từ bỏ ý định trở lại làm ông chủ của chúng tôi”.

Khi đó, tướng De Gaulle, người đứng đầu nước Pháp đang ở Washington để hội kiến với Tổng thống Truman. Lúc này, Tổng thống Mỹ dứt khoát công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Vì vậy, lập trường của De Gaulle là không thể chấp nhận Đông Dương độc lập. Người đứng đầu nước Pháp chỉ tuyên bố: “Do thái độ trước kẻ xâm lược và trung thành với nước Pháp, dân chúng Đông Dương xứng đáng được sống sung túc và tự do hơn”.

Như thế là nước Pháp không có ý định trao trả độc lập cho VN.

Ông Phạm Khắc Hòe bắt đầu tác động một cách kiên nhẫn vào tinh thần đang suy sụp của nhà vua, vận động nhà vua tự nguyện thoái vị. Ông gợi lại cuộc cách mạng Pháp 1789 và số phận bi thảm của vua Louis XVI rồi nhẹ nhàng khuyên nhà vua không nên chờ nước đến chân mới nhảy. Bảo Đại vừa cười nhạt vừa nói với giọng mỉa mai: “Không có lẽ quân đội Nhật sẽ khoanh tay ngồi nhìn để cho dân chúng làm chi thì làm?”.

Nguồn: Trích từ Bảo Đại, hay là những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam
(tác giả Daniel Grandclément)

Kiều Mai Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-ngay-lam-vua-cuoi-cung-cua-hoang-de-bao-dai-ky-2-thong-diep-gui-tuong-de-gaulle-604356.html