Những ngày cuối năm trên đại công trình thủy lợi bản Mồng

Tranh thủ thời tiết thuận lợi của những ngày cuối năm, các nhà thầu đang tập trung nhân, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công đại công trình thủy lợi Bản Mồng (TLBM).

Các hạng mục của công trình đầu mối TLBM đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đến đại công trình TLBM nhìn từ xa, những quả núi cao sừng sững hai bên dòng sông Hiếu được các cắt gọt từ trên mái xuống để thi công công trình đầu mối. Những chiếc xe ben “ba chân” đồ sộ chở đầy vật liệu tập kết về công trường trông như những hộp diêm di chuyển quanh sườn núi. Hàng chục chiếc cẩu lớn nhỏ đang nhấc những tấm cốp-pha, cuộn thép, thùng bê-tông… nhẹ nhàng đưa vào công trình. Ngay phía hạ lưu đê quây chắn dòng, “trái tim” công trình - thân đập chính sừng sững dài gần 400m chắn giữa hai quả núi đang nhô dần lên cao dưới cái nắng vàng nhạt đầu đông.

Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) Nguyễn Văn Sơn cho biết, được khởi công xây dựng năm 2010, do khó khăn về nguồn vốn, công trình TLBM buộc phải giãn tiến độ, đến năm 2017 mới được cấp vốn trở lại. Lại vướng mặt bằng trong nhiều năm nên việc thi công công trình đầu mối bị chậm trễ. Để khắc phục những phần việc bị ách tắc do GPMB, Ban 4 đã sáng kiến làm ngầm qua kênh dẫn dòng để đưa phương tiện, máy móc cùng vật tư vào phục vụ thi công đào hố móng đập chính kịp thời.

Ngoài ra, điều chỉnh diện tích GPMB nhỏ nhất để tiết kiệm nguồn vốn. Như ở đầu cầu qua kênh dẫn dòng điều chỉnh phần GPMB xuống chỉ còn 1/10 so diện tích trước đây cùng phương án kỹ thuật đi cùng đã tạo điều kiện cho các nhà thầu đưa các loại thiết bị, máy móc hiện đại cùng vật tư, vật liệu vào thi công đập chính, đáp ứng yêu cầu thi công trong năm 2018. Do thi công ở địa hình rừng núi cùng tác động của biến đổi khí hậu, Ban 4 cập nhật chuỗi thủy văn trong 10 năm lại nay ở miền Tây Nghệ An để trình Bộ NN-PTNT phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở cho phù hợp thực tế…

Tranh thủ thời tiết thuận lợi những ngày cuối năm, hàng trăm ô-tô, máy móc thi công hiện đại ngày đêm hối hả thi công các hạng mục của đập chính. Các nhà thầu có thương hiệu trong xây dựng các công trình thủy lợi như: Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4, Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty Hòa Hiệp và Công ty Hoàng Dân có mặt tại đây, nên tiến độ thi công luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chỉ huy công trường Công ty Hoàng Dân, Trần Đức Thành cho biết, đơn vị cùng liên doanh các nhà thầu đảm nhiệm thi công gói thầu số 36, gồm: đập bê-tông, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả sâu, và đập phụ. Từ tháng ba đến nay, đơn vị luôn duy trì ba ca trên công trường cùng 120 cán bộ kỹ thuật, công nhân và hàng chục phương tiện thi công hiện đại.

Để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị đã đưa vào công trường hai trạm trộn bê-tông cỡ lớn, cẩu tháp 7030, cẩu Kato75 tấn, cẩu băng chuyền… Do có kinh nghiệm đổ bê-tông phối trộn tro bay, nên chất lượng bê-tông luôn được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Mỗi khối bê-tông trước khi đổ đều được chủ đầu tư và nhà thầu kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, quy trình thi công, bảo dưỡng…

Đơn vị tranh thủ thời gian mát dịu, nhất là buổi tối để đổ bê-tông. Đến nay, các khối lượng công việc do Công ty Hoàng Dân thi công đã hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2018 trước một tháng. Cùng thi đua với Hoàng Dân, các nhà thầu khác cũng huy động các phương tiện thi công hiện đại, tập trung nhân lực, hối hả tổ chức thi đua nước rút và đều về đích trước kế hoạch đề ra.

Tuy mới chính thức thi công từ đầu năm 2018 đến nay, bên cạnh việc hoàn thành mặt bằng, đào đắp các đê quây thượng, hạ lưu; khoan phụt hố móng lòng sông, chân khay, xử lý sạt trượt hai bên sườn núi của hố móng, các nhà thầu đã tập trung thi công đập chính, khi đã đào đắp được hơn 800 nghìn m3 đất đá các loại; đổ hơn 50 nghìn m3 bê-tông phản áp và bê-tông kết cấu đập chính, tràn phản áp, bể tiêu năng, cống xả sâu… với tổng giá trị thực hiện khoảng 315 tỷ đồng. Không chỉ thực hiện vượt tiến độ kế hoạch năm, Ban 4 còn động viên các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi những ngày cuối năm này tiếp tục huy động thêm nhân, vật lực đẩy nhanh tiến thi công để giải ngân phần nguồn vốn của tỉnh Nghệ An điều chuyển qua khoảng 100 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thực hiện quy chế phối hợp chặt chẽ, Ban 4 còn tổ chức giao ban định kỳ, đột xuất ngay tại công trình để đôn đốc, nhắc nhở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho nhà thầu, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công. Công tác giám sát chất lượng và bảo đảm an toàn lao động cũng được đơn vị chỉ đạo quyết liệt. Tất cả các vật liệu thi công đầu vào đều có chứng chỉ xuất xưởng, xuất xứ nguồn gốc theo đúng quy định.

Đặc biệt, đây là công trình thủy lợi đầu tiên của cả nước thi công đập bê-tông khối lớn có chất phụ gia tro bay của nhà máy nhiệt điện, Ban 4 đã tổ chức một cách khoa học, phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở và đưa ra các quy trình quản lý chất lượng từ khâu thiết kế, thi công và nghiệm thu; tổ chức lớp học cho các cán bộ kỹ thuật nhà thầu, mời các chuyên gia đầu ngành tập huấn về cấp phối bê-tông cũng như khống chế nhiệt...

Ban 4 đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ việc làm bê-tông của các nhà thầu để đổ bê-tông cùng khối ở các hạng mục khác nhau tại công trình đầu mối. Các khối đổ bê-tông được nghiệm thu đầy đủ, từ công tác chuẩn bị khối đổ, vật liệu đầu vào, quá trình trộn đổ, đến bảo dưỡng bê-tông, thường xuyên đo nhiệt độ bê-tông. Để bảo đảm nhiệt độ của bê-tông theo quy định, nước trộn bê-tông được làm lạnh trước khi trộn từ 2-40C; đá, cát phải để trong lán có mái che; xi-lô chứa xi-măng cũng được che chắn để giảm nhiệt độ…

Công tác tập huấn an toàn lao động luôn được chủ đầu tư và các nhà thầu chú trọng. Mặc dù thi công trên địa hình đồi núi, khá chật hẹp, nhưng công trường được sắp xếp gọn gàng, các biển báo đầy đủ, công nhân ra công trường có quần áo, mũ, ủng bảo hộ. Nên công trình TLBM chưa để xẩy ra một vụ tai nạn lao động thương tâm nào. Công tác an ninh trật tự được bảo đảm. Đơn vị đã lập barie, ngăn không cho người lạ vào công trường, thuê bảo vệ…

Điều cần nhất, để hoàn thành giai đoạn 1 kịp thời, đưa dự án vào hoạt động, công trình cần bổ sung thêm khoảng 626 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục: cửa van tràn xả lũ, thiết bị trạm bơm, cửa van cống lấy nước, hệ thống đường ống; đặc biệt kinh phí cho Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giai đoạn 2 trong lòng hồ… Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ, Quốc hội, đề nghị sớm thông qua, Phó Giám đốc Ban 4 Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.

Trước đó, đến kiểm tra công trình, Thứ trưởng NN-PTNT Hoảng Văn Thắng biểu dương tinh thần vượt khó của Ban Giám đốc Ban 4 cùng các nhà thầu và địa phương đã nổ lực vượt khó, đẩy nhanh tiến độ thi công. Ban Quản lý đã có nhiều sáng kiến trong tổ chức thi công, quản lý chất lượng công trình theo hướng quy chuẩn, nhất là phối hợp các nhà khoa học trong thí nghiệm và kiểm soát chất lượng bê-tông đập chính phối trộn với phụ gia tro bay để giảm chi phí và tăng chất lượng, tuổi thọ công trình; Ban 4 tập trung chỉ đạo xây dựng công trình thủy lợi kiểu mẫu về tổ chức thi công, xây dựng và quản lý.

Theo Giám đốc Ban 4 Hoàng Xuân Thịnh, chủ đầu tư cùng các nhà thầu đều quyết tâm phấn đấu, đến cuối năm 2020, công trình TLBM sẽ hoàn thành giai đoạn 1, tạo ra một “kho” nước dự trữ lớn nhất xứ Nghệ, lên đến 225 triệu m3, nằm ngay phía trên vùng đất bazan Phủ Quỳ màu mỡ. Nghệ An cần sớm có những giải pháp căn cơ để khai thác có hiệu quả “kho” nước này nhằm đánh thức và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp miền Tây Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, “kho” nước quý giá này còn phục vụ đời sống dân sinh, chăn nuôi và các ngành công nghiệp, dịch vụ khác. Đồng thời, phát điện công suất 43 MW, cắt lũ cho hạ du sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt... Công trình TLBM đi vào khai thác vận hành, đây là cơ hội để đánh thức và phát triển kinh tế cho vùng Phủ Quỳ rộng lớn đầy tiềm năng.

Dự án TLBM do Ban 4 làm chủ đầu tư là công trình trọng điểm của Bộ NN-PTNT nằm ở huyện miền núi Quỳ Hợp, có tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Ban đầu, công trình thủy lợi cấp I này dự kiến phải di dời, tái định cư khoảng 1.265 hộ, gần 5.000 nhân khẩu. Nhận thấy dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn về xã hội, lãnh đạo Bộ NN- PTNT đã cùng các đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia và Ban 4 nghiên cứu các giải pháp công trình để giữ được 585 hộ ở thị trấn Châu Bình, giải pháp cao trình di dân hợp lý, đến nay chỉ còn 220 hộ phải di dời, tiết kiệm cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38598102-nhung-ngay-cuoi-nam-tren-dai-cong-trinh-thuy-loi-ban-mong.html