Những ngày cuối của trại giáo dưỡng cho phụ nữ bán dâm ở Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc sắp tới sẽ loại bỏ hệ thống các trại giáo dưỡng - nơi các lao động tình dục và khách mua dâm có thể bị giam giữ tới 2 năm không qua xét xử.

Theo South China Morning Post, hệ thống các trại giáo dưỡng cho phụ nữ hành nghề mại dâm được thiết lập từ những năm 1980, một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc khi đó nhằm trấn áp hoạt động phạm pháp này. Các lao động tình dục và khách mua dâm có thể bị giam giữ tới 2 năm mà không cần xét xử trong những trại giáo dưỡng như vậy, nằm dưới sự quản lý của cảnh sát.

Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Asia Catalyst ước tính khoảng 300.000 người đã bị đưa vào hệ thống trại giáo dưỡng trong giai đoạn 1987-2000, nhưng chính phủ Trung Quốc không đưa ra số liệu chính thức. Mặc dù vậy, truyền thông nước này đã đưa tin về sự sụt giảm của các vụ bắt giữ trong những năm gần đây, dẫn tới việc nhiều trại giáo dưỡng không cần phải hoạt động và được cho đóng cửa.

Tiếp viên đón khách bên ngoài một tiệm gội đầu ở thành phố Bắc Kinh vào năm 2008, mại dâm thường núp bóng dưới các cơ sở gội đầu, karaoke hoặc massage ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Tiếp viên đón khách bên ngoài một tiệm gội đầu ở thành phố Bắc Kinh vào năm 2008, mại dâm thường núp bóng dưới các cơ sở gội đầu, karaoke hoặc massage ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

"Muộn còn hơn không"

Bên cạnh hệ thống trại giáo dưỡng dành cho lao động tình dục, ở Trung Quốc còn có hai hệ thống giam giữ ngoài tố tụng khác là hệ thống cải tạo thông qua lao động, nhắm đến tội phạm ít nghiêm trọng; và hệ thống dành cho các người lao động bất hợp pháp đến từ nước ngoài. Cả hai hệ thống này đã bị loại bỏ lần lượt vào các năm 2013 và 2003.

Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), cơ quan lập pháp của Trung Quốc, đang xem xét một dự luật nhằm chấm dứt hoạt động của các trại giáo dưỡng. Dự luật này dự kiến được thông qua vào ngày 28/12 tới, theo Tân Hoa xã.

Tờ Tin tức Bắc Kinh đưa tin ủy ban lập pháp của NPC đã đưa ra khuyến nghị về việc xem xét lại toàn bộ hệ thống trại giáo dưỡng trên đất nước vào năm 2018. Ông Vương Tiểu Hồng, thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc, là người đã trình bày đề xuất này với cơ quan lập pháp vào ngày 23/12.

"Dự luật này có muộn còn hơn là không. Bãi bỏ hệ thống trại giáo dưỡng với người liên quan đến hoạt động mại dâm là phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền con người", ông Hà Hải Ba, giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định.

Trong một nghiên cứu của mình vào năm 2015, ông Hà đánh giá hệ thống này "thiếu đi những bảo vệ cơ bản nhất cho quá trình tố tụng hợp pháp, còn cách rất xa sự cởi mở, công bằng hay đích đáng". Nghiên cứu của ông cũng cho rằng hệ thống nhắm một cách thiếu tương xứng vào các phụ nữ hành nghề mại dâm có xuất thân nghèo khó.

Cảnh sát Trung Quốc đột kích một tiệm massage ở thành phố Thanh Đảo trong chiến dịch truy quét mại dâm toàn quốc năm 2014. Ảnh: AP.

Nghiên cứu năm 2013 của Asia Catalyst cũng đặt ra câu hỏi về tác dụng của hệ thống trong việc hạn chế hoạt động mại dâm, và chỉ ra rằng khía cạnh "giáo dục" trong hệ thống trại giáo dưỡng đã bị biến tướng thành một cơ chế tạo ra lợi nhuận, trong đó những người bị giam giữ phải lao động cưỡng ép để làm ra đồ chơi hoặc đồ gia dụng.

Nghiên cứu này cũng cho thấy phần lớn phụ nữ đều quay lại hành nghề mại dâm vì những kỹ năng mà họ học được trong trại giáo dưỡng không thể giúp họ thay đổi số phận.

Động thái không mang tính dự báo

Ông Châu Chính Phù, Phó chủ tịch hiệp hội luật sư toàn Trung Quốc, người cũng là thành viên của cơ quan tư vấn lập pháp chính trị -Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc - cũng kêu gọi bãi bỏ hệ thống trường giáo dưỡng kể từ năm 2014.

"Tôi tiếp tục kêu gọi bãi bỏ hệ thống trại giáo dưỡng vì một khi những người này bị giam giữ, họ vừa phải làm việc lại vừa không nhận được sự giáo dục. Đồng thời, họ cũng bị tước đoạt tự do, và điều đó cũng là một hình phạt", ông Châu nói.

Trên thực tế hệ thống trại giáo dưỡng đã sụt giảm trong nhiều năm qua do không có học viên. Thậm chí ở một số nơi các trường kiểu này đã bị đóng cửa hoàn toàn.

Việc bãi bỏ này được cho là đã nên làm từ lâu, nhưng theo Vĩ Thành Hào, sinh viên luật Đại học Harvard, người là chủ của blog NPC Observer chuyên theo dõi các quyết định luật pháp của chính phủ Trung Quốc, đây không nên được coi là tín hiệu cho những cải cách sâu rộng hơn.

"Việc hệ thống trại giáo dưỡng không còn phải hoạt động đã giúp cho những người ra quyết định cảm thấy dễ dàng hơn trong việc bãi bỏ nó. Tôi sẽ không coi động thái này như là một phần của những cải cách sâu rộng hơn trong hệ thống pháp luật Trung Quốc", ông Vi nhận định.

Các tiếp viên bị bắt trong một khách sạn ở thành phố Đông Hoản - nơi được coi là thủ phủ ngành mại dâm Trung Quốc - trong chiến dịch truy quét năm 2014. Ảnh: AP.

Những người hành nghề mại dâm và khách mua dâm vẫn sẽ phải đối mặt với các hình thức trừng phạt khác nếu hệ thống trại giáo dưỡng bị bãi bỏ.

Người phạm tội liên quan đến mại dâm có thể bị giam giữ hành chính lên tới 15 ngày và phạt tiền lên tới 5.000 nhân dân tệ (713 USD), theo luật pháp hiện hành.

Hình phạt này đã bị chỉ trích vì được áp dụng tùy tiện, trong một số trường hợp đã bị sử dụng cho mục đích chính trị.

Hồi tháng 8, công dân Hong Kong Simon Cheng Man Kit, người đang làm việc cho lãnh sự quán Anh ở Hong Kong, đã bị cảnh sát Thâm Quyến giam giữ vì cáo buộc mua dâm khi đi công tác. Nhưng người này cho biết cảnh sát đại lục bắt giữ anh để tra hỏi về việc giúp đỡ người biểu tình Hong Kong.

Sơn Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-ngay-cuoi-cua-trai-giao-duong-cho-phu-nu-bam-dam-o-trung-quoc-post1029418.html