Những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Nhà tù Côn Đảo

Thiếu tướng Huỳnh Thủ, sinh năm 1915, trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vì nhà nghèo, năm 1935, ông phải bỏ học giữa chừng vào Sài Gòn làm công nhân. Tại đây, ông đã được giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào công nhân đấu tranh chống thực dân Pháp và đã được đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản năm 1937.

Trại giam Phú Hải – một trong những khu biệt giam của Nhà tù Côn Đảo rộng hơn 12.000m2, gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam. Ảnh: CTV

Tháng 5-1942, ông bị thực dân Pháp bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo với mức án 15 năm khổ sai.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở về với đồng đội và được Đảng tin tưởng giao các chức vụ phụ trách quân sự các tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tây Đô, Tham mưu trưởng Sư đoàn 338 và là Tham mưu trưởng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT). Năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh CANDVT. Năm 1980, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Tư lệnh BĐBP. Khi còn đương chức, phóng viên Báo Biên phòng có lần phỏng vấn ông: “Điều gì gây ấn tượng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Tư lệnh?”.

Tướng Huỳnh Thủ suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Đó là những ngày Cách mạng Tháng Tám ở nhà tù Côn Đảo - Địa ngục trần gian”. Rồi Tướng Huỳnh Thủ bắt đầu kể:

Vào một buổi trưa đầu năm 1945, sau khi ăn cơm, đồng chí Tám, Bí thư Chi bộ nhà tù không nằm nghỉ trong khám như thường lệ. Anh đi “khều” một số đồng chí đến hội ý nho nhỏ, trong đó có Huỳnh Thủ. Sau đó, mọi người chia nhau đi “khều” anh em ngồi dậy, dồn lại một chỗ để nghe thông báo tin quan trọng. Các đồng chí đau nặng cũng được dìu đến. Những đồng chí kiệt sức cũng ráng ngồi dậy tại chỗ. Sau khi liếc mắt nhìn ra ngoài khám đề phòng bọn cai ngục rình mò, đồng chí Tám bắt đầu nói:

- Hồng quân Liên Xô phản công khắp các mặt trận và giành thắng lợi lớn lắm. Quân Đức đang rút chạy tán loạn, đã chạy rất xa Xta-lin-grát và Thủ đô Mạc Tư Khoa!

Đồng chí Tám chưa dứt lời, đã có tiếng vỗ tay nhè nhẹ, đều và kéo dài. Chen vào đó có tiếng nói nho nhỏ của các đồng chí đã kiệt sức: “Hồng quân Liên Xô thắng, chúng ta nhất định thắng, tôi sẽ sống cho đến ngày chiến thắng!”.

Đồng chí Tám nói tiếp:

- Tin Hồng quân thắng lớn đến với chúng ta chậm, nhưng đã có sức cổ vũ động viên rất lớn, củng cố lòng tin của chúng ta vào thắng lợi của cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam.

Khó có thể nói hết niềm hân hoan của những chiến sĩ bao năm bị tù đày, cầm cố trong “địa ngục trần gian”, đêm ngày canh cánh ngóng trông đến lúc tung cánh sổ lồng. Liên Xô thắng lợi, dấu hiệu của một giai đoạn lịch sử mới đã hiện ra.

Chiều đó, chúng tôi ngồi lại bàn việc thực hiện lời dặn của cấp trên: Chuẩn bị mọi mặt đón nhận những sự kiện lớn, sẵn sàng chiến đấu với bọn Nhật và lũ tay sai, đề phòng bọn phản động phá hoại. Sau đó, chúng tôi chia nhau đi giải thích, hướng dẫn, động viên anh em, đồng thời thăm dò thái độ số tù nhân đảng phái thân Nhật, Trốt-skít; kiên trì giải thích, động viên số anh em bị bọn phản động lừa phỉnh, bị địch lợi dụng...

Vào lúc nửa đêm 8-3-1945, chúng tôi đều nằm trần, bởi sự nóng nực của cái khám chật hẹp nhốt quá đông người. Chẳng ai ngủ được, trừ một số anh em đang bị cơn sốt mê man. Chúng tôi bỗng nghe từng loạt súng nổ kéo dài, sau đó thỉnh thoảng nổ một, hai tiếng ở hướng bọn chúa đảo người Pháp và bọn lính Pháp đang ở. Chúng tôi ngồi dậy nhìn và thì thào với nhau trong đêm tối, việc gì đã xảy ra:

- Bọn Nhật lại bắn chết bọn Pháp như những lần trước đây!

- Không phải!

- Chỉ có bọn Nhật bắn bọn Pháp thôi!

Súng nổ lại nhiều và kéo dài. Một số chúng tôi ngồi dậy, “khều” nhau trao đổi, rồi chia nhau đi gặp từng người nhắc họ nhớ lại lời căn dặn của trên, động viên nhau bình tĩnh, vững vàng chiến đấu.

Sáng ngày 9-3-1945, khác những buổi sáng trước, bọn mã tà mở hết các cửa khám trong banh, bắt tù nhân tập trung theo từng khám trước sân. Tên thư ký Tòng của Pháp, lưng đeo hai khẩu súng ngắn, tay chống nạnh đứng với tên bộ hạ. Tên gác giam người Pháp cũng có mặt, đeo dùi cui thay súng ngắn. Mấy tên mã tà, tay cầm một khúc gỗ, mặt buồn xo. Tên Tòng đứng lên một chỗ cao nói:

- Từ hôm nay, chủ Côn Đảo là người Việt Nam, là chúng tôi. Tôi là sếp banh này, các anh ai muốn qua banh 4 sẽ được đi (banh 4 dành cho tù thân Nhật).

Tất cả chúng tôi đều im lặng. Tên Tòng nói tiếp:

- Các anh vẫn phải đi lao động. Người gác giam Pháp và người mã tà thường ngày dẫn giải các anh, nay vẫn tiếp tục.

Sau đó, chúng tôi được biết, Nhật đã đảo chính Pháp, nắm quyền cai trị trên ba nước Đông Dương. Từ đó, chúng tôi tranh thủ thời cơ củng cố đội ngũ, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với sự khủng bố của bọn thân Nhật và tay sai, đồng thời cũng chuẩn bị chào đón những sự kiện lớn. Trước thái độ, hành động bình tĩnh thống nhất của các đồng chí ta và quần chúng khắp đảo, bọn Nhật và tay sai có phần chùn tay...

Chiều ngày 28-5-1945, cơn giông bỗng nổi lên. Mây đen kéo đến âm u cả một vùng. Bọn Nhật bày trò giao chủ quyền đảo cho người Việt Nam. Theo lệnh của tên quan ba Nhật Xe-tô, lễ phải làm nhanh gọn, đề phòng “bất trắc”.

Chúng kéo cờ quẻ ly (cờ của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được quân Nhật giao). Tên quan ba Nhật Xe-tô đọc diễn văn ba hoa về “công lao quân Nhật theo lệnh Nhật hoàng giúp Việt Nam giành độc lập” và nay theo lệnh trên, nó “giao” quyền làm chủ Côn Đảo cho tên Lê Văn Trà, kể từ ngày 28-5-1945. Tên Lê Văn Trà lắm lời ca tụng công đức của quân Nhật và quay người về hướng Đông tỏ lòng tôn kính Nhật hoàng.

Tối đó, anh em chúng tôi trao đổi, nhận thấy: Bọn Nhật làm lễ qua loa, không huy động đông người đến dự, nhất là những người tù cộng sản, vì không chỉ chúng ngại hàng ngũ chúng tôi chặt chẽ, thái độ bình tĩnh, mà cái chính là vì chúng đang thua to khắp nơi. Qua buổi lễ, anh em chúng tôi hiểu thêm sự lúng túng của quân Nhật, thấy được sự chỉ đạo của các đồng chí cấp trên là đúng. Chúng tôi hứa với nhau thực hiện tốt việc đoàn kết nội bộ, giữ nghiêm quy định đẩy mạnh việc vận động giải thích rộng rãi trong anh em tù, trong công chức và gia đình họ, kiên quyết đấu tranh với những người tù thân Nhật và bọn phản động làm tay sai cho địch.

Tối hôm trước, anh em chúng tôi ăn mừng Hồng quân Liên Xô thắng trận buộc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, quân phát xít Nhật thua to ở Thái Bình Dương. Sáng hôm qua, được tin quân Nhật hoảng hốt đập điện đài, bình ắc quy, ném súng, đạn xuống biển. Sĩ quan, binh sĩ, kẻ trước đứa sau kéo nhau xuống tàu chạy, bỏ lại bọn chúa đảo và cả những tên tay sai đắc lực như Phan Khắc Sửu, Đào Duy Phiện...

Từ đó trở đi, các khám lớn nhỏ, các banh đều mở cửa cả ngày đêm. Việc nấu ăn, anh em mình tự lo liệu. Các khám đi lại thăm hỏi lẫn nhau. Anh em tổ chức tuyên truyền giải thích tình hình cho công nhân viên chức và tù thường phạm, tổ chức biểu diễn văn nghệ, kiên trì thuyết phục số tù nhân các đảng phái phản động. Anh em đau yếu được chăm sóc chu đáo. Chúng tôi còn đi thăm mộ của các đồng chí đã hy sinh.

Sáng ngày 2-9-1945, vẫn như những buổi sáng mọi lần, anh em tù đang ngồi bàn luận tình hình chiến sự thì một đồng chí bước vào, nói to:

- Tin mừng, tin mừng lắm, vĩ đại lắm! Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!

Mọi người đứng dậy, ôm lấy nhau, nhảy lên, thét to:

- Tổ quốc Việt Nam độc lập, độc lập rồi!

Khắp các khám trong banh, mọi người chạy đến ôm lấy nhau, cùng nhảy lên, cùng hô vang.

Tên sếp banh và mấy tên mã tà chẳng rõ đầu đuôi thế nào. Khi được anh em báo tin, tên sếp banh mặt xịu xuống, còn mấy người mã tà vỗ tay chúc mừng chúng tôi.

Khó diễn tả hết tâm trạng vui mừng của chúng tôi. Đêm không ngủ. Mừng quá, phấn khởi quá. Tổ quốc Việt Nam độc lập! Những gì tủi nhục sẽ qua, những gì ước mơ sẽ đến!

Cái mơ ước đầu tiên của chúng tôi đã được thực hiện - Đó là ngày 18-9-1945, chúng tôi đã nhìn thấy lá cờ Tổ quốc trên đoàn tàu từ đất liền ra Côn Đảo đón tù chính trị trở về. Nửa buổi sáng hôm ấy, anh em rủ nhau ra ngồi dọc bãi biển, mặc trời nắng, ngước trông ra biển về hướng tàu sẽ vào.

- Tàu đến rồi! Cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên cột tàu kia rồi! Sướng quá trời đất ơi! Sướng quá! Lá cờ Tổ quốc đấy rồi.

Chúng tôi cùng reo lên, tranh nhau nhìn, nhảy lên ôm chầm lấy nhau. Rồi nước mắt lại chảy nhưng không ai muốn lau, tay cứ chỉ, mắt cứ nhìn theo lá quốc kỳ khi con tàu chuyển hướng dần dần vào bến.

Sung sướng quá, phấn khởi quá, nhiều anh em đồng thanh hô vang:

- Tổ quốc Việt Nam độc lập muôn năm! Muôn năm!

P.V

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-ngay-cach-mang-thang-tam-o-nha-tu-con-dao/